Duy trì và phát triển học trực tuyến ngay cả sau đại dịch COVID
Hành trình chuyển đổi số tại trường Nguyễn Tất Thành là một chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy cảm hứng, mang lại niềm tự hào.
“Chúng tôi vẫn đang phát triển và duy trì dạy học trực tuyến, bởi chúng tôi mong muốn mở rộng không gian học tập để học sinh có thể tự học, mở rộng quá trình tương tác giữa học sinh và giáo viên, giữa học sinh với học sinh. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở nơi đâu, học sinh đều có thể tương tác với giáo viên để chiếm lĩnh tri thức”.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tại Lễ phát động Diễn đàn đổi mới sáng tạo Giáo dục Việt Nam (E2 Việt Nam) 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua.
Hành trình vượt khó, kiên nhẫn và sáng tạo
Diễn đàn lần này đã lắng nghe nhiều chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý cũng như lãnh đạo của một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước về chuyển đổi số trong trường học. Trong đó, câu chuyện về chuyển đổi số thành công tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành đã thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây cũng là 1 trong 12 trường học được vinh danh và trao chứng nhận Trường học điển hình Microsoft ( Microsoft Showcase School) năm học 2022-2023.
TS. Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ về Hành trình chuyển đổi số của nhà trường
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hành trình chuyển đổi số tại trường Nguyễn Tất Thành là một chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy cảm hứng, mang lại niềm tự hào cho nhà trường khi có thể chinh phục, làm chủ được công nghệ.
“Mục đích của chuyển đổi số là thay đổi cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành theo hướng quản lý công việc trên nền tảng công nghệ số. Đồng thời, tổ chức số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu số. Từ đó, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học hướng đến xây dựng xã hội học tập”, bà Thu Anh chia sẻ.
Video đang HOT
Ngay từ năm 2018, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, trường Nguyễn Tất Thành đã chủ động tìm hiểu về cách thức khai thác công nghệ thông tin trong quản trị trường học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Sau khi dự tập huấn MIEE năm 2018, cô Thu Anh cho hay, nhà trường đã quyết định chọn Microsoft Office 365 là công cụ chuyển đổi số của trường.
Thời điểm đó, nhà trường phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn tài chính để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, thiết kế hệ thống quản trị phù hợp với đa người dùng, thay đổi nhận thức (tư tưởng ngại học), cách thức quản lý (thủ tục hành chính, văn bản in), thói quen dạy học trực tiếp…
Nhưng ngay từ ngày đầu, nhà trường đã xây dựng các yêu cầu tối thiểu mà giáo viên phải đáp ứng khi dạy học online. Theo đó, giáo viên có thể gửi tài liệu, nhiệm vụ học tập trước giờ học vào Microsoft Teams để học sinh nghiên cứu trước, sau đó nộp sản phẩm học tập của mình lên Teams của lớp học.
Trước đây, trong quá trình tổ chức dạy học các thầy cô không sử dụng nhiều ứng dụng thông minh nhưng giờ đây, họ có thể sửa và chữa bài học sinh ngay trên màn hình máy tính. Các thầy cô cần chuẩn bị slide bài giảng, học liệu rõ ràng, gửi cho học sinh keyword (từ khóa) bài học, điều đó giúp hiệu quả học tăng lên rất nhiều. Khi tổ chức dạy học, nhà trường cũng rất coi trọng việc ghi âm bài giảng. Nếu giáo viên quên ghi âm thì có hệ thống quản lý vào ghi hộ. Việc ghi lại bài giảng khuyến khích thầy cô chuẩn bị bài giảng chu đáo, làm gia tăng hiệu quả giảng dạy và đồng thời giúp học sinh có thể xem lại bài giảng dễ dàng.
Ngoài ra, bà Thu Anh cũng chia sẻ: “Không chỉ sử dụng Microsoft Teams để tổ chức dạy học, mỗi giáo viên có thể tự học rất nhiều kiến thức thú vị trên trang Microsoft Learn. Cá nhân tôi bị hấp dẫn bởi nguồn kiến thức khổng lồ trên Microsoft Learn và luôn tiếc vì tôi không đủ thời gian để học”.
