Dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Xóa sổ trung cấp, sáp nhập cao đẳng
Dự kiến đến năm 2030 không còn trường trung cấp công lập. Mỗi tỉnh thành chỉ có một trường cao đẳng công lập cấp tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trường trên địa bàn.
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ học thực hành – Ảnh: H.V.N.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Lao động – thương binh và xã hội lấy ý kiến.
Giảm dần số trường
Theo dự thảo này, trong giai đoạn 2021-2025 giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 10% so với năm 2020. Trong đó, số trường trung cấp giảm 50% so với năm 2020. Rà soát, sắp xếp lại các trường nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố thành một trường cao đẳng đa ngành, nghề nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước.
Mục tiêu hình thành 37 trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh tại 37 tỉnh thành
Trong giai đoạn 2026-2030 thành lập, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn để hình thành mới 26 trường cao đẳng đa ngành công lập ở các tỉnh, thành phố còn lại. Trường trung cấp công lập được tồn tại đến năm 2030.
Như vậy sau năm 2030, trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ. Mỗi tỉnh thành chỉ có một trường cao đẳng đa ngành.
Về dự thảo này, ông Hoàng Ngọc Vinh – nguyên thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, chuyên gia được mời phản biện đề án này – cho rằng việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cấp thiết.
Bởi có giai đoạn các trường trung cấp, cao đẳng được quản lý bởi hai bộ khác nhau dẫn đến “bùng nổ” số lượng trường. Cùng địa bàn nhưng các trường chồng chéo ngành nghề gây lãng phí nguồn lực đầu tư, đất đai, tài chính, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
“Tuy nhiên, việc sắp xếp cơ học, áp đặt như vậy là chưa hợp lý và không hiệu quả. Có những trường trung cấp rất uy tín, đào tạo chất lượng, tự chủ tốt vì sao phải xóa bỏ? Đó là chưa kể hiệu trưởng cao đẳng phải có chuyên môn liên quan ngành nghề đào tạo. Khi sáp nhập nhiều trường cao đẳng lại như vậy thì chuyên môn hiệu trưởng thế nào?” – ông Vinh đặt vấn đề.
Ở khía cạnh đơn vị trường bị sắp xếp theo dự thảo, bà Phạm Quang Trang Thủy – hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP.HCM) – cho rằng việc sáp nhập, xóa bỏ toàn bộ trường trung cấp là “vô lý”.
Video đang HOT
“Mỗi nghề đều có nhiều cấp bậc đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Mỗi trường có thế mạnh và sứ mệnh khác nhau. Những trường không đủ năng lực có thể tính toán sáp nhập hoặc giải thể.
Những trường làm tốt, chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động vì sao phải sáp nhập hay xóa bỏ? Không biết trên thế giới đã có nước nào làm như vậy chưa. Việc sáp nhập cần có chọn lọc. Sáp nhập toàn bộ vào một trường hoàn toàn không ổn” – bà Thủy nói.
Tương tự, ông Phạm Đức Khiêm – hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM – cho rằng việc đặt mục tiêu sáp nhập cứng như vậy không khả thi. Theo ông, mỗi trường có một thế mạnh, đặc thù khác nhau. Khi sáp nhập lại chưa nói việc quản lý khó khăn, chỉ nói việc thống nhất nội bộ đã là việc không đơn giản.
Phát sinh “siêu” trường
Tại TP.HCM, ngoài hàng chục trường trung cấp, cao đẳng công lập của các bộ ngành đóng trên địa bàn còn có hơn 10 trường cao đẳng, trung cấp thuộc thành phố.
Theo dự thảo sắp xếp, các trường trung cấp sẽ sáp nhập dần vào trường cao đẳng, trường cao đẳng sáp nhập vào nhau và đến năm 2030, thành phố sẽ chỉ còn lại một trường cao đẳng. Đây sẽ là “siêu” trường cao đẳng với cả chục trường trung cấp, cao đẳng sáp nhập lại.
Nhiều tỉnh thành khác nếu theo phương án này cũng sẽ hình thành các “siêu” trường cao đẳng vì có đến cả chục trường trung cấp, cao đẳng công lập đang tồn tại.
Ông Phạm Đức Khiêm cho biết năm nay số thí sinh nhập học vào trường đến từ 37 tỉnh, thành khác nhau. Trong số này có rất nhiều thí sinh các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Một trong những mục tiêu quan trọng của thí sinh khi chọn trường là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ở các thành phố lớn, nhu cầu tuyển dụng lớn, cơ hội tiếp cận thực hành tại doanh nghiệp cao hơn. Do đó, khi quy hoạch cần phải xem xét tổng quan, quy mô dân số, kinh tế, lượng người học của từng vùng, địa phương chứ không nên sắp xếp cơ học, cào bằng.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng cần có tiêu chí sàng lọc khi sáp nhập, không áp dụng một chỉ tiêu chung cho tất cả địa phương, vùng miền.
