Đúng hay sai khi trường cho học sinh nghỉ Tết trước 1 tuần?
Phụ huynh có con học tại Trường Nam Sài Gòn đang “đau đầu” vì bỗng dưng con được nghỉ tết sớm 1 tuần so với quy định
Ảnh minh họa
Nhiều phụ huynh trong ngày 22-1 có phản ánh về việc Trường Tiểu học-THCS-THPT Nam Sài Gòn cho học sinh nghỉ Tết sớm, khiến nhiều gia đình không chủ động sắp xếp được công việc, không biết phải gửi con ở đâu, nhiều người đành đưa con đến chỗ làm.
Điều đáng nói là theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thì bắt đầu từ ngày 28-1 (tức ngày 23 tháng chạp) học sinh TP HCM mới nghỉ Tết, nhưng tại trường này, từ ngày 22-1 (tức ngày 17 tháng chạp), trường đã cho học sinh nghỉ, nghĩa là sớm 1 tuần so với quy định.
Các phụ huynh phản ánh, theo thông báo dặn dò ở các lớp, từ ngày thứ 2 (ngày 21-1), trường đã không còn tổ chức dạy học mà trong ngày 21-1 tổ chức ngày hội xuân yêu thương, với thời gian là buổi sáng tổ chức ngày hội thu heo đất, buổi chiều thi thời trang, trang trí mâm ngũ quả.
Đến ngày thứ 3, ngày 22-1, trường tổ chức sơ hết học kỳ I, và ra về lúc 9 giờ 30 phút. Đến ngày thứ 4, trường tổ chức cho học sinh đi tham quan khu du lịch Đại Nam với chi phí là 550.000 đồng/học sinh.
Như vậy, theo các phụ huynh, nếu những học sinh nào không đăng ký đi tham quan thì đã nghỉ Tết chính thức từ sáng ngày hôm nay, ngày 22-1, sớm 1 tuần so với quy định.
Video đang HOT
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn về việc tại sao nhà trường không tổ chức kế hoạch ngoại khóa trong năm mà để đến thời gian cận Tết? Hơn nữa ngoại khóa là hoạt động tự nguyện, vậy nếu học sinh không đăng ký đi mà nhà trường lại không tổ chức hoạt động dạy học cho những học sinh không đi thì các em này buộc phải nghỉ dài ngày hơn, gây nhiều khó khăn cho phụ huynh khi thời điểm cận Tết, cán bộ nhân viên, người lao động nhiều ngành nghề đang rất bận rộn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Nam Sài Gòn, lý giải những thông báo trên nằm trong kế hoạch hoạt động của nhà trường từ đầu năm học, trường có nhiều cấp học, nên nếu học sinh cấp này nghỉ mà cấp khác đi học thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đưa rước, bán trú…Theo ông Nam, học sinh tiểu học sẽ đi ngoại khóa trước, rồi lần lượt đến bậc THCS, THPT. Ông Nam cũng cho rằng, việc nghỉ sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng đến thời lượng học theo quy định. Còn việc nhà trường đã thông báo cho học sinh đi ngoại khóa mà học sinh không đăng ký đi thì đó là lỗi của học sinh.
Đặng Trinh
Theo nld.com.vn
Quảng Ngãi: Nỗi lo mất an toàn giao thông học đường
Học sinh đi xe gắn máy phân khối lớn đến trường, điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh vượt ẩu... đang là những mảng tối trong "bức tranh" an toàn giao thông (ATGT) học đường tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 670 cơ sở giáo dục với tổng số hơn 320.000 học sinh và trên 3.900 cán bộ, giáo viên. Hầu hết các cơ sở giáo dục đều có vị trí gần những tuyến giao thông đường bộ quan trọng tại các địa phương, có lưu lượng người xe qua lại đông đúc. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một số học sinh, phụ huynh chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).
Trước thực trạng trên, những năm qua, công tác bảo đảm ATGT học đường luôn được quan tâm thực hiện. Điều này thể hiện rõ qua những buổi tuyên truyền pháp luật ATGT cả trong chính khóa, ngoại khóa; đồng thời đã có nhiều cuộc thi, sân chơi về chủ đề ATGT dành riêng cho các trường học.
Tỉnh đoàn cũng đã triển khai xây dựng mô hình "Cổng trường ATGT" tại nhiều điểm trường. Các hoạt động tuyên truyền về ATGT được thực hiện thường xuyên vào thời điểm đầu năm học, các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa...
Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm ATGT học đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Song, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận học sinh vẫn còn hạn chế.
Tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các cổng trường vào giờ tan học
Vào thời điểm tan trường, khu vực trước cổng trường tại hầu hết các điểm trường học trên địa bàn tỉnh khá lộn xộn. Học sinh dừng đỗ xe dưới lòng đường gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
Điều đáng nói, tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường là "chuyện thường ngày", thậm chí có nhiều em không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên phóng nhanh vượt ẩu. Đây chính là ẩn họa tai nạn đối với lứa tuổi học sinh.
Theo số liệu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 11 người và bị thương 38 người có độ tuổi từ 7 đến dưới 18 tuổi, đa số nạn nhân là học sinh. Một số hành vi vi phạm phổ biến như không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện là xe mô tô khi chưa đủ độ tuổi theo quy định; không có giấy phép lái xe; chở quá số người quy định; đi xe dàn hàng ngang gây cản trở giao thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh vi phạm ATGT dù nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở dưới nhiều hình thức. Một trong những nguyên nhân chính là vai trò của các bậc phụ huynh khi giao cho con em các phương tiện giao thông phân khối lớn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp trong việc quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình còn hạn chế dẫn đến tình trạng "người nắn, kẻ buông". Chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Liên quan đến vấn đề ATGT khu vực trường học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo công tác ATGT.
Trên thực tế kết quả đạt được hết sức đáng mừng, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết. Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra đối với ngành giáo dục là đối tượng trực tiếp tham gia giao thông rất lớn, cho nên dù có làm tốt đến đâu cũng không tránh khỏi một số tồn tại.
"Dù công tác tuyên truyền đã được triển khai nhưng nhận thức trong học sinh và giáo viên cũng chưa thật sự tốt. Số học sinh tham gia giao thông bằng xe máy tương đối nhiều nhưng nhà trường rất khó xử lý vì các em gửi xe ngoài trường học. Đồng thời các em rất hiếu động khi đi trên đường, đi hàng 3, hàng4 và nhiều em không đội mũ bảo hiểm... đây là những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông cho học sinh" - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Thái nhìn nhận.
Tình trạng học sinh miền núi điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường ngày càng phổ biến.
Vì vậy, để đảm bảo trật tự ATGT khu vực trường học, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì lực lượng CSGT cần chủ động phối hợp với ban giám hiệu nhà trường vận động các hộ kinh doanh, buôn bán không chiếm dụng lòng đường hè phố, nhất là không giữ xe học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em mà cũng cần có hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm Luật Giao thông. Có vậy, mới góp phần đưa "Văn hóa giao thông học đường" trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đi vào thực chất.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Sau vụ sập giàn giáo, TPHCM cảnh báo an toàn trường học Sau việc sập giàn giáo làm nhiều học sinh bị thương tại Trường tiểu học Huỳnh Văn Bánh (huyện Bình Chánh, TPHCM), Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra chỉ đạo nhằm đảm bảo an toàn trường học. Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị cần rà soát, kiểm tra lại trang thiết bị về cơ sở vật chất trong nhà trường...