Được học ít chơi nhiều, con tôi thông minh, nhanh nhẹn hẳn
Từ ngày có thời gian vận động, vui chơi nhiều hơn, thành tích học tập của con tôi cải thiện. Nó cũng vui vẻ hơn với việc ngồi vào bàn học bài mỗi tối.
Khoảng thời gian trước khi con vào lớp 1, trong khi nhiều phụ huynh xung quanh cuống cuồng và lo lắng thì tôi lại tỏ ra khá bình thản. Bởi từ lâu tôi đã chuẩn bị tâm lý sẽ đồng hành cùng con. Tôi cũng khá tự tin với tính kiên nhẫn và khả năng tự dạy con tại nhà của mình. Hơn nữa quan điểm giáo dục của tôi là không quá kỳ vọng vào con. Ngẫm lại bản thân mình, học hành nhiều, phấn đấu để thành học sinh giỏi, rồi sau này đi làm cũng vẫn phải học lại kiến thức, kỹ năng từ đầu. Thế nên, tôi đặt mục tiêu hết lớp 1 con biết chữ là đủ.
Mặc dù mang tư tưởng khá thoáng và không đặt nặng thành tích, nhưng thời gian đầu khi con học lớp 1, tôi cũng bị cuốn theo đống bài tập mà con phải hoàn thành. Trong khoảng 2 tháng đầu, tối nào cũng như tối nào, hai mẹ con cùng nhau học đến 10 giờ tối mới xong.
Trẻ vào lớp 1 cần có thời gian thích nghi với môi trường mới, ép con học quá nhiều chỉ khiến con kém cỏi đi.
Con tôi không học chữ trước khi vào lớp 1, nên cháu viết chậm hơn so với các bạn khác. Kết quả là bài trên lớp chưa viết xong, đành phải để về nhà viết tiếp. Theo chủ trương, các cô sẽ không giao bài tập về nhà cho các con, hoặc có giao nhưng nếu con chưa thể hoàn thành ngay cũng không bị đánh giá. Tuy nhiên, nói là vậy nhưng nếu không làm bài thì cũng khó mà nhớ được hết các chữ cái. Tối nào hai mẹ con cũng quay như chong chóng, viết hết chữ cái được giao, tập đánh vần, đã đủ mệt nhoài rồi, thì vẫn chưa thể nghỉ vì còn môn Toán đang chờ.
Mẹ mệt một nhưng con mệt mười, vì con gần như không có thời gian chơi. Đang ở độ tuổi có nhu cầu vận động cao, thích khám phá mọi thứ xung quanh, lại phải ngồi một chỗ để học theo cách thụ động, con tôi dần dần ghét phải đi học. Nó thậm chí còn ví von học bài là cực hình và nằng nặc được quay trở lại trường mầm non vì được chơi nhiều.
Tôi dần nhận thấy sự không ổn ở đây. Dù con không phản kháng, vẫn chịu ngồi học cùng mẹ nhưng tôi hiểu đó là sự học trong trạng thái bị ép buộc. Nó cũng không vui vẻ gì. Về phần tôi, dĩ nhiên tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì bỏ nhiều thời gian, công sức mà không có hiệu quả.
Tôi nhớ lại mục tiêu giáo dục mà mình luôn tin tưởng, đó là chỉ cần con vui, học hành không cần quá giỏi giang. Nghĩ vậy, tôi hành động ngay. Đầu tiên là lập lại thời gian biểu cho con, rút ngắn thời gian ngồi học thụ động mỗi tối. Ngoài ra tôi cũng không ép con phải hoàn thành hết bài tập, có thể để sang hôm sau, hoặc có khi mẹ làm hộ luôn. Tôi khuyên con nên hoàn thành hết các bài trên lớp. Khi về nhà, dành khoảng 20 phút ôn tập lại là xong. Thời gian còn lại, con được toàn quyền chơi theo ý thích, hoặc nói chuyện, tương tác với bố mẹ.
Kể từ khi con có thời gian vận động, vui chơi, tôi thấy tâm trạng con khá hơn hẳn. Nó cũng bớt sợ học hơn và khi học rất tập trung, nhờ vậy mà có hiệu quả. Sau hơn 1 tháng tôi không gây áp lực cho con, nó đã nhớ được hết các chữ cái, đánh vần chữ ghép chuẩn hơn và viết chữ nhanh, đúng hơn. Ngoài ra, để con có hứng thú học tập, tôi chịu khó tìm tòi cách tiếp cận mới, đó là học mà chơi, chơi mà học. Dù học chữ hay học toán, tôi đều lồng ghép vào những trò chơi để con cảm thấy thích thú. Vậy là giờ học mỗi tối của hai mẹ con chất lượng hơn.
