Đường lưỡi bò Trung Quốc ‘liếm’ cả Biển Đông lẫn Hoa Đông?
Đầu năm 2013, Trung Quốc đã kéo dài “đường lưỡi bò” phi pháp lên 10 đoạn, chồng lấn vào cả Đài Loan, tiếp tục gây sóng gió trên Biển Đông. Song bên cạnh đó, theo Strategist, đây có thể là nước cờ mở đường cho những toan tính khó lường của Bắc Kinh trên Hoa Đông.
Trên Strategist, Euan Graham – chuyên gia an ninh hàng hải, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang Singapore – cho rằng: sự mơ hồ về vị trí của các vạch mà Trung Quốc đơn phương định ra trên các bản đồ lưỡi bò lại mang một ý đồ chính trị. Theo ông, việc bản đồ lưỡi bò 10 đoạn mới được chính Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) ấn hành hồi tháng 1/2013 đồng nghĩa với việc nó đã được phê duyệt. Hay nói cách khác, động thái này tiếp tục thể hiện quan điểm không thay đổi của chính quyền Bắc Kinh về cái được gọi là “chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với Biển Đông”. Điều này rõ ràng không đồng nhất với các tuyên bố mang tính “hợp tác” hình thức mà chính các quan chức nước này đưa ra trước đó.
Bản đồ “lưỡi bò” 10 đoạn được Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) phát hành hồi đầu năm 2013. Ảnh: Strategist
Video đang HOT
Song, vạch thứ 10 không chỉ đơn giản là lấn thêm vào Đài Loan – tiếp nối nhịp độ duy trì chính sách “một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh. Giáo sư Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales từng nhận định trên tờ GMA của Philippines rằng: “Tầm quan trọng của bản đồ mới nhất ở Biển Đông không nằm ở 10 vạch mà chính là việc định danh thêm căn cứ chủ quyền ở Biển Đông mà chúng đã không được liệt kê trên bản đồ trước đó. Chẳng hạn như rạn san hô, bãi cát ngầm cũng như đá, đảo nhỏ và hải đảo đã được đưa vào bản đồ mới để làm cơ sở cho các yêu sách pháp lý của Bắc Kinh”.
Trước đó Trung Quốc vẫn duy trì “đường lưỡi bò” phi pháp bao gồm 9 vạch chồng lấn lên chủ quyền các nước trong khu vực. Ảnh: Strategist
Tuy nhiên, khi xét kỹ hơn, có thể thấy vạch thứ 10 này đã “động chạm” tới Nhật Bản khi “đường lưỡi bò” đang ngày càng gần với hòn đảo cực tây của nước này, đảo Yonaguni – nằm trong chuỗi đảo Ryukyu trên biển Hoa Đông (cách Đài Loan khoảng 70km). Tuy Yonaguni không bị Trung Quốc giành giật chủ quyền như Senkaku nhưng về bản chất, vạch thứ 10 trên bản đồ mới của Trung Quốc đang phủ một bóng đen lên hòn đảo này, ông Euan Graham nhận định.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp có các động thái khó lường trên Hoa Đông. Mới nhất, hơn 3.000 tàu cá của nước này đã ùa vào vùng biển này để đánh bắt cá sau khi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè kết thúc. Trước đó khoảng một tuần, lần lượt cả chiến đấu cơ, máy bay không người lái và các tàu tuần tra, hải cảnh đã lặp lại các kịch bản quấy rối không phận, hải phận gần Senkaku. Vụ quấy rối mới nhất diễn ra trong sáng ngày 19/9 khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo hai tàu Trung Quốc tiếp tục tiến vào vùng biển gần Senkaku. Đứng trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố có thể bắn hạ bất kỳ máy bay không người lái nào xâm phạm không phận Nhật. Đáp trả, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 18/9 lớn tiếng cho rằng: Trung Quốc sẽ xem xét bảo vệ lãnh thổ nhóm đảo của mình và yêu cầu Nhật tôn trọng lịch sử!
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông
Trong khi đó, Đài Loan cũng không ít lần tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku hiện dưới sự quản lý của Nhật Bản. Song song với đó, hòn đảo này cũng duy trì mật độ xuất hiện trên các vùng biển tranh chấp tại Hoa Đông bằng các đợt tuần tra bất thường. Dù khẳng định sẽ không “liên thủ” với Trung Quốc trên vùng biển này, song có thể thấy Đài Loan đang có xu hướng trôi về đại lục với các chính sách thân Trung dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu. Chính quyền Bắc Kinh cũng không ngừng tung ra các chiêu bài kinh tế nhằm “trói buộc” Đài Bắc. Theo Diplomat, các thỏa thuận hợp tác đôi bên ngày càng tăng cả về số lượng lẫn tầm cỡ. Thậm chí, tờ SCMP dẫn lời nhà bình luận chính trị tại Đài Loan Vương Hạnh Khánh còn cho biết: đã xuất hiện nhiều dấu hiệu Đài Loan chấp nhận chính sách một nước Trung Quốc.
Chính vì vậy, dù 9 vạch còn lại không có gì mới so với các bản đồ trước đây, nhưng vạch thứ 10 bao trùm Đài Loan lại đang bập bùng những nguy cơ khó lường cho cả Biển Đông và Hoa Đông – hai vùng biển mà Trung Quốc đang ráo riết đòi chủ quyền, tờ Strategist bình luận.
Theo cổng thông tin China.org, tàu lặn Giao Long của Trung Quốc đã chính thức kết thúc 2 tháng “nghiên cứu” Thái Bình Dương. Trong suốt hành trình của mình, Giao Long đã sục sạo khắp các vùng biển, trong đó có Biển Đông, để thu thập các thông tin mà truyền thông nước này khẳng định là phục vụ cho mục đích “nghiên cứu đại dương”.
Trong một diễn biến khác, Nhân dân Nhật báo ngày 18/9 cho biết một Hạm đội của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở một địa điểm bí mật trên Thái Bình Dương khi trở về căn cứ từ Hawaii (Mỹ). Hoạt động này diễn ra song song với hai cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ với Philippines và Malaysia trên Biển Đông.
Theo Sông mới