FECON bắt tay đối tác Nhật Bản thành lập liên doanh sản xuất vỏ hầm tàu điện ngầm
Công ty CP FECON, cùng với Công ty CP VLXD Sông Đáy, và các đối tác Nhật Bản là Nippon Concrete, Asahi Concrete và Global Works đã ký Biên bản ghi nhớ về việc đầu tư thành lập liên doanh sản xuất vỏ hầm tàu điện ngầm tại Việt Nam.
FECON cho biết, liên doanh có vốn điều lệ là 6 triệu USD, với tỉ lệ góp vốn các bên là Nippon Concrete chiếm 50,5%, Sông Đáy: 24,5%, FECON 24,5% và Asahi Concrete 0,5%. Địa điểm đặt nhà máy dự kiến là tại Bắc Ninh.
Theo kế hoạch, tháng 12/2018, các bên sẽ ký thỏa thuận thành lập liên doanh, và tháng 3/2019 sẽ đăng ký thành lập công ty.
Tại lễ ký kết, phía Nhật Bản đánh giá cao triển vọng của công ty liên doanh sắp tới tại thị trường Việt Nam. Nhờ việc thúc đẩy các chính sách hợp tác kinh tế quốc tế, những năm gần đây Việt Nam duy trì được nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong đó, các tuyến tàu điện ngầm được quan tâm đặc biệt, dự kiến riêng tại Hà Nội, tới đây sẽ có 7 tuyến tàu điện ngầm, ngoài vốn trong nước, còn có một lượng vốn lớn ODA của Nhật Bản rót vào lĩnh vực này.
Trước đó, năm 2016, phía FECON đã có ý định đầu tư và cũng đã thử nghiệm sản xuất thành công bê tông vỏ hầm cho các dự án tàu điện ngầm. Đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, FECON khi ấy đã kỳ vọng, với quyết tâm đóng góp cho sự phát triển bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam, doanh nghiệp đang từng bước góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án hạ tầng có yêu cầu kỹ thuật cao mà từ trước đến nay đa phần dành cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện.
Được biết, Nippon Concrete là công ty chuyên sản xuất bê tông vỏ hầm tàu điện ngầm hàng đầu Nhật Bản với 70 năm hoạt động. Asahi là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cống hộp, bể chứa và Global Works là công ty chuyên về tư vấn, khảo sát và thẩm định công trình bê tông đang sử dụng. FECON là nhà thầu Việt Nam đầu tiên tham gia vận hành robot khoan hầm tại một dự án xây dựng hầm tàu điện ngầm (Metro Line 1 TPHCM đoạn Bến Thành Suối Tiên). Sông Đáy là doanh nghiệp chuyên sản xuất cống bê tông và các cấu kiện bê tông đúc sẵn có nhiều năm kinh nghiệm và có thương hiệu uy tín trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Video đang HOT
Bình An
Theo Trí thức trẻ
Công trình ngầm dưới lòng đất: Xu thế tất yếu, lợi ích bất ngờ
Xây dựng công trình ngầm là yếu tố cần thiết trong đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Các công trình ngầm được khai thác tối đa và đảm bảo sự kết nối giữa phần ngầm và phần nổi, cần quy hoạch tổng thể rõ ràng và tầm nhìn sâu rộng.
Thành phố trong thành phố
Hình dung về sự kết nối của các thành phố ngầm dưới lòng đất nhiều người thường nghĩ tới PATH - Toronto - nơi được mệnh danh là "thành phố trong thành phố". Khu phức hợp thương mại ngầm này phục vụ nhu cầu hàng ngày cho hơn 100.000 người, và được bao quanh bởi hai đường tàu điện ngầm, sáu trạm ga, một nhà ga đầu cuối quá cảnh khu vực và một bến xe buýt quốc gia kết nối hơn 50 tòa tháp văn phòng và các tòa nhà, 6 khách sạn lớn, 2 cưa hàng bách hóa lớn, hơn 20 nhà để xe đậu xe ngầm và các địa điểm quan trọng khác.
Trung tâm Mua sắm ngầm PATH trải dài từ phố Harbour tới phố College, trong khu vực trung tâm thành phố Toronto. Có hơn 125 lối vào trên mặt đất.
Một góc trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất PATH tại Toronto - Canada.
Hay như ở Singapore - một đất nước luôn trong tình trạng thiếu đất và phải khai thác tối đa quỹ đất, đã biến các thành phố ngầm trở thành kiến trúc điển hình.
Quy hoạch của Chính phủ Singapore khá rõ ràng khi phân tầng con đường đi xuống lòng đất. Cụ thể, tầng thứ nhất từ 1-3m là đường dành cho người đi bộ kết nối từ điểm này sang điểm khác. Tầng thứ hai 5-50 m là đường hầm dịch vụ chung chạy cáp viễn thông, đường ống nước, đường dây điện. Tầng thứ ba dành cho tàu điện ngầm MRT và hầm cho xe cộ lưu thông. Tầng thứ ba 100m và sâu hơn là kho đạn dược dưới lòng đất.
