Du học nước ngoài: Khi đi phấn khởi, khi về tâm tư
Được du học bằng kinh phí nhà nước, nhưng nhiều du học sinh trở về không mặn mà với công việc được bố trí.
Có người cố gắng làm “trả nợ” cho xong rồi nghỉ việc, có người chấp nhận đền bù để làm cho các công ty nước ngoài, thậm chí không trở về…
Đó là tình trạng của nhiều du học sinh theo chương trình Mekong 1.000 (đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học ở nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long) khi trở về địa phương làm việc.
Lễ tiễn ứng viên các tỉnh ĐBSCL lên đường du học năm 2011, cũng là năm nhiều ứng viên nhất với 115 người – Ảnh: Tư liệu Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Làm để “trả nợ”
Chị N.T.T.N., đang công tác tại một trường cao đẳng ở Đồng Tháp, cho biết, năm 2011, khi được chọn làm ứng viên đi du học ngành công nghệ sinh học tại Anh, chị rất hãnh diện. Chị N. nói may mắn hơn các bạn cùng đi học chương trình thạc sĩ là khi trở về được đứng lớp. Ngoài công việc giảng dạy, chị vẫn phải cáng đáng thêm nhiều việc không phù hợp khác nữa.
Tương tự, chị T.N.M. (Cần Thơ) năm 2010 trở về với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành môi trường ở Pháp. Được bố trí làm việc ngay sau đó, nhưng chỉ quanh quẩn công việc văn phòng với nhiệm vụ lưu trữ thông tin, soạn thảo văn bản và chuyển thư từ của cơ quan.
Làm được hơn một năm, chị đã tự bỏ việc lên TP HCM làm ở một công ty nước ngoài và xin được “trả nợ” dần nhưng địa phương không đồng ý. Chị M. phải quay trở lại làm việc.
“Tôi cũng cố gắng làm cho đủ niên hạn rồi sẽ tìm công việc khác phù hợp hơn” – chị M. than.
Chị M. nói thêm không phải ai cũng chê bai hay không muốn phục vụ cho thành phố, nhưng ngoài việc làm trái với các chuyên ngành đã học thì kiến thức của du học sinh trở về cũng không biết phải vận dụng vào đâu khi không có đủ trang thiết bị, cơ sở thực hành…
P.Q. chấp nhận bồi thường hợp đồng, bỏ công việc giảng dạy mà nhiều du học sinh cho là vị trí phù hợp khi trở về nước. P.Q. kể sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Hà Lan năm 2013, P.Q. được bố trí giảng dạy ngoại ngữ tại một trường cao đẳng ở Cần Thơ.
P.Q. rất mừng khi được giảng dạy đúng chuyên ngành mình đã học nhưng lại không được mang sự sáng tạo vào bài giảng, những đề xuất của P.Q. trong cuộc họp chuyên môn không lúc nào được đồng ý nên dần dà P.Q. nản.
“Khi tôi đề xuất cách làm mới hơn cho môn học thì không được chấp nhận, tôi phải dạy theo lề lối cũ trong khi ngoại ngữ luôn có những điều hay, mới lạ…” – P.Q. chia sẻ.
Sau hơn ba tháng giảng dạy, P.Q. nghỉ việc và hoàn trả gấp đôi số tiền được hưởng khi đi du học vì đã vi phạm hợp đồng. P.Q. đang đi dạy ở một trường quốc tế tại TP.HCM.
Video đang HOT
Ngoài ra, cùng năm 2013, chị H.N. tốt nghiệp thạc sĩ ngành viễn thông, chị H.T. tốt nghiệp thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế ở Úc và anh L.H.T. tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ chế biến ở Bỉ… đang làm chuyên viên văn phòng tại các sở, ban ngành của Cần Thơ, Hậu Giang.
Theo những anh chị này, dù được bố trí làm việc ổn định nhưng công việc không dính dáng gì đến sở trường và kiến thức được học.
