“Đường lưỡi bò” của TQ đe dọa 70% vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Tờ Defense News ngày 28/3 dẫn lời ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với trên 80% Biển Đông đang đe dọa 70% vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
(Ảnh minh họa: Wikimedia commons)
Tiến Sĩ Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) tổ chức tại Paris, Pháp ngày 23/3.
Theo ông Tuấn, an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế của Việt Nam gắn liền với cuộc tranh chấp đầy rủi ro ở Biển Đông với Trung Quốc, một láng giềng khổng lồ với các chính sách rất khó dự đoán.
“Một cuộc đối đầu ở Biển Đông có thể gây tổn hại nhiều hơn bất kỳ một cuộc chiến, một cuộc đối đầu nào từng xảy ra trong quá khứ”, Tiến sĩ Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với trên 80% Biển Đông đang đe dọa 70% vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đường bờ biển dài của Việt Nam đặt ra vấn đề an ninh quốc gia và “an ninh con người”, xuất phát từ sự phụ thuộc vào đánh bắt để lấy thực phẩm. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu kinh tế biển chiếm tới 60% GDP vào năm 2025.
“Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ không được tôn trọng, điều đó sẽ làm tổn hại tới nền kinh tế”, ông Tuấn nói.
Đối với Việt Nam, an ninh, chủ quyền quốc gia và sự độc lập về kinh tế là những thách an ninh then chốt và có liên quan tới nhau, theo ông Tuấn. “Quốc phòng đòi hỏi rất nhiều tiền”, ông Tuấn cho biết, vì vậy cần phải đạt được sự phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng và an ninh lâu dài.
Sau Chiến tranh Triều Tiên và trong Chiến tranh Việt Nam, đã có sự phát triển mạnh về kinh tế tại châu Á. Nhưng nếu có một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc, có nhiều lý do để lo ngại, ông Tuấn nhận định.
Tất cả các quốc gia châu Á đều có tâm lý chống Trung Quốc ở mức cao, và “tất cả các nước trong khu vực đề được vũ trang đầy đủ”, ông Tuấn cho hay.
Video đang HOT
Theo ông Tuấn, Trung Quốc là một giềng rất lớn, rất khó chịu và khó đoán. Khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có triển khai một giàn khoan dầu thứ 2 ngoài khơi Việt Nam hay không, ông Tuấn nói: “Rất khó đoán liệu điều đó có xảy ra lần nữa hay không”.
Hồi năm 2013, Trung Quốc đã bất ngờ công bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, gây lo ngại cho Nhật và các láng giềng châu Á khác.
Xung đột sẽ ảnh hưởng tới vận tải biển
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra nhận định rằng nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông, điều đó sẽ ảnh hưởng tới vận tải biển của Liên minh châu Âu, trong đó có Pháp.
Đại sứ Pháp Christian Lechervy, thư ký thường trực về các vấn đề Thái Bình Dương, cho hay rủi ro xung đột ở Biển Đông sẽ lan sang các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, nước thụ thuộc vào giao thương hàng hải với châu Á. Các yếu tố chiến lược của Pháp cũng gắn với khu vực.
“Sự cơ động của các lực lượng Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự răn đe hạt nhân của chúng tôi”, ông Lechervy nói. “Căng thẳng gia tăng từ tranh chấp lãnh thổ và hàng hải là mối quan ngại đối với chúng tôi và các đồng minh trong khu vực. Chúng tôi hợp tác trong liên minh, đặc biệt là Mỹ và Úc”.
Còn bà Marie-Sybille de Vienne, phó giám đốc về quan hệ quốc tế tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông tại Pháp, cho rằng Trung Quốc không đối mặt với thách thức quân sự nào lớn trong khực. Theo bà, chi tiêu quân sự của ASEAN rất khiêm tốn. Singapore là một quốc gia công nghệ cao nhưng không thể thách thức Trung Quốc. Trong khi đó tại Nhật Bản, chính phủ đã khiến công chúng lo ngại về các kế hoạch nhằm áp dụng một chính sách quân sự năng động hơn là duy trì lực lượng phòng vệ để bảo vệ quốc gia.
Theo bà Vienne, việc thiếu một thỏa thuận giữa Việt Nam và Philippines ở Biển Đông cũng làm suy yếu bất kỳ cuộc thảo luận nào về một thác thức ngoại giao đối với Trung Quốc.
Việt Nam cũng bị phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, với giá trị nhập khẩu vào năm 2013 so với năm 2009. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 28% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam và dự kiến sẽ chiếm hơn 50% vào năm 2020, bà Vienne nói. Điều này gây khó khăn trong việc đối phó với Trung Quốc.