Những công trình ngầm điển hình ở Canada hay Singapore phần nào đã phản ánh xu hướng phát triển của các đô thị hiện đại, có quỹ đất eo hẹp.
Ga tàu điện ngầm ở Singapore.
Từng là kiến trúc sư trưởng của TP Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam, cho rằng việc kết nối giữa không gian ngầm với công trình trên mặt đất một cách thuận tiện là yêu cầu bắt buộc. Xu thế các nước là kết hợp giữa trung tâm thương mại, giao thông ngầm, nổi...
Ở Hà Nội, cơ quan chức năng xác định xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả phần nổi và ngầm nhưng quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn do quy hoạch không gian ngầm chưa rõ.
Còn theo GS Nguyễn Quang Phích - Chủ tịch Hội Công trình ngầm Việt Nam, chưa có TP nào ở Việt Nam xây dựng được quy hoạch tổng thể, lâu dài không gian ngầm. Thường chỉ làm quy hoạch ngắn, chưa chú ý đến quy mô phát triển lâu dài không gian ngầm.
Thực tế nhiều nước phát triển cũng đã trải qua các giai đoạn quy hoạch manh mún như ở nước ta hiện nay và gặp khó khăn khi có nhu cầu sử dụng không gian ngầm nhiều hơn. Và theo GS Phích để tránh tình trạng này cần có quy hoạch tổng thể rõ ràng và lâu dài hơn.
Công trình ngầm đem lại lợi ích gì?
Lý giải về việc thiếu quy hoạch tổng thể, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện nay, nhiều công trình có phần ngầm dưới mặt đất nhưng chưa có dữ liệu. Trong khi đó, điều kiện địa chất, thủy văn của Hà Nội cũng rất phức tạp, nhất là khu phố cổ.
Bên cạnh đó TS Nghiêm cũng cho rằng cơ sở pháp lý về khai thác và sử dụng không gian ngầm vẫn còn thiếu. Nếu như trên mặt đất, chúng ta có nhiều công cụ để quản lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, thì những công trình ngầm chưa có cơ chế, quy định cụ thể để thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của chủ đầu tư về khai thác công trình ngầm như thế nào.
Bàn về nguyên tắc quy hoạch các đô thị, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để khai thác các công trình ngầm, cần định hướng cụ thể về nhu cầu sử dụng dựa theo tốc độ phát triển kinh tế và đô thị. Ví dụ, với 0,3% đất tự nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số 3% thì cần bao nhiêu công trình ngầm và bao nhiêu công trình nổi.
Còn KTS Trần Huy Ánh - Hội kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng người Singapore làm được những công trình ngầm quy mô là bởi họ dựa vào lực lượng chuyên gia trong nước rất mạnh. Ngay trong quá trình nghiên cứu, họ đã đưa ra các tình huống rủi ro, tình huống cạnh tranh, công kỹ nghệ để lựa chọn những giải pháp tốt nhất, họ tích hợp nhiều giá trị, công năng sử dụng trong cùng một công trình, một diện tích sử dụng.
Đường tàu điện ngầm tại trung tâm TP.HCM.
Tất cả những điều đó họ nghiên cứu hàng chục năm rồi mới thực hiện. Kiến trúc sư trưởng người Sing Lưu Thái Cơ từng nói: Làm quy hoạch đừng nghĩ đến tiền mà hãy nghĩ xem quy hoạch sẽ đem lại gì cho cư dân ở thành phố đó.
Còn tại Việt Nam, giới chuyên môn cũng đánh giá cao nhiều nhà thầu có đủ năng lực tốt để thực hiện các công trình ngầm. Trong đó, hiện nay FECON là một trong những đơn vị có sự chuẩn bị khá chu đáo về nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị thi công để sẵn sàng thực thi các dự án lớn.
Câu chuyện còn lại là sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm từ của các cơ quan quản lý nhà nước để Việt Nam có thể "tiến vào lòng đất", làm chủ không gian ngầm.
Bình An
Theo Trí thức trẻ
1 km tàu điện ngầm tại Việt Nam tốn khoảng 100 triệu USD, nhưng sẽ là bài toán giúp các đô thị phát triển bền vững Các công trình ngầm đã rất phổ biến ở các nước phát triển, tuy nhiên, ở Việt Nam hiện mới đang hình thành. Tiến vào lòng đất đang là cách để gỡ rối, giúp các đô thị phát triển bền vững. Vì thế, các dự án công trình ngầm đang trở thành giải pháp cho những bài toán khó trên mặt đất khi...