Hiệu trưởng một trường cao đẳng khác đặt câu hỏi có nhất thiết mỗi tỉnh phải có một trường cao đẳng? Tỉnh có quy mô dân số khoảng 1 triệu, kinh tế ít phát triển, số lượng học sinh ít, kinh tế nông nghiệp là chính cũng “cào bằng” về số trường với các thành phố lớn, dân số đông, kinh tế công nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu nhân lực nhiều, như vậy là áp đặt và thiếu thực tế.
“Đó là chưa kể các trường ở tỉnh sinh viên sẽ ít có điều kiện thực hành, thực tập với các máy móc hiện đại tại các doanh nghiệp, chất lượng đào tạo sẽ thấp. Cào bằng như vậy sẽ khiến hệ thống giáo dục nghề nghiệp khập khiễng. Nơi có nhu cầu lớn nhưng thiếu chỗ học trong khi nơi có chỗ nhưng lại thiếu người học.
Đó là chưa kể các trường trong cùng tỉnh, thành phố có trường làm tốt, có trường chưa tốt, khi sáp nhập lại sẽ kéo lùi sự phát triển chung của trường, nhất là các trường đã tự chủ. Nên có tiêu chí đưa ra sau bao nhiêu năm trường không đạt thì bị giải thể hay sáp nhập chứ không thể đưa ra tiêu chí máy móc như vậy” – vị này nói.
“1 người kéo ga, 10 người đạp thắng”
Hiện một số tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Bình Phước, Vĩnh Long đã thực hiện sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thành một trường cao đẳng. Tháng 1-2020, Trường cao đẳng Bình Phước được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm, Trường cao đẳng Y tế vào Trường cao đẳng nghề Bình Phước.
Khi thành lập, đơn thư tố cáo liên quan các trường này rất nhiều. Ông Lê Văn Mãi – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Bình Phước – được điều kiêm nhiệm hiệu trưởng nhà trường.
“Lúc mới sắp xếp sáp nhập, đơn tố cáo rất nhiều vì mỗi người mỗi tính. Khi đó một người kéo ga, 10 người đạp thắng. Giờ tình hình đã ổn định hơn nên tôi xin thôi kiêm nhiệm hiệu trưởng” – ông Mãi chia sẻ.
Cũng theo ông Mãi, sau khi sáp nhập, một số nghề kỹ thuật công nghệ năm nay tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Sư phạm và sức khỏe cũng nhích lên.
“Chúng tôi đề xuất tuyển thêm giáo viên khối kỹ thuật công nghệ để nhận nhiều học sinh hơn cho khối ngành này nhưng không được chấp thuận. Tuy khối ngành này thiếu nhưng giáo viên khối sức khỏe và sư phạm lại dư. Tính tổng thì trường đủ giáo viên nên không được tuyển thêm. Đó là điểm bất cập hiện nay” – ông Mãi nói thêm.
Giúp phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng lao động
Thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thí điểm đào tạo nghề cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở 10 ngành nghề chất lượng cao được xem là thông tin tích cực của giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai thế nào, hiệu quả ra sao cũng là điều mà nhiều phụ huynh, học sinh, xã hội đang quan tâm lúc này.
Tin vui với phụ huynh, học sinh
TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, đề án thí điểm được xây dựng nhằm hiện thực hóa các nội dung tại Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Đảng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Đồng thời, đề án cũng xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Học sinh học nghề 9 tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng, hiện cả nước đang có 245 cơ sở GDNN có đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học văn hóa và học nghề. Sau 2 năm học các em nhận bằng trung cấp nghề, muốn học liên thông lên cao đẳng rất khó khăn.
Theo quy định của Luật GDNN, học sinh tốt nghiệp THCS chỉ được vào học trình độ sơ cấp hoặc trung cấp, không thể vào học cao đẳng. Người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, học thêm phần văn hóa trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương thì mới được học liên thông lên trình độ cao đẳng ở cùng ngành/nghề. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho việc phân luồng trở nên không hấp dẫn, không thu hút được học sinh, nhất là học sinh khá giỏi của THCS vào GDNN.
Trong khi đó, những năm gần đây, số đông học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN có xu hướng học thêm văn hóa THPT nhiều hơn để có thể học liên thông lên trình độ cao hơn (cao đẳng, đại học). Thực tế, các trường trung cấp, cao đẳng cũng đang thực hiện mô hình đào tạo liên thông, vừa tổ chức đào tạo nghề trình độ trung cấp, vừa tổ chức học thêm văn hóa THPT để học sinh có đủ điều kiện liên thông lên trình độ cao đẳng.
Về mô hình đào tạo thí điểm, ông Vũ Xuân Hùng cho biết, chương trình đào tạo nghề đối với học sinh THCS hiện hành không đặt ra yêu cầu với đầu vào. Tuy nhiên, với mô hình thí điểm chương trình đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS thì đầu vào bắt buộc phải là học sinh tốt nghiệp THCS loại khá trở lên, thậm chí phải tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển nếu số lượng đăng ký đông.
