Du học sinh lỡ kỳ học mùa thu
Trúng tuyển vào Đại học Dartmouth, Mỹ, Hải Ly vẫn luôn xác định sẽ sang Mỹ vào tháng 8 nhưng buộc phải nghĩ lại vì trường yêu cầu học online.
Theo kế hoạch, Nguyễn Hải Ly, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, sẽ sang Mỹ giữa tháng 8 để làm quen trước khi nhập học Đại học Dartmouth với học bổng 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) vào giữa tháng 9. Phải đến 24/7, khi Mỹ rút lệnh trục xuất người học nếu chỉ học online vào mùa thu và không tiếp nhận sinh viên quốc tế mới nếu chỉ học online, Ly mới thực sự suy tính việc “gap year” (bảo lưu), học online tại Việt Nam hay sang Mỹ.
Đại học Dartmouth cho phép sinh viên đăng ký hai kỳ học online và hai kỳ học offline trong năm học 2020-2021 để đảm bảo giãn cách xã hội. Nếu học online, sinh viên có thể học tại nước sở tại hoặc sang Mỹ, nhưng phải thuê nhà bên ngoài. Với học offline, các em được ở ký túc xá của trường. “Một số bạn bè của em vẫn quyết định sang Mỹ dù đăng ký học online kỳ mùa thu và kỳ đông, offline kỳ xuân và hè. Một số khác chọn học online hai kỳ ở Việt Nam và cũng có bạn quyết định gap year. Điều này khiến em phải suy tính kỹ lưỡng”, Ly nói.
Cho rằng giờ học online sẽ rất bỡ ngỡ, Ly tính chuyện gap year. Em chia sẻ với gia đình và được mọi người ủng hộ. Nữ sinh gửi email sang Đại học Dartmouth để hỏi về chính sách gap year. Được trường trả lời sẽ bảo lưu toàn bộ học bổng như trong thư mời nhập học, Ly bắt đầu lên kế hoạch cho một năm tới ở Việt Nam và không phải đến trường.
Hiện, Ly đã liên hệ với một giảng viên ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp) để xin tham gia vào nhóm nghiên cứu khoa học. Đề tài liên quan một phần đến ngành Kỹ thuật Y Sinh dự định theo đuổi khi sang Mỹ khiến Ly thêm hào hứng.
Nữ sinh Hà Nội dự định nếu tình hình Covid-19 tốt hơn, em sẽ tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và đi tình nguyện xuyên suốt Việt Nam hoặc ở một số quốc gia khác. Em cũng muốn xin thực tập ở một công ty tại Việt Nam để học hỏi thêm. “Em chưa từng nghĩ tới gap year. Nhưng khi đã quyết định, em muốn biến thời gian đó trở nên hữu ích”, Ly chia sẻ.
Nguyễn Hải Ly trong buổi chụp kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giống như Ly, Dương Bảo Tiên, cựu học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên, quyết định gap year, không nhập học Đại học Denison (Mỹ) do ảnh hưởng của Covid-19. “Em chỉ định nghỉ một kỳ để dịch lắng xuống rồi qua Mỹ, nhưng trường chỉ có chính sách bảo lưu một năm”, Tiên nói.
Về kế hoạch cho một năm ở Việt Nam, Tiên cho biết đang suy nghĩ hai hướng. Một là theo học một đại học ở Việt Nam, có thể là Đại học Ngoại thương hoặc RMIT. Trong thời gian học, Tiên sẽ tận dụng các mối quan hệ để làm dự án cộng đồng cùng các bạn hoặc xây dựng dự án của riêng mình. Hai là nếu không đi học đại học, Tiên sẽ xây dựng một dự án startup về giáo dục.
Không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trong nước dù thi tốt nghiệp THPT khá tốt với điểm tiếng Anh và Toán dự đoán 9,8 và 8,4, Tiên đã được nhận vào ngành Quản trị kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương cơ sở TP HCM nhờ có giải học sinh giỏi cấp quốc gia và đang chờ kết quả của RMIT. “Vì vậy em thiên về hướng vừa đi học, vừa thực hiện các dự án hơn”, Tiên nói.