Đại sứ Pháp Lechervy cho hay khu vực Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt đối với Pháp. “Chúng tôi là một nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí trong khu vực. Việc bán các tàu ngầm và máy bay chiến đấu có liên quan trực tiếp tới Biển Đông, Hoa Đông và Thái Bình Dương”.
“Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Hoa Đông cũng gây ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế châu Âu”, ông Pierre Journoud, người đứng đầu chương trình của của IRSEM tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho hay.
Việt Nam và Pháp đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược vào tháng 9/2013, “tạo điều kiện để phát triển quan hệ, trong đó có các lĩnh vực an ninh và chính trị”, ông Journoud nói. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về an ninh của Việt trong các tranh chấp nói chung và tranh chấp biển nói riêng”.
Theo Đại sứ Lechervy, tăng trưởng kinh tế là nhân tố then chốt đối với sức mạnh quân sự. Nguyên soái Pháp thế kỷ 18 Maurice de Saxe từng nói có 3 điều bạn cần khi chuẩn bị chiến tranh, đó là tiền, tiền và tiền.
An Bình
Theo Dantri
Học giả Bỉ: "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý
Trang tin điện tử EPI ngày 11/3 đã đăng một bài viết về hội thảo chủ đề Biển Đông vừa được Đại học Tự do Brussels (ULB) tổ chức ở thủ đô Brussels của Bỉ.
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập mà nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bài báo cho biết với chủ đề "Biển Đông: Nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế," hội thảo do giáo sư luật Erik Franck, thành viên của Tòa trọng tài thường trực (PCA) chủ trì và quy tụ hơn 100 học giả là các luật gia về biển, nguyên thẩm phán tòa án quốc tế về luật Biển, các nhà nghiên cứu Biển Đông hàng đầu thế giới hiện nay, cùng các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Bộ ngoại giao Bỉ.
Các học giả đặc biệt quan tâm tới yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đưa ra từ năm 2009 và nhận định rằng "đường lưỡi bò" hoàn toàn thiếu các cơ sở pháp lý và cho đến nay Trung Quốc cũng chưa viện dẫn được tài liệu nào để chứng minh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo 4 chủ đề về đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lưu thông hàng hải, đảo và quần đảo và cuối cùng là các tranh chấp và giải pháp.
Theo bài báo, tại phiên bàn thảo về đánh bắt nguồn lợi hải sản, tiến sỹ Friedrich-Wieland, Trưởng bộ phận pháp lý thuộc Tổng vụ biển và đánh bắt hải sản của Ủy ban châu Âu (EC), cho rằng nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông đang bị khai thác cạn kiệt, tác động đến môi trường mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc thiếu phân định rõ ràng về chủ quyền.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác của các bên liên quan, tránh các hành động đơn phương và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Những xáo trộn tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến giao thương hàng hải quốc tế, trong đó có lợi ích của châu Âu bởi 25% hàng hóa của EU được vận chuyển qua khu vực này.
Các hành động đơn phương cải tạo đảo hay thay đổi nguyên trạng các khu vực đang tranh chấp của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, sự ổn định của khu vực cũng như không được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Bài báo nhấn mạnh các luật gia về biển cho rằng khi Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chưa thể xử lý được vấn đề chủ quyền thì giải pháp đàm phán ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó cần nhấn mạnh vai trò của ASEAN và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam hay những nước như Philippines, Malaysia, Indonexia... cần nghiên cứu và tiếp tục viện dẫn luật pháp quốc tế để nêu quan điểm, yêu cầu bên liên quan giải quyết một cách bình đẳng trên cơ sở luật quốc tế.
Các luật gia cũng đặc biệt quan tâm đến diễn biến vụ kiện tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc mà kết quả dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm 2016. Vụ kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng để có thể xây dựng quy tắc ứng xử giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Bài báo kết luận Biển Đông là một vấn đề chiến lược hàng đầu đối với các quốc gia Đông Nam Á liên quan và đối với cả Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, nơi đây diễn ra các tranh chấp lãnh hải với những tuyên bố gây tranh cãi của các quốc gia vì Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thực tế và tiềm năng.
Mức độ địa chiến lược của vấn đề này đã vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á và có sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc nước ngoài.
Bài báo kết luận trong khi các tranh chấp có thể leo thang trong khu vực và trên toàn thế giới thì việc tìm kiếm một giải pháp đàm phán và giải quyết tranh chấp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Trung Quốc thách thức ASEAN bằng các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông Với việc Trung Quốc tiếp tục các hành động cải tạo đất và xây dựng ở Biển Đông, triển vọng cho khu vực vẫn mờ mịt. Các hình ảnh cho thấy Trung Quốc thực hiện các hành động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá Gaven ở Trường Sa. (Ảnh: IHS Jane's) Một loạt các bức ảnh gây sốc được Trung tâm chiến...