Facebook và Google sẽ “nghỉ chơi” Việt Nam?
Nhiều người dùng internet tại Việt Nam đang lo lắng không còn được lướt Facebook và tra Google.
Nhọc nhằn chuyện máy chủ và quản lý dữ liệu
Liên quan tới dự thảo Luật An ninh mạng đang gây nhiều tranh cãi ở khoản 4, điều 34, các chuyên gia công nghệ cùng nhận định là quy định này sẽ đặt ra nhiều điều kiện để các dịch vụ quốc tế (trong đó có Google và Facebook) hoạt động được tại Việt Nam, nhưng để thực hiện thì khó khả thi.
Cụ thể, khoản 4, điều 34 Luật An ninh mạng quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật”.
Về hoạt động của Facebook và Google tại Việt Nam, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, những “ông lớn” này chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng đã và đang thuê máy chủ ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ truy cho người dùng trong nước. Tuy nhiên, các bên cho thuê ở Việt Nam không chịu trách nhiệm với nội dung mà khách hàng quốc tế cung cấp.
Google và Facebook là 2 gã khổng lồ trên internet.
Trong khi đó, chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước cho rằng, thuê cơ sở hạ tầng và quản lý hoạt động là hai việc khác nhau. “Giống như người cho thuê nhà không thể chịu trách nhiệm về những gì người thuê nhà làm. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể thuê máy chủ ở Việt Nam theo nhu cầu kinh doanh nhưng không đồng nghĩa với việc họ chấp nhận để Việt Nam kiểm soát cơ sở dữ liệu của họ”, ông Phước nói.
Video đang HOT
Theo ông Phước, nếu hai bên quan hệ tốt, các doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác cung cấp những thông tin mà nhà chức trách sở tại cần trong những trường hợp cụ thể phù hợp với công pháp và thông lệ quốc tế. Vì thế, thay vì đặt ra một điều kiện bắt buộc mang tính hành chính áp đặt, ta nên để cho doanh nghiệp nước ngoài quyết định đặt máy chủ ở đâu theo nhu cầu kinh doanh của họ.
“Việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý dữ liệu sẽ được sử dụng ra sao, đó mới chính là mục đích của bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin. Việc bắt buộc phải đặt máy chủ ở nơi quy định không chỉ không phù hợp mà còn không khả thi trong kỷ nguyên “đám mây”. Hơn nữa, dữ liệu của các doanh nghiệp sẽ an toàn hơn khi đặt ở những trung tâm dữ liệu có độ an toàn cao về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng để phòng ngừa thiên tai và các sự cố không mong muốn khác”, ông Phước phân tích.
Đừng lo Facebook, Google “nghỉ chơi” Việt Nam!
Chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước cũng trấn an người dùng internet tại Việt Nam không cần phải lo lắng về viễn cảnh không được dùng Facebook, Google. Facebook có một lượng người dùng “khổng lồ” (hơn 32 triệu người dùng mỗi ngày, 51 triệu người dùng mỗi tháng) thì chắc chắn không thể bỏ thị trường này, bởi bản chất Facebook cũng là kinh doanh. Riêng Google thì họ còn có lượng người dùng lớn hơn nữa.
Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena.
Còn ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho rằng, mục đích của Luật An ninh mạng là để tăng cường kiểm soát, giám sát các hoạt động trên mạng internet.
“Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay đã có Luật An toàn thông tin và đã có hiệu lực hơn 1 năm. Tôi chưa thấy sự khác biệt giữa Luật An toàn thông tin và dự thảo Luật An ninh mạng, nên sẽ có sự chồng chéo về luật, khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, tôi nghĩ nên ghép hai luật này lại”, ông Thắng góp ý.
Về các quy định như dự thảo Luật An ninh mạng, theo ông Thắng, áp dụng đối với các công ty Việt Nam thì không quá khó; nhưng đối với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ làm việc trong thế giới phẳng như Facebook, Google,…. là rất khó. Điều này thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT khi muốn vào thị trường Mỹ.
