Du học sinh Việt tại Hàn Quốc: Chắt chiu trong mùa dịch Covid-19
Do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều du học sinh Việt tại Hàn Quốc phải nghỉ làm thêm. Từ đó họ phải chắt chiu, tiết kiệm tiền để trang trải cuộc sống.
Khu phố Itaewon nổi tiếng của bộ phim Itaewon Class cũng vắng lặng – Minh Châu
Đồ khô, mì tôm
Nguyễn Minh Châu, 20 tuổi, du học tại Trường ĐH Soonchunhyang, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc, cho biết tình hình dịch bệnh bùng phát nên các quán ăn không có khách, cắt giờ làm thêm hoặc không thuê nhân viên nữa, nên nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp. Các khu vui chơi tấp nập ở Seoul, khu phố Itaewon nổi tiếng của bộ phim Itaewon Class cũng vắng hoe.
“Trước khi nghỉ, em có nhận lương nên sẽ tiêu đủ trong tháng này. Hiện chi phí sinh hoạt ăn uống em chắt chiu, tiết kiệm nhất có thể. Mấy ngày nay em chỉ ăn đồ khô, mì tôm, thỉnh thoảng tụi em ra siêu thị gần nhà mua đồ về nấu ăn…”, Minh Châu cho biết.
Đường phố tại tỉnh Yongsan-gu, Hàn Quốc vắng vẻ – Ảnh: Minh Châu
Nguyễn Trường, du học sinh tại Trường ĐH Nam Seoul, TP.Cheonam, Hàn Quốc cho biết Trường mới sang Hàn Quốc nên chưa được đi làm, tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, bố mẹ vẫn phải chu cấp.
“Mấy hôm nay em không dám đi ăn vặt luôn chỉ ăn đúng các bữa chính, đồ ăn chỉ cá và vài cộng rau. Nơi em sống, hoa quả và rau toàn nhập khẩu nên mắc hơn cá thịt nhiều. Do em không đi lại nhiều nên ăn cũng ít lắm”, Nguyễn Trường chia sẻ.
Video đang HOT
Đi làm nhưng rất lo lắng
Nguyễn Mạnh Phạm, 20 tuổi, du học sinh Trường ĐH Suwon, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc, cho biết dịch bệnh ngày càng tăng, không biết đi về hay ở lại. Mấy hôm nay Phạm vẫn đi làm thêm ở cửa hàng bán điện thoại để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì đi làm phải tiếp xúc nhiều người nên Phạm cảm thấy lo lắng.
“Để tiết kiệm, bây giờ em cắt bớt mấy khoản chi tiêu lặt vặt như bánh, kẹo, nước ngọt… Hôm nào bận quá thì đặt thịt trên mạng người ta giao tới nhà rồi mình chế biến”, Minh Phạm chia sẻ.
Không có thời gian do đi làm thêm nên Minh Phạm phải mua thức ăn nhanh để cứu đói – Ảnh: Minh Phạm
Nguyễn Thị Nhã Uyên, 20 tuổi, du học tại Trường ĐH Soonchunhyang, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc, cho biết ba mẹ Uyên cứ nhắn tin, gọi điện suốt để hỏi thăm tình hình. Hiện tại Uyên đã nghỉ làm thêm, nhưng cô chủ có nói rằng đợi hết dịch rồi quay lại làm tiếp.
“Trong một tuần em chỉ đi siêu thị một lần. Em thường dậy sớm tranh thủ tập thể dục, sau đó ăn sáng với bánh mì trứng chiên, rồi lấy sách đọc hoặc ôn bài. Các buổi ăn trưa, dù hạn chế đồ ăn nhưng vẫn có cá và rau hoặc thịt và rau, đồng thời em cũng ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe”, Nhã Uyên chia sẻ.
Theo thanhnien
Du học sinh trở về từ Ý kêu gọi hãy ý thức, khai báo trung thực
Một nhóm du học sinh Việt từ Ý trở về cách đây vài ngày đã tình nguyện khai báo để cách ly và kêu gọi mọi người hãy là một công dân có ý thức trong tình hình dịch Covid-19 ngày một gia tăng hiện nay.
Trúc Phương trên hành trình trở về Việt Nam - Trúc Phương
Trúc Phương, một du học sinh học University of Padova, TP.Padova, nước Ý cho biết đã trở về Việt Nam vào sáng 5.3 khi tình hình dịch Covid-19 ở Ý diễn biến phức tạp.
