Dự kiến năm 2023 có thông tư về QL và đào tạo chương trình liên kết nước ngoài
Vụ trưởng Vụ GD đại học cho rằng xếp hạng của các trường đối tác trên TG không phải là tất cả, bởi lẽ có những trường tốt nhưng không tham dự bất kỳ BXH nào.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “ Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào chiều ngày 25/11, nhiều vấn đề còn tồn tại trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tại nước ta đã được các khách mời đề cập và thảo luận.
Hiện nay, vấn đề quốc tế hóa giáo dục đại học đại học là một thực tiễn, là xu hướng và thực sự đang tạo ra những thay đổi rất lớn cho giáo dục đại học Việt Nam. Trong đó, hoạt động phổ biến nhất hiện nay mà các trường đại học đang triển khai chính là liên kết đào tạo quốc tế. Đây cũng là một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đẩy mạnh.
Tọa đàm trực tuyến “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển”. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân
Xu hướng du học đang bão hòa: Cơ hội cho các chương trình liên kết đào tạo quốc tế
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, từ khi Luật Giáo dục đại học được sửa đổi, bổ sung, việc tạo hành lang pháp lý đủ để có thể triển khai bài bản, đúng luật việc tổ chức chương trình liên kết đã được quan tâm.
Cụ thể, quy định của luật trao cho các trường quyền tự chủ, trong đó tự chủ về chuyên môn học thuật. Trong tự chủ chuyên môn học thuật, có vấn đề đào tạo, tuyển sinh, liên kết đào tạo trong nước và ngoài nước là trọng tâm của tự chủ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân
Về các văn bản dưới luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT, đặt ra những điều kiện, trình tự thủ tục khá cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học liên kết đào tạo.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh tới 2 điểm quan trọng của các văn bản pháp luật:
Thứ nhất, Thông tư 22 đã quy định về thẩm quyền cho phép đào tạo và liên kết đào tạo theo hướng giao quyền ngày càng rộng hơn so với Thông tư 08.
Bà Mai Hoa lấy ví dụ: Chẳng hạn quy định cho giám đốc đại học quốc gia tự chủ quyết định mở ngành đào tạo đối với các cơ sở giáo dục trong đại học và các trường đại học thành viên. Hoặc giám đốc đại học vùng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền cho việc quy định mở ngành đào tạo ở các trường thành viên.
Thứ hai, bà Mai Hoa cũng đồng thời ghi nhận các quy định về điều kiện mở mã ngành đào tạo cũng được chặt chẽ hơn, yêu cầu cũng cao hơn so với Thông tư 08. Khi trao quyền gắn với những yêu cầu, điều kiện cụ thể là cách tạo cơ hội cho các trường đại học cùng thực hiện tự chủ mở mã ngành cũng như chất lượng được tốt hơn.
Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến xu hướng du học dần trở nên bão hòa, thay vào đó, các quốc gia là điểm đến du học nổi tiếng trên thế giới đang chuyển dần sang việc cung cấp các chương trình học cho sinh viên quốc tế tại các chính nước sở tại.
Đồng thời, các nước có nền đại học đang trong xu hướng phát triển cũng đang tiếp cận xu hướng này, tức là thông qua chương trình liên kết đào tạo để giữ chân sinh viên ở trong nước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hai xu hướng này đang có xu hướng gặp nhau và chúng ta cần phải “chớp xu hướng này”.
Video đang HOT
Việc liên kết đào tạo với các nước là cơ hội quan trọng giúp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bao gồm các yếu tố từ du nhập các chương trình tiên tiến của các nước giúp cho các trường đại học được tiệm cận dần với các chương trình tiên tiến; Mở rộng cơ hội giao lưu, học hỏi cho cả giảng viên và sinh viên, tiết kiệm chi phí… Theo bà Mai Hoa, đây chính là cơ hội để giáo dục đại học nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.
Khối ngành kinh tế, quản lý chiếm hơn 60% các chương trình liên kết quốc tế hiện nay
Qua quá trình giám sát thực hiện hoạt động của các trường, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đề cao vai trò, hiệu quả của các chương trình liên kết quốc tế.
