Dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông: Những tâm tư ngổn ngang
Bà Trần Thúy Hằng (từng dạy tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho rằng tư duy giáo viên không mở, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khó thành công.
Trong buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể diễn ra chiều 12/5 do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) tổ chức, nhiều chuyên gia tâm huyết với giáo dục đặt ra những câu hỏi về đổi mới.
Triết lý giáo dục là gì?
Đó là câu hỏi canh cánh trong suốt hơn 20 năm qua đối với không ít người nghiên cứu về giáo dục Việt Nam. Giới chuyên gia đã không ít lần bày tỏ ý kiến, tranh luận về triết lý giáo dục. Nhưng điều đáng buồn là đến nay, nó vẫn còn rất mơ hồ.
Ông Giản Tư Trung bày tỏ quan điểm về triết lý giáo dục. Ảnh: Minh Nhật.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện IRED, đặt vấn đề liệu có nên cụ thể hóa triết lý giáo dục dưới hình thức từ ngữ hay không, và nếu có, thì nó là gì? Theo ông Trung, để hình dung về triết lý giáo dục, mỗi người phải tự trả lời 3 câu hỏi: “Thế nào là con người?”, ” Mình muốn trở thành con người như thế nào?” và “Làm sao để trở thành con người đó?”.
Ông cũng cho rằng triết lý giáo dục chính là hiện thực hóa những hình dung, mong muốn về con người và xã hội tương lai.
Ông Trung cũng thẳng thắn thừa nhận giáo dục không thể tự vận động và thay đổi mà cần có sự thay đổi đồng bộ cùng các mặt khác của xã hội.
“Chúng ta yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Nhưng, đổi mới căn bản là đổi mới cái gì, đổi mới toàn diện ra sao? Theo tôi, đổi mới căn bản phải là đổi mới về tư tưởng, không đổi mới tư tưởng thì không có gì mới hết. Phải đổi mới tư tưởng của những người hiện thực hóa tư tưởng, đó chính là đổi mới toàn diện”, Viện trưởng IRED nêu quan điểm.
Đội ngũ giáo viên chưa sẵn sàng
Video đang HOT
Giáo viên là một trong những chủ thể quan trọng của đổi mới giáo dục nhưng vai trò của người giáo viên lại không được thể hiện một cách rõ ràng trong dự thảo lần này.
Bà Trần Thúy Hằng (từng là giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Tư duy giáo viên không mở, dự thảo chắc chắn không thành công”.
Bà cho rằng chính áp lực điểm số, thi cử khiến giáo viên không thể và không dám tư duy mở.
Bà Trần Thúy Hằng chia sẻ câu chuyện từ chính quá trình giảng dạy của mình. Ảnh: Minh Nhật.
Có một thực tế rằng giáo viên dạy hay nhưng học trò thi chưa chắc điểm cao. Bởi lẽ, những điều thầy cô dồn tâm huyết để chuyển tải đến các em lại không có trong đề thi. Vậy, làm sao thầy cô dám dạy mở? Giáo viên không dám đặt câu hỏi mở đồng nghĩa học sinh không thể tư duy mở.
Bà Hằng đề nghị Bộ GD&ĐT hãy để thầy cô được tự do giảng dạy, được chủ động quyết định chương trình chi tiết và phương pháp của mình. Các giáo viên như bà mong muốn được tập huấn nhiều hơn, nhưng không phải về chương trình mà là phương pháp, cách nhìn nhận, tiếp cận tư duy mở.
Bên cạnh những băn khoăn về nội dung của dự thảo, nhiều chuyên gia, giáo viên, phụ huynh cũng lo ngại về thời gian áp dụng dự kiến ban đầu của Bộ GD&ĐT là năm 2018.
Các vị phụ huynh đặt câu hỏi về lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới từ đâu mà có? Chúng ta có quá vội vàng, trong khi đến năm 2019, đội ngũ giáo viên được đào tạo để giảng dạy chương trình này mới ra trường và hiện tại cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy?
Trên cương vị là người đào tạo giáo viên, cũng vừa là phụ huynh, bà Nguyễn Thị Thu Trang (giảng viên khoa Hóa, ĐH Sư phạm TP.HCM) hoài nghi về chất lượng của đội ngũ giáo viên kế cận.
“Tôi khẳng định 100% sẽ không giáo viên nào có thể dạy học sinh cách sáng tạo. 100% học sinh sẽ không có không gian để sáng tạo nếu áp dụng chương trình đổi mới ngay từ năm 2018″, nữ giảng viên nêu quan điểm.
Các ý kiến đều cho rằng nên có khoảng thời gian tương đối để xem xét thấu đáo vì giáo dục không thể thử nghiệm trên chính cuộc đời và số phận của con em chúng ta.
Theo Zing
Có nên đưa lớp 10 xuống cấp 2?
Dự thảo chương trình giáo dục chưa thật tinh giảm, việc phân luồng không rõ ràng. Lớp 10 vẫn còn học rất nhiều môn.
