Dự giờ kiểu VNEN, cô trò cùng bị áp lực lớn
Mô hình dạy học VNEN đã bị tẩy chay ở nhiều tỉnh thành và chương trình mới hiện đang triển khai. Việc cứ liên tục yêu cầu dự giờ theo VNEN có còn phù hợp không?
Lớp 27 học sinh và hơn 50 giáo viên dự giờ
Một số giáo viên bậc tiểu học quê tôi đi dự giờ về than phiền, học sinh trong lớp chưa tới 30 em mà thầy cô dự giờ tới hơn 50 người thì sao các em tự nhiên học được?
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn .
Không chỉ thế, chương trình mới đã áp dụng được 1 năm nhưng phòng giáo dục vẫn liên tục tổ chức dự giờ cấp thị xã theo mô hình trường học mới VNEN (mô hình đã bị bỏ ở nhiều tỉnh thành).
Cô giáo H. (xin được giấu tên cho biết): “Giáo viên ngồi dự giờ đông như nêm, chỉ nhìn thầy cô giáo cũng đủ ngợp. Do tiết học được chuẩn bị trước chỉ như diễn lại chứ dạy thực tế chắc các em cũng không học nổi”.
Không ít giáo viên chia sẻ, dự giờ mà không học hỏi được gì, những thắc mắc về chuyên môn cũng không ai dám tổng kết như trước kia do yêu cầu phải để giáo viên tự chủ. Vì thế, chúng tôi nghĩ không nên tổ chức dự giờ liên miên như thế này.
Giáo viên đang bội thực dự giờ, học sinh đang quay cuồng tập diễn
Một năm học, giáo viên có ít nhất hàng chục tiết dạy dự giờ và dự giờ đồng nghiệp. Nào là dạy cho Ban giám hiệu dự giờ đầu năm, dự giờ cấp tổ, dự giờ cấp trường, dự giờ cấp liên trường, dự giờ các hội thi…
Nếu như với học sinh cấp trung học cơ sở hay trung học phổ thông thì việc dự giờ đôi khi không phải tập dợt nhiều, còn bậc tiểu học gần như tiết dự giờ nào giáo viên cũng phải đầu tư cho phần tập dợt.
Nếu là cấp tổ, giáo viên thường dạy tự nhiên, cấp trường mức độ tập được tăng lên một ít nhưng dạy cấp liên trường, cấp huyện/thị xã thì việc tập dợt gấp nhiều lần.
Sao không tập dợt cho được vì một người dạy đến dăm chục người dự luôn nhìn xăm xoi để góp ý. Một tiết dạy mà bị góp ý nhiều không chỉ bản thân giáo viên dạy mệt mỏi mà ảnh hưởng đến sự đánh giá của cấp trên với chuyên môn trường.
Bởi thế, dù không muốn giáo viên và nhà trường ấy cũng phải đầu tư chuẩn bị cho tiết dạy “đem chuông đi đánh xứ người” một cách hoàn hảo nhất.
Tiết dự giờ kết thúc là lúc giáo viên ngồi lại góp ý. Một tiết dạy 35 phút chuẩn nhưng bắt buộc vài chục trường dự giờ phải lên tiếng góp ý. Thôi thì chín người mười ý tiết dạy dù chuẩn bị kỹ đến đâu, dù hay đến mức nào cũng trở nên te tua, banh chành.
Dự giờ liên miên có cần thiết nữa không?
Video đang HOT
Khác với những năm trước đây, sách giáo khoa là pháp lệnh, giáo viên phải giảng dạy y chang những gì sách viết (kể cả những điều đang tranh cải vì chưa đúng), giảng dạy theo đúng phương pháp chuyên môn của nhà trường đưa ra.
Hiện nay, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Trong dạy học, giáo viên có quyền sáng tạo.
Việc thầy cô sử dụng phương pháp dạy học gì, hình thức tổ chức lớp học ra sao để phù hợp với trình độ học sinh của mình không ai có quyền can thiệp.
