Đừng phớt lờ vi khuẩn đường ruột
Duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe đường ruột.
Ai cũng biết hệ tiêu hóa cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người: nó đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày, chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ được cũng như chuyển hóa thành năng lượng lưu trữ và tống khứ chất thải ra khỏi cơ thể chúng ta. Nếu chúng ta không có đủ dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể thì sẽ không sống nổi. Đơn giản như thế.
Nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng hệ tiêu hóa có một nhiệm vụ còn lớn hơn và phức tạp hơn nhiều: nó liên quan đến rất nhiều mặt về sức khỏe mà dường như không có liên quan gì đến vấn đề tiêu hóa, từ khả năng miễn dịch cho đến căng thẳng tinh thần đến các chứng bệnh kinh niên như ung thư và tiểu đường type 2.
“Chúng ta bây giờ đều biết hệ tiêu hóa có chứa hàng tỉ vi khuẩn không chỉ giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn mà còn giúp cơ thể duy trì sự cân bằng và sức khỏe”, Tara Menon, bác sĩ chuyên khoa dạ dày – ruột tại Trung tâm Y học Wexner Đại học bang Ohio, nhận xét. Các chuyên gia cho biết vấn đề mấu chốt có lẽ nằm ở hệ vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn và các vi sinh vật khác có trong dạ dày và đường ruột.
Các nghiên cứu về vi sinh vật vẫn còn sơ khai nhưng đã chỉ ra, hành vi, thực phẩm và môi trường nhất định có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Vậy chúng ta có thể làm gì để cải thiện sức khỏe đường ruột?
Chắc chắn hệ vi sinh vật của mỗi người là độc nhất vô nhị, nhưng có một vài điểm chung về những gì có lợi và có hại cho đường ruột. “Ở những người khỏe mạnh, họ đều có hệ vi sinh vật rất đa dạng. Còn ở những người không khỏe mạnh, mức độ da dạng kém hơn và dường như có sự gia tăng về số lượng vi khuẩn có liên quan đến bệnh tật”, bác sĩ Gail Hecht, đứng đầu Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu hệ vi sinh vật đường ruột Hiệp hội Dạ dày – ruột Mỹ, nhận định.
Ở đây, Hecht nhấn mạnh từ “có liên quan” bởi các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ chắc chắn liệu vi khuẩn là tác nhân gia tăng nguy cơ bệnh tật hay bệnh tật mới là nhân tố tác động tiêu cực đến hệ vi khuẩn có trong đường ruột. Theo bà, nhiều khả năng cả hai đều đúng. “Chúng ta vẫn thiếu những bằng chứng cụ thể về mối liên quan giữa bệnh tật và vi khuẩn đường ruột nhưng chúng ta biết là có”.
Các nghiên cứu cả ở động vật và con người đều cho thấy một số loại vi khuẩn làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến nguy cơ cao về bệnh hen suyễn, dị ứng, thậm chí một số căn bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, chứng xơ cứng và cả ung thư. Sức khỏe đường ruột cũng có liên quan đến chứng lo âu và trầm cảm và các bệnh về thần kinh như tâm thần phân liệt, chứng mất trí…
Vậy điều gì ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột? Thực phẩm chắc chắn góp phần hình thành vi khuẩn trong đường ruột và còn nhiều yếu tố khác như điều kiện khi sinh. Nghiên cứu cho thấy trẻ sinh thường khi lớn lên có hệ vi sinh vật đa dạng hơn so với trẻ sinh mổ. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp nuôi dưỡng vi sinh vật có lợi cho đường ruột. Môi trường lớn lên cũng là một nhân tố. “Chúng ta sống trong một xã hội quá sạch sẽ”, Hecht nhận xét. Việc tiếp xúc với các vi sinh vật và vi khuẩn có thể tăng cường hệ vi sinh vật của chúng ta. “Hãy ra ngoài trời, đùa nghịch đất cát, chơi với thú cưng… tất cả đều tốt cho đường ruột”, Hecht nói.
Video đang HOT
Căng thẳng cũng có thể tác động lên vi khuẩn đường ruột. Theo nghiên cứu sơ bộ, tình trạng tinh thần và hệ vi sinh vật của một người dường như ảnh hưởng lẫn nhau ở một mức độ nào đó. Việc sử dụng thuốc cũng làm thay đổi hệ vi sinh vật như thuốc giảm đau, thuốc trị chứng ợ chua, trị tiểu đường và thuốc trị các chứng thần kinh. Đặc biệt, thuốc kháng sinh không chỉ diệt vi khuẩn gây hại, mà còn diệt tất cả các loại vi khuẩn khác.
Khi hệ vi sinh vật bị mất cân bằng vì một lý do nào đó, các dấu hiệu thường thấy giúp chúng ta nhận biết đường ruột đang có vấn đề như sưng phù, đầy hơi, tiêu chảy, đau dạ dày, nôn mửa… Tình trạng mất cân bằng thường sẽ tự chữa lành sau một thời gian ngắn, nhưng nếu mãn tính thì phải kiểm tra và điều trị.