"Đây là mô hình đào tạo đặc thù, không chỉ thuần túy là phân luồng. Tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đức đối tượng tốt nghiệp mô hình đào tạo này còn được coi trọng hơn kỹ sư. Các em rất tài năng với những nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, được doanh nghiệp săn đón nhiều"- ông Hùng thông tin.
Khá nhiều chuyên gia ủng hộ đề án thí điểm cho rằng, đây là tin vui với các cơ sở đào tạo, tin vui với người học, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo phụ huynh và học sinh lâu nay. Bởi các em tốt nghiệp THCS vào học nghề khi mới 15 tuổi, 2 năm sau tốt nghiệp trung cấp mới 17 tuổi nên đa số phụ huynh và học sinh đều muốn con em họ học tiếp lên cao đẳng để sau khi tốt nghiệp tham gia thị trường lao động các em đã ở tuổi 20, 21 trưởng thành cả về thể chất và tâm sinh lý.
Nên rút ngắn thời gian đào tạo
Ủng hộ mô hình thí điểm, ông Đỗ Hữu Khoa - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn nêu thực tế, học sinh tốt nghiệp trung cấp mới 17 tuổi. Hầu hết phụ huynh không muốn con em mình tham gia vào thị trường lao động sớm mà tiếp tục học lên ở bậc cao hơn, nếu đề án thành công sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các em.
Ông Khoa góp ý mô hình thí điểm nhưng thời gian đào tạo 5 năm là quá dài so với chương trình liên thông hiện đang triển khai. Cụ thể, hiện nay, học sinh học trung cấp 2 năm kiến thức văn hóa 4 môn, sau đó học tiếp lên cao đẳng thì chỉ mất thêm 1,5 - 2 năm (với những ngành học nặng hơn). Như vậy hiện tại, chỉ mất từ 3,5 - 4 năm để học sinh THCS học trung cấp và liên thông lên cao đẳng. Chương trình thí điểm kéo dài đến 5 năm sẽ không hấp dẫn được người học. Việc phân phối chương trình văn hóa phổ thông kéo dài trong 3 giai đoạn với tổng số thời gian trong 5 năm là quá dài, quá nhiều và không cần thiết.
Ông Khoa kiến nghị, nên cấu trúc chương trình thành 9 4, tổ chức thành 2 giai đoạn (thay vì 3 giai đoạn như trong đề án đề xuất). Trong đó, 2 năm để các em tốt nghiệp trung cấp (đề án quy định thời gian 2 năm chỉ tốt nghiệp sơ cấp là quá thấp). Sau đó các em học chương trình cao đẳng 1,5 - 2 năm. Trong thời gian học cao đẳng, em nào có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký thi, còn em nào không cần thiết hoàn thiện chứng nhận tốt nghiệp văn hóa phổ thông thì thôi.
Ông Khoa cũng đề xuất, đề án bổ sung thêm việc mở rộng cơ sở thực hành thực tế cho nhà trường như: Doanh nghiệp khi tiếp nhận học sinh thực tập tại các cơ sở này, có thể tính thời gian làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội cho các em khi các em đã đi làm tại doanh nghiệp theo hình thức vừa học, vừa thực tập.
Cùng chung nỗi băn khoăn, ông Hoàng Tuấn - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Nghi Sơn Thanh Hóa cũng cho rằng, chương trình 5 năm là quá dài. Nếu trong quá trình học các em tham gia thị trường lao động hoặc không muốn học thì công tác đào tạo của trường sẽ rất khó khăn.
Ông Tuấn cho biết thêm, mỗi năm Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn tuyển sinh hơn 1.000 học sinh THCS vào học nghề và học văn hóa, đa số các em có nguyện vọng tiếp học lên cao đẳng. Nếu mô hình có được cơ chế đặc thù khác biệt như được miễn học phí hoàn toàn, được liên thông lên cao đẳng và được dự thi đại học cùng ngành nghề một cách bình thường, thì đây sẽ là mô hình đem lại nguồn nhân lực chất lượng cao rất nhanh cho nền kinh tế.
Hình thành một mô hình đào tạo mới, vượt trội
"Việc triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Việt Nam vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục dạy nghề vừa hình thành một mô hình đào tạo mới, vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, góp phần tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia".
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Kỹ năng nghề sẽ là một loại "tiền tệ quốc tế" Kỹ năng nghề sẽ là một loại "tiền tệ quốc tế" có thể giao dịch trong thế giới ngày nay. Các doanh nghiệp lớn luôn phải tìm mọi cách để thắng trong "cuộc chiến" giành nhân tài giỏi nghề. Đó là một trong bảy xu hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp trên thế giới hiện nay. Cần phải có một hệ thống...