Dư luận lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế
Tiếp sau việc thông qua Luật cảnh sát biển (còn gọi là Luật hải cảnh) có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, những hành động trên thực địa của Trung Quốc tại Biển Đông trong những ngày gần đây khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại.
Chiến sỹ đứng gác bên cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng tại đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Việc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đánh dấu một bước leo thang đáng lo ngại ở Biển Đông. Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa ở Biển Đông (COC).
Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện áp đảo của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn đã tạo ra bầu không khí bất ổn và cho thấy Trung Quốc đang phớt lờ cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.
Phát biểu trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản và tham dự Đối thoại chiến lược 2 2 ngày 30/3, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc về các động thái trên biển gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc thực thi Luật hải cảnh mới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trước đó, tại cuộc họp thường niên theo “Cơ chế liên lạc đường biển và đường không” giữa cơ quan quốc phòng hai nước Nhật Bản và Trung Quốc, đại diện Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Phó Tổng vụ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Taro Yamato cho rằng việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian qua đã làm tổn hại lợi ích chính đáng của các bên liên quan, trong đó có Nhật Bản.
Video đang HOT
Trên Twitter, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko nhấn mạnh: “Các vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Nhật Bản ủng hộ việc thực thi pháp quyền trên biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”.
Australia cũng phản đối những động thái làm leo thang căng thẳng trên tuyến hàng hải quốc tế này, nơi các nước cần tôn trọng pháp quyền. Trên Twitter, Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson nêu rõ: “Australia lo ngại về những hành động gây bất ổn, có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Australia ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm. Các bên cần tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trên tuyến đường biển quan trọng này”.
Trước tuyên bố của Trung Quốc nói rằng các tàu hoạt động tại cum đảo Sinh Tồn là tàu cá đang tìm chỗ trú tạm, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, cho biết: “Không quân Philippines đã thực hiện chuyến bay trinh sát và nhận thấy rằng các tàu của Trung Quốc đã neo đậu tại đây trong nhiều tuần. Hình ảnh vệ tinh cho thấy boong của các tàu này rất sạch sẽ, như thể chúng là tàu mới”. Theo ông, “mối lo ngại lớn là Trung Quốc có thể đang chuẩn bị chiếm đóng khu vực này để xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác, như những gì chúng ta đã từng chứng kiến trước đây”.
Trong khi đó, ông Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định rằng các hành vi của Trung Quốc rất đáng ngờ, các con tàu được buộc sát cạnh nhau “nhằm phục vụ cho mục đích quân sự”, chứ không phải để “đánh bắt cá”.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường quan hệ quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cảnh báo rằng các hành động của Trung Quốc đang làm căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.
Trong khi đó, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh hải quân của Mỹ, ông Peter Dutton nhận định Trung Quốc đang gây sức ép với các nước ở Biển Đông.
Có thể nói, những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế và vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền của nước khác. Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) tại La Haye đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (bao phủ 80% diện tích Biển Đông) là trái với UNCLOS 1982 và tình trạng khu vực này phải được điều chỉnh theo UNCLOS 1982 về chủ quyền biển.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, điều quan trọng là các nước cần tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế. UNCLOS 1982 có vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn và giải quyết những tranh chấp trên biển, đồng thời để các nước thành viên tham gia hiểu được những quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Trung Quốc cũng như nhiều nước khác tham gia UNCLOS 1982 đều phải tuân thủ văn kiện này. Việc Trung Quốc không tuân theo các quy định hay nghĩa vụ bắt buộc của công ước này rõ ràng là những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Philippines yêu cầu Trung Quốc rút 'hạm đội tàu cá'
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines yêu cầu Trung Quốc rút hơn 200 tàu cá được cho là của dân binh bám trụ tại bãi đá ngầm ở Biển Đông.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay cuộc xâm nhập và lập tức rút số tàu thuyền trên", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 21/3 ra tuyên bố cho biết, đề cập đến "hạm đội tàu cá" Trung Quốc xuất hiện tại Biển Đông, trong khu vực mà Philippines nêu yêu sách chủ quyền.
Trước đó một ngày, cảnh sát biển Philippines cho biết khoảng 220 tàu do dân quân biển Trung Quốc điều khiển xuất hiện ở bãi đá ngầm này từ hôm 7/3 và neo đậu, bật đèn suốt đêm mà không hề đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm qua thông báo trên Twitter rằng nước này đã gửi kháng thư phản đối sự hiện diện của đội tàu cá Trung Quốc tại khu vực.
Trung Quốc chưa phản hồi về yêu cầu rút tàu cá do Philippines đưa ra.
Philippines trước đó chỉ trích Trung Quốc thông qua và ban hành đạo luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng biển mà nước này nêu yêu sách chủ quyền. Philippines gọi Luật Hải cảnh Trung Quốc là "mối đe dọa chiến tranh".
Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông ngày 7/3. Ảnh: AP .
Các "hạm đội tàu cá" của dân quân biển Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ là một công cụ để Bắc Kinh thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Những đội tàu cá đông đảo này thường xuất hiện ở khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, gây áp lực với các quốc gia trong khu vực nhưng không gây xung đột quân sự.
Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc với 90% diện tích Biển Đông, song nước này không công nhận phán quyết.
Trung Quốc đã vấp phải chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế khi ngang nhiên bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trái phép trên các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, triển khai nhiều khí tài và cho oanh tạc cơ hạ cánh xuống đây.
Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Mỹ dưới thời Tổng thống Biden Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Bloomberg Kênh CNN (Mỹ) ngày 12/3 dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết thông tin trên nhưng chi tiết chuyến công du chưa...