Khác với Ly và Tiên, Lê Lan Khanh, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam theo học các lớp online của Đại học Vassar, bang New York, Mỹ từ đầu tháng 7. Trong đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ vào tháng 12/2019, nữ sinh giành học bổng của Đại học Vassar với mức hỗ trợ tài chính 252.000 USD (gần 6 tỷ đồng). Em đã lên kế hoạch đến Mỹ vào tháng 8. Thế nhưng Đại học Vassar học online kỳ mùa thu, tức hết tháng 1/2021 vì Covid-19 tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới chưa được kiểm soát.
Nhiều người khuyên nữ sinh nên bảo lưu hoặc học tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp vì việc được trải nghiệm văn hóa, cơ sở vật chất của trường rất quan trọng, nhưng Khanh muốn được học ở Mỹ. Năm học đầu tiên, em mới tiếp cận các môn đại cương, chưa bắt buộc chọn ngành và học chuyên sâu hay nghiên cứu trên phòng thí nghiệm nên việc học online chưa ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra, vì nhận học bổng trị giá lớn, Khanh chỉ phải đóng thêm một khoản tiền không lớn mỗi kỳ. Chi phí này ít hơn so với học phí các trường quốc tế, chất lượng cao tại Việt Nam. Sau khi cân nhắc, nữ sinh quyết định vẫn theo đuổi môi trường học tập của Mỹ. Do học bổng quy định Khanh phải học tại Mỹ tối thiểu ba năm, em dự định học online hết kỳ mùa thu hoặc hết năm nhất rồi đến Mỹ. Trường hợp một năm nữa, tình hình dịch bệnh chưa ổn và trường tiếp tục yêu cầu sinh viên học online, nữ sinh sẽ bảo lưu kết quả (gap year).
Video đang HOT
Một tháng nay, Khanh đã tham dự các lớp học online do Đại học Vassar tổ chức, dạy kiến thức cơ bản của một số môn đồng thời giới thiệu văn hóa, truyền thống và các hoạt động của trường. Mỗi ngày, em tham gia 1-3 lớp, tổng thời gian học 2-6 tiếng. Hiện, Khanh đã đăng ký xong lịch học các môn cho kỳ mùa thu. Em chủ yếu chọn các môn có lịch học sáng, tức rơi vào khoảng 7-10h tối giờ Việt Nam, tránh việc thức đêm, ảnh hưởng sức khỏe. “Có một chút tiếc nuối khi chưa được sang Mỹ nhưng em khá hài lòng với lựa chọn này”, nữ sinh nói.
Lê Hoàng Hào. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Lê Hoàng Hào, 18 tuổi, cũng đang tham dự các lớp học online của Đại học British Columbia, Canada, trước khi chính thức khai giảng vào tháng 9. Lúc đầu, khi trường thông báo học online hết kỳ mùa thu, Hào đã tính bỏ học bổng 10.000 CAD (khoảng 170 triệu đồng), học tại Việt Nam vì cảm thấy “du học online” không tương xứng với số tiền học phí phải đóng.
Tuy nhiên, em nhận thấy mình không có nhiều lựa chọn. Do mất nhiều thời gian cân nhắc, nam sinh không nộp nguyện vọng vào bất kỳ đại học công lập nào, còn các trường quốc tế mà em lựa chọn đều đóng đơn, trừ RMIT. Trong khi đó, Hào nhận thấy Đại học British Columbia thể hiện rõ nỗ lực trong việc hỗ trợ sinh viên quốc tế học online khi liên tục email, cung cấp các khóa học online miễn phí.
Do đó, nam sinh quyết định nhập học Đại học British Columbia, chấp nhận học online kỳ đầu tiên. Hào tích cực tham gia vào nhiều khảo sát, bình chọn việc học tập trung tại trường vào kỳ sau. Hiện, em đã học online được 5 buổi và đang tham gia một chương trình gồm Toán, viết luận và nâng cao kỹ năng học online.
