Đưa văn hóa đọc đến với học sinh vùng cao biên giới
Chỉ bằng một chiếc xe ô tô lưu động, hàng năm, Thư viện tỉnh Sơn La đã mang hàng nghìn cuốn sách đến khắp các trường học ở mọi bản làng, gieo tri thức cho các học sinh vùng cao biên giới, giúp các em tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo đa dạng, phong phú, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc tại cơ sở.
Các em học sinh vùng cao Sơn La được tiếp cận với nhiều loại sách báo bổ ích thông qua xe thư viện lưu động. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Sơn La là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước thụ hưởng mô hình “ Xe thư viện đa phương tiện lưu động” do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai. Tại Sơn La, mô hình được thực hiện từ năm 2017 với hai hình thức song song là thư viện đọc sách truyền thống và thư viện tra cứu điện tử.
Thư viện đọc sách truyền thống bao gồm hơn 6.000 đầu sách với các chủng loại đa dạng, phong phú; được bố trí tại các giá, ngăn trên xe ô tô. Các đầu sách thường xuyên được luân chuyển tại “Kho lưu động tại nhà”, bảo đảm phù hợp với các đối tượng phục vụ trong từng chuyến đi. Đối với thư viện tra cứu điện tử được trang bị gồm 1 máy chủ và 7 máy tính có kết nối mạng Internet để phục vụ khai thác, tìm kiếm thông tin tại chỗ.
Em Phặng A Sơn, học sinh lớp 7A, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Sai, huyện Sông Mã, chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được đọc sách tại xe thư viện. Em thấy có rất nhiều loại sách mới, hay. Ngoài ra, em rất thích được thoải mái sử dụng máy tính để tra cứu thông tin trên mạng Internet, rất nhiều thông tin bổ ích và lý thú. Em mong có nhiều xe thư viện đến phục vụ tại trường để các bạn em cũng có được trải nghiệm như em.
Theo thầy Lưu Quốc Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Sai, huyện Sông Mã, thư viện của trường hiện chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo và các tài liệu được cấp phát, đáp ứng đươc nhu cầu cơ bản của các em học sinh. Vậy nên trải nghiệm xe thư viện rất thiết thực, ý nghĩa với các em. Qua đây, các em được bổ sung, hoàn thiện kiến thức, nâng cao vốn hiểu biết, trang bị những năng sống, kỹ năng thực hành trong cuộc sống và học tập.
Video đang HOT
Năm 2019, Thư viện tỉnh Sơn La đã tổ chức 67 chuyến xe lưu động, phục vụ hơn 37.200 lượt người dân, học sinh đến đọc sách và đáp ứng hơn 20.300 lượt truy cập, tra cứu máy tính.
Chị Lương Thị Loan, Phó Trưởng phòng Phục vụ và Xây dựng phong trào Thư viện tỉnh Sơn La cho biết, ngoài các hoạt động tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo, Thư viện tỉnh Sơn La đã thực hiện đa dạng hóa các hoạt động của mô hình “Xe thư viện đa phương tiện lưu động”.
Thư viện tỉnh Sơn La đã xây dựng các mô hình, triển lãm ngoài xe; tổ chức thi trả lời câu hỏi về sách, tìm hiểu kiến thức trong sách, thi xếp sách nghệ thuật… theo chủ đề gắn với các ngày lễ, sự kiện của cả nước như “Đọc sách vì ngày mai”, “Theo chân Bác”, “An toàn giao thông cho trẻ em là hạnh phúc của mọi người”, “Hành trang ánh sáng tri thức và mùa xuân”… để các học sinh có thể vừa học vừa chơi, tìm được niềm yêu thích với sách, dần hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em.
Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo, đặc biệt là với các học sinh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mô hình “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” là giải pháp thiết thực giúp xây dựng và phát triển hệ thống thư viện kiểu mới theo hướng chuẩn hóa, thân thiện, hiện đại, mang sách đến gần với bạn đọc.
Năm 2020, Thư viện tỉnh Sơn La thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” tại các xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Qua đó phấn đấu mở rộng đối tượng thụ hưởng của xe thư viện, phát triển văn hóa đọc cho các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Thư viện tỉnh Sơn La sẽ xây dựng các chủ đề hoạt động mới, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả của việc tiếp cận, tra cứu nguồn sách báo cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân.
Diệp Anh
Theo TTXVN
Yên Bái: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng người Mông
Với mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong cộng đồng, năm 2018, UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng năm 2030.
Ở một địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, trong đó chủ yếu là đồng bào Mông như Mù Cang Chải, đây là một đề án có khó khăn song nhiều ý nghĩa.
