Đức đề xuất biện pháp phòng dịch mới thay thế ‘tình trạng khẩn cấp’
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 27/10, tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ tiến trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức, 3 chính đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đều bày tỏ mong muốn chấm dứt “ tình trạng khẩn cấp”, được áp đặt từ tháng 3/2020 để phòng, chống đại dịch COVID-19, vào tháng 11 tới.
Thay vì các biện pháp khẩn cấp này, các bên đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa đông này.
Theo đó, chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng ngoài quy định “3G” (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Một số bang chỉ chấp nhận quy định “2G”.
Ngoài những quy định trên, chính quyền các bang cũng có quyền yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu ở các không gian công cộng trong nhà, cũng như xử lý thông tin điều tra dịch tễ của khách hàng, các quy định xét nghiệm hay đeo khẩu trang trong trường học.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mamming, miền Nam Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, các bên đang thảo luận khả năng kéo dài chương trình phúc lợi được điều chỉnh đối với trẻ em đến năm 2022. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể được nghỉ chế độ con ốm tới 30 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây và lên tới 60 ngày đối với cha mẹ đơn thân.
Các bên cũng đề xuất kế hoạch tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang bị chững lại. Tính đến ngày 27/10, mới gần 2/3 (khoảng 66,4%) dân số Đức đã hoàn thành việc tiêm chủng và gần 70% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Đức ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên từ ngày 28/3/2020 và kéo dài liên tục gần 19 tháng qua. Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội liên bang đã gia hạn tình trạng này thêm 3 tháng. Quy định sẽ tự động hết hiệu lực nếu chính phủ không kiến nghị quốc hội tiếp tục gia hạn. Tuy nhiên, theo Luật phòng, chống lây nhiễm trên, các bang vẫn có quyền xác định có cần áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch nữa hay không thông qua cơ quan lập pháp bang của mình. Vì vậy việc “tình trạng khẩn cấp” tự động hết hạn, không có nghĩa là kết thúc các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế Đức kêu gọi chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế
Tỷ lệ ca mắc COVID-19 tại Đức tiếp tục gia tăng trong những ngày qua, song với tỷ lệ tiêm chủng hiện ở mức cao, Bộ Y tế nước này đang kêu gọi chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn quốc.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết tình trạng khẩn cấp y tế do Quốc hội liên bang nước này ban bố, hiện có thể chấm dứt vì cứ 5 người trưởng thành ở Đức thì có 4 người được tiêm chủng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Spahn cũng khẳng định việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở cấp quốc gia không có nghĩa là đại dịch được tuyên bố chấm dứt. Ông kêu gọi tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong mùa Thu và mùa Đông tới, đặc biệt là đeo khẩu trang trong các không gian hẹp như trên xe buýt, tàu, cửa hàng, siêu thị...
Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp chính quyền các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng dịch trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại bang mình. Bộ trưởng Spahn cho biết ông hoàn toàn ủng hộ điều này. Theo ông, dù số ca mắc bệnh vẫn tăng, nhưng tình hình hiện nay đã khác nhiều so với giai đoạn đầu đại dịch, do đó cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Vấn đề chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Đức do tỷ lệ lây nhiễm mới vẫn tăng cao. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI) trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 6.573 ca mắc COVID-19, trong khi tỷ lệ nhiễm mới ở nước này tính trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua là 110,1, tăng so với mức 74,4 của tuần trước. Cũng theo RKI, tính đến sáng 25/10, tổng số ca mắc bệnh tại Đức đã vượt mức 4,47 triệu, trong đó số ca không qua khỏi là 95.117 người và số ca khỏi bệnh là hơn 4,2 triệu người. RKI cho biết thêm trên thực tế, tổng số ca mắc bệnh có thể còn cao hơn vì nhiều ca mắc bệnh không được ghi nhận.
Hồi cuối tháng 8, Quốc hội Đức đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế thêm 3 tháng, cho tới cuối tháng 11 do tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, theo đó cho phép chính phủ liên bang và chính quyền các bang áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch trên phạm vi toàn quốc như yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc hoặc mua vaccine phòng dịch. Quy định này sẽ tự động hết hạn nếu không được Quốc hội gia hạn thêm.
Hội đồng cầm quyền Sudan tuyên bố tình trạng khẩn cấp, giải tán chính phủ chuyển tiếp Chiều 25/10 (theo giờ Việt Nam), người đứng đầu Hội đồng cầm quyền Sudan - Tướng Abdel Fattah al-Burhan - đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán Hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp của nước này. Lực lượng an ninh Sudan tuần tra tại Khartoum ngày 25/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN...