Đường chữ qua rừng đói
Giữa đại ngàn, cuối trời Tây Bắc có những con đường chỉ có giáo viên đi, người ta gọi ấy là đường chữ.
Trên con đường chữ có nước mắt, nụ cười và cả tình yêu đôi lứa, nuôi cho dòng chữ chảy về các bản nghèo, nơi chỉ có hai mùa no – đói…
Sướng vì còn một nửa cái khổ
Giáo viên ở vùng Bắc Ka Lăng nay là xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) bảo chúng tôi: “Bây giờ sướng nhiều rồi”. Sướng vì đã có con đường mới mở vào đến bản Tá Bạ, trung tâm xã. Con đường dù đi phải thủ thêm bộ dây xích quấn vào bánh xe chống trượt, cũng bớt được 1 ngày đi bộ, “sức không bị kiệt”.
Các thầy giáo ở Trường dân tộc bán trú xã Tá Bạ trên đường đến điểm trường Nhóm Pó
Một ngày đầu tháng 9/2012, khởi hành từ bản Tá Bạ, chúng tôi cùng các thầy giáo đi Nhóm Pó, Vạ Pù, hưởng cái sự “sướng lắm”. Trang bị đi bản mà như đi thám hiểm, mang tất cả mọi thứ, quần áo, tất chân phải cẩn thận, chặng đường này cũng là vương quốc của ruồi vàng và vắt.
Video đang HOT
Sau một ngày đến bản Nhóm Pó, tôi đếm mình bị 19 nốt vắt cắn, vẫn thua xa “kỷ lục” của thầy giáo Lò Văn Xanh lập tháng 9/2011, với 51 vết vắt cắn.
Bản Nhóm Pó của 42 hộ dân người La Hủ, thậm chí khó có thể dùng từ nghèo. Nếu không có những mái tôn do Nhà nước hỗ trợ, liệu những ngôi nhà ấy có thể gọi là cái gì cho đúng. Mấy ngôi nhà đã nghiêng hẳn, người ta không dựng lại mà lấy cây chống, chắc đợi bao giờ sập, dựng lại luôn cho … bõ công.
Ra khỏi bản Tá Bạ bắt đầu leo núi, ngọn núi ngửa mặt trông lên, mệt, mấy lần muốn đứt hơi mới lên tới đỉnh, trập trùng núi trước mặt. Thầy Chu Chu Cà chỉ về ngọn núi xa tít: Nhóm Pó ở đó, bên phải cách đó… ít ngọn núi đến Vạ Pù.
Tụt dốc, bắt đầu chặng đường rẽ cây đi, đang giữa mùa mưa, cỏ gianh, lau, cành cây phủ kín lối. Không đủ sức phạt cây, nhiều đoạn mấy anh em tôi bò trong rừng. Bò xuống cứ quay đầu mà tụt, chân người sau đạp mặt người trước, vắt theo tay mà lên vào nách, vào ngực. Lúc nghỉ theo vết máu trên áo mà lần, thấy sản phẩm ngay.
Lúc đầu còn sợ, sau quen cứ tóm chú vắt ngoe nguẩy để cười. Gần nửa chặng đường đi Nhóm Pó phải lần theo lòng suối, không có một dấu vết nhỏ của con đường, tôi đã hiểu tại sao các giáo viên chuẩn bị kỹ thế.
Chặng này mà gặp lũ, thoát mất mạng thì tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ có ngủ rừng. Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi ở trên đỉnh ngọn Cây Trúc, lần đầu tiên thấy dấu hiệu có người: Lá cờ của tổ Biên phòng đóng ở bản Nhóm Pó. Tôi và anh bạn đồng nghiệp ngồi bệt xuống đất, gân cốt nhũn ra. Thầy Lò Văn Vinh bảo lần đầu vào điểm trường này, đi một mình, đến lúc nhìn thấy lá cờ là bật khóc.
Thêm một ngày đường để đến bản Vạ Pù, một ngày đường nữa để trở về Tá Bạ. Cả 3 ngày đi đường, chúng tôi không gặp một người dân nào, tuyến đường ấy hình như chỉ có giáo viên và Bộ đội Biên phòng đi. Hơn năm nay tuyến đường có thêm các em học sinh THCS từ hai bản về trường ở Tá Bạ học bán trú, mấy anh Bộ đội Biên phòng bảo tuyến đường ấy có thể đặt tên là: Đường Chữ.