Đề án phát triển văn hóa đọc hướng tới hình thành kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức cho người dân thông qua việc đọc
Từ năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nậm Khắt đã quan tâm, đầu tư hơn đến việc phát triển và lan tỏa văn hóa đọc đến đông đảo học sinh.
Thầy Nông Đức Viễn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Khắt chia sẻ: "Từ 1 thư viện đã cũ cả về cơ sở vật chất lẫn các đầu sách, nhà trường đã cải tạo 2 phòng học liền kề tạo thành 1 thư viện mới với diện tích 60m2. Thư viện mới này có phòng đọc riêng biệt, bên ngoài sẽ bắn thêm mái vòm, kê thêm một vài dãy bàn ghế phục vụ nhu cầu đọc sách ngoài trời cho học sinh. Nhà trường còn xây dựng thêm "thư viện xanh" bằng cách xây dựng 3 chòi đọc sách có gắn tủ sách ở sân trường, sẽ đưa vào hoạt động trong năm học này. Tất cả tạo nên một môi trường đọc sách thoải mái, tạo cảm hứng đọc".
Ngoài ra, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến việc sưu tầm các đầu sách đa dạng về chủng loại để thu hút học sinh. Chỉ riêng năm học 2018 - 2019, nhà trường đã huy động các nguồn lực xin hỗ trợ được trên 600 đầu sách, nâng tổng số đầu sách toàn trường lên trên 7.000 đầu sách; trung bình mỗi tháng thu hút 200 lượt đọc và mượn sách.
Không chỉ Trường PTDTBT THCS Nậm Khắt, nhiều trường học trên địa bàn huyện cũng đã bắt đầu xây dựng, hình thành văn hóa đọc trong học sinh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng cấp học. Các câu lạc bộ về sách gắn với các hoạt động ngoại khóa được tổ chức như: đọc cá nhân, đọc theo nhóm, thi đọc nhiều sách, viết thư, viết bảng tin, sáng tác truyện, vẽ tranh, làm thẻ đánh dấu sách, ghép tên tác phẩm với hình minh họa, ghép tên tác giả với tác phẩm...
Năm học 2018 - 2019, 100% các đơn vị trường đã tổ chức "Ngày hội đọc sách" theo chủ đề phù hợp với điều kiện thực tế, thu hút 17.220 lượt học sinh, 1.070 lượt cán bộ, giáo viên tham gia. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên, học sinh mượn và đọc sách tại thư viện, các đơn vị trường còn tổ chức sắp xếp lại kho sách theo từng chủ đề, từng khối lớp một cách khoa học, xây dựng phòng đọc, lớp học, thư viện xanh, thư viện ngoài trời, thư viện lưu động...
Bên cạnh đó, phong trào thu gom sách với chủ đề "Góp một quyển sách để đọc được nhiều quyển sách" được đẩy mạnh, riêng năm 2018 đã đóng góp, bổ sung thêm 4.532 đầu sách.
Ông Trần Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: "Mục tiêu hướng tới của Đề án là 80% học sinh được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện; 40 - 45% người dân có kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh là 90%) có kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin thông qua việc đọc; số lượng người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 3.000 lượt/năm... Tuy nhiên, đến nay, Đề án mới chỉ tác động được đến các đơn vị nhà trường, các hoạt động chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cộng đồng".
Kích thích văn hóa đọc ở tầng lớp trí thức không khó nhưng phát triển và lan tỏa ở cộng đồng những người dân tỷ lệ dân trí thấp, mù chữ nhiều là việc không dễ dàng. Để hình thành và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, huyện Mù Cang Chải rất cần sự quan tâm hỗ trợ kinh phí tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, các nguồn sách, trang thiết bị đảm bảo 100% các em học sinh có đủ sách giáo khoa để học; huyện cũng đề nghị Thư viện tỉnh tổ chức Ngày sách Việt Nam điểm ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa để lan tỏa tinh thần của ngày hội đến tất cả người dân cũng như thường xuyên bố trí luân chuyển các đầu sách.
Nguồn: baoyenbai.com.vn
Bữa cơm kham khổ của học sinh Tiểu học nơi vùng biên giới Quảng Trị Bữa cơm trưa với ếch, cá, chuột nướng... học sinh trường Tiểu học Thanh (xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn hành trình tìm con chữ với những bữa cơm như thế Bên dòng sông Xê - Pôn, các điểm trường của trường Tiểu học Thanh nằm dải dác, vắt vẻo trên những con đồi dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Là...