Đừng để người thiếu trách nhiệm tiếp tục biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
Bà Bùi Thị An cho rằng, sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều nhiều sạn, sai cơ bản trước tiên do tác giả, nhưng trách nhiệm trên hết vẫn là Hội đồng thẩm định.
Sau một thời gian đưa vào dạy và học, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cụ thể bộ sách Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng bộ sách có một số nội dung không phù hợp, thậm chí phản cảm.
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, phụ huynh và không ít chuyên gia, đại biểu Quốc hội, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả và thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Đến nay dư luận, đặc biệt các phụ huynh băn khoăn về quy trình sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 sẽ như thế nào, việc sửa chữa có ảnh hưởng đến việc học của học sinh hiện nay hay không, thời gian sửa chữa trong bao lâu.
Trở lại vấn đề dưới góc độ chuyên môn, không ít chuyên gia, nhà ngôn ngữ cho rằng, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều không phải có nhiều hạt sạn, mà là sai cơ bản.
Cuốn sách được cho rằng sai cả về phương pháp biên soạn và sai về ngôn ngữ khi người biên soạn khá ngô nghê trong việc giải thích các từ ngữ cho học sinh mới 6 tuổi.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, Hội đồng thẩm định chưa làm hết trách nhiệm khi thẩm định bộ sách Cánh Diều. Ảnh: Vietnamnet.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 thẳng thắn cho rằng: “Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều chưa làm hết trách nhiệm.
Khó có thể thuyết phục được dư luận nếu Hội đồng thẩm định nói đã từng khuyến cáo “sạn” trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều nhưng tác giả không sửa.
Bởi Hội đồng thẩm định thông qua, thẩm định khi sản phẩm cụ thể ở đây là bộ sách giáo khoa phải sạch, chuẩn. Từng đó con người trong Hội đồng thẩm định nên không thể nói đã khuyến cáo mà tác giả không sửa”.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng phân tích: “Sách Tiếng Việt lớp 1 như vậy là quá nặng và cần phải lược bỏ bớt đi.
Video đang HOT
Đừng để các cháu mới 6 tuổi khi còn đang ngây thơ, trong sáng như vậy lại học quá nhiều, học chương trình quá nặng. Các em còn thời gian đâu mà chơi, thời gian đâu mà phát triển toàn diện bản thân.
Chương trình cần giảm tải để các cháu còn thời gian học bơi, học đàn, chơi thể thao…”.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem lại bộ sách giáo khoa này một cách nghiêm túc. Đừng để các cháu sớm thành ông cụ, bà cụ. Như vậy sẽ không tốt cho nguồn lực tương lai của đất nước”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nói.
Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều được cho là không phải sạn mà sai cơ bản. Ảnh: VOV.
Một lần nữa Phó Giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh: “Cần phải lược những cái không cần thiết trong bộ sách lớp 1 mới đi để các cháu có thể phát triển bình thường, lớn lên đảm bảo phát triển nguồn lực chất lượng phục vụ đất nước.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, những người phụ trách, có trách nhiệm với chương trình sách giáo khoa phải kiên quyết làm được bộ sách phù hợp và tốt nhất cho các em.
Với những người không làm được việc phải loại ra chứ đừng để họ tham gia vào công việc biên soạn sách, thẩm định bộ sách mới”.
Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An thẳng thắn chỉ rõ: “Bộ sách như vậy chưa đảm bảo được mục tiêu ban đầu về bộ sách giáo khoa lớp 1. Bởi vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại và kiên quyết chỉ đạo để không xảy ra tình trạng như vậy trong năm học tiếp theo”.
Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Theo đó, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa theo một chương trình thống nhất, trong đó sách giáo khoa có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
Có không ít ý kiến cho rằng, sách giáo khoa theo chương trình mới chỉ đóng vai trò là tài liệu, nhưng ngữ liệu trong sách vẫn phải đảm bảo đạt chuẩn cả về mặt ngôn ngữ, tư duy logic, các từ được sử dụng đúng ngữ nghĩa, phù hợp lứa tuổi… Có như vậy mới có thể xem là chất liệu tốt để giáo viên xây dựng được bài giảng hấp dẫn, giúp học sinh tiếp thu bài học một cách tốt nhất có thể.
