Du học sinh đang sung sướng, thật khó về
“13 cháu đi du học, 12 cháu không trở về”, vấn đề nhức nhối đó đặt ra và lập tức được bàn luận sôi nổi nhiều ngày. Các du học sinh lý giải vì sao họ chọn ở lại.
Với nhiều bạn du học sinh, chuyện đi du học là tiếp cận với một chân trời mới, năng động, đầy thách thức, thỏa sức trẻ đam mê.
“Không bị gò ép bởi những lớp học thêm dày kín lịch, mà có nhiều thời gian tự học, có cơ hội mở rộng mối quan hệ với nhiều nền văn hóa khác nhau từ những du học sinh các nước khác” – bạn Đào Duy Băng Thanh (ĐH Exeter, Anh) chia sẻ.
Lương Thị Thu Hằng (thứ hai từ phải qua) – du học sinh tại Đức. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Giáo viên sẽ dẫn dắt bạn hiểu sâu vấn đề. Những trường đại học, cao đẳng bên này đều có người phụ trách sinh viên, hướng dẫn làm bài tập. Sinh viên yếu sẽ có những sinh viên giỏi kèm cặp. Thư viện lớn để bạn tự do nghiên cứu. Đó là những gì mình ít nhận được khi học ở Việt Nam”, Thảo Lâm (du học sinh tại Canada) nhận xét.
Bạn Phú Vinh (du học sinh tại Hàn Quốc) nói: “Điều kiện sống ở nước ngoài tốt hơn, dân trí cao, phúc lợi xã hội bình đẳng, an ninh xã hội tốt. Nếu được học bổng, bạn không phải lo lắng nhiều về tiền bạc”.
Từ góc nhìn đó, nhiều bạn thừa nhận: “Đang sung sướng vậy thì việc về hay không về là băn khoăn có thật, nếu ai nói không băn khoăn là chưa nói thật lòng”.
Nhiều du học sinh cho biết, họ đã chọn những ngành học đặc thù có thể ở lại làm việc tại nước ngoài. Bạn Lương Thị Thu Hằng (Trường Technische Universitt Darmstadt, Đức) bày tỏ: “Đa số sinh viên đi du học ở Đức thường chọn học chế tạo máy, điện – điện tử viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Việc tốt nghiệp một ngành kỹ thuật với trình độ tiếng Đức nhuần nhuyễn sẽ có cơ hội xin được việc làm ở một công ty Đức rất cao, thậm chí được làm ở những công ty nổi tiếng như Siemens, Bosch, Volkswagen, BMW… với mức lương tốt là có thể”.
Bên cạnh đó, môi trường sống ở những nước phát triển như Đức rất tốt, an sinh xã hội cao, dịch vụ y tế tốt, an ninh cao… cũng là động lực để người ta đến rồi ở lại.
Du học giống một khoản đầu tư kinh doanh và cần phải sinh lời. Chính vì lẽ đó, một số du học sinh cũng mong muốn làm việc tại nước ngoài để cải thiện mức sống sau này.
Video đang HOT
“Khi học xong về nước, lương sẽ không cao như ở nước ngoài. Ví dụ, học bốn năm hết hơn 100.000 USD, chưa tính các khoản chi phí khác. Trong khi đó nếu về Việt Nam, mỗi tháng nhận lương vài triệu đồng thì biết bao giờ mới gỡ vốn. Dù sao ở nước ngoài làm công việc bình thường với mức lương trung bình thì cũng đỡ hơn rất nhiều”, Thảo Lâm nêu.
Bạn Đ.T.Q.B. (du học sinh tại Mỹ) băn khoăn: “Mình sợ về Việt Nam gặp phải chuyện “con ông cháu cha”, muốn thăng chức thì phải có “ô dù”. Trong khi đó ở nước ngoài thì lên theo năng lực, không ai ganh ghét nhau mà luôn hoạt động theo nhóm để phát triển”.
