‘Đừng ép trẻ lớp 1 đọc thông viết thạo càng nhanh càng tốt’
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng trẻ vào lớp 1 đang trong giai đoạn chuyển giao, các em nên “học mà chơi, chơi mà học”.
Trao đổi với Zing liên quan câu chuyện nhiều phụ huynh than phiền chương trình Tiếng Việt lớp 1 đổi mới nặng hơn trước, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng trước đây, học sinh không cần biết chữ trước khi vào tiểu học.
Tiếng Việt lớp 1 dạy các em từ chữ cái, đánh vần. Đương nhiên, một số phụ huynh ở thành phố vẫn dạy trước cho con, song ông Nhĩ đánh giá đây không phải cách làm hay.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng không nên để trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Không phải lúc nào cũng “càng sớm càng tốt”
“Ởđộ tuổi mầm non, trẻ nên được chơi để phát triển năng lực, trí tuệ. Vào lớp 1, nhiều cháu học tốt hơn bạn là do được học trước chương trình”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định.
Ông nói thêm việc tập viết đối với học sinh cũng chỉ ở mức một dòng, tức khoảng 5-6 chữ. Yêu cầu đối với học sinh lớp 1 là viết ngay hàng thẳng lối, chữ viết rõ ràng. Mức độ đẹp đến đâu tùy năng khiếu của các em.
Nói về việc dạy Tiếng Việt ngày nay, đặc biệt khi các phụ huynh, giáo viên than phiền chương trình nặng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm chính người lớn đặt ra áp lực, giao bài tập khiến việc học nặng và học sinh khổ sở.
“Yêu cầu đặt ra như vậy, chúng ta cứ thực hiện như vậy, đừng ép học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt, gây căng thẳng. Việc học không phải càng sớm càng tốt. Người lớn muốn nhanh, dạy dồn dập, chuyện học hành mới nặng”, ông Nhĩ nêu quan điểm.
GS.TS Lê Phương Nga cho rằng phụ huynh dạy học khi không biết phương pháp là đang tra tấn con. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Đừng so với “con nhà người ta”
Cùng quan điểm trên, GS.TS Lê Phương Nga, giảng viên cao cấp khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng phụ huynh không nên gây áp lực lên con hay can thiệp vào việc dạy học của giáo viên.
Nữ tiến sĩ cho rằng trong bộ 120 chỉ số phát triển của trẻ 5 tuổi do Bộ GD&ĐT đưa ra, mục 91 nêu trẻ cần “nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt”.
Theo thống kê, hơn 98% học sinh lớp 1 ở nước ta đã học mẫu giáo. Số còn lại là các em ở vùng sâu, vùng xa. Các em có thêm 1-2 tháng học Tiếng Việt tăng cường.
Do đó, trước khi vào lớp 1, học sinh đã biết mặt chữ. Do đó, việc trẻ biết bảng chữ cái sau 3 tuần học lớp 1 là bình thường. Hết lớp 1, các em cần đọc thông, viết thạo. Bà Nga nhấn mạnh nước nào cũng yêu cầu tương tự.
Video đang HOT
Nếu tốc độ con học chậm, phụ huynh cứ bình tĩnh. Đến cuối năm, con cũng đạt chuẩn, đừng thấy con nhà hàng xóm học nhanh mà nóng vội.
GS.TS Nguyễn Phương Nga
Tuy nhiên, bà cho rằng nhiều phụ huynh đang gây áp lực lên con, muốn con đọc nhanh, viết đẹp như “con nhà người ta”. Mỗi đứa trẻ có quyền học theo đúng năng lực của mình, không bao giờ bị so sánh với người khác. Thế nhưng, các bà mẹ lại đặt cho trẻ áp lực phải như các bạn.
“ Thế giới đang chuyển từ cạnh tranh để thắng lợi sang hợp tác cùng thắng lợi rồi. Nếu tốc độ con học chậm, phụ huynh cứ bình tĩnh. Đến cuối năm, con cũng đạt chuẩn, đừng thấy con nhà hàng xóm học nhanh mà nóng vội”, GS Phương Nga nhắn nhủ.
Chuyên gia giáo dục này cũng cho rằng chính áp lực từ phụ huynh khiến giáo viên cũng căng thẳng theo, dẫn đến sức ép lên trẻ. Các bé không cần phải luyện viết đến mấy trang ở nhà, cùng không cần viết đẹp “như viết giấy khen”. Bởi vì sau nay, nếu viết không đẹp, trẻ có thể viết bằng máy. Đương nhiên, các bé cũng không nên viết nguệch ngoạc, chữ này lẫn chữ kia.
