Du học sinh Việt làm gì khi Pháp tăng học phí 16 lần?
Từ tháng 9-2019, sinh viên ngoài khối châu Âu du học Pháp, trong đó có Việt Nam, sẽ phải đóng mức học phí cao gấp gần 16 lần mức phí trước đây.
Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Vicent Floreani cùng du học sinh Việt Nam từng có thời gian học tập tại Pháp – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Phần lớn người học đang phản đối quyết định bất ngờ này, tuy nhiên không ít du học sinh cho rằng đây là hành động có thể thông cảm trong bối cảnh hiện tại.
2.770 euro/năm hệ cử nhân
Theo tờ Le Monde, Chính phủ Pháp đang tiến hành các bước đi cuối cùng nhằm tăng học phí ĐH với các sinh viên ngoài khối châu Âu. Cụ thể, từ tháng 9-2019, học phí của sinh viên quốc tế theo học hệ ĐH ở nước này là 2.770 euro/năm so với mức cũ 170 euro/năm, hệ cao học là 3.770 euro/năm so với 243 euro/năm như trước đây.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng việc sinh viên nước ngoài giàu có đang trả cùng mức học phí với sinh viên nghèo ở Pháp – những người cha mẹ đã sống, làm việc và đóng thuế cho nước Pháp nhiều năm trời – là không công bằng.
Ông Philippe cho biết mức học phí gần như bằng 0 từ trước đến nay khiến sinh viên nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đánh giá thấp chất lượng giáo dục ĐH của Pháp, là một trong những nguyên nhân khiến số lượng sinh viên nước ngoài đến Pháp giảm 8,1% trong giai đoạn 2010-2015, trong đó sinh viên Việt Nam tại Pháp năm 2018 là 5.500 người, giảm từ 7.000 người năm 2013.
Tuy nhiên, mức học phí này vẫn còn rất rẻ so với các quốc gia khác ở châu Âu, chẳng hạn sinh viên ngoài khối châu Âu đến Hà Lan phải chi học phí 8.000-13.000 euro/năm hay đến Vương quốc Anh mất đến 11.000-33.000 euro/năm.
Dẫu vậy, nhiều du học sinh Việt Nam trong cộng đồng sinh viên quốc tế vẫn bày tỏ sự không đồng tình với quyết định này. Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã vận động ký tên vào một bản kiến nghị chung hi vọng có thể thay đổi về mức học phí trong năm 2019.
Video đang HOT
Theo đó, hội cho rằng: “Việc tăng học phí không đảm bảo tăng chất lượng giáo dục vì trong khoảng 3 triệu sinh viên toàn nước Pháp thì sinh viên ngoài châu Âu chỉ chiếm 1/30, đóng góp cho khoảng 1/3 chi phí học hằng năm, tức chỉ góp thêm khoảng 1% chi phí đào tạo.
Như vậy, số tiền thu được sẽ không hề lớn, tác động thực tế rất nhỏ nếu Chính phủ Pháp muốn dùng vào đầu tư trang thiết bị, cải cách giáo dục. Nhưng ngược lại số tiền này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các cộng đồng sinh viên ngoài châu Âu, đặc biệt là Việt Nam – một trong những nước nghèo nhất trong danh sách”.
Rẻ so với chất lượng
Tuy nhiên, theo bạn Phan Ngọc Thùy Dương (23 tuổi), khoản học phí này là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân của ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2018, Dương đang chuẩn bị hồ sơ sang Pháp du học chuyên ngành nghệ thuật giáo dục Trường La Haute École des Arts du Rhin ở Strasbourg.
Dương cho biết học phí rẻ chỉ là một trong nhiều lý do bạn chọn Pháp là điểm đến du học, do đó khi Chính phủ Pháp quyết định tăng học phí thì dù có đôi chút bất ngờ nhưng vẫn không thay đổi quyết định ban đầu.
“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Chính phủ Pháp cũng đã hỗ trợ nhiều thứ nên khoản học phí vẫn là rất rẻ với một nền giáo dục chất lượng” – Dương chia sẻ.
Phan Đoàn Phú Quốc, cựu sinh viên Trường ĐH Toulouse, đồng tình với việc nâng học phí khi cho rằng khoản phí sẽ giúp các sinh viên Việt Nam chuẩn bị vào học tại Pháp có thể cân nhắc kỹ lưỡng về tương lai ngành học và nghề nghiệp của mình chứ không thể lựa chọn và thay đổi một cách tùy tiện.
“Nước Pháp có hàng ngàn trường với trên dưới 40.000 chương trình đào tạo khác nhau. Sinh viên nên cân nhắc lựa chọn ngành học phù hợp và có khả năng ứng dụng cao” – Quốc chia sẻ
Ý nghĩa tích cực
Theo ông Vicent Floreani – tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, đa số các quốc gia châu Âu đã thực hiện chương trình học phí cho sinh viên ngoài khối châu Âu cao hơn nhiều so với học sinh bản địa. Nhìn ra các nước, du học sinh đến Mỹ đóng góp cho nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều tỉ USD mỗi năm, trong khi đó Chính phủ Pháp lâu nay phải chi trả gần như toàn bộ học phí mọi sinh viên theo học ĐH tại Pháp.
