Du học sinh Việt chiến thắng giải Tài năng doanh nghiệp trẻ toàn khu vực Auckland, New Zealand
Mới đây, nam du học sinh Nguyễn Thế Mạnh (học sinh lớp 13, trường Mount Albert Grammar) và nhóm đã xuất sắc đoạt giải Tài năng Doanh nghiệp trẻ toàn khu vực Auckland 2019, New Zealand với dự án kinh doanh sản phẩm kết hợp từ trà Thái Nguyên của Việt Nam và lá thảo dược Manuka nổi tiếng của xứ sở kiwi.
Phương pháp giáo dục chú trọng tính thực tiễn của New Zealand đã tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế ngay từ bậc trung học và trang bị những kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Không phải làm bài luận, thi giữa kỳ hay cuối kỳ, môn học Production and Marketing của trường trung học Mount Albert Grammar tại New Zealand lại yêu cầu học sinh phải tham gia cuộc thi về dự án kinh doanh để lấy điểm.
Với dự án này, các học sinh học trung học khu vực Auckland sẽ lập nhóm gồm 5 thành viên, lên ý tưởng kinh doanh cho một sản phẩm, nộp kế hoạch kinh doanh cho ban tổ chức và triển khai dự án trong suốt một năm học.
Nổi bật trong đó là nhóm của nam sinh người Việt Nguyễn Thế Mạnh (học sinh lớp 13, trường Mount Albert Grammar – hệ phổ thông tại New Zealand là 13 năm - PV) đã xuất sắc đoạt giải Tài năng Doanh nghiệp trẻ toàn khu vực Auckland 2019. Gây ấn tượng ngay từ sản phẩm kết hợp từ trà Thái Nguyên của Việt Nam và lá thảo dược Manuka nổi tiếng của New Zeland.
Thế Mạnh cho biết: “Nhóm em gồm 1 bạn Việt Nam và 4 bạn người Maori – người bản địa tại New Zealand. Chính vì thế, cả nhóm quyết định làm một loại trà kết hợp nét văn hóa của Việt Nam lẫn người Maori.
Trà là sản phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời khi thải ra cũng không gây ô nhiễm môi trường – một tiêu chí mà cả nhóm hướng đến trong quá trình thực hiện dự án”.
Thế Mạnh (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn trong nhóm.
Dịp này, các bạn trẻ được trở thành người quản lý tài chính, quản lý sản phẩm, nhân viên marketing và cả CEO. Là thành viên chịu trách nhiệm marketing và quản lý việc nhập khẩu trà sang New Zealand, Thế Mạnh đã chủ động bán thử sản phẩm đến đối tượng mục tiêu là các cô chú 40-50 tuổi người Trung Quốc và Anh ở khu dân cư, khảo sát ý kiến và điều chỉnh công thức để có sản phẩm hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng hỗ trợ kinh phí cho các đội bằng Quỹ Tài trợ cho Doanh nghiệp trẻ và quầy hàng ở các trường trong khu vực Auckland. Nhờ đó mà món trà của nhóm Thế Mạnh có cơ hội được bày bán ở nhiều cửa hàng, siêu thị.
Theo Mạnh, học sinh sẽ học được kinh nghiệm từ việc viết một bản kế hoạch bài bản, cách phân chia công việc, làm việc nhóm cho đến quản lý rủi ro, tìm hiểu thị trường và thiết lập chiến lược kinh doanh: “Tất nhiên là vì chưa có kinh nghiệm, nhóm phải đối mặt không ít những khó khăn. Tuy nhiên, điều đó mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà bạn chỉ có được khi tham gia dự án”.
Video đang HOT
Môi trường học ở New Zealand khuyến khích người trẻ trau dồi nhiều trải nghiệm.
“Không những thế, giải thưởng này đã củng cố thêm sự tự tin của mình về kinh doanh, vốn là niềm yêu thích của em từ nhỏ”, Thế Mạnh chia sẻ về giá trị lớn nhất mà em nhận được.
Bên cạnh điểm số cao cho môn học, Thế Mạnh còn tìm ra hướng đi cho bản thân khi vào đại học: “Em nghĩ điều quan trọng mà giáo dục New Zealand hướng đến không nằm ở việc thuyết phục các bạn tiếp tục học ở đây, mà là môi trường để mỗi người tự khám phá bản thân và tự tin chọn được con đường phù hợp nhất với mình”.
Không chỉ riêng môn học này của trường Mount Albert Grammar, mà hầu hết các môn học của các trường phổ thông ở New Zealand đều có cách truyền tải độc đáo, áp dụng thực tiễn vào lý thuyết.
Phong cách học tập lấy tôn chỉ về phát huy tính sáng tạo và đề cao thực hành của xứ Kiwi không chỉ giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất các kỹ năng cần thiết trong tương lai mà còn phát triển tinh thần ham học hỏi, khám phá và trải nghiệm.