Đội cửu vạn giáo viên
Các bản ở Tá Bạ, cái có thể mua được có lẽ chỉ là măng, các thứ khác từ gạo, thực phẩm, đồ dùng, sách vở của cả giáo viên và học sinh đều phải gùi vào. Tiền thuê gùi 17.000 đồng/kg, tính mỗi thầy cô tháng cần 30kg đồ thì tiền thuê hết tiền lương.
Thuê thì “còn đâu tiền mua đồ”, đành tự mình làm cửu vạn cho mình. Chúng tôi đi, các thầy mang hộ ba lô mà bao lần muốn gục xuống, hỏi các thầy sao khỏe vậy, thầy Cà bảo “quen, với lại chúng em mang thêm 15 cân cũng chỉ nặng bằng các anh thôi”. Quả thật “đội” các thầy không thấy ai beo béo một chút, cỡ làng nhàng trên dưới 50 ký.
Kỷ lục mang nặng là thầy Lò Văn Xanh, chuyến lập kỷ lục của thầy cũng là chuyến kỷ lục bị vắt cắn. Thầy cõng 35 kg hàng, vừa đi vừa đỡ vợ, cô giáo Đao Thị Hình. Có thầy giáo thú thật: “Cõng hàng nặng quá đứng khóc dưới trời mưa một mình”.
Chuyện làm cửu vạn của các cô giáo thì thật quả trăm đường cơ cực. Mỗi chuyến là một lần lựa, san sẻ cho đồng nghiệp nam cõng giùm, về bản nhận thổi cơm, rửa bát, giặt quần áo trả nợ. Khôn nhất có lẽ là tóm ngay lấy một thầy làm chân “cửu vạn chung thân” cho mình.
Cô Bùi Thị Cúc – giáo viên mầm non ở Nhóm Pó năm 2011, đã có chồng con rồi, không tìm được cửu vạn chung thân, chuyến đầu thuê gùi 2 triệu đồng, xót tiền quá đành tự cõng, mỗi tuần một chuyến 8-9 kg. Hỏi cô Cúc đã bao giờ phải khóc giữa đường vì cõng hàng chưa, cô lắc đầu bảo “nhiều khi muốn khóc lắm, nhưng giữa rừng khóc… ai nghe”.
Năm học này, các điểm trường quá sâu và xa, ở Tá Bạ, nhà trường không phân giáo viên nữ cắm bản nữa, chặng đường cửu vạn của các cô bớt đi được nhiều. Với các thầy cũng bớt một ít ở cái phần “san sẻ” của các cô, nhưng cũng buồn. Cả điểm trường như Nhóm Pó, 7 giáo viên mà toàn là đàn ông, kể cả 2 giáo viên mầm non.
Theo dân việt
Nạn buôn "hàng lạnh" vùng biên vẫn "nóng"
Trong phần lớn các vụ tàng trữ trái phép, sử dụng vũ khí thô sơ gây án... xảy ra tại Hà Nội, các đối tượng bị bắt đều khai mua "hàng lạnh" ở Lạng Sơn. Để tìm hiểu "nguồn" vũ khí, chúng tôi quay ngược về tỉnh biên giới này.
Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra vũ khí thô sơ được
phát hiện, thu giữ từ các đối tượng buôn lậu qua biên giới
Đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là địa bàn biên giới hiểm trở, tình hình nhập lậu, mua bán, tàng trữ vận chuyển và sử dụng các loại vũ khí thô sơ như dao, kiếm, mã tấu do Trung Quốc sản xuất luôn diễn biến khó lường. Theo phân tích của cơ quan công an, do có nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới và nhiều khu chợ đường biên, nên việc ngăn chặn hoạt động nhập lậu dao kiếm, công cụ bạo lực vào địa bàn Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần kiên quyết, đấu tranh mạnh với các hành vi buôn bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép do Trung Quốc sản xuất, nhập lậu vào Lạng Sơn, lực lượng công an sở tại đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy chính quyền, các ban ngành, tổ chức đoàn thể vận động nhân dân giao nộp vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép, đồng thời tăng cường đấu tranh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý khu vực biên giới kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển vũ khí thô sơ theo đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên gần đây, các đối tượng sử dụng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó, chiêu "bỏ của chạy lấy người" được sử dụng nhiều nhất. Khi bị phát hiện, lập tức số hàng cấm sẽ trở thành hàng vô chủ. 17h30 ngày 7-8, Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một số đối tượng nghi vấn, đưa hàng vào một nhà dân ở thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Tổ công tác đã kiểm tra, thu giữ một bao hàng bên trong chứa 20 thanh đao và 20 chiếc phi tiêu do Trung Quốc sản xuất. Chủ nhà cho biết đã cho thuê căn nhà này, nên không biết số hàng đó là của ai?! Theo các cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn, chủ hàng biết rõ nếu bị bắt sẽ bị xử phạt rất nặng, nên không trực tiếp "nhúng tay" mà đóng hàng vào các thùng carton, rồi thuê người vận chuyển. Khi bị phát hiện, họ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người.
"Bị truy quét mạnh, nên các đối tượng hoạt động kín đáo hơn với nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. Tại các chợ trung tâm thành phố và các chợ cửa khẩu không hề có hàng bày bán công khai. Khách có nhu cầu đặt hàng, chỉ cần một cuộc điện thoại và sau vài phút, hàng từ một địa điểm nào đó sẽ được điều đem đến. Bất kể loại hàng gì cũng sẽ được đáp ứng nhanh chóng" - Thiếu tá Tạ Văn Thế, cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTATXH - Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm: "Biết là hàng cấm, khi bị bắt sẽ bị xử phạt hành chính rất nặng và tiếp tục tái phạm sẽ bị xử lý hình sự, nhưng do hám lợi nên nhiều người vẫn lén lút vượt biên trái phép để thu mua vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ, rồi tìm mọi cách để đưa sâu vào nội địa tiêu thụ với giá cao. Thủ đoạn phổ biến là giấu hàng lẫn với các loại hàng hoá khác, giao cho nhiều đối tượng vận chuyển từng chặng, hoặc gửi hàng trên các xe ô tô chở khách. Nếu bị phát hiện, lập tức hàng trở thành vô chủ gây khó khăn rất lớn cho công tác xác minh, điều tra xử lý.
Trong quá trình đấu tranh, Công an tỉnh Lạng Sơn còn phát hiện tại một số chợ có những người bán hàng rong luôn thường trực chào mời khách du lịch mua dao kiếm các loại. Lực lượng công an phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn, nắm tình hình, tổ chức công tác trinh sát bí mật mới bắt quả tang được đối tượng cùng tang vật. Trong tháng 8-2012, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ được 28 vụ buôn bán, vận chuyển vũ khí thô sơ do Trung Quốc sản xuất, thu giữ nhiều đao kiếm, súng bắn đạn sắt, đạn nhựa, dùi cui điện, côn sắt, song con số này vẫn chỉ như "muối bỏ bể"... Với địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, người qua lại biên giới rất khó khăn. Lực lượng đấu tranh mỏng, trong khi đó đông đảo đội quân "cửu vạn" là người bản địa lại rất thông thạo địa hình, sẵn sàng mang vác hàng thuê bất cứ thời điểm nào. Chỉ cần vài chục nghìn là bao hàng nặng hàng chục kilôgam, được khuân qua biên giới nhanh chóng. Vì miếng cơm manh áo, vô tình những người "cửu vạn" đã tiếp tay để hàng cấm tuồn sâu vào nước ta. Khó khăn rất nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu. Do vậy, tình trạng buôn bán vận chuyển vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ tại biên giới vẫn như một bài toán khó chưa có lời giải.
Theo VNE
Hành trình tìm lại phần người cho hai đứa con điên dại Hơn 10 năm nay cứ vào đêm khuya thanh vắng, phía thượng nguồn khe Chà Hạ, người dân bản Hào lại nghe vẳng những tiếng hú, gào thét man dại như thú hoang giữa đại ngàn. Âm thanh rờn rợn đó được phát ra từ những đứa con tội nghiệp bị nhốt trong cũi gỗ của gia đình ông bà Lô Văn Toán...