Hiện theo học thạc sĩ tại Ý, Trúc Phương chỉ còn một học kỳ cuối cùng và khóa luận tốt nghiệp. Thế nhưng do dịch bùng phát Phương không thể vào lớp để tiếp tục học.
Suy nghĩ, đắn đo đúng 1 tuần, Phương quyết định xin giáo sư tạm hoãn khóa luận để về Việt Nam. Lý do Phương về Việt Nam một phần vì dịch bệnh và có chút việc riêng của gia đình.
Hành trình bay từ Ý và quá cảnh ở Thái Lan của Trúc Phương
Sáng 5.3, Phương đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất sau hành trình dài từ Rome, quá cảnh Bangkok và nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đi cùng Phương là 3 người bạn cũng là du học sinh ở Ý.
"Ở bên Ý ngày nào tôi cũng đọc báo hết nên khi Việt Nam ra thông báo chính thức cách ly người từ Ý về tôi có biết. Lúc bọn tôi mua vé về đều chuẩn bị tinh thần cách ly hết rồi. Chỉ là có 2 luồng tin bọn tôi không biết là cách ly tập trung hay cách ly tại nhà", Phương cho hay.
Đến cửa hải quan, Phương cùng nhóm bạn cũng đã ý thức được mình về từ vùng dịch nên đã khai báo để đi cách ly. Tại sân bay, Phương và các bạn điền thông tin vào tờ đơn khai báo, được đo thân nhiệt, mặc đồ bảo hộ và đưa đi một lối riêng ra xe chở tới khu cách ly.
"Trong lúc chờ xe thì bọn tôi được thu lại hộ chiếu, hành lý và được nhân viên ở đó lấy giùm rồi đưa thẳng ra xe. Sau đó trả lại passport và hướng dẫn bọn tôi đi theo xe cách ly.
Đã 5 ngày, từ ngày Phương trở về Việt Nam đến khu cách ly mọi chuyện vẫn ổn . Một ngày Phương được tiêu chuẩn 3 phần ăn, thức ăn được thay đổi khá phong phú và ngon. Bác sĩ tới kiểm tra thân nhiệt 2 ngày 1 lần. Nếu cần thêm gì thì có thể yêu cầu ngay với bác sĩ.
"Có nhiều người vì mình mà vất vả, như tôi thấy mấy anh bộ đội ngày ngày bưng cơm lên tận phòng cho tôi cũng cực...", Phương cho hay.
"Hãy là những công dân có ý thức"
Cũng như nhiều người khi về Việt Nam tránh dịch, Phương đã chia sẻ dòng trạng thái lên Facebook với mong muốn mọi người đừng quá hoang mang vì những tin tức tràn lan trên mạng xã hội. Mọi người cần có cái nhìn khách quan hơn với việc cách ly và khai báo. Hãy là những công dân có ý thức, trách nhiệm, trung thực, nhân văn, vì sức khỏe của mình, gia đình và xã hội.
Trúc Phương cũng được tặng hoa ngày 8.3 tại khu cách ly
"Tôi được may mắn trải nghiệm gần 2 năm du học, được tiếp xúc với nhiều du học sinh, thực sự mỗi người một hoàn cảnh. Tôi biết có nhiều anh, chị, bạn trong thời gian này cũng muốn về Việt Nam, nhưng điều kiện không cho phép. Nên tôi cũng muốn nhắn gửi tới mọi người những lời chúc tốt nhất, mong mọi người luôn khỏe mạnh, bình tĩnh và mạnh mẽ vượt qua thời gian này", Phương nhắn nhủ đến cộng đồng du học sinh hiện còn ở Ý.
Ngoài ra, những bạn du học sinh có việc cần về Việt Nam như Phương, cần theo dõi tin tức và quy định để nắm rõ mình có nằm trong đối tượng cách ly hay không. Để mình chủ động tuân thủ cũng như sắp xếp công việc thời gian cho phù hợp, tránh tình trạng bị hoảng loạn vì 14 ngày cách ly.
Theo thanhnien
Phong tỏa Lombardy vì dịch Covid-19: Người Việt ở Ý 'cố thủ', không trữ thực phẩm Sau khi có lệnh phong tỏa cách ly 10 triệu người tại vùng Lombardy ở miền bắc nước Ý để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, người Việt sống ở đây hạn chế ra đường, 'cố thủ' trong nhà. Nhiều người quyết không dự trữ thực phẩm. Người dân ở Milan xếp hàng mua hàng hóa ở siêu thị - Ảnh: Như Ngọc Trao...