Ông Nguyễn Hoàng Phụng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Đã hưởng nhiều ưu đãi
“Chúng tôi đã trao đổi với các tỉnh khi tuyển chọn ứng viên đi học, ngoài việc xét học lực của ứng viên thì nên tìm hiểu nguyện vọng, đánh giá phẩm chất của từng ứng viên để xem xét mức độ ứng viên trở về phục vụ là bao nhiêu phần trăm. Sau đó mới có quyết định cử đi học”
Ông Nguyễn Hoàng Phụng (chuyên viên phòng hợp tác quốc tế Trường ĐH Cần Thơ)
Ông Nguyễn Hoàng Phụng, chuyên viên phòng hợp tác quốc tế, ĐH Cần Thơ, cho biết, đã nghe nhiều phản ảnh tình trạng các ứng viên học ở nước ngoài về có nhiều người đòi hỏi quyền lợi, thậm chí bỏ việc, không về, khi về nước không yên tâm, so bì về thu nhập…
Cũng theo ông Phụng, phần lớn các ứng viên tại Cần Thơ sau khi đi học về lại có nhiều “đòi hỏi” về quyền lợi hơn các ứng viên ở các tỉnh khác.
“Họ tính toán mà không nghĩ rằng số tiền bỏ ra cho họ đi học nếu chia đều ra mỗi tháng khi họ về phục vụ thì họ được hưởng tính ra con số không hề nhỏ” – ông Phụng nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Bình, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết, khi ứng viên trở về, trước tiên Sở Nội vụ và các sở, ban ngành đều lắng nghe nguyện vọng của ứng viên, sau đó đối chiếu với nhu cầu của các cơ quan rồi mới bố trí công việc.
“Còn công việc được bố trí ở vị trí nào thì do cơ quan đó phân công trực tiếp chứ Sở Nội vụ không có thẩm quyền ấy nên không thể thống kê bao nhiêu người đang làm việc đúng với sở trường, chuyên môn đã học” – ông Bình nói.
Ông Tô Thu Cường, Phó phòng công chức viên chức Sở Nội vụ Bạc Liêu, cho biết, “nếu nói không ưu đãi nhân tài là không đúng”, tất cả ứng viên khi trở về làm việc đều được ưu tiên khi không phải qua thời gian tập sự mà được tuyển thẳng biên chế, hưởng 100% lương, đồng thời còn được chọn cơ quan làm việc đúng với chuyên ngành đã học.
Theo ông Tô Thu Cường, hiện nay, sở đã trình với UBND tỉnh xúc tiến các quy trình để xem xét yêu cầu bồi thường hợp đồng của một trường hợp ứng viên sau khi trở về đã tự ý đi làm nghiên cứu sinh mà không được sự thống nhất của ủy ban tỉnh. Dự tính số tiền bồi thường gồm tiền sinh hoạt phí, học phí trong và ngoài nước sẽ gần 1 tỉ đồng.
“Cơ bản các ứng viên trở về đều toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Nhiều bạn có nỗ lực rất lớn trong công việc, đạt thành tích cao trong công tác chuyên môn. Chủ trương tỉnh đều phân công công việc đúng với ngành nghề ứng viên đã được học” – ông Cường nói.
Còn theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, tất cả ứng viên trước khi đi học đều được lãnh đạo tỉnh tham mưu, phân công vị trí việc làm sau khi trở về. Hầu hết ứng viên trở về đều được làm việc ở các vị trí họ đã chuẩn bị trước tâm lý nên họ không hề bỡ ngỡ, bất mãn.
Theo báo cáo tình hình triển khai đề án Mekong 1.000, hiện tại một số địa phương đã có ứng viên tốt nghiệp trở về làm việc như Bạc Liêu có 20 ứng viên (một ứng viên bồi thường hợp đồng), Bến Tre 13 ứng viên, Vĩnh Long 41 ứng viên, Cần Thơ 121 ứng viên, trong đó có 5 tiến sĩ (bốn trường hợp nghỉ việc phải bồi hoàn kinh phí).
