Đưa nữ công gia chánh vào trường học ở Huế: Dành riêng cho nữ?
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng ý cho Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế thí điểm khôi phục lại việc dạy môn Nữ công gia chánh cho các em học sinh, từ đó làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh.
Nữ sinh Huế. Ảnh minh họa
Phát huy truyền thống
Theo nghệ nhân Mai Thị Trà – cựu nữ sinh Đồng Khánh và là cựu giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THPT Hai Bà Trưng có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Đây là môn học được nữ sinh yêu thích, tập trung vào kỹ năng dưỡng nhi, kế hoạch chi tiêu gia đình, thêu, may, chế biến các món ăn truyền thống của Huế. Tôi yêu thích học môn này và cũng tâm huyết truyền dạy cho nhiều thế hệ học sinh, nhưng rất tiếc ngày nay đã mai một.
Trong khi đó, cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: Ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, các tiết học còn văn hóa ứng xử, tác phong của học sinh Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Chính vì điều này, nữ sinh Đồng Khánh – Hai Bà Trưng được xem là thương hiệu đầy tự hào của phụ nữ Huế.
Cô Huyền thông tin thêm: Qua nhiều lần cải cách giáo dục, thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn Nữ công gia chánh trong cơ sở giáo dục không còn như trước. Điều này dẫn đến một lượng lớn học sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông có hạn chế về kiến thức, kỹ năng nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt với học sinh nữ khi là người phụ nữ của gia đình. Do vậy, phục hồi việc dạy học môn Nữ công gia chánh hết sức cần thiết và cấp bách.
Nghe thông tin UBND tỉnh chọn Trường Hai Bà Trưng thí điểm và đưa bộ môn Nữ công gia chánh vào trường học, bà Hoàng Thị Ngọc Luật, phụ huynh học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng cảm thấy vui và ủng hộ quyết định làm này.
“Mặc dù là con trai nhưng thông qua bộ môn Nữ công gia chánh, con tôi sẽ được trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng tự lập để khi là sinh viên hay bước vào đời cháu sẽ không phải bỡ ngỡ”, bà Luật chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế được chọn thí điểm khôi phục lại việc dạy môn Nữ công gia chánh từ năm học 2021 – 2022.
Không chỉ dạy nữ công
Liên quan đến vấn đề đưa bộ môn Nữ công gia chánh thí điểm vào trường học, trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Chọn Trường THPT Hai Bà Trưng để thí điểm dạy bộ môn Nữ công gia chánh là do ngôi trường này có lịch sử truyền thống, thế mạnh về dạy nữ công gia chánh cho học sinh.
Theo ông Tân, đây là chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cho học sinh nên khi triển khai rất thuận lợi và nhận được sự đồng tình từ phụ huynh. Nó là một trong những bộ môn hỗ trợ phát triển kỹ năng mềm, có thể giúp các em khi đi học xa nhà, làm việc, giao tiếp có thể thuần thục một số kỹ năng mềm cũng như kỹ năng sống, am hiểu về ẩm thực, tự chăm lo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bản thân.
“Kỹ năng sống bao hàm nhiều vấn đề, trong đó bao gồm tự chăm sóc bản thân, đặc biệt với người Huế, việc chăm sóc gia đình, bữa ăn là đặc trưng riêng. Khi các em có những kỹ năng đó có thể tham gia vào xã hội hiện đại trong thế giới hội nhập hiện nay. Từ đó đi ra nước ngoài học tập hay làm việc, các em có thể chủ động mang theo những nét truyền thống đẹp của quê hương, của Huế”, ông Tân nhấn mạnh.
Vui và phấn khích khi nghe thông tin trường mình được chọn thí điểm bộ môn Nữ công gia chánh. Theo em Ngô Hoàng Thành, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Hai Bà Trưng, nữ công gia chánh không chỉ dành cho các bạn nữ mà với các bạn nam cũng rất quan trọng, bởi lẽ, bộ môn này trang bị cho học sinh thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống, đặc biệt là kỹ năng mềm.
“Các bạn trong lớp đều thích thú bộ môn này vì mới lạ, nếu thời gian tới, bộ môn này được đưa vào giảng dạy trong trường học chắc chắn em sẽ đăng ký tham gia”, em Thành nói.
Trong khi đó, em Trần Hoài Bảo Việt, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng bày tỏ mong muốn sớm được trải nghiệm bộ môn này.
Em Việt chia sẻ thêm: Bộ môn Nữ công gia chánh sẽ dạy học sinh kỹ năng như nấu ăn, văn hóa ứng xử, tác phong trong giao tiếp cũng như các kỹ năng mềm trong đời sống. Bộ môn này sẽ giúp ích rất nhiều khi em cũng như các bạn vào đại học hoặc học xa nhà.
Liên quan nội dung môn Nữ công gia chánh, thầy Ngô Đức Thức – Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng thông tin: Đơn vị đang triển khai đề án, sau khi hoàn thiện sẽ trình sở GD&ĐT duyệt. Khi có kết quả đơn vị sẽ thông tin rộng rãi để người dân cùng biết.