“Sau khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86, chúng ta đã có sự tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài, chúng ta cũng có thể thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nội tại các trường đại học khi có sự liên kết hợp tác giảng dạy với các trường đại học nước ngoài. Đó là việc nâng cao chất lượng đội ngũ trong quá trình giảng dạy, sự tiếp thu những công nghệ mới, sự chuyển giao này thực sự mang lại những điều tích cực”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân
Đánh giá về quy mô các chương trình liên kết hiện nay, Phó giáo sư Thủy cho rằng số lượng hiện tại chưa phải là con số cao so với tổng thể chung, tuy nhiên bà Thủy cũng nhấn mạnh không nên tập trung quá nhiều vào số lượng, mà phải nhìn vào chất lượng các chương trình.
Cụ thể, tính thời điểm năm 2022, toàn hệ thống có sự giảm nhẹ, hiện nay có hơn 300 chương trình với khoảng trên 25 nghìn sinh viên theo học. Trong đó, có một số chương trình đã hết hạn và chưa có quyết định gia hạn cũng như có một số chương trình mới mở ra có sự dịch chuyển dần sang lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài ở nước ta hiện nay chưa có sự cân bằng trong tỉ trọng các khối ngành đào tạo.
Cụ thể, Phó giáo sư Thủy cho biết, hiện có hơn 60% các chương trình liên kết tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý; 25% các chương trình liên quan khoa học công nghệ và chưa tới 10% các chương trình thuộc khối Khoa học xã hội và nhân văn, còn lại là chương trình của các khối ngành khác.
Đánh giá thêm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhận thấy trình độ đào tạo chủ yếu trong các chương trình đào tạo quốc tế chủ yếu là trình độ đại học, rất hiếm chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Phó giáo sư Thủy cho biết, định hướng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình liên kết đào tạo sau đại học.
“Tất nhiên, việc tăng cường tiếp cận giáo dục đại học nói chung nằm trong mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục thời gian tới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đặt mục tiêu là 260 sinh viên đại học/1 vạn dân, thay vì 190 sinh viên/1 vạn dân hiện nay”, Phó giáo sư Thủy nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thừa nhận, mục tiêu 260 sinh viên đại học /1 vạn dân có thể bị coi là một con số tham vọng, nhưng đây là mục tiêu bắt buộc chúng ta phải đạt được để có nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định cho công cuộc phát triển của đất nước cũng như câu chuyện chuyển đổi số quốc gia.
Một yếu tố khác được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là thực tế chất lượng các trường đại học đối tác, mà một trong những yếu tố dễ dàng nhìn thấy nhất chính là tiêu chí về xếp hạng trường đại học.
Bàn luận về vấn đề này, bà Thủy cho rằng, việc xếp hạng của các trường đối tác trên thế giới không phải là tất cả, bởi lẽ có những trường tốt nhưng không tham dự bất kỳ bảng xếp hạng nào.
Dẫn chứng thêm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, tiêu chí về xếp hạng không phải là tiêu chí bắt buộc để lựa chọn liên kết đào tạo, cũng không nằm trong quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
“Tuy nhiên, tất cả các chương trình, bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo được mở ra tại các trường đều được kiểm định, bảo đảm theo các yêu cầu của Luật và Nghị định trên. Dự kiến, trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài”, bà Thủy nói.
Theo đó, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều tiến hành thanh tra, kiểm tra các chương trình liên kết đào tạo hiện hành. Từ kết quả thanh tra, giám sát, bà Thủy cho biết:
“Việc rà soát không làm khó các nhà trường mà đồng hành, giúp các trường tìm ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế để các trường có thể tìm giải pháp làm tốt hơn nữa. Trong trường hợp nếu có những vi phạm, tùy mức độ chúng tôi sẽ căn cứ theo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục đào tạo để thực hiện”.
Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào?
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 62,71% cơ sở Giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.
Trường tăng, Bộ giảm
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đẩy mạnh việc cạnh tranh trong tuyển sinh, các trường đã chủ động dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội và chủ động thay thế bằng các ngành đào tạo mới phù hợp và cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại và xu hướng trong tương lai gần.
Số lượng ngành đào tạo do các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ mở tăng lên đáng kể (tăng 1,5 lần so sánh 2016 và 2021) trong khi số lượng ngành đào tạo do Bộ GDĐT phê duyệt ngày càng giảm mạnh (giảm hơn 3 lần so sánh 2016 và 2021), cụ thể:
Mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo thẩm quyền tại các cơ sở GDĐH bảo đảm điều kiện tự chủ đại học (Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, quy định pháp lý về điều kiện đảm bảo chất lượng mở ngành đào tạo đối với các trình độ về GDĐH ngày càng chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và 23 trường đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP rất cân nhắc khi mở ngành đào tạo, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ.