Tiến sĩ Thu Anh cho rằng, hành trình chuyển đổi số tại nhà trường cũng không phải chỉ diễn ra trong “ngày một, ngày hai” mà đó là cả một quá trình chuẩn bị công phu, bài bản với khát vọng cháy bỏng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để chiếm lĩnh công nghệ.
Hết dịch những vẫn duy trì, phát triển dạy học trực tuyến
Một vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đưa ra thảo luận, “mổ xẻ” là khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, học sinh trở lại học trực tiếp tại trường thì những nền tảng công nghệ để giảng dạy trực tuyến trước đó sẽ ra sao? Thực tế đã có nhiều trường sau khi đón học sinh trở lại trường học đã “xóa sổ” những kỹ năng học trực tuyến vốn được xây dựng, áp dụng trong suốt hai năm dịch bệnh.
Học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo “Vitamin hạnh phúc” – một hoạt động trực tuyến đầy ý nghĩa được trường Nguyễn Tất Thành tổ chức trong giai đoạn đại dịch
Về vấn đề này, Tiến sĩ Thu Anh cho rằng: “Chúng tôi vẫn đang phát triển và duy trì dạy học trực tuyến, bởi chúng tôi mong muốn mở rộng không gian học tập để học sinh có thể tự học, mở rộng quá trình tương tác giữa học sinh và giáo viên, giữa học sinh với học sinh. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở nơi đâu, học sinh đều có thể tương tác với giáo viên để chiếm lĩnh tri thức”.
Vì vậy, đầu tiên, nhà trường phải xây dựng kế hoạch của năm học, thông qua hội đồng nhà trường, tất cả mọi người cùng đồng thuận để triển khai. Trong năm học 2022-2023, chỉ riêng Khối trung học phổ thông các tổ chuyên môn đã thiết kế hơn 600 chủ đề dạy học được triển khai trên Microsoft Teams. Thầy cô hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh trên lớp, nhưng sản phẩm học tập nộp trên Microsoft Teams.
Qua đó, học sinh có thể đánh giá sản phẩm học tập của bạn, học cách tiếp cận thú vị của bạn và góp ý cho bạn, giáo viên dễ dàng góp ý để học sinh hoàn thiện sản phẩm học tập và chấm bài cho các em bất cứ lúc nào.
Đối với giáo viên và học sinh trường Nguyễn Tất Thành, Microsoft Teams không chỉ là một kênh giảng dạy và học tập trực tuyến mà đó cũng là nơi nhà trường triển khai nhiều hoạt động giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm các lớp dễ dàng tổ chức cuộc thi ảnh về những việc làm tốt, những cử chỉ ấm áp, hành động tri ân những người phụ nữ trong gia đình nhân dịp 20/10… Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các em học sinh. Cha mẹ học sinh cùng tích cực tham gia, vui sướng đón nhận tình cảm ấm áp, quan tâm của con và hạnh phúc ghi nhận sự trưởng thành của con khi học tập dưới mái trường Nguyễn Tất Thành.
“Duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục trực tuyến sẽ giúp cho học sinh, giáo viên, tăng cường sự tương tác lẫn nhau và phát triển các kỹ năng học tập trực tuyến. Thực tế, sử dụng Microsoft Teams đã giúp nhà trường lựa chọn đa dạng hình thức tổ chức và nâng cao hiệu quả của các hoạt động giáo dục. Nếu chỉ tổ chức tại trường, không gian và thời gian bị bó hẹp, học sinh sẽ phải đến trường, còn với Microsoft Teams thì bất kỳ lúc nào cũng có thể triển khai các hoạt động”, bà chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành thì “quả ngọt” của gần 5 năm thực hiện chuyển đổi số là nhà trường đã có 69 giáo viên đạt chứng chỉ Microsoft Certified Educator (MCE), 49 giáo viên được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE), cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng học tập trong và ngoài nhà trường.
“Thầy cô giáo phụ trách về quản trị toàn hệ thống ở trường tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Microsoft Việt Nam để đề xuất điều chỉnh, thay đổi các tính năng trên Microsoft phù hợp với thực tiễn dạy – học trực tuyến. Microsoft toàn cầu luôn có sự cải tiến tốt hơn về mặt kỹ thuật, giúp cho việc tương tác trực tuyến trên Microsoft Teams trở nên dễ dàng hơn. Đó chính là động lực giúp chúng tôi phát triển các hoạt động giáo dục trực tuyến của trường mình”, bà Thu Anh bổ sung.