Đại học British Columbia cũng xây dựng thời gian biểu riêng cho sinh viên ở khu vực Thái Bình Dương nên Hào không phải học vào đêm, chủ yếu chiều và tối. “Nhận được hỗ trợ và quan tâm của trường, em rất vui. Để đưa ra được quyết định ở Việt Nam học online, em đã mất cả tháng suy nghĩ nên không hối hận về lựa chọn của mình”, Hào chia sẻ.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là châu Á 70.000, kế đến là châu Mỹ 50.000, châu Âu 40.000, Australia và New Zealand 30.000. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh lên đường du học. Tuy nhiên, do Covid-19, đa số phải hoãn hoặc bảo lưu kết quả.
Những 'bí mật' của nữ bác sĩ có 2 con giành học bổng Harvard
"Lead by example" (làm gương) là điều đầu tiên mình nghĩ tới. Ký ức tuổi thơ là những đêm cả 3 mẹ con cùng ngồi học trên căn gác nhỏ" - Cựu sinh viên Harvard Tôn Hà Anh chia sẻ về người mẹ của mình.
Tôn Hà Anh, Tôn Hiền Anh là cựu sinh viên trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. 2 chị em được coi là gương mặt "đình đám" trong giới du học sinh khi đều được học bổng của ngôi trường danh giá Harvard vào năm 2011 và năm 2017.
Bác sĩ Lã Hà, mẹ của Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh cho biết cả hai vợ chồng chị đều có quan điểm là các con có quyền được sống với ước mơ của bản thân, chứ không phải của bố mẹ hay bất kỳ ai khác.
"Nếu như chỉ so sánh các con với bên ngoài thì rất dễ mất phương hướng, nhất là càng về sau, mỗi con sẽ có những hướng đi khác nhau nên việc so sánh sẽ làm các con kiệt sức" - chị Lã Hà chia sẻ.
Bác sĩ Lã Hà - người mẹ có 2 con gái học tại Harvard (Mỹ)
Theo đuổi đam mê, không theo "trend"
Với hai chị em Hà Anh - Hiền Anh, mẹ chính là hình mẫu quan trọng nhất.
Chị Hà là bác sĩ chuyên ngành da liễu. Dù thời của chị đây không phải là một ngành "hot" hay có thu nhập cao, nhưng chị vẫn lặng lẽ trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm.
"Mỗi khi nhìn thấy mẹ nói say sưa hàng giờ về công việc, vẫn trực máy khi có bệnh nhân hỏi, nhìn thấy niềm hạnh phúc được học và theo đuổi niềm đam mê..., mình nhận ra rằng điều quan trọng là xác định đam mê của mình và theo đuổi nó" - Hà Anh tâm sự.
Đó cũng là động lực để hai chị em mạnh mẽ vượt qua những áp lực vô hình về thi cử, thành tích.
"Lead by example" (làm gương) là điều đầu tiên mình nghĩ tới. Ký ức tuổi thơ là những đêm cả 3 mẹ con cùng ngồi học trên căn gác nhỏ. Đến bây giờ, mình vẫn tiếp tục dịch các tài liệu da liễu nước ngoài cho mẹ để mẹ cập nhật kiến thức" - Hà Anh chia sẻ.
Chị Hà cũng luôn ủng hộ những gì các con muốn làm, dù điều đó có thể không phải là "trend" (xu hướng).
Hà Anh nhớ lại "Thời của mình, việc sang Mỹ học cấp 3 không phải là lối đi nhiều bạn chọn vì có nhiều rủi ro. Nhưng mẹ bảo: "Con hãy đi con đường con chọn, để sau này không phải ngoảnh lại hối tiếc. Nếu như con vấp ngã, thì là một bài học để con tự điều chỉnh và đi đúng hướng".
Đối với quyết định nộp hồ sơ vào ĐH Harvard của 2 con, vợ chồng chị Lã Hà đóng vai trò là "huấn luyện viên".
Chị Lã Hà chia sẻ: "việc gì chúng mình cũng chú trọng vào những lựa chọn phù hợp để đảm bảo an toàn. Hai bạn đều chọn nộp hồ sơ vào 3 nhóm trường: trường an toàn, nguyện vọng, và mơ ước. Harvard và các trường Ivy League thuộc khối trường mơ ước vì tỉ lệ chọi rất cao và không ai có thể dám chắc việc được nhận".