Liên quan đến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT mới công bố để lấy ý kiến, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Ông Nhĩ cho rằng khi có một tư tưởng hay thiết kế một chương trình mới nào phải nghĩ đến việc thực hiện nó như thế nào cho hiệu quả.
Khung chương trình giáo dục hiện hành thể hiện nhiều bất cập, học sinh chỉ nặng về vấn đề học chữ chứ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dạy người, dạy nghề như thế nào. Do đó, cần phải thay đổi.
Dự thảo mới cho thấy đến lớp 10 vẫn còn học rất nhiều môn.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã tích hợp được một số môn học ở cấp tiểu học và THCS để tránh sự trùng lặp, tránh được sự nặng nề. Dự thảo mới cũng chú ý vấn đề hội nhập, do vậy ngoại ngữ là một công cụ hết sức quan trọng.
Theo ông Nhĩ, chương trình cũ vẫn bảo thủ từ lớp 3 trở đi mới dạy ngoại ngữ, nhưng dự thảo mới đã đưa được việc dạy và học ngoại ngữ ngay từ lớp 1.
Ngoài ra, trong dự thảo mới có đề cập đến vấn đề tăng cường hướng nghiệp và thực hành. Một số chương trình bắt buộc, lựa chọn bắt buộc, lựa chọn không bắt buộc... cho thấy có sự mềm dẻo và đến lớp 10 cơ bản kiến thức phổ thông kết thúc.
Đến lớp 11, lớp 12 tăng cường việc lựa chọn hướng nghiệp, chuẩn bị cho việc vào đại học.
Tuy nhiên, có một điểm nếu so với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói rằng xong THCS thì phải phân luồng. Nhưng ở đây hết lớp 10 mới bắt đầu một phần nào việc phân hóa mà chưa thấy rõ được việc phân luồng.
Đến lớp 10 vẫn còn học rất nhiều môn. Ông Nhĩ cho rằng dự thảo chưa thật tinh giảm mà còn hơi nặng nề, việc phân luồng chưa rõ ràng.
Theo ông Nhĩ, về cấu trúc chương trình có cảm giác như giáo dục của Singapore và ở một số nước khác. Nhưng ở Singapore, cấp 1 của họ là sáu năm, cấp 2 là bốn năm và cấp 3 chỉ có hai năm.
Còn Việt Nam vẫn là năm năm cấp 1, bốn năm cấp 2 và ba năm cấp 3. Do vậy, đặc biệt là cấp 3, rất nhiều lãnh đạo ở các trường rất lúng túng, bởi khi thực hiện sẽ có nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên phải làm sao bố chí cho hợp lý, tiết kiệm...
"Nếu giả dụ theo mô hình này trong điều kiện chúng ta đang thừa giáo viên cấp 1, cấp 2, thì phải chăng nên đưa cấp 1 giống như Singapore (6 năm), đưa lớp 10 xuống cấp 2 xem như hoàn chỉnh cấp 2. Sau đó đến cấp 3 thực hiện việc phân hóa, phân luồng cho rõ ràng" - ông Nhĩ nói.
Ông Nhĩ chia sẻ thêm nếu thêm một năm cho cấp 1 thì vẫn không thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, không xảy ra sự căng thăng bởi vẫn sử dụng được đội ngũ giáo viên như hiện tại.
Tiếp theo, nếu đưa lớp 10 xuống cấp hai vẫn học theo các bộ môn, giáo viên cấp 2 vẫn có thể vươn lên dạy được. Vấn đề còn lại là tập trung cho việc phân hóa, phân luồng ở cấp 3 và đào tạo lại đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Nhĩ đề xuất: "Theo mô hình của Singapore cũng tốt thôi, ở cấp 1, cấp 2 hoàn chỉnh kiến thức phổ thông, cấp ba phân hóa, phân luồng một cách triệt để. Hiện giờ, dự thảo mới đưa ra ý tưởng nhưng chưa đưa ra cách thực hiện".
Bên cạnh đó, ông Nhĩ cũng cho hay trên thế giới bất cứ nước nào cũng phải bố trí một kỳ thi THPT vì bằng THPT sẽ đi theo học sinh suốt cả đời, đánh giá một giai đoạn đào tạo. Chương trình mới coi nhẹ việc đó, mà chú trọng nhiều vào việc để học sinh thi vào đại học.
"Có lúc, có người cho rằng nếu thi phổ thông đỗ nhiều như vậy thì cần gì phải thi theo tôi quan điểm đó là không đúng" - ông Nhĩ nói.
Theo Phi Hùng / Pháp Luật TP.HCM
Chương trình giáo dục phổ thông: Đừng làm kiểu bình mới rượu cũ Chương trình giáo dục phổ thông nếu chỉ thay đổi tên môn học, không khắc phục được những nhược điểm cũ thì rõ ràng không có lý do để tồn tại. Đó là nhận định của thạc sĩ Lê Minh Tiến, tốt nghiệp thủ khoa khoa Xã hội học - ĐH KHXH&NV TP.HCM, lấy bằng thạc sĩ Xã hội học tại Bỉ, hiện...