Với việc giáo viên nhắc nhở do con viết không đẹp, bà Nga khuyên phụ huynh nên nhìn nhận lạc quan hơn, coi như cô quan tâm sát sao con mình. “Cha mẹ đừng áp sĩ diện của người lớn lên trẻ”, nữ tiến sĩ nhắn nhủ.
Trong việc học của con, phụ huynh là người đồng hành, không nên trực tiếp dạy con nếu không có nghiệp vụ sư phạm tiểu học. Ngồi cùng con đến hai giờ mà không dạy được, nghĩa là phụ huynh không biết phương pháp và không nên dạy nữa. Dạy như vậy, chính người lớn đang hành hạ, tra tấn con.
Trước những lời than phiền về chương trình Tiếng Việt lớp 1 nặng, GS.TS Lê Phương Nga lý giải số lượng tiết học môn này trong một tuần tăng từ 10 tiết lên 12 tiếng. Đổi lại, số lượng tiết Toán giảm xuống còn 4 tiết. Sự điều chỉnh này là do tiếng Việt được xem là công cụ để các em học tiếp môn khác.
Quỹ thời gian được ưu tiên cho môn Tiếng Việt nhưng không có nghĩa việc học dồn dập, sau 3 tuần, học sinh phải đọc thông viết thạo. Thực tế, ở nhiều nơi, các em học xong lớp 1 vẫn chưa đọc được.
Ngoài ra, với chương trình mới, chú trọng phát triển năng lực, học sinh không chỉ học chữ, mà phải hiểu nghĩa (trước đây, học sinh học chữ không cần hiểu).
Bà Nga nhấn mạnh mục tiêu chính của chương trình là trẻ đọc thông, viết thạo. Phụ huynh, giáo viên không nên tạo áp lực. Ngược lại, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm thế nào để trẻ thích học.
Tại họp báo thường kỳ quý III năm 2020 diễn ra chiều 30/9, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, thông tin gần đây, một số diễn đàn đăng tải thông tin phụ huynh nói về chương trình lớp 1 nặng sau một tháng học. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức từ giáo viên, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định chương trình lớp 1 có sự điều chỉnh ở chỗ “trẻ cố gắng đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt”, để có điều kiện chọn những môn khác.
Phụ huynh bế tắc khi dạy con học Tiếng Việt lớp 1
Nhiều phụ huynh than chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới nặng nề. Nếu không ép con học, trẻ sẽ thụt lùi so với bạn bè.
Từ khi con vào lớp 1, cuộc sống của chị Linh Giang (Hà Nội) đảo lộn. Tối nào, chị cũng dành hai tiếng để cùng con vật lộn với luyện viết, đánh vần.
"Con càng học càng sợ. Còn tôi thì bế tắc lắm", bà mẹ trẻ chia sẻ về hành trình học chữ gian nan của con.
Khối lượng kiến thức lớn khiến học sinh lớp 1 sợ học. Ảnh: Linh Giang.
Học ngày, học đêm
Hồi học mẫu giáo, con chị Linh Giang đã học chữ cái, chưa ghép vần. Ban đầu, chị nghĩ con mới học lớp 1, cho bé làm quen với kiến thức dần. Thế nhưng, chỉ sau mấy ngày, chị "choáng".
Ẩn quảng cáoBạn sẽ không thấy quảng cáo này nữaBáo xấu quảng cáoHãy cho biết quảng cáo này có vấn đề gì
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trường con chị chọn bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. 80% học sinh trong lớp đã học trước từ hè, thành thạo ghép vần, đọc trơn.
Trong khi đó, con chị mới chỉ biết chữ cái. Sau 3 tuần, bé chưa thuộc hết âm ghép, ghép vần chậm, thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở.
Ngoài việc học ở trường, mỗi ngày, giáo viên giao bé 5 tờ bài tập mang về, kèm phiếu đọc. Do đó, tối nào, chị cũng dành hai tiếng để kèm con học.
Không chỉ chị Linh Giang, chị Ngọc Minh (Hà Nội) cũng trải qua 3 tuần đầy khó khăn của năm học mới.
Chị Minh thậm chí không ngờ ngay từ lớp đầu tiên, việc học đã gây mệt mỏi cho hai mẹ con đến thế.
Con chị Minh học theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Theo chị, chương trình môn Tiếng Việt quá nặng.
Mỗi buổi, học sinh học hai chữ, đi kèm với từ ghép. Ví dụ gh-ghẹ, g-gà. Sau đó, con đọc đoạn văn cuối bài và trả lời câu hỏi.
Bà mẹ này cho biết thêm nhiều phụ huynh trong nhóm chung của lớp cũng than phiền về khối lượng kiến thức các con phải học.
"Không chỉ con áp lực mà cha mẹ cũng rất căng thẳng khi hàng đêm phải ngồi cùng con từ 19h30 đến 22h30. Nhiều hôm, con không đủ thời gian để học vì riêng Tiếng Việt đã chiếm đến hai tiếng", chị Ngọc Minh chia sẻ.
