Dự báo điểm chuẩn ngành Y-Dược: Được 27,5 điểm có đỗ ngành Y đa khoa không?
Chương trình “Dự đoán điểm chuẩn Đại học 2020″ do Báo Lao Động tổ chức nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh cả nước liên quan đến những nhận định về điểm chuẩn năm nay.
Nhằm cung cấp những thông tin rõ ràng và chính xác nhất về phương án tuyển sinh của các trường Đại học hàng đầu cũng như những dự đoán điểm chuẩn Đại học 2020, Báo Lao Động đang tổ chức loạt “Talkshow: Dự đoán điểm chuẩn Đại học 2020″.
17h ngày 7.9, chương trình đã diễn ra với sự tham dự của Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong suốt chương trình, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi, băn khoăn của thí sinh, phụ huynh cả nước gửi về liên quan đến công tác tuyển sinh, dự báo điểm chuẩn của các trường y dược.
Hai khách mời là PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Hà Nội và PGS.TS Phạm Trung Kiên – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã giải đáp, đưa ra lời khuyên và cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến phổ điểm, dự đoán điểm chuẩn vào trường năm 2020.
Kết thúc chương trình, những giờ qua, Báo Lao Động vẫn nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh, mong các trường tiếp tục giải đáp. Chúng tôi đã chuyển câu hỏi đến đại diện các trường, để định hướng, đưa ra lời khuyên cho thí sinh trước khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào 19.9 tới, tăng cơ hội đỗ đại học.
“Em đạt 27,25, tính cả điểm cộng ưu tiên, thì có cơ hội đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội không?”; “được 27,5 điểm có đỗ được Y đa khoa không”; “phân hiệu Thanh Hoá của Đại học Y Hà Nội có ký túc xá không?”… rất nhiều câu hỏi được thí sinh gửi về.
PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Hà Nội.
Trả lời các băn khoăn