Đức: Phối hợp hai vaccine Pfizer và AstraZeneca có thể tạo miễn dịch mạnh hơn
Một nghiên cứu của Đức gần đây cho thấy việc sử dụng phối hợp vaccine phòng COVID-19 của Pfizer- BioNTech và AstraZeneca có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với việc sử dụng 2 mũi của cùng một loại.
Kết quả sơ bộ nghiên cứu tại Đức cho thấy phối hợp hai loại vaccine phòng COVID-19 khiến người tiêm tạo được kháng thể mạnh hơn. Ảnh: DW
Kênh DW (Đức) ngày 10/6 đưa tin các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland đã thực hiện nghiên cứu và rút ra được kết luận trên. Theo đó, nhũng người tiêm mũi đầu là AstraZeneca và mũi thứ hai là Pfizer-BioNTech sẽ có hệ miễn dịch mạnh hơn trước virus SARS-CoV-2 so với những người tiêm 2 mũi vaccine cùng loại.
Vậy liệu điều này có phải là dấu hiệu cho thấy đã tới thời điểm thay đổi phương thức tiêm vaccine COVID-19? Câu trả lời là chưa hẳn.
Đội ngũ nghiên cứu tại trường Đại học Saarland mới chỉ đưa ra đánh giá sơ bộ và chưa có nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Họ nhấn mạnh trước khi công bố kết quả nghiên cứu cuối cùng, sẽ xem xét kỹ yếu tố độ tuổi và giới tính của bệnh nhân cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra.
Tuy chưa có đánh giá dữ liệu đầy đủ nhưng đội nghiên cứu vẫn bất ngờ về kết quả thu được khá rõ ràng. Giáo sư Martina Sester tại Đại học Saarland nhấn mạnh: “Đó là lý do chúng tôi muốn chia sẻ ngay kết quả mà không đợi quá trình đánh giá khoa học được hoàn thiện”.
Có 250 người đã tham gia vào thử nghiệm thực hiện tại bệnh viện của Đại học Saarland. Họ được chia làm 3 nhóm, một nhóm chỉ tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, một nhóm tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech và nhóm còn lại tiêm mũi đầu AstraZeneca sau đó tiêm Pfizer-BioNTech.
Video đang HOT
Sau đó các nhà nghiên cứu so sánh phản ứng miễn dịch của người tiêm vaccine 2 tuần khi tiêm mũi thứ 2. Họ không chỉ xem xét số lượng kháng thể với virus SARS-CoV-2 mà còn cả tính hiệu quả của các kháng thể trung hòa trong cơ thể bởi điều này sẽ phản ánh khả năng kháng thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào cơ thể.
Kết quả sơ bộ cho thấy nhóm tiêm phối hợp hai loại vaccine sản sinh kháng thể gấp 10 lần những người tiêm 2 liều AstraZeneca. Về số lượng kháng thể trung hòa, kết quả ban đầu là nhóm tiêm phối hợp có tỷ lệ “cao hơn một chút” so với nhóm tiêm 2 liều Pfizer-BioNTech.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images
Một nghiên cứu tương tự được thực hiện tại Tây Ban Nha và kết quả sơ bộ đã được đăng trên tạp chí khoa học Nature. Các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Carlos III ở Madrid cho biết 2/3 trong số 663 người tham gia được tiêm AstraZeneca sau đó là một mũi Pfizer-BioNTech. Những người này có kháng thể khá cao với virus SARS-CoV-2 sau mũi tiêm thứ hai.
AstraZeneca và Pfizer-BioNTech được sản xuất với công nghệ khác nhau. AstraZeneca là vaccine vector truyền thống sử dụng phiên bản vô hại của virus khác “đưa chỉ dẫn” đến tế bào con người để hình thành kháng thể chống virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Pfizer-BioNTech ứng dụng công nghệ mRNA. Công nghệ mRNA được sử dụng để “hướng dẫn” tế bào tạo bản sao khỏe mạnh của một protein. Như vậy, vaccine công nghệ mRNA có cơ chế hoạt động là khiến tế bào tạo ra thứ được coi như một mảnh của virus để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể.
Giáo sư Sester nhận xét: “Nên cân nhắc nghiêm túc việc phối hợp vaccine vector và vaccine công nghệ công nghệ mRNA”.
New Zealand, Australia khuyến nghị tiêm vaccine Pfizer cho phụ nữ mang thai
Nhóm chuyên gia y tế cố vấn cho chính phủ Australia khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho phụ nữ đang mang thai ở bất kỳ giai đoạn thai kỳ nào.