Số liệu mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo trình độ đào tạo (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), (Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Cơ sở GDĐH đẩy mạnh quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng các lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, uy tín và truyền thống của trường thông qua việc phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm...
Một số cơ sở GDĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực: Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới, gồm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xếp hạng 360), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (xếp hạng 362), Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 386), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp hạng 401-450).
Theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE): Ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế, Việt Nam có hai đại diện là Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp hạng 201-250), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (xếp hạng 601 ).
Lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện là Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp hạng 251-300), Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 501-600) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (xếp hạng 601 ).
Thiếu hụt đội ngũ giảng viên
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, một số trường đại học hiện đang khó khăn trong việc bảo đảm đội ngũ giảng viên để duy trì ngành đào tạo theo quy định. Để phát triển các ngành mới đòi hỏi giảng viên phải cập nhật kiến thức mới và chứng minh cho các bên liên quan về năng lực thông qua các đề tài, công bố quốc tế liên quan đến ngành đào tạo mới.
Đồng thời, việc cạnh tranh các giảng viên giỏi giữa các cơ sở GDĐH cũng khiến cho việc duy trì ngành đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường gặp khó khăn.
Bộ GD và ĐT cũng đã điều chỉnh các quy định về mở ngành đào tạo, danh mục thống kê ngành đào tạo theo hướng quản lý chất lượng, gắn liền với thực tiễn lĩnh vực nghiên cứu của ngành dự định mở và kinh nghiệm chuyên môn của giảng viên, tiến đến sự linh hoạt thay vì chỉ căn cứ theo tên ngành đào tạo ghi trên văn bằng của giảng viên.
Một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa GDĐH mà Bộ GD và ĐT đề ra là đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở GDĐH quốc tế có uy tín thông qua việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến.
Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình Liên kết đào tạo với nước ngoài (LKĐTVNN) đang hoạt động. Trong đó, các trường tự chủ (ĐHQG, ĐH vùng, thí tiểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, theo Luật số 34) phê duyệt tổng cộng 186 chương trình LKĐTVNN, trong đó có 124 chương trình ở trình độ đại học, 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 04 chương trình ở trình độ tiến sĩ.
Các chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo quốc gia (Nguồn: Bộ GD&ĐT)
408 chương trình phân loại theo quốc gia chủ yếu vẫn là các chương trình LKĐT với các cơ sở GDĐH tại Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Australia (37 chương trình) và Hàn Quốc (27 chương trình); các nước có nền GDĐH phát triển và các cơ sở GDĐH uy tín, xếp thứ hạng cao trên thế giới như New Zealand (16 chương trình), CHLB Đức (10 chương trình) và Vương quốc Bỉ (10 chương trình).
Các chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo nhóm ngành đào tạo (Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Phân loại các chương trình LKĐTVNN theo nhóm ngành đào tạo, tỷ lệ các chương trình đào tạo trong nhóm ngành kinh tế và quản lý vẫn chiếm đa số với 64% (trong đó có 85/408 chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh).
Các chương trình đào tạo các ngành trong nhóm ngành khoa học và công nghệ chiếm 25%; trong nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chiếm 8% và các ngành khác (như Y khoa, Dược, Luật) chỉ chiếm 3%.
Các chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chia theo trình độ đào tạo như sau:
Nảy sinh nhiều hạn chế
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, hoạt động LKĐTVNN đang có nhiều hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, hạn chế trong việc lựa chọn cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài; có 62,71% cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021), 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000 , 9,04% số cơ sở xếp hạng 501-1.000, 9,04% số cơ sở xếp hạng 301-500, 9,6% số cơ sở xếp hạng 100-299 (17 cơ sở).
Thứ hai, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào (năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và thi THPT tương đối thấp).
Thứ ba, hạn chế về tác động lan tỏa: Hệ thống GDĐH của Việt Nam không thu được những tác động tích cực từ các chương trình LKĐTVNN, cụ thể các chương trình LKĐT không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên.
Thực tế này đã làm mất đi ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình LKĐTVNN, không được như các chương trình đào tạo tiên tiến trong giai đoạn 2008-2015.
Liên kết trường sư phạm với trường mầm non để nâng cao chất lượng đào tạo Ngày 28/10 tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế liên kết trường sư phạm với trường mầm non rèn nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Gắn lý luận với thực tiễn Diễn văn khai mạc của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TPHCM, Nguyễn Nguyên Bình cho biết: Thực hành thực tập rèn luyện nghiệp...