Để hiểu rõ hơn phản ứng của Facebook và Google, phóng viên đã gửi câu hỏi tới đại diện của các công ty trên. Đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam cho biết đã chuyển thông tin tới người có quyền phát ngôn và sẽ cung cấp thông tin sau; trong khi đó, người đại diện của Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Theo Danviet.vn
Dự thảo Luật An ninh mạng "sờ gáy" Google, Facebook
Dự thảo Luật An ninh mạng được đánh giá là có nhiều bất cập mà có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Google và Facebook tại Việt Nam.
Sau 14 lần chỉnh sửa, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang dần hoàn thiện. Theo lộ trình, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV.
Tuy nhiên, khoản 4, điều 34 trong dự thảo luật này đang gây nhiều tranh cãi. Cụ thể quy định đó là: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật".
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước (người sáng lập tạp chí tin học nổi tiếng e-CHÍP và từng nhiều lần nhận danh hiệu cống hiến MVP của Microsoft), đối tượng mà quy định trên chi phối rất rộng, gồm toàn bộ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, trong đó Facebook và Google là hai đối tượng đáng quan tâm nhất hiện nay.
Chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước.
Ông Phước cho rằng, mạng internet có đặc thù là mạng thông tin kết nối toàn cầu trên không gian mạng, nghĩa là không bị phụ thuộc vào các ranh giới lãnh thổ. Các doanh nghiệp internet vì thế cũng là các đối tượng kinh doanh xuyên biên giới. Họ cung cấp các dịch vụ trên nền tảng không gian mạng và có người sử dụng ở khắp nơi trên thế giới, bất luận họ đang ở đâu miễn là có kết nối internet. Điều này có nghĩa cả nhà cung cấp lẫn người sử dụng đều không bị giới hạn bởi rào cản biên giới.
"Vì thế, việc buộc họ phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở một lãnh thổ cụ thể nào đó là chuyện khó khả thi và không phù hợp với đặc thù internet. Ngay cả luật định quốc tế cũng bảo vệ sự trong suốt, rộng mở của không gian mạng", ông Phước đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Phước, việc cần phải xin phép hoạt động và có văn phòng đại diện ở Việt Nam là điều cũng có thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp lớn có quy mô quốc tế nếu muốn làm ăn lâu dài và ổn định ở một nước nào đó, chắc chắn sẽ chọn cách chấp hành các quy định luật pháp của nước sở tại trong chừng mực hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Facebook là một trong những dịch vụ quốc tế sẽ có thể chịu ảnh hưởng bởi Luật An ninh mạng.
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2017, dựa trên ý kiến của các doanh nghiệp và giới chuyên môn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để góp ý đối với dự thảo Luật An ninh mạng. Trong đó, VCCI đưa ra nhận xét về hàng loạt quy định tại dự thảo mà họ cho rằng còn nhiều bất cập, chồng chéo, bất khả thi và gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế có hoạt động trên quy mô toàn cầu.
Không chỉ trái thông lệ quốc tế, mà theo VCCI, có những quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng trái với những cam kết quốc tế của Việt Nam. Cụ thể trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không bị hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể (nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam). Cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng có nội dung tương tự.
Ngay cả trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam ký kết tháng 2/2016, tại Khoản 2, Điều 14.13 của Chương Thương mại điện tử cũng có quy định cụ thể: "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".
Theo Danviet.vn
Microsoft, Nokia và Apple đánh giá Android ra sao cách nay 10 năm? Cách nay 10 năm, Google giới thiệu hệ điều hành dành riêng cho smartphone mang tên Android OS và nhanh chóng nhận được những đánh giá thấp đến từ các ông lớn công nghệ. Android đang từng bước khẳng định vị thế để trở thành hệ điều hành di động hàng đầu. ẢNH: AFP Theo PhoneArena, khi đó, Android OS là nền tảng...