Chưa có bằng chứng về rủi ro khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho phụ nữ đang mang thai. Ảnh minh họa: Getty Images
Theo kênh RT, Nhóm Cố vấn Kỹ thuật Australia về Tiêm chủng (ATAGI) - một hội đồng chuyên gia sức khỏe cố vấn cho chính phủ Australia cùng Đại học khoa sản Hoàng gia Australia và New Zealand (RANZCOG) ngày 9/6 đã ban hành hướng dẫn y tế mới cập nhật về đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Nhấn mạnh đến "nguy cơ hậu quả nghiêm trọng do COVID-19 gây ra đối với phụ nữ mang thai và thai nhi cao đáng kể", tuyên bố chung của hai nhóm chuyên gia cho biết: "Dữ liệu theo dõi phụ nữ mang thai trên toàn cầu không chỉ ra bất kỳ mối lo ngại nào về sự an toàn của vaccine công nghệ mRNA ngừa COVID-19 đối với nhóm đối tượng này. Hơn nữa, cũng có bằng chứng về kháng thể trong máu cuống rốn và sữa mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh thông qua khả năng miễn dịch thụ động".
Các chuyên gia nhận định tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người mẹ khi mang thai có thể kéo dài mức độ miễn dịch tạm thời cho em bé trước và sau khi sinh.
Một tuyên bố riêng của RANZCOG lưu ý trong khi phần lớn phụ nữ mang thai bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ gặp các triệu chứng giống như cảm lạnh hoặc cúm nhẹ thì cũng có nhiều nguy cơ biến chứng hơn, bao gồm suy giảm chức năng phổi, tăng mức độ oxy tiêu thụ và thay đổi khả năng miễn dịch. Các lời khuyên y tế trước đây khuyến cáo phụ nữ mang thai làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao mắc COVID-19 như nhân viên y tế cần xem xét việc tiêm phòng.
Trong khi đó, tại New Zealand, kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của chính phủ nước này hồi tháng 3 đã chỉ rõ phụ nữ mang thai thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, cùng với khoảng 1,7 triệu người khác gặp rủi ro cao nếu như không may mắc COVID-19.
Các khuyến nghị cập nhật được đưa ra vào thời điểm một nghiên cứu gần đây công bố những phát hiện sơ bộ về phụ nữ mang thai sau khi tiêm vaccine mRNA COVID-19 trong tam cá nguyệt thứ ba. Các kết quả cho thấy không có "cảnh báo nguy hiểm rõ ràng" nào liên quan đến quá trình mang thai và sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo cần phải theo dõi thêm và kêu gọi nghiên cứu thêm về những phụ nữ tiêm chủng sớm hơn trong thai kỳ.
Trả lời phỏng vấn báo The Courier, Chủ tịch RANZCOG Vijay Roach chia sẻ tổ chức của ông đã nghiên cứu dữ liệu được tổng thợp từ Israel, Anh và Mỹ - những nơi mà chương trình tiêm chủng đang trong giai đoạn tiên tiến hơn rất nhiều so với Australia.
Trước đó, vào cuối tháng 4, trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 23/4, Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tuyên bố: "Phụ nữ mang thai gặp các tác dụng phụ tương tự như những người khác sau khi tiêm phòng. Điều quan trọng ở đây là không xuất hiện nỗi lo ngại về mức độ an toàn khi tiêm chủng cho những người ở 3 tháng cuối thai kỳ hoặc lo ngại về an toàn cho trẻ sơ sinh".
Giữa tháng 2, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) tuyên bố đã bắt đầu dự án nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine COVID-19 đối với các phụ nữ mang thai khỏe mạnh.
Các hãng dược cho biết số liệu nghiên cứu đến nay chưa thấy có rủi ro nào và nhiều phụ nữ mang thai ở Mỹ đã được tiêm những liều vaccine đầu tiên. Tại Mỹ, cơ quan quản lý cấp phép yêu cầu các hãng dược phải tiến hành nghiên cứu mức độ an toàn của vaccine trên động vật có thai trước khi thử nghiệm cho phụ nữ mang thai để bảo đảm không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc có thể dẫn đến sảy thai.
Pfizer bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi Ngày 8/6, liên minh dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm mức độ hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Pfizer/BioNTech sẽ thực hiện một nghiên cứu trên gần 4.500 trẻ em tại hơn 90 cơ sở...