Tôn Hà Anh trong ngày lễ tốt nghiệp đại học
Còn Hà Anh cũng nhớ lại "Trong quyển "Leadership on the Line" của Harvard có ví dụ cuộc sống như một sàn nhảy. Khi mình cùng trên sàn nhảy khiêu vũ với mọi người, mình sẽ không thể bao quát hết việc gì đang xảy ra trên sàn diễn và mình đang ở đâu. Nhưng khi mình đứng từ ban công nhìn xuống thì sẽ quan sát tình hình một cách khách quan. Bố mẹ đã giúp bọn mình lên "ban công" đó bằng cách chỉ điểm mạnh, điểm yếu, và thiên hướng của 2 đứa. Chúng mình sẽ cùng bố mẹ thảo luận xem trong ngành nghề này, điều gì hợp và không hợp với khả năng, sở thích, và mục đích của từng người".
Đã ra trường và đi làm ở Mỹ, khi gặp các khúc mắc trong công việc, Hà Anh vẫn chia sẻ và xin ý kiến bố mẹ.
Hai chị em Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh
Có việc sẽ tự "xắn tay" vào
Bác sĩ Lã Hà nói rằng vợ chồng chị dạy cho 2 con điều quan trọng nhất là sống có mục đích, tạo ra giá trị cho cuộc sống. Các con hãy cố gắng hết sức, bất kể mình là ai và sinh ra trong tầng lớp xã hội nào.
Cho đến giờ, khi Hà Anh tư vấn về chiến lược kinh doanh cho lãnh đạo các tập đoàn hay Hiền Anh đối thoại với lãnh đạo nhà trường đều cảm thấy tự tin, vì quan trọng là chất lượng ý kiến và ý tưởng đưa ra hơn là quan tâm đến tuổi tác hay vị trí.
Có một câu chuyện về chịu trách nhiệm mà các con chị Hà còn nhớ mãi. Đó là ngày nhỏ, Hà Anh rất hiếu động, có lần vô tình làm kẹt tay bạn. Chị Hà đã đưa con gái đến tận nhà bạn để đưa thuốc và xin lỗi.
Nếu các con có bức xúc vì một chuyện nào đó, chị sẽ hỏi "Vậy thử nghĩ xem con có thể làm gì để giải quyết việc này?".
Điều này tập cho Hà Anh và Hiền Anh tính chủ động, có trách nhiệm. Đến khi thấy những việc mình cần làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng, thì cả hai cô con gái sẽ tự biết mà "xắn tay vào việc".
Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Năm 2011, Tôn Hà Anh được 5 trường đại học hàng đầu của Mỹ mời nhập học. Đó là ĐH Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley.
Hà Anh đã chọn Harvard và là số rất ít sinh viên được nhận học bổng toàn phần của Hội Đồng Giáo sư Harvard. Hiện, Hà Anh làm việc cho McKinsey & Company New York - công ty tư vấn doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Năm 2017, em gái của Tôn Hà Anh là Tôn Hiền Anh tiếp tục giành học bổng toàn phần của ĐH Harvard.
Tháng 7/2020, khi ICE ra thông báo du học sinh Mỹ phải về nước nếu học trực tuyến hoàn toàn, Tôn Hiền Anh đã gửi thư đề nghị Đại học Harvard xem xét những hậu quả tiêu cực cho học sinh quốc tế nếu điều luật được thực thi. Với hành động này, Tôn Hiền Anh được coi là một trong những du học sinh góp tiếng nói vào quyết định hủy kế hoạch cấm du học sinh ở lại Mỹ nếu chỉ học trực tuyến của chính phủ Mỹ.
Gần đây, đích thân hiệu trưởng trường Harvard Lawrence Barcow đã gửi thư cảm ơn Hiền Anh vì những đóng góp của Hiền Anh cho phong trào bảo vệ cho học sinh quốc tế.
Các đại học Mỹ chi hơn 70 tỉ USD để đưa sinh viên quay lại trường Trong tháng 8, nhiều trường đại học tại Mỹ lên kế hoạch chào đón sinh viên và du học sinh quay trở lại. Theo đó khoảng 5.000 trường Mỹ phải chi hơn 70 tỉ USD để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đại học Illinois quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong phạm vi trường học khi sinh viên...