Nền tảng vững chắc
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc các ngành, lĩnh vực phải thay đổi để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xã hội số.
Ảnh minh họa Internet.
Là một trong 8 lĩnh vực trọng điểm của chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ giúp nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực, mà còn góp phần đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời, nâng cao chất lượng dạy học. Thời gian qua, ngành Giáo dục tích cực trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử. Toàn ngành đã đạt được thành quả đáng khích lệ, như việc học, thi, tuyển sinh trực tuyến, xây dựng kho tài nguyên số và hệ thống dữ liệu ngành...
Tuy vậy hành trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục vẫn đối diện nhiều rào cản, từ chi phí đầu tư, nguồn lực công nghệ, nhân lực triển khai, cho đến đổi mới phương pháp... Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là vấn đề liên quan đến nhân lực: Văn hóa và con người. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc từng nhấn mạnh: "Vấn đề khó nhất để thực hiện việc chuyển đổi số thành công trong toàn ngành không phải ở công nghệ, mà nằm ở yếu tố con người".
Trong quá trình chuyển đổi số, con người đóng vai trò dẫn dắt và tham gia trực tiếp, từ xây dựng kế hoạch, lộ trình đến triển khai thực hiện. Thế nhưng, thực tế cho thấy đến nay, tại nhiều cơ sở giáo dục, tư duy của đội ngũ quản lý và thầy cô giáo, nhân viên chưa sẵn sàng đồng bộ cho việc này.
Cán bộ, nhân viên quản lý và trong các bộ phận hỗ trợ thiếu hoặc không đủ khả năng triển khai sử dụng các nền tảng số. Đội ngũ giáo viên, đặc biệt trung niên, có nhiều kinh nghiệm nhưng tiếp xúc hạn chế với công nghệ, có trình độ kỹ thuật số thấp. Do chưa được chia sẻ, nắm bắt thông tin đầy đủ, chưa hiểu đúng về chiến lược và mục tiêu của đơn vị trong công cuộc chuyển đổi số nên ở không ít nơi tập thể sư phạm thiếu sự cam kết và đồng hành, tinh thần quyết tâm chưa cao. Không ít cán bộ, giáo viên bày tỏ lo lắng về sự cạnh tranh của công nghệ.
Nhiều thói quen trong văn hóa nhà trường đã và đang trở thành lực cản cho chuyển đổi số như tâm lý ngại thay đổi, tình trạng thiếu dân chủ, thói quen không phản hồi của lãnh đạo... Chuyển đổi số đòi hỏi việc xử lý thông tin nhanh chóng, ngay tức thì nhưng có nơi lãnh đạo khi nhận thông tin hoặc email của nhân viên lại không phản hồi khiến thông tin bị trôi đi, cấp dưới thì e ngại nhắc nhở. Chuyển đổi số đòi hỏi tính liên tục, dữ liệu đầu vào có ngay khi phát sinh và không thể truy hồi, trong lúc ở nhiều cơ sở nhân viên, giáo viên vẫn dồn việc, để "nước đến chân mới nhảy". Chuyển đổi số đòi hỏi sự rành mạch và bằng chứng cụ thể trong lúc ở nhiều đơn vị vẫn tồn tại phổ biến những báo cáo kiểu chung chung...
Chuyển đổi số là vấn đề mới, chưa có mô hình thành công tương tự trong nước để học tập, đòi hỏi ngành Giáo dục phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những rào cản về văn hóa, con người phát sinh trong quá trình này là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng là phải nhận diện được rào cản và có cơ chế để vượt qua. Để chuyển đổi số thành công rất cần sự đồng thuận, quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn của mỗi giáo viên, nhà trường. Vì thế, song song với việc trang bị, cập nhật thiết bị công nghệ, nâng cao nhận thức, tầm nhìn, tăng cường huấn luyện về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cần là việc làm đầu tiên và thường xuyên. Bởi con người và văn hóa phù hợp chính là nền tảng vững chắc quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số.
Bộ GD&ĐT tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số tới các sở Ngày 8/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Quang cảnh hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT kết nối trực tuyến tới các điểm cầu là các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục....