Đừng phàn nàn khi con bị điểm kém, nguyên nhân thực sự là đây
Những gợi ý được thầy Hiệu trưởng tổng hợp lại qua thực tiễn giáo dục hơn 20 năm, từng chữ, từng câu đều hợp lý.
Điểm số luôn là chủ đề được các bậc phụ huynh quan tâm nhất. Nhưng cùng một lớp học, cùng một cô giáo, tại sao có em đạt điểm giỏi, có em điểm trung bình, có em bị điểm kém? Có phải vì sự khác biệt về chỉ số IQ? Về nỗ lực? Hay sự khác biệt về thói quen học tập?
Bức thư dưới đây là của Hiệu trưởng 20 năm kinh nghiệm của một trường trung học cơ sở trọng điểm ở Trung Quốc giúp giải đáp được sự bối rối của nhiều bậc phụ huynh về việc làm thế nào để cải thiện kết quả học tập của con em mình.
Những gợi ý này được thầy tổng hợp lại qua thực tiễn giáo dục hơn 20 năm, từng chữ, từng câu đều hợp lý:
Các bậc phụ huynh liệu có thực sự biết điểm số của trẻ không phải là dấu hiệu cho biết sức học của trẻ tốt hay kém? Bên cạnh đó, khen và chê một cách mù quáng sẽ không tạo nên bước đột phá trong học tập của trẻ. Muốn con cải thiện thành tích học tập, cần lưu ý trau dồi những khả năng này:
Khả năng sắp xếp
Mỗi khi có bài kiểm tra, tôi sẽ thấy rằng những học sinh tìm được tờ giấy kiểm tra nhanh nhất nói chung là những học sinh có điểm tốt hơn, vì các em có thói quen học tập tốt, biết phân loại giấy thi thành nhiều loại khác nhau.
Cha mẹ nên giúp con hình thành thói quen sắp xếp tài liệu, xếp bài thi vào các túi hồ sơ khác nhau theo đối tượng và thời gian. Thông thường ở nhà, nên để trẻ giúp dọn dẹp phòng để rèn luyện ý thức của trẻ về trật tự và hiệu quả. Điều này có lợi cho việc học tập và cuộc sống sau này của các em.
Thời gian học tập và nghỉ ngơi
Khi tôi khảo sát về thời gian ngủ của các học sinh trong lớp, tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng những học sinh đạt điểm giỏi thường ngủ trước 12 giờ, và những em đi ngủ cuối cùng trở thành học sinh có điểm trung bình. Những học sinh này học tập chăm chỉ và ban đầu thường có thành tích tốt. Nhưng lâu dần, do thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ trầm trọng nên trong lớp dễ ngủ gật, điểm số bị trì trệ.
Những học sinh như vậy chưa tìm được phương pháp học tập tốt. Nếu là con của bạn, hãy hiểu cho những khó khăn của trẻ, nhưng đồng thời cũng yêu cầu trẻ đi ngủ đúng giờ, thái độ phải cứng rắn. Thống kê từ một nghiên cứu giáo dục cho thấy hơn 90% “học sinh kém” là do mất tập trung trong giờ học.
Thói quen sửa lỗi
Video đang HOT
Mỗi học sinh sẽ có hiện tượng “tái diễn sai lầm”, nhưng cơ hội “tái diễn sai lầm” đối với những học sinh xuất sắc là rất nhỏ. Hai học sinh thi vào trường THCS bằng nhau, sau bài kiểm tra giữa học kì I, bạn A đã ghi những câu hỏi sai sót của mình vào cuốn sổ ghi chú, còn bạn lớp B thì không. Sau đó, một câu hỏi tương tự xuất hiện trong một đề thi, A đã trả lời đúng, nhưng B vẫn sai.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng lý do học sinh xuất sắc có thể duy trì điểm tốt là họ thực sự hiểu kiến thức được giảng dạy và “tiêu hóa” chúng thành kiến thức của riêng mình. Cha mẹ nên nhớ chuẩn bị cho con một cuốn sổ nhỏ, khi lại những lỗi sai của mình để sửa sai hoặc nghĩ cách giải quyết vấn đề một cách thấu đáo thay vì bỏ qua nó.
Đừng quá ham mua sách tham khảo
Mặc dù những học sinh khá giỏi mua không nhiều tài liệu tham khảo, nhưng các em đã học xong một cách nghiêm túc và cẩn thận từng cuốn một. Mặt khác, nhiều học sinh mua vô vàn sách hướng dẫn nhưng mỗi cuốn chỉ làm được một phần, nhiều câu hỏi chỉ xem đáp án, không thể thấy giải pháp cho vấn đề.
Học sinh gặp khó khăn trong học tập cần bám sát nhịp độ giảng dạy của giáo viên và tìm hiểu kỹ nội dung sách giáo khoa. Nếu xác định sử dụng sách tham khảo để nâng cao kiến thức, không nên mua càng nhiều sách càng tốt. Nên tham khảo ý kiến thầy cô vì họ là những người đánh giá trực tiếp năng lực học tập của học sinh, là người có trình độ chuyên môn và hiểu học sinh đang hổng kiến thức nào, cần bồi dưỡng kiến thức nào. Đồng thời, tham khảo ý kiến từ bạn bè, những người đã sử dụng một số tựa sách khác nhau để từ đó lựa chọn sách tham khảo phù hợp.
Giúp đỡ bạn bè
Mỗi khi đến lớp này sau giờ học, tôi thường thấy những học sinh giúp các bạn trong lớp giải quyết vấn đề, và những học sinh này thường đạt điểm cao. Cha mẹ cần phải giúp trẻ hình thành thói quen như vậy khi còn nhỏ, khuyến khích trẻ kể được nội dung những điều học được hàng ngày một cách tổng quát. Việc này có thể giúp trẻ làm rõ hệ thống kiến thức và khắc sâu bài học.
Xây dựng góc học tập cho trẻ, khuyến khích trẻ rủ các bạn cùng lớp đến học ở nhà, hình thành các nhóm giúp đỡ lẫn nhau. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả học tập mà còn giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân.
Sự cạnh tranh về học tập, xét về chiều sâu, là sự cạnh tranh về thói quen học tập. Học sinh có thói quen học tập tốt có thể đạt được thành tích học tập xuất sắc cho dù đang ở trong môi trường học tập nào.
Nhiều bậc phụ huynh chỉ chú ý đến điểm thi của con mình mà không giúp con em mình hình thành thói quen học tập tốt. Cha mẹ hãy ghi nhớ những điều này:
1. Đừng ép con phải đứng nhất trong kỳ thi. Chỉ có một vị trí cho người dẫn đầu nhưng dù không đứng nhất thì con bạn vẫn có muôn ngàn con đường khác để vào đời. Việc áp đặt thành tích sẽ khiến con tự tin, mặc cảm, chán nản việc học.
2. Nếu muốn con ham học hỏi thì trước tiên hãy trở thành một phụ huynh thích đọc sách, bắt đầu từ hôm nay – đọc sách trong lặng lẽ cùng con bạn. Nếu bạn không thể ngồi vào bàn nửa tiếng thì làm sao bạn có thể yêu cầu con bạn chăm chỉ học năm, sáu tiếng một ngày từ sáng đến tối?
3. Việc học của trẻ càng khó khăn, càng gặp nhiều trở ngại thì trẻ càng nên đọc nhiều hơn.
4. Mức điểm của bài kiểm tra có thể không như kỳ vọng, nhưng việc phụ huynh có trách nhiệm hay không tất yếu sẽ quyết định hướng phát triển của trẻ. Nếu không có sự chung tay của gia đình thì dù cô giáo có cố gắng đến đâu cũng không mang lại kết quả cao.
5. Ngoài tài năng, học sinh dựa vào sự tự chủ, tập trung và tò mò để đạt được kết quả xuất sắc. Những phẩm chất này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em.
6. Là giáo viên, chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết điểm quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là điểm số, chúng ta cần luôn ghi nhớ: Thứ nhất, sức khỏe thể chất và tinh thần; thứ hai, cần cù, trung thực, siêng năng; thứ ba, trước khó khăn, có dũng khí và khả năng vượt khó độc lập; thứ tư mới là thành tích xuất sắc.
Cuối cùng, dù điểm số của con bạn như thế nào thì bài kiểm tra giữa kỳ hay cuối kỳ cũng chỉ là một bài kiểm tra theo từng giai đoạn. Một điểm kiểm tra duy nhất không đại diện cho tình trạng học tập chung của trẻ. Điều đầu tiên là rèn luyện thói quen học tập tốt cho con cái, sau đó để chúng hướng tới những mục tiêu cao hơn.
4 dấu hiệu chứng tỏ cha mẹ đang quá nghiêm khắc với con
Làm bạn với con sẽ giúp cuộc sống của cả gia đình trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn là áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con cái.
Những đứa trẻ thường nhạy cảm và suy nghĩ nhiều hơn người lớn chúng ta tưởng. Có nhiều sự việc bạn cho rằng bình thường, phải nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan nhưng lại không biết rằng điều này âm thầm tạo ra sự dồn nén trong tâm hồn non nớt của con. Dù có nghiêm khắc tới đâu thì bố mẹ cũng nên hiểu rằng làm bạn với con mới là điều khó nhất trên hành trình làm cha mẹ.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang quá khắt khe với con cái, nên thay đổi điều đó để cuộc sống của bản thân trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn nhé.
1. Bạn ra quyết định cho mọi vấn đề liên quan tới con
Dù con còn nhỏ nhưng khi trẻ đã có thể hiểu lời người lớn nói, bạn nên hỏi ý kiến của con trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ về câu chuyện đã làm tổn thương lòng tự trọng của con như sau: một người bạn tới nhà chơi và rất thích chiếc ô tô của con trai, người mẹ thấy vậy nên đã tặng luôn cho bé đó mà không hề hỏi ý kiến con mình. Tới lúc cậu bé phát hiện đã vô cùng tổn thương, và dù mẹ đã nói rằng sẽ mua cho rất nhiều ô tô khác nhưng cậu con trai vẫn buồn bã.
Lý do là vì chiếc ô tô là món quà kỷ niệm mà ông nội mua cho, cậu bé đã giữ gìn nó rất lâu rồi. Đáng lẽ người mẹ nên hỏi ý kiến con trước khi đưa cho người khác như vậy. Từ câu chuyện này có thể rút ra bài học là, bố mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân vào con cái, hãy hỏi ý kiến của con với các vấn đề có liên quan trực tiếp đến bé.
Hơn nữa, nếu cha mẹ lấy uy quyền để làm vậy thì sau này các bé cũng sẽ có xu hướng đối xử với những người khác như thế. Đó là điều bạn không hề muốn đúng không nào?
2. Quá cứng nhắc đối với các quy tắc
Rõ ràng quy tắc đặt ra để thực hiện và giúp con giữ kỷ luật trong cuộc sống. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, nếu con làm sai, bố mẹ nên hỏi bé nguyên nhân và nới lỏng quy tắc để tốt hơn cho con. Ví dụ như, theo quy định, 18h là thời gian bố mẹ đón con ở cổng trường, và con phải đứng ở nhà gửi xe để mẹ không phải mất thời gian tìm kiếm.
Tuy nhiên hôm đó, người mẹ đã đợi 5 phút mà vẫn không thấy con đâu. Chị bực tức cho rằng con không nghe lời nên đã đi về, để mặc con ở trường với mục đích cho bé một bài học nhớ đời. Sau đó, người con trai may mắn được bác hàng xóm đưa về và giải thích với mẹ "Do con gặp một bạn bị hỏng xe nên con đã giúp đỡ bạn đó sửa, vì thế mà mẹ đến không thấy con. Con đã cố chạy ra nhưng lại không thấy mẹ, con xin lỗi".
Nghe lời giải thích của con trai, bà mẹ cảm thấy áy náy và từ đó chị cảm thấy cần phải nới lỏng những quy tắc của bản thân nếu con có lý do chính đáng.
3. Chỉ khen thưởng cho kết quả mà bỏ qua nỗ lực
Bạn ra điều kiện với con là nếu được điểm 10 mẹ sẽ thưởng. Thế nhưng cả một thời gian sau đó, cậu con trai luôn ở trong tình trạng chỉ được điểm 8, 9 và luôn buồn vì không bao giờ có cơ hội nhận phần thưởng của mẹ. Ngày nào bé cũng cố gắng tuy nhiên vẫn bị mẹ mắng mỏ không thương tiếc. Cho đến một ngày, chị đọc được nhật ký của con.
"Bài dạo này rất khó nên dù mình đã cố gắng mà vẫn không được điểm 10, mình rất buồn vì mình đã thức đêm để học bài mà kết quả vẫn không được như ý muốn. Mong một ngày mẹ hiểu mình đã nỗ lực rất nhiều", cậu bé viết. Đôi khi, những bậc phụ huynh quá chú trọng đến kết quả mà lờ đi những gì con cố gắng, đó là điều vô cùng thiệt thòi cho các con.
4. Chì chiết lỗi lầm của con dù bé đã sửa đổi
Khi con đã nhận ra lỗi lầm, hứa sẽ không lặp lại thì cha mẹ nên dừng, không nên nhấn thêm vào sai lầm của con nữa. Nói 1, 2 lần có thể khiến trẻ hiểu ra vấn đề nhưng nói đến 5, 6 lần sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Trẻ cũng không thích bị nhắc nhở, đặc biệt là trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, sự chê bai hay cằn nhằn từ bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ không những không sửa sai mà còn cố làm ngược lại để "thách thức" người lớn.
Bên cạnh đó, câu chuyện nên được giải quyết luôn và nếu đã xong thì không nên nhắc lại. Đừng thi thoảng lại lôi chuyện cũ ra để chì chiết, trách móc trẻ. Như thế vừa làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, vừa gây ức chế cho tâm lý của con. Hãy là những bố mẹ biết bao dung và khéo léo trong những tình huống như thế này.
Trăn trở của Chủ tịch HĐGS ngành Tâm lý học khi năm 2022 có duy nhất 1 ứng viên Giáo sư Vũ Dũng cho biết, ngành Tâm lý học, số lượng ứng viên ngày càng giảm, năm nay chỉ có duy nhất một ứng viên. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư (đang tham gia giảng dạy) được đánh giá là thấp và có xu hướng giảm. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân một phần...