Tất cả ứng viên đều được bố trí công tác ở các ngành, lĩnh vực như giao thông vận tải, tài chính, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo tại địa phương.
Ngoài ra, Trà Vinh cũng là tỉnh đang gặp khó khăn trong việc thu hồi kinh phí khi chỉ có 51/58 ứng viên trở về địa phương công tác, còn lại các ứng viên đã bỏ học, học xong không về nước hoặc đã chuyển ra ngoài tỉnh làm việc.
Theo quy định của từng địa phương, mỗi ứng viên khi trở về sẽ phải phục vụ gấp ba hoặc năm lần thời gian học tập đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì phải từ chín năm trở lên. Trước khi đi học, giữa ứng viên và địa phương đều có cam kết trách nhiệm của mỗi bên. Nên khi trở về ứng viên không làm đúng cam kết thì phải bồi thường gấp đôi số tiền được hỗ trợ trong suốt quá trình học.
552 lượt ứng viên đã du học
Theo báo cáo sơ kết chương trình Mekong 1.000 của ĐH Cần Thơ, tính đến tháng 4/2015 đã có 552 lượt ứng viên (trong đó có 50 ứng viên học tiến sĩ) đã được gửi đi đào tạo ở 160 viện, trường tại 23 quốc gia.
Các ngành nghề được đào tạo như luật, quản lý hành chính, công nghệ sinh học, y tế, công nghệ chế biến, cầu đường, cấp thoát nước. Tổng số kinh phí đã sử dụng hơn 19 triệu USD.
Tổng chi phí đào tạo trung bình cho mỗi thạc sĩ là 34.208 USD, mỗi tiến sĩ là 59.121 USD.
Theo Thùy Trang/Tuổi Trẻ
Tại sao du học sinh không vừa ở, vừa về?
"Khi dư luận đang tranh cãi về việc du học sinh nên về hay ở lại, tôi tự hỏi tại sao không có câu trả lời vừa về, vừa ở", bạn Nguyễn Trọng Hồng viết.
Sau một năm với 8 chuyến bay quốc tế, vừa trải nghiệm cuộc sống 6 tháng ở nước sở tại và 6 tháng ở Việt Nam, tôi muốn chia sẻ một giải pháp khác cho câu hỏi du học sinh về hay ở.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Đức, tôi cũng từng băn khoăn trước câu hỏi này. Nhưng khi tìm câu trả lời, tôi thấy mình bị thiếu thông tin.
Ở lại con đường phát triển sẽ thế nào? Còn về Việt Nam sự hòa nhập của mình ra sao? Và trên hết là câu hỏi sứ mệnh cuộc đời mình là gì? Bản thân mình mạnh gì, yếu gì? Những câu hỏi đó, tôi đều chưa trả lời được ở thời điểm đó.
Nguyễn Trọng Hồng (cầm ảnh) và những sinh viên được anh tư vấn du học Đức. Ảnh:NVCC.
Tôi quyết định sẽ phải trải nghiệm trước khi đưa ra phương án cuối cùng. Về nước 3 tháng, tôi tích cực gặp bạn bè, nói chuyện với những người lớn tuổi về cuộc sống, công việc, cơ chế ở Việt Nam. Tôi còn cùng cậu bạn thân mở một quán cà phê ở Hà Nội để lao vào thực tế.
Sau đó, tôi quay lại Đức, xin vào làm tại một công ty phân phối hàng châu Á cho các nhà hàng tại Hamburg. Một năm trải nghiệm cuộc sống ở cả hai nơi, cùng với sự tập trung tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu bản thân, tôi đã tìm được câu trả lời.