Đối với Lê Thị Tố Linh, vừa tốt nghiệp chuyến du học bốn năm tại Singapore, rõ ràng môi trường tại Singapore năng động, hiệu quả và chuyên nghiệp.
“Khi về nước, làm việc chung với mọi người có thói quen “nước đến chân mới nhảy” và tất nhiên sản phẩm cuối cùng luôn không được hài lòng như mong muốn khiến tôi khó chịu”, Linh chia sẻ.
Hơn nữa, theo Linh, đi du học rồi về hay ở không ảnh hưởng gì đến tình yêu đất nước vì các bạn tạo ra giá trị ở nước ngoài nhưng dùng những giá trị ấy đóng góp cho nước nhà (từ thiện, giới thiệu công ăn việc làm cho những người đồng hương có tài…) thì cũng chẳng khác những bạn ở Việt Nam làm việc.
Các nước cũng ràng buộc du học sinh
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng cấp học bổng cho học viên đi du học nước ngoài kèm nghĩa vụ quay về làm việc tại quê hương sau khi hoàn thành chương trình học.
Hội đồng Anh (British Council) và Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) từng công bố một báo cáo về các chương trình học bổng du học ở 11 nước, gồm: Việt Nam, Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Mexico, Pakistan, Nga và Saudi Arabia.
Báo cáo khảo sát phương pháp mà chính phủ các nước thực hiện để khuyến khích sinh viên nước họ đi du học, đồng thời phân tích động lực và lý do các nước làm như vậy, cũng như những tác động mang lại. Tài liệu cũng cung cấp một góc nhìn rộng hơn về chính sách, phạm vi, cơ chế, mục tiêu và tác động của các chương trình này.
Bà Laura E. Rumbley, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục đại học quốc tế của Đại học Boston (Mỹ) – một trong những đơn vị thực hiện báo cáo trên, cho biết, các chương trình học bổng và điều khoản ràng buộc cụ thể ở các nước, bao gồm cả đề án 322 và 911 của Việt Nam cũng được thực hiện.
Báo cáo cho biết, người tham gia đề án 322 có nghĩa vụ quay trở về quê hương và làm việc ở các vị trí được Nhà nước phân bổ, trong khi đó đề án 911 yêu cầu người học quay về làm việc ở vị trí trước đây ít nhất hai năm và xuất bản ít nhất một bài báo học thuật.
Tương tự, nhiều quốc gia cũng có các chương trình học bổng với điều khoản ràng buộc đối với những người được cử đi học. Cụ thể, chương trình du học khoa học Brazil Scientific Mobility Program do Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học – công nghệ và đổi mới Brazil quản lý yêu cầu học viên trở lại Brazil và ở lại trong thời gian ít nhất bằng với thời gian đi học ở nước ngoài.
Chương trình OSS-II của Pakistan quy định học viên phải có nghĩa vụ về làm việc ở nước nhà 5 năm. Các chương trình học bổng khác chủ yếu yêu cầu học viên về nước làm việc tại vị trí cũ trước khi đi học hoặc làm việc ở quê hương ít nhất hai năm. Chương trình CONACYT của Mexico buộc học viên phải trả lại học phí nếu không chịu về nước sau khi học xong.
Theo báo cáo, bản thân người nhận học bổng được hưởng nhiều quyền lợi như tiếp thu thông tin chất lượng cao, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng mới, mở rộng mạng lưới và triển vọng nghề nghiệp.
Ở cấp quốc gia, lợi ích có thể nhìn thấy được là sự phát triển về mặt nhân lực, đó là việc những người trở về có thể áp dụng các kiến thức và mạng lưới công việc họ có được trong quá trình đi học nước ngoài để cải thiện công việc ở nước mình.