Cần chặt chẽ hơn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT đã đưa ra một quy trình chặt chẽ về biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa (SGK) rất chặt chẽ. Tuy nhiên, lỗi "sạn" trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều thì cần phải điều chỉnh lại.
Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều đã có nhiều "sạn" khiến dư luận ồn ào, Bộ GD&ĐT đã phải chỉ đạo sửa.
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Thông tư số 33) với các nội dung khá chặt chẽ như sau:
Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK
Về Quy trình biên soạn SGK: Việc tổ chức biên soạn SGK được tổ chức thực hiện như những xuất bản phẩm khác theo Luật Xuất bản.
Ngoài những quy định theo Luật Xuất bản, biên soạn SGK phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33 cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký và nộp bản thảo đề SGK đến nhà xuất bản. Đơn vị đề nghị thẩm định SGK là nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản.
Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK. Bộ GDĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định. Nhà xuất bản có SGK được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK hoàn thiện bản mẫu SGK sau thẩm định. Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.
Có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo
Về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK: Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 7 (bảy) người. Mỗi thành viên Hội đồng là những người "có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định SGK; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định" và tham gia vào các hoạt động liên quan đến đổi mới chương trình, SGK.
Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên xây dựng minh chứng cần đạt
Về Tiêu chuẩn SGK đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới: Nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các bài học trong SGK tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.
Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Cấu trúc SGK có đủ các thành phần cơ bản sau: phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản sau: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng...
Dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên, Bộ GDĐT đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu gồm các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm về chương trình giáo dục phổ thông, trong lĩnh vực biên soạn và thẩm định SGK; các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, các chuyên gia quốc tế để phân tích và xây dựng hệ thống các minh chứng cần đạt trong SGK khi tiến hành thẩm định.
Thẩm định theo 2 vòng
Về Qui trình làm việc của Hội đồng gồm: Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập (15 ngày); Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (05 ngày cho mỗi bản thảo gồm các nội dung:
Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK, thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng để thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại Hội đồng nếu có).
Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt, Đạt nhưng cần sửa chữa, Không đạt.
Tham vấn các cơ quan chuyên môn
Về Phê duyệt và công bố kết quả thẩm định: Khi tiếp nhận kết quả thẩm định của các Hội đồng, Bộ trưởng đã chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn tham mưu thành lập tổ giúp việc gồm các chuyên gia am hiểu về chuyên môn, các nhà quản lí và các giáo viên, tổ chức rà soát lại quy trình việc của Hội đồng, báo cáo, tham vấn các cơ quan chuyên môn như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến tính pháp lí của SGK sử dụng trong các trường phổ thông trước khi ban hành quyết định phê duyệt chính thức.
Mặc dù quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa đưa ra khá tỉ mỉ, chi tiết nhưng vẫn để lọt "sạn" trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp gây phản ứng của dư luận.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát bộ sách Cánh Diều.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần chặt chẽ hơn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa công bằng, minh bạch hơn. Cần có xin ý kiến góp ý rộng rãi hơn từ các nhà giáo, nhà chuyên môn, thậm chí phụ huynh...
Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa
Từ "sạn" trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, tác giả rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để chỉnh sửa kịp thời những bất hợp lý nếu có.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tài liệu chỉnh sửa SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều sẽ được phát hoàn toàn miễn phí cho các đơn vị sử dụng.
Theo Thứ trưởng Độ, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá "đạt" và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Sách giáo khoa lớp 1 mới: Bất ổn cả khâu thẩm định lẫn thực nghiệm Hội đồng thẩm định đề nghị sửa nhưng tác giả sách giáo khoa lớp 1 mới không sửa. Sách giáo khoa sử dụng đại trà nhưng chưa có thời gian thực nghiệm trên diện rộng. Học sinh lớp 1 ở TP.HCM trong giờ học - Ảnh: TỰ TRUNG Đây là những vấn đề đang khiến dư luận băn khoăn sau những ồn ào...