New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chỉ số chuẩn bị kỹ năng tương lai trong 2 năm liền 2017, 2018.
Theo baodautu
Những điều cần biết về giáo dục New Zealand
New Zealand chỉ có 8 trường đại học nhưng đều lọt top 600 thế giới và là một trong những quốc gia dẫn đầu về đổi mới giáo dục.
Trang New Zealand Education cung cấp một số thông tin về hệ thống giáo dục New Zealand để phụ huynh và du học sinh tham khảo.
Bậc đại học và cao học
New Zealand có 8 trường đại học công lập, 15 Học viện Kỹ nghệ (ITPs) và khoảng 550 trường tư thục (PTEs) bao gồm cả trường dạy tiếng Anh.
Các trường đại học giảng dạy chương trình từ bậc cử nhân trở lên với 65 lĩnh vực, chủ yếu về học thuật và nghiên cứu. Cả 8 trường đều lọt top 600 thế giới (theo THE) và nằm trong danh sách 3% trường tốt nhất toàn cầu (theo QS).
Các Học viện Kỹ nghệ và một số trường tư thục cũng giảng dạy bậc cử nhân. Các trường tư thục thường đào tạo các ngành nghề cụ thể và chủ yếu là ở cấp độ chứng chỉ (Certificate) và văn bằng trung cấp (Diploma).
Trung tâm khoa học của Đại học Auckland, New Zealand. Ảnh: Simon Devitt/Arch Daily
Bậc phổ thông trung học
New Zealand có ba loại hình trường phổ thông: trường công lập (khoảng 85% học sinh người New Zealand theo học), trường bán công (đa số do tổ chức tôn giáo lập ra, hoặc là trường được thành lập với các phương pháp giảng dạy riêng biệt) và trường tư thục.
Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ đạt được các chứng chỉ giáo dục quốc gia (National Certificate of Educational Achievement - NCEA, tương đương với bằng tốt Nghiệp THPT của Việt Nam). Các trường trung học cũng dạy nghề như du lịch, máy tính...
Ngoài chứng chỉ giáo dục quốc gia, một số trường trung học ở New Zealand cũng dạy chương trình tú tài quốc tế (IB) và chương trình Cambridge (Cambridge International Examinations).
Các tổ chức giám sát chất lượng giáo dục
Năm tổ chức chịu trách nhiệm giám sát chất lượng của hệ thống giáo dục New Zealand gồm:
- Bộ Giáo dục: Đặt ra mục tiêu của nền giáo dục New Zealand, chịu trách nhiệm biên soạn giáo trình giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học.
- Cơ quan Thanh tra giáo dục: Kiểm tra chất lượng giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ học sinh ở các trường tiểu học và trung học.
- Cơ quan Quản lý bằng cấp New Zealand (New Zealand Qualifications Authority - NZQA): Đảm bảo chứng chỉ và văn bằng do các trường trung học phổ thông và sau phổ thông (nằm ngoài hệ thống các trường đại học công lập), được công nhận ở New Zealand và trên thế giới.
- Hiệp hội Đại học New Zealand: Đảm bảo tất cả 8 trường đại học công lập của nước này đều đạt chất lượng cao về trình độ chuyên môn và chất lượng giảng dạy.
- Hội đồng Giáo dục Aotearoa New Zealand: Giữ vững và thường xuyên kiểm tra trình độ chuyên môn của giáo viên bậc tiểu học và trung học.
Toàn cảnh Đại học Canterbury, New Zealand. Ảnh: University of Canterbury
Hệ thống văn bằng
Hệ thống văn bằng New Zealand (NZQF) có 10 cấp độ, được phân loại dựa trên trình độ chuyên môn, từ chứng chỉ đến tiến sĩ. Bất kỳ chương trình học nào cũng phải có thông tin về cấp độ văn bằng mà sinh viên sẽ có sau khi tốt nghiệp. Cụ thể:
Cấp 1-4: Chứng chỉ giáo dục quốc gia, bằng cấp chính của bậc trung học phổ thông và Chứng chỉ đào tạo nghề cơ bản.
Cấp độ 5-6: Chứng chỉ tay nghề nâng cao, Chứng chỉ Thương mại - kỹ thuật.
Cấp độ 7-10: Bằng cấp cho bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo Zing News
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Mong muốn tăng thời gian thực hành "Trong giáo dục có rất nhiều phương pháp, có những phương pháp hướng dẫn học sinh tiếp cận một tình huống thực tế, giải quyết tình huống thực tế rồi mới lĩnh hội được kiến thức. Đó là cách làm hiệu quả và khoa học. Tôi rất ủng hộ nhưng chỉ lo không đủ thời gian để làm" - thầy Trần Mạnh Tùng,...