Theo Vân Trúc – Diệu Nguyễn/Tuổi Trẻ
Du học Nhật không nhất thiết phải biết tiếng Nhật
Bạn ôm giấc mơ du học Nhật để khám phá văn hóa độc đáo của đất nước hoa anh đào? Bạn vẫn e ngại vì phải học tiếng Nhật mới có thể du học Nhật? Nếu tiếng Nhật là trở ngại với bạn thì từ giờ hãy an tâm, vì các trường đại học Nhật đã có nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh rồi.
Văn hoá Nhật luôn thú hút sự đam mê của nhiều bạn trẻ Việt Nam, tuy nhiên nhiều bạn vẫn e ngại vì nghĩ rằng phải học tiếng Nhật mới có thể du học Nhật. Hiện nay do chính sách thúc đẩy giáo dục của chính phủ, có rất nhiều chương trình tại các trường đại học Nhật được giảng dạy bằng tiếng Anh.
1. G30
Chương trình Global 30 (G30) được chính phủ Nhật khởi động từ năm 2011 trong 13 trường đại học danh tiếng nhất ở Nhật nhằm tăng số lượng du học sinh tại Nhật Bản. Bạn sẽ được học hoàn toàn bằng tiếng Anh, song song đó vẫn được học tiếng Nhật, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với chương trình dành cho du học sinh bình thường (mất 01 - 02 năm học tiếng Nhật rồi mới bắt đầu vào học chính thức).
Các ngành học được dạy rất đa dạng, từ các ngành Khoa học Tự nhiên như Kĩ thuật (Engineer), Vật lý (Physics), Sinh học (Biology) cho đến các ngành Xã hội như Kinh tế (Economics), Luật (Laws), Văn hóa (Japanese Culture)...
Chương trình học bổng cũng rất đa dạng, từ học bổng bán phần học phí, toàn phần học phí đến toàn phần học phí sinh hoạt phí hàng tháng.
Danh sách các trường nằm trong chương trình G30: Tohoku University, University of Tsukuba, The University of Tokyo, Nagoya University, Kyoto University, Osaka University, Kyushu University, Keio University, Sophia University, Meiji University, Waseda University, Doshisha University, Ritsumeikan University.
2. Các trường đại học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh
Ngoài các trường trong chương trình G30, có một số trường Đại học ở Nhật giảng dạy bằng tiếng Anh. Phần lớn các trường là trường Quốc tế hoặc Đại học Dân lập. Điểm khác biệt giữa hai chương trình là G30 được nhận trợ cấp chính phủ, còn chương trình tiếng Anh bình thường thì nhận trợ cấp từ trường. Vì vậy nên các chương trình học bổng sẽ tùy thuộc vào từng trường.
Các bạn sẽ dễ dàng tra cứu danh sách các trường và khoá học bằng tiếng Anh tại Nhật, trong đó một số trường tiêu biểu có chương trình học bằng tiếng Anh: Akita International University, Hokkaido University, Kobe University...
3. Trao đổi văn hóa
Khác với chương trình trao đổi văn hóa ở các nước khác, các trường Đại học ở Nhật thường chỉ chấp nhận trao đổi sinh viên với các trường đối tác. Vì thế sinh viên không được nộp đơn tự do mà phải tùy thuộc vào trường Đại học của mình tại Việt Nam. Hiện tại các trường có liên kết với đại học Nhật ở Việt Nam gồm có: Đại học Ngoại Thương, Đại học Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Luật Hà Nội.
Hầu hết các chương trình trao đổi văn hóa đều được cấp học bổng toàn phần và sinh hoạt phí hàng tháng.
Theo Trace / Trí Thức Trẻ
Du học sinh Việt tại Pháp tất bật chuẩn bị đón Tết Năm nào cũng vậy, những du học sinh tại thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp lại cùng nhau chuẩn bị một cái Tết không kém phần tươi vui, ấm cúng để cùng sẻ chia khoảnh khắc thiêng liêng của thời khắc chuyển giao sang năm mới. Đây cũng là một dịp để gắn kết tình bạn, tình đồng bào, cùng hướng về...