Bởi thế, việc cứ tổ chức dự giờ liên miên từ cấp nọ sang cấp kia (cấp tổ, cấp trường, cấp thị xã) đã không còn phù hợp với giáo dục hiện nay.
Dự giờ mà chẳng ai dám tóm lại vấn đề vì nếu tổng kết sẽ vi phạm yêu cầu chuyên môn của sự đổi mới. Vậy tổ chức dự giờ để làm gì vừa mất thời gian của giáo viên, vừa mất thời gian của học sinh chưa nói đến việc lại tập cho học sinh tính gian dối, đối phó?
Mô hình dạy học VNEN đã bị bỏ ở nhiều tỉnh thành và chương trình mới hiện đang triển khai. Việc cứ liên tục yêu cầu dự giờ theo cách dạy của VNEN có còn phù hợp?
Giáo viên hiện nay đang quay cuồng với biết bao công việc như dạy học, kèm học sinh yếu kém, học chứng chỉ, học các modun chương trình mới. Vậy mà, liên tục vẫn phải dành thời gian cho việc dự giờ chẳng để làm gì vào mỗi sáng thứ bảy như thế có nên không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Không chỉ lưu ban, học sinh học không giỏi giáo viên cũng bị cắt thi đua
Nếu học sinh không đạt thì giáo viên cứ "cấy", "sạ",... điểm miễn sao học sinh phải đạt chỉ tiêu chất lượng bộ môn giao là được.
Sau bài viết "Học sinh nghỉ học, giáo viên bị cắt thi đua là quá vô lý" của tác giả Nhật Khoa được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc cả nước, có rất nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ.
Thông qua bài viết, đa số đều đồng tình với việc giáo viên phải bị cắt thi đua khi học sinh bỏ học vì những lý do không phải lỗi của giáo viên chủ nhiệm mà họ bị cắt thi đua là quá vô lý, mà cái vô lý này diễn ra từ năm này tới năm khác.
Bên cạnh đó, có thêm nhiều chỉ tiêu rất vô lý ở trường mà giáo viên phải bắt buộc chấp nhận là những chỉ tiêu như học sinh giỏi, học sinh yếu, học sinh lưu ban,... nó biểu hiện cho căn bệnh chỉ tiêu thành tích rất nặng nề trong ngành giáo dục, chính những áp lực này khiến cho bạo lực học đường gia tăng, học sinh yếu kém hơn, nền nếp yếu kém hơn, học sinh ngồi nhầm lớp nhiều hơn,...
Nó gây nhiều bức xúc, chán nản trong giáo viên.
Những sự việc học sinh lớp 6, 7 không đọc viết trôi chảy chắc chắn không chỉ dừng lại ở một vài em hay một vài địa phương mà nó diễn ra nhiều nơi, nhiều năm.
Nếu cho 100% học sinh hoàn thành lớp 5 cả nước khảo sát trước khi vào lớp 6 thì sẽ biết cụ thể con số học sinh lớp 5 vào lớp 6 không đọc viết trôi chảy, không tính toán được cộng, trừ, nhân, chia,... sẽ là bao nhiêu.
Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì tình trạng này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, sẽ là một rào cản rất lớn của công việc vô cùng trọng đại là yếu tố thành công của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang diễn ra.
Trong bài viết, người viết cho rằng còn các chỉ tiêu nghịch lý sau thì việc đổi mới sẽ rất khó thành công.
(Ảnh minh họa: vov.vn).
Học sinh lưu ban, giáo viên bị cắt thi đua
Hiện nay có một chỉ tiêu cũng rất bất hợp lý nữa mà giáo viên chủ nhiệm phải gánh chịu, bên cạnh tiêu chí học sinh bỏ học còn tiêu chí lớp có học sinh lưu ban, giáo viên chủ nhiệm sẽ bị cắt thi đua.
Hiện nay, để chạy theo chỉ tiêu thành tích nên đầu năm các trường đều giao chỉ tiêu lên lớp thẳng cho giáo viên chủ nhiệm, gần như ở bậc tiểu học cũng phải 100% học sinh lên lớp thẳng, nếu lớp có 1 học sinh ở lại lớp, giáo viên chủ nhiệm có thể bị cắt thi đua.
Do đó ở bậc tiểu học cả nước tìm đỏ mắt không thấy học sinh ở lại, chắc chắn không phải do các em học tốt mà là do chỉ tiêu "ép" các em phải lên lớp.
Việc xuất hiện các đơn xin cho các em học yếu, kém được ở lại lớp nhưng không được vì giáo viên bị cắt thi đua là một thực tế đáng buồn có thật khi nói đến vấn đề thành tích ảo trong giáo dục.
Học sinh học không đạt có thể do cách tiếp cận vấn đề, các em tiếp thu chậm, do khả năng nhận thức chậm, hạn chế,... nên các em học yếu, không thể tiếp thu bài vở kịp dù giáo viên đã làm đủ mọi biện pháp, nên sẽ có em ở lại lớp để bổ sung, củng cố kiến thức là điều đương nhiên, tuy nhiên các trường đều áp chỉ tiêu phải gần như lên lớp 100%, nên không cho phép học sinh ở lại, dẫn đến tình trạng "lùa" học sinh lên lớp, mới có việc học sinh lớp 6, 7 mà chưa đọc, viết trôi chảy.
Cuối năm, nếu có học sinh không đạt điểm môn nào, giáo viên chủ nhiệm phải đi "xin" giáo viên bộ môn, bởi nếu học sinh ở lại sẽ bị cắt thi đua, mà giáo viên bộ môn cũng không thể không "nâng", "bẩy" các em lên lớp, vì nếu làm vậy sẽ mang tiếng "ác" vì làm học sinh ở lại, làm giáo viên chủ nhiệm bị cắt thi đua và chính mình cũng bị cắt thi đua.
Học sinh học không giỏi giáo viên bị cắt thi đua
Tiêu chí này dành cho giáo viên bộ môn, ở các bậc trung học cơ sở trở lên mỗi môn học học nếu học sinh đạt trung bình bộ môn từ 8,0 trở lên thì xếp giỏi.
Mỗi năm hiệu trưởng cũng giao chỉ tiêu chất lượng học sinh giỏi cho các bộ môn mà chất lượng đôi khi cao ngất ngưởng như Toán 30%, Văn 30%, Lý, Hóa, Sinh,...40%, Giáo dục Công dân, Sử, Địa,... thậm chí học sinh giỏi đến 60-70%.
Tình hình học sinh hiện nay thì đồng nghiệp trong ngành có lẽ ai cũng biết nó tồn tại nhiều vấn đề, đánh giá chưa đúng thực chất nên chất lượng thật sự của học sinh hiện nay là khá thấp.
Nhưng với chỉ tiêu trên thì hết sức vô lý vì đòi hỏi quá cao, giáo viên không đạt vì chỉ tiêu chất lượng bộ môn thì sẽ phải bị cắt thi đua, xếp không hoàn thành nhiệm vụ, bị viết kiểm điểm, tường trình,... lý do tại sao môn khác đạt mà môn mình không đạt, rồi bị giảm thu nhập tăng thêm, rồi bị tinh giản biên chế,...
Ban giám hiệu thường nói trong phiên hợp là do cấp trên giao chỉ tiêu nên phải thực hiện theo, thầy, cô cố gắng đạt, chuyện đạt chất lượng bộ môn là "trong tầm tay" thầy, cô.
Chỉ tiêu chất lượng bộ môn mà ban giám hiệu nêu ra "trong tầm tay" có thể hiểu giáo viên là người dạy, là người ra đề kiểm tra, là người cho điểm,... việc cho bao nhiêu điểm thì "tùy" giáo viên.
Nếu học sinh không đạt thì giáo viên cứ "cấy", "sạ",... điểm miễn sao học sinh phải đạt chỉ tiêu chất lượng bộ môn giao là được.
Nhà trường, xã hội cứ mặc định học sinh học không giỏi là do lỗi của giáo viên dạy.
Học sinh học yếu, kém giáo viên cũng bị cắt thi đua
Thêm một chỉ tiêu vô lý áp dụng lên giáo viên bộ môn là chất lượng học sinh trên trung bình, học sinh kém
Như đã nói ở trên, học sinh có điểm trung bình từ 5,0 trở lên là học sinh đạt trung bình trở lên, nếu học sinh đạt điểm trung bình 3,5 đến 4,9 là học sinh yếu, học sinh điểm trung bình dưới 3,5 là học sinh kém.
Dựa vào đó ban giám hiệu giao các chỉ tiêu học sinh đạt trên trung bình phải từ trên 90% đến 100% trở lên, không cần biết lý do, học sinh nếu đạt dưới quy định thì cũng như các trường hợp trên cũng phải cắt thi đua,...
Bên cạnh đó, để chạy theo chỉ tiêu thành tích, để so sánh trường này với trường khác mà các trường "đẻ" ra thêm quy định học sinh yếu kém dưới 2% sẽ bị cắt thi đua.
Tôi ví dụ một giáo viên dạy 200 học sinh thì chỉ được quyền cho 4 học sinh dưới 3,5 nếu bất kỳ lý do gì mà học sinh dưới 3,5 từ 5 em trở lên cũng sẽ bị cắt thi đua, đúng là quá vô lý.
Bên cạnh đó, các cơ sở hiện nay đang áp dụng quy định chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước, cũng là một điều vô lý.
Ví dụ năm trước đăng ký chỉ tiêu là 90% thì năm sau phải là 91%, 92%,... mà học sinh thì có năm học tốt, học chưa tốt mà áp dụng chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước là một điều nghịch lý, là một căn bệnh ngụy thành tích "thâm căn cố đế" phải được loại bỏ.
Những nghịch lý về các chỉ tiêu duy trì sĩ số, lên lớp thẳng, học sinh giỏi, yếu kém, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, chỉ tiêu thu tiền đóng góp, học phí,... là những điều rất bất cập, vô lý mà nó tồn tại từ năm này trong năm khác trong ngành giáo dục, khiến cho giáo viên chán nản, buông xuôi,... nên chất lượng ngày càng có chiều hướng đi xuống.
Cũng có người quan niệm cho rằng, ở đây cũng có lỗi giáo viên, giáo viên đừng vì thi đua mà đánh giá thật, mạnh dạn cho học sinh không đạt điểm kém hay cho học sinh ở lại,... nhưng mọi người có làm giáo viên sẽ hiểu khi không đạt thì trường không đạt, thì sẽ là thành phần giáo viên "cá biệt" trong trường, sẽ không thể tồn tại trong trường được. Nên đa số đều "buông xuôi", "nước lên thuyền lên".
Ở trường học thì tồn tại bất hợp lý, giáo viên làm "láo" chất lượng "ảo" cao thì cuối năm được khen thưởng, đánh giá cao, giáo viên dạy thật, cho điểm thật thì bị đánh giá năng lực yếu kém, bị cắt thi đua,... là điều quá bất hợp lý, bất công.
Cứ mãi chạy theo thành tích ảo, báo cáo "láo", chất lượng "ảo",... thì biết đến khi nào mới nói đến chất lượng thật, mới tạo dựng và lấy lại vai trò, vị thế, sự tôn nghiêm trong trường học.
Rất mong, sắp tới đây những việc này phải dần dần được loại bỏ, nó phải được thay thế bằng những chỉ tiêu thực chất, chỉ tiêu thật mang lại hiệu quả tích cực đến việc đổi mới và nó là nền tảng cơ bản quyết định thành công trong giáo dục.
Học sinh nghỉ học, giáo viên bị cắt thi đua là quá vô lý Đa số việc nghỉ học không phải do lỗi của giáo viên, nên giáo viên bị cắt thi đua khi học sinh nghỉ học là điều không nên. Hiện nay áp lực cho nhà giáo rất lớn, trong đó có những áp lực hợp lý để giáo viên cố gắng hơn, học tập nâng cao trình độ hơn, tu dưỡng và rèn luyện...