Sở đã chỉ đạo đội ngũ thầy cô giáo có bề dày kinh nghiệm về dạy nữ công gia chánh ở Trường THPT Hai Bà Trưng cùng sự đồng hành của các nghệ nhân, sự hỗ trợ về cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế xây dựng nội dung, chương trình để trang bị cho các em kiến thức nữ công gia chánh. Bộ môn này nằm trong chương trình sinh hoạt ngoại khóa. Theo đó, học sinh dù nam hay nữ, có nhu cầu sẽ được nhà trường tạo điều kiện để học. – Ông Nguyễn Tân
Trân trọng truyền thống
Việc Thừa Thiên - Huế thí điểm đưa nữ công gia chánh thành một nội dung giáo dục trong nhà trường đang được dư luận quan tâm.
Ảnh minh họa/INT
Sự ủng hộ khá hào hứng cho thấy giáo dục truyền thống, kỹ năng sống thực sự có chỗ đứng vững chắc.
Đầu tiên, sự quan tâm của dư luận đặt nhiều vào tên gọi "nữ công gia chánh", với băn khoăn phải chăng đây chỉ là nội dung dành cho giới nữ. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã giải tỏa điều này khi cho biết đây chỉ là thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống.
Do đó, đối tượng của môn học không hạn chế bởi giới tính. Ngoài học nấu ăn với phong cách ẩm thực Huế, HS còn được dạy văn hóa ứng xử; tác phong của con người Huế từ tiếng dạ, thưa; đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp...
Được chọn thí điểm là Trường THPT Hai Bà Trưng - trước là Trường nữ sinh Đồng Khánh - với lịch sử lâu đời chỉ sau THPT chuyên Quốc học. Nhiều nghệ nhân xứ Huế đã xuất phát từ ngôi trường nổi tiếng này.
Ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế đang có những bước triển khai nghiêm túc và bài bản để một lần nữa môn "Nữ công gia chánh" được "sống lại" trong nhà trường.
Nói như vậy, bởi theo thông tin Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cung cấp, môn "Nữ công gia chánh" trước đây vốn được dạy trong trường nữ sinh ở Huế.
Nhưng sau nhiều lần đổi mới giáo dục, hệ thống trường nữ sinh không còn và môn học này ít được chú trọng ở bậc phổ thông. Nay, nhiều yếu tố dẫn đến nên và cần đưa môn học này quay trở lại. Trong đó có yêu cầu từ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Bối cảnh đổi mới giáo dục cũng trân trọng, chú trọng giáo dục truyền thống, kỹ năng sống. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành đến 20% cho nội dung giáo dục địa phương; giúp HS hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Việc đưa nội dung giáo dục đặc thù thấm đẫm nét văn hóa địa phương vào nhà trường không phải lạ. Tại Hà Nội, từ năm học 2010 - 2011 bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội" được đưa vào giảng dạy.
Nhiều năm nay, Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học. Trong khi đó, HS Thái Bình được học về nghệ thuật chèo; HS Bắc Ninh học dân ca quan họ... Giáo dục di sản có thể nói là nội dung giáo dục đặc sắc được ngành Giáo dục ở cả 63 địa phương quan tâm nhiều năm nay.
Quay lại việc đưa "Nữ công gia chánh" trở lại nhà trường. Môn học đậm chất Huế này không chỉ giúp gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, tác phong xứ Huế, mà còn kết hợp giáo dục kỹ năng sống, giúp HS có được các kỹ năng cơ bản nhất, tự chăm sóc bản thân; đồng thời định hướng nghề nghiệp. Điều này vô cùng quan trọng.
Chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) từng nhấn mạnh các năng lực công dân thế kỷ 21; trong đó có nhóm năng lực phục vụ cuộc sống và sự nghiệp, quản lý sức khỏe, giúp cá nhân thích ứng một cách linh hoạt với những điều kiện cuộc sống và công việc luôn luôn biến đổi.
Môn học "Nữ công gia chánh" cần được hoan nghênh nếu nó thực sự góp phần giúp HS hình thành năng lực phục vụ cuộc sống và quản lý sức khỏe của bản thân, nhất trong bối cảnh phải làm việc di động toàn cầu. Chưa kể, việc nội trợ ở một số quốc gia được coi trọng và xem là một nghề.
Trong công cuộc đổi mới giáo dục, có lẽ không cần quá để tâm tranh luận việc dạy cái gì mà nên tập trung bàn dạy như thế nào, truyền tải những giá trị, phẩm chất năng lực gì cho HS. Thật tốt nếu dạy nữ công gia chánh mà qua đó giáo dục HS về tình yêu lao động, sự tôn trọng yêu thương với những người âm thầm làm việc "nội trợ", hay về nét văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện qua những món ăn. Đó chính là giáo dục giá trị, giáo dục tình yêu gia đình, quê hương đất nước. Với ý nghĩa này, không chỉ Huế, các nhà trường trên cả nước đều có thể đưa "nữ công gia chánh" vào giảng dạy.
Vì sao nam sinh Huế cũng sẽ học 'nữ công gia chánh'? Mục tiêu của môn học là trang bị cho các em một hành trang kiến thức, đạo đức, nhân cách... giúp các em vững tin làm việc và hội nhập Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ vừa thống nhất cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong trường THPT để làm cơ sở...