Nhưng quan trọng là các bác sĩ đang phát hiện sự bất thường trong vi khuẩn đường ruột mà không gây ra các triệu chứng ngay lập tức, ít nhất không phải là các triệu chứng về dạ dày, đường ruột. “Có những vi khuẩn trong ruột mà không gây đầy hơi hay làm thay đổi tình trạng vận động của bạn… nhưng lại gắn liền với nguy cơ ung thư ruột kết”, Hecht nói. Do đó, cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. “Nên duy trì một chế độ ăn cân bằng, luôn bổ sung đủ nước, tập thể dục thường xuyên và ngủ ngon vào mỗi tối, vì việc giữ sức khỏe tốt sẽ có đường ruột tốt”, Menon cho biết.
Tương tự, những thói quen xấu như hút thuốc lá hay lạm dụng rượu bia cũng tổn hại đến hệ vi sinh vật trong đường ruột. Theo Hecht, cũng cần tránh uống các loại thuốc không cần thiết.
Việc hạn chế sản phẩm từ sữa, các loại thịt đã chế biến và có màu đỏ, đường tinh luyện có thể cải thiện sức khỏe đường ruột. Chất xơ cần cho đường ruột được khuyến nghị ở mức 20-40g mỗi ngày bằng cách tăng thêm trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên cám, hạt trong bữa ăn.
Một số nghiên cứu chỉ ra, mức độ tiêu thụ thường xuyên một số loại thực phẩm cụ thể như xoài, quả anh đào, quả việt quất, bông cải xanh, quả óc chó và rau xanh dường như có lợi cho đường ruột. Nhưng thay vì chỉ giới hạn ở các thực phẩm này, theo bác sĩ Robert Hirten, Giáo sư Y khoa tại Trường Y Icahn, chúng ta nên tăng cường các loại thực phẩm khác có cùng điểm chung với các thực phẩm trên, cụ thể là có hàm lượng chất dinh dưỡng và chất xơ cao, đồng thời có chất béo bão hòa và các thành phần tinh luyện thấp.
Tóm lại, theo Hecht, dùng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau bao gồm nhiều loại trái cây giàu chất xơ, rau củ quả và ngũ cốc nguyên cám là cách tốt nhất để phát triển một hệ vi sinh vật đa dạng và có lợi cho đường ruột. “Các vi khuẩn đường ruột sống nhờ vào những thứ còn lại trong ruột kết sau khi cơ thể đã tiêu hóa hết các chất dinh dưỡng và chất axit amin. Chúng ta muốn nuôi sống các vi khuẩn này bằng chất xơ, chứ không phải bằng thực phẩm chế biến, có hại”.
Hecht cũng khuyến nghị nên phát triển vi khuẩn có lợi bằng cách sử dụng các thực phẩm lên men như yogurt, kim chi… Còn Hirten cũng khuyên nên duy trì chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe và một lối sống lành mạnh hơn là dựa vào các loại thuốc có chứa vi khuẩn có lợi. “Tôi luôn cẩn trọng đối với các chế độ ăn mới hoặc các thuốc bổ sung lợi khuẩn”, ông nói.
Hirten cũng nhấn mạnh vì còn có quá nhiều điều chưa nghiên cứu được về hệ vi sinh vật trong đường ruột, nên lời khuyên tốt nhất là hãy “trở về cốt lõi”. “Tôi nghĩ rằng ở điểm này, điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là tuân theo một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Nếu chúng tốt cho bạn thì có lẽ cũng tốt cho đường ruột của bạn”, ông nói.
Theo nhipcaudautu
Đây là chế độ ăn mà càng ăn nhiều càng "tàn phá" đường ruột của bạn
Nếu bạn vẫn chưa dành cho đường ruột của mình sự quan tâm mà nó xứng đáng được hưởng, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.
Và phải hành động ngay, đừng chậm trễ!
Hãy chú ý tới cách cơ thể bạn cảm nhận sau mỗi bữa ăn giàu đường và chất béo tinh luyện. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy uể oải, đầy hơi và không thực sự no. Có một nguyên nhân lý giải cho phản ứng đó của cơ thể bạn. Chế độ ăn giàu chất béo có liên hệ trực tiếp tới tình trạng suy giảm lượng vi khuẩn tốt trong ruột và tăng cường những vi khuẩn đường ruột vốn góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như lo âu, trầm cảm, béo phì, vô sinh, sa sút trí tuệ, bệnh tim và thậm chí ung thư.
Chất béo và đường ruột
Cho tới thời điểm này, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hệ vi sinh đường ruột (cộng đồng vi khuẩn và vi sinh vật có trong đường ruột của bạn) đóng vai trò vô cùng thiết yếu để tạo sự cân bằng cho phần còn lại của các hệ thống cơ thể. Quan trọng là nhận ra rằng, vấn đề không chỉ nằm ở sức khỏe đường ruột nói riêng mà nó kết nối và liên quan tới toàn bộ cơ thể.
Do đó, mỗi sự mất cân bằng xảy ra cũng sẽ phá hỏng cả quá trình tự nhiên. Khi đường ruột khỏe mạnh, sức khỏe tiêu hóa của bạn tăng lên, hệ miễn dịch mạnh thêm và cả sức khỏe tâm thần cũng được cải thiện.
Sức khỏe của vi khuẩn đường ruột do nhiều yếu tố quyết định nên, bao gồm di truyền, hoạt động thể chất, tiếp xúc với thuốc. Nhưng có lẽ quan trọng nhất và trực tiếp nhất, đường ruột của bạn chịu tác động từ chế độ ăn. Thực phẩm cũng là dược phẩm và nó cũng có thể là nguyên nhân của nhiều hiện tượng "đứt gãy kết nối", mất cân bằng trong cơ thể khi bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm có hại. Chế độ ăn chủ yếu gồm chất béo tinh luyện sẽ bắt đầu ảnh hưởng xấu tới đường ruột của bạn nhanh hơn nhiều so với điều mà bạn có thể hình dung.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Gut đã xem xét tác động của chế độ ăn giàu chất béo đối với hệ vi sinh đường ruột ở 217 người trẻ trong giai đoạn 6 tháng. Các tác giả nghiên cứu kết luận: "Tiêu thụ nhiều chất béo liên quan tới những thay đổi không mấy dễ chịu của hệ vi sinh đường ruột, quá trình chuyển hóa phân và các yếu tố gây viêm huyết tương có thể gây ra những kết quả trái ngược cho sức khỏe lâu dài".
Phát hiện này gây hoang mang cho những người thường xuyên ăn chế độ ăn giàu chất béo như Paleo và Keto. Liệu nghiên cứu trên có gợi ý rằng chất béo là xấu? Không hề! Trên thực tế, chất béo tốt cho sức khỏe thực sự là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn cân bằng. Câu hỏi là: Bao nhiêu chất béo thì trở thành quá nhiều? Và chế độ ăn giàu chất béo liệu có chứng minh được là vô hại khi không kết hợp với chất xơ và carbohydrate phức không? Câu trả lời phức tạp hơn so với hình dung của bạn.
Chế độ ăn giàu chất béo thường chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ảnh hưởng tới sự phát triển hết sức tinh vi của hệ vi khuẩn đường ruột và làm cho vi khuẩn tốt, xấu trở nên mất cân bằng. Tình trạng này được gọi là rối loạn hệ khuẩn ruột (dysbiosis) và là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề bao gồm viêm hệ thống cấp độ thấp và vô số bệnh dạ dày - ruột khác.
Tại sao chế độ ăn giàu chất béo lại ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột?
Nguyên nhân thực sự có rất nhiều mặt nhưng chủ yếu có lẽ bởi quá trình tăng tiết axit mật trong hệ thống. Ở đường ruột, axit mật được dùng để tạo kháng thể giúp tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột khác. Đây là quá trình tự nhiên và giữ vai trò thiết yếu để đường ruột vận hành khỏe mạnh.
Bởi những kháng thể này duy trì số lượng vi khuẩn, ngăn ngừa sự mất cân bằng. Chế độ ăn giàu chất béo sản sinh ra số lượng đáng báo động các kháng thể này, khiến nhiều vi khuẩn khỏe mạnh bị giết chết và quá trình tự nhiên của cơ thể bị phá vỡ.
Làm thế nào để tạo sự cân bằng?
Nguyên tắc số 1 là ăn chất béo với lượng vừa phải. Khoảng dưới 35% lượng calo hàng ngày của bạn là từ chất béo. Cùng với việc giảm hấp thụ quá nhiều chất béo, bạn cũng nên bổ sung nhiều rau, trái cây, ngũ cốc tốt cho sức khỏe và các loại quả hạch vào chế độ ăn.
Tuỳ thuộc vào trao đổi chất và lịch sử sức khỏe của bạn, có thể cần ăn nhiều protein hoặc carbohydrate hơn. Rắc rối có thể do đường ruột không hấp thụ đủ chất xơ hoặc bạn không ăn đủ chất béo. Hãy quan tâm tới cơ thể và trao cho cơ thể những gì nó cần để vận hành một cách trơn tru. Và đừng quên dành sự chăm sóc đặc biệt cho đường ruột.
Theo Zing
Bảo vệ sức khỏe đường ruột - bộ não thứ hai của con người - với những bí quyết đơn giản này Lợi khuẩn trong đường ruột giúp kiểm soát viêm nhiễm, sự thèm ăn, hệ miễn dịch và thậm chí ngăn ngừa mầm bệnh phát triển. Đường ruột có thể được ví như bộ não thứ hai của con người. Rabia De Latour, bác sĩ chuyên khoa dạ dày kiêm phó giáo sư y khoa tại tổ chức NYU Langone Health cho biết, hệ...