Mới lớp 1, con trai chị đã vùi đầu học đêm ngày. Hàng ngày, ngoài giờ học ở lớp, bé phải hoàn thiện vở luyện viết mẫu chữ ô ly (tiếp tục bài học ở lớp), luyện viết bảng chữ đã học trong ngày, luyện viết ở vở hướng dẫn học theo mẫu của giáo viên viết trên bảng, chuẩn bị bài cho ngày mai.
Với chương trình mới, phụ huynh bắt buộc đồng hành cùng con. Vì thế, thay vì nghỉ ngơi sau ngày làm việc, chị Minh lại phải kèm con luyện chữ, quay video con tập đọc để nộp giáo viên, kiểm tra vở bài tập Tiếng Việt.
"Như vậy, hầu như cha mẹ phải đồng hành, gánh vác việc học của con cùng thầy cô. Nếu cha mẹ nào không ôn cùng, con sẽ hoàn toàn bị tụt lại so với các bạn", phụ huynh nói.
Không chỉ chương trình học quá nhiều, con trai chị còn than phiền các câu chuyện trong sách giáo khoa rất khó đọc, nội dung không hay.
Chị Ngọc Minh cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 quá nặng. Ảnh: Ngọc Minh.
Trẻ sợ học
Không chỉ con áp lực mà cha mẹ cũng rất căng thẳng khi hàng đêm phải ngồi cùng con từ 19h30 đến 22h30. Nhiều hôm, con không đủ thời gian để học vì riêng Tiếng Việt đã chiếm đến hai tiếng.
Phụ huynh Ngọc Minh
Với chương trình học như vậy, con trai chị Ngọc Minh chỉ được nghỉ ngơi vào ban ngày của thứ bảy, chủ nhật. Tối nào, kể cả cuối tuần, hai mẹ con cũng vật lộn với luyện viết, đánh vần. Chỉ sau 3 tuần học, con gầy đi trông thấy.
"Mặt con hóp lại, ngồi học mệt mỏi. Nhiều lúc, tôi thương con, không dám ép con học, sợ bé bị ảnh hưởng tâm lý, thần kinh", chị tâm sự.
Bản thân chị cũng mệt mỏi không kém vì ngày đi làm, tối "chiến đấu" với con. Họ không còn cách nào khác, ngoài việc lên nhóm chung tâm sự, giải tỏa căng thẳng, động viên nhau cùng còn vượt qua thời kỳ đầu khó khăn.
Theo chị Minh, bất lực, mệt mỏi, căng thẳng, sợ con không lên nổi lớp là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh lớp con chị. Nhiều người phải đè nén cơn giận để kèm con học nên lại càng chán nản, ức chế.
Chị Linh Giang cũng bế tắc không kém trước việc học của con. Sau 3 tuần, bé càng ngày càng sợ học, cứ vào giờ học là khóc, tìm cách trốn tránh.
Thấy nhiều bạn của con sụt cân, chị cũng lo cho sức khỏe của con mình nhưng không bắt học không được.
"Nhiều khi, tôi muốn khùng lên luôn. Cứ đến giờ học, mẹ con lại không muốn nhìn mặt nhau", chị Giang bất lực.
Họ chỉ hy vọng khi con thuộc hết mặt chữ, mọi chuyện sẽ đỡ hơn. Mỗi lần chán chường với việc kèm con học mỗi tối, chị Ngọc Minh lại tự động viên "chuyện gì cũng sẽ qua thôi" để lấy lại bình tĩnh, kèm con học tiếp.
Hơn nữa, chị tự nhận mình còn may mắn hơn nhiều cha mẹ khi quyết tâm dạy con học chữ từ trước nên không đến mức "phát điên" vì con học chữ này, quên chữ khác.
Chị cũng không đặt quá nhiều áp lực lên con, chỉ cần bé biết đọc, viết, luyện chữ đúng kỹ thuật là đủ.
Khi thấy chương trình học quá nặng, chị điều tiết, chấp nhận để con chậm hơn bạn bè trong lớp, tránh con bị áp lực, có năng lượng để đảm bảo việc học ở trường.
"Con cũng tự giác học, nhưng không còn hứng khởi như ngày đầu tiên nữa. Tôi chỉ mong chương trình đỡ nặng, để con chỉ cần học ở trường. Buổi tối, con nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc ôn bài nhẹ nhàng thôi", chị Ngọc Minh bày tỏ.
2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Thay vì chỉ có một bộ sách, chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép các trường lựa chọn các bộ sách bao gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cánh diều.
Chương trình lớp 1 mới ra sao mà 'ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo'? 'Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá...' - chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ. Nhiều trường năm nay than phiền...