Đó không phải lựa chọn về hay ở, mà vừa về, vừa ở. Tôi muốn sống ở cả Đức và Việt Nam, muốn được liên tục đi - về, muốn làm công dân toàn cầu nhưng có gốc là người Việt Nam.
Tôi cũng tìm ra con đường cho mình là trở thành doanh nhân gắn với trách nhiệm xã hội, muốn giúp đưa các sản phẩm hoặc con người Việt ra thế giới thành công.
Khi còn đi học, tôi cũng trải qua các bước phát triển cơ bản của mọi du học sinh Việt Nam thế hệ 8X (có phần bết bát hơn về học tập nhưng phong phú hơn về trải nghiệm). Sang Đức với ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa hạn chế nên quá trình học tập gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực và cố gắng, tôi cũng hoàn thành được chương trình đại học tại quốc gia rất khắt khe với chất lượng sinh viên tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, tôi cũng tích lũy được kinh nghiệm làm thêm hơn 10 nghề khác nhau như phụ bếp, bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch hội trợ, chuyển hàng xách tay, dịch vụ giấy tờ, trợ giảng môn Toán trong trường...
Với hiểu biết như trên, kết hợp việc gia đình có một công ty tư vấn du học nhỏ, tôi quyết định tập trung vào công việc này, góp phần giúp sinh viên du học thành công tại Đức.
Tôi cố gắng tìm ra các trường dạy tốt với chi phí hợp lý, tích cực trả lời câu hỏi và chia sẻ kiến thức mình biết trên diễn đàn Hội sinh viên Việt Nam tại Đức, cũng như tìm hiểu sâu hơn hệ thống đào tạo để tìm thêm cách giúp sinh viên Việt Nam nhận được tiền lo cho chi phí ăn ở, học tập.
Quãng thời gian sống ở Việt Nam của tôi tăng dần từ 3 tháng lên 4 tháng rồi 6 tháng. Đầu tháng 12 vừa qua, tôi có chuyến bay thứ 8 giữa Việt Nam và Đức trong năm 2015.
Còn rất nhiều khó khăn không tên, nhưng khi thay đổi góc nhìn, tôi lại thấy Việt Nam còn quá nhiều thứ mình có thể đóng góp, quá nhiều thứ có thể thay đổi để giúp xã hội tốt hơn, từ những việc nhỏ.
Khi về Việt Nam, tôi không thấy quan trọng phải có cuộc sống tiện nghi như ở Đức, không còn cần những việc mình làm ở nhà phải đem đến nhiều tiền bạc. Tôi về Việt Nam và làm hết sức theo những thứ mình tin tưởng là đúng. Tôi ở lại Đức và cũng làm hết sức những việc đã đặt mục tiêu. Tôi học cách sống cho đi và ngày càng cảm thấy sức mạnh của nó lớn như thế nào.
Các bạn du học sinh không nên suy nghĩ nhiều việc về hay ở có đồng nghĩa với yêu nước hay không. Nhưng có một việc tôi mạn phép kêu gọi các bạn, hãy quan tâm hơn đến trách nhiệm của mình với đất nước.
Đất nước ấy là nơi đã nuôi dưỡng bạn, nơi dạy bạn thành người như hôm nay. Đất nước đấy có bố mẹ, bạn bè, thế hệ trẻ sau bạn. Các bạn không cần làm gì to tát để thay đổi cơ chế. Chỉ cần làm những việc nhỏ trong khả năng của mình cũng là cống hiến giúp quê hương đất nước rồi.
Theo Zing
Góc khuất nghiệt ngã của nhiều du học sinh Việt La nha quan ly, nhiêu năm công tac tai nươc ngoai - chị Bích Hà chia sẻ trải nghiệm cá nhân dựa trên kinh nghiệm từng tư vấn du học, tìm việc. Bài viết dưới đây cũng định hình từ tư cách của một người làm kinh doanh, từng tuyển, đào tạo và sử dụng hơn 10 sinh viên du học về nước...