Video đang HOT
Nhiều người bảo tôi chiều chuộng con quá, ai lại làm bài tập hộ con như thế bao giờ, lại không thúc ép, không gây áp lực cho con thì sau này nó sẽ yếu đuối. Nhưng tôi nghĩ tôi là người mẹ hiểu con nhất trên đời, nên tôi sẽ biết cách giáo dục nào tốt với con hay phản tác dụng với con. Vì vốn dĩ tôi đặt hạnh phúc của con lên trên tất cả, cao hơn điểm số và thành tích, nên làm gì, dù là học bài thì việc học đó cũng phải đem lại niềm vui. Tôi nghĩ với trẻ mới vào lớp 1, cần phải tạo hứng thú học tập cho con, đừng bắt con phải thích nghi ngay vì dù gì con vẫn là một đứa trẻ ham chơi cơ mà.
Và nếu hết lớp 1, thành tích học tập của con xếp loại trung bình nhưng bù lại con là đứa trẻ vui vẻ, nhanh nhẹn, thì với tôi, đó vẫn là một thành công trong quá trình nuôi dạy con.
Theo thoidai
Bố mẹ nên đóng vai "học trò" của con
Lớp 1 được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Bởi vậy việc tạo động lực và nền nếp học tập đóng vai trò định hướng, giúp trẻ hòa nhập nhanh với môi trường học tập, hoạt động mới tại trường tiểu học.
Tạo niềm vui trong học tập cùng con. Ảnh: INT.
Đừng tạo áp lực cho trẻ
Bước vào lớp 1, trẻ bắt đầu chuyển qua hoạt động học tập là chính thay cho vui chơi ở trường mầm non. Những bỡ ngỡ trong thay đổi môi trường khiến không ít trẻ căng thẳng.
Chị Thu Trà, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay con trai đầu bước vào lớp 1 nên tôi khá lo lắng. Được nhiều bạn bè mách nước nên tôi dành nhiều thời gian để học cùng con. Tuy nhiên, tôi khá hoang mang bởi kiến thức lớp 1 không khó, nhưng con tôi không thể thực hiện theo những điều cô giáo dạy trên lớp. Cháu hay ngại, thậm chí chống đối trong bài tập viết.
Ngay cả những con số tính toán đơn giản nhất cháu cũng thiếu tự tin về kết quả, thường chờ đợi sự trợ giúp của bố mẹ. Nhiều khi sợ con ôn bài muộn quá tôi đành gợi ý giúp con làm bài với hy vọng con sẽ khá hơn ở những tuần học sau. Song hết một tháng của năm học, con không tiến bộ chút nào. Nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này, khi tới những bài khó hơn con sẽ không nắm được kiến thức".
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng: Cô giáo phản ánh con tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn, thậm chí không nhớ nổi bài cô vừa dạy xong.
Vậy nên, mỗi tối hai mẹ con phải "đánh vật" với nhau về bài vở, nhìn con mệt mỏi mà thấy thương quá. Hiện tại nhiều cha mẹ chưa biết phải học cùng con như thế nào? Có phụ huynh còn sốt ruột tìm gia sư để mong con học tốt hơn...
Trao đổi về những khúc mắc của các phụ huynh đang có con học lớp 1, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục (nguyên giảng viên khoa Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội) đã bật mí: Thời gian trẻ học lớp 1 là khó khăn nhất, vì vậy cha mẹ phải hiểu được tâm lý để đồng hành cùng con. Trước hết, cha mẹ phải đặt lòng tin ở các con.
Nhiều phụ huynh thiếu lòng tin ở con cái. Khi con vừa vào lớp 1, họ đã nghĩ con không thể theo được. Chính vì không tin con, nên nhiều cha mẹ không yên tâm khi con tự làm và có xu hướng làm giúp con. Điều này khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân mình.
Điều thứ hai, cha mẹ cần phải kiên nhẫn. Đứa trẻ mới chập chững đi học không thể biết và thực hiện tốt ngay được.
"Nếu hôm nay con học về chữ cái "E", khi về nhà được hỏi về chữ cái đó trẻ có thể không biết cũng là điều bình thường. Trí nhớ dài hạn của trẻ con thường kém, thế nên chắc chắn các cô giáo cũng sẽ ôn luyện liên tục cho các con. Nếu các cô giáo không than phiền, hay thậm chí có than phiền một chút cũng là chuyện bình thường, bố mẹ cũng không nên lo lắng thái quá. Các phụ huynh cần phải kiên nhẫn hướng dẫn con học tập".
Khen ngợi, khuyến khích trẻ
Theo TS Vũ Thu Hương, giáo dục tiểu học đặt mục tiêu không quá cao, trẻ hết lớp 1 biết đọc biết viết là đạt yêu cầu. Bố mẹ chỉ nên lo lắng khi con học hết lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết. Trẻ viết chưa đẹp, đọc chưa thông thạo cũng không phải là điều quá lo ngại.
Nếu người lớn để ý so sánh, quan sát những nét chữ các con viết đều sẽ nhận thấy những tiến bộ mỗi ngày của con. Vì vậy, người lớn cần cho trẻ thời gian để luyện dần nét chữ cũng như việc đánh vần rồi đọc trơn chu chứ không phải ngay từ đầu đặt yêu cầu trẻ phải chuẩn chỉ, giỏi giang.
Muốn trẻ tự tin bố mẹ nên để con tự làm mọi việc. Khi con biết làm và làm thành thục chắc chắn con sẽ tự tin đối với những việc ở nhà, hay ở trường. Cha mẹ cũng nên tạo ra những cơ hội để trẻ được khen.
Lời khen có thể từ sự so sánh với chính bố mẹ ở thời điểm bố, mẹ cũng bắt đầu đi học như con.
Những lời khen ngợi như: "Con giỏi hơn cả bố mẹ lúc bố mẹ bắt đầu đi học lớp 1 như con bây giờ...". Hoặc "Con giỏi thế, ngày xưa bằng con mẹ học lâu thuộc lắm"... sẽ là động lực khuyến khích con phấn đấu hơn nữa.
"Khó khăn nhất trong việc đồng hành với trẻ trong suốt quá trình học lớp 1 là phải kiên nhẫn, không nóng vội. Không nên giảng bài cho con, hãy để con biết tự lo. Cha mẹ thường có xu hướng khi thấy con làm sai sẽ sốt ruột và có những phản ứng không tích cực. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên khuyến khích, động viên để con tự hoàn thành công việc của mình, con sẽ mau tiến bộ". Tiến sĩ Vũ Thu Hương
TS Vũ Thu Hương còn chia sẻ một bí quyết khá thú vị đó là: Để con ghi nhớ và học tốt hơn, bố mẹ có thể đóng vai là học trò của con. Khi con vào vai giáo viên con sẽ phải cố gắng ghi nhớ bài trên lớp để có thể "dạy lại" cho bố mẹ.
Lâu lâu, các phụ huynh có thể giả vờ không hiểu, nói sai, tình huống này sẽ tạo cơ hội cho con được giảng giải cho bố mẹ nghe. Con sẽ thấy mình "quan trọng", có ích hơn, như vậy trẻ sẽ tập trung học tập ở lớp hơn để lĩnh hội kiến thức về "dạy lại" cho bố mẹ. Hình thức học như thế này không những nhẹ nhàng, không gây áp lực cho trẻ mà còn có hiệu quả cao.
"Nhiều phụ huynh khi áp dụng cách học cùng con như thế đã phấn khởi chia sẻ: Với việc áp dụng các bí quyết này giúp con tiến bộ nhanh hơn trong học tập, con mạnh dạn, tự tin trước mọi công việc của bản thân.
Tâm lý con người nói chung, đặc biệt là trẻ nhỏ đều muốn mình có giá trị trong mắt người khác. Thế nên khi người lớn đẩy cao giá trị của trẻ, trẻ sẽ rất mừng và cố gắng thực hiện thật tốt để mong chờ được nhiều lời ngọi khen hơn", TS Vũ Thu Hương cho biết.
Châu Anh
Theo GDTĐ
Ba loại trẻ tưởng khôn lanh nhưng tương lai bất ổn Bề ngoài, nhiều trẻ khéo miệng, được khen ngợi là thông minh, ngoan ngoãn, nhưng thực tế lại giỏi nói, lười làm. Hành vi của nhiều trẻ khiến bố mẹ chúng nghĩ rằng chúng thông minh từ nhỏ, sau này có thể thành tài, nhưng thực ra không phải vậy. Nếu con bạn có ba loại hành vi dưới đây, cần phải sửa...