“Do đó theo tôi, quyết định tăng học phí với du học sinh ngoài khối châu Âu là một bước đi mang ý nghĩa tích cực” – ông Floreani nói, đồng thời cho biết Pháp sẽ cung cấp nhiều học bổng hơn cho các sinh viên ngoài châu Âu.
Tăng số lượng học bổng
“Với mức học phí mới, Pháp vẫn phải hỗ trợ khoảng 2/3 chi phí học tập cho sinh viên quốc tế” – Thủ tướng Philippe nói. Số lượng học bổng do các ĐH và Chính phủ Pháp bỏ ra cho sinh viên quốc tế cũng đã tăng lên gấp 3 lần, từ 7.000 lên 21.000, đồng thời hỗ trợ 14.000 khoản trợ cấp cho người học ở các nước đang phát triển.
Ngoài ra, để thu hút sinh viên, Pháp dự kiến sẽ đơn giản hóa quá trình xin visa du học và mở thêm nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài.
Theo tuoitre
Pháp tăng học phí 16 lần đối với sinh viên quốc tế
Từ mùa thu năm 2019, sinh viên ngoài EU sẽ phải trả 2.770 euro cho mỗi năm học ở Pháp, trong khi học phí hiện nay là 170 euro.
The Local thông tin, Pháp vừa công bố quy định tăng học phí lên mức kỷ lục đối với sinh viên quốc tế từ năm sau, gấp 16 lần hiện tại. Điều đó có nghĩa khi Anh rời EU vào tháng 3 tới, sinh viên nước này muốn sang Pháp du học cũng phải bỏ ra hàng nghìn euro như những người đến từ quốc gia khác.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe chỉ ra sự bất hợp lý khi "sinh viên nước ngoài giàu có đang trả cùng mức học phí với sinh viên nghèo ở Pháp, những người mà cha mẹ đã sống, làm việc và đóng thuế cho đất nước trong nhiều năm".
Một tấm bằng cử nhân hiện tại có giá 170 euro mỗi năm học, trong khi bằng thạc sĩ là 243 euro và bằng tiến sĩ là 380 euro. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định mới, mức phí này sẽ tăng lên 2.770 euro cho bằng cử nhân và 3.770 euro cho hai bằng cấp cao hơn.
Học phí đại học ở Pháp thấp hơn các nước Anh, Mỹ. Ảnh: Campus France
Thủ tướng nhấn mạnh khoản phí đã tăng này chỉ đại diện cho một phần ba chi phí thực tế của các khóa học, bởi phần còn lại được trả bởi Chính phủ Pháp. Số lượng học bổng đại học cũng tăng gấp ba từ 7.000 lên 21.000 và sẽ có 14.000 khoản trợ cấp dành cho du học sinh đến từ các nước đang phát triển. Theo Chính phủ, kết hợp với những khoản tài trợ khác, trung bình một trên bốn sinh viên quốc tế đủ điều kiện nhận trợ cấp hoặc học bổng.
Các quan chức Pháp xem quyết định tăng học phí là cuộc cách mạng để tăng sức hút của giáo dục bậc cao. Mức "gần như miễn phí" hiện tại có thể bị nhiều sinh viên quốc tế, bao gồm Trung Quốc, xem như dấu hiệu của chất lượng thấp và không muốn lựa chọn Pháp.
Dù tăng giá, học phí sinh viên quốc tế ở Pháp vẫn thấp hơn nhiều so với Anh, nơi có độ chênh lệch lớn giữa các trường và có thể lên đến 10.000 euro mỗi năm. Trong khi đó, ở Mỹ, nơi giáo dục bậc cao nổi tiếng đắt đỏ, sinh viên quốc tế phải trả trung bình 24.930 USD trong năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, các công đoàn sinh viên như UNEF kịch liệt phản đối quy định mới, cho rằng đây là cách "chọn sinh viên theo số tiền họ có" và Pháp sẽ loại đi những sinh viên tài năng không đủ khả năng trả mức phí đó.
Pháp là quốc gia không nói tiếng Anh phổ biến nhất dành cho sinh viên quốc tế và là điểm đến du học nổi tiếng thứ tư thế giới sau Mỹ, Anh và Australia. Tuy nhiên, số lượng sinh viên nước ngoài ở Pháp đã giảm 8,1% trong giai đoạn 2010-2015. Chính phủ Pháp muốn tăng con số 343.000 lên khoảng 500.000.
Theo kế hoạch, Pháp sẽ đơn giản hóa quá trình xin visa du học và mở thêm nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài.
Hiện Pháp có 45% sinh viên đến từ châu Phi, 19% từ EU, 16% từ châu Á, 9% từ Mỹ và 4% từ Trung Đông.
Thùy Linh
Theo VNE
Sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã tăng thêm 8,4% trong một năm, đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ. Các ngành kỹ thuật vẫn được sinh viên quốc tế tại Mỹ chọn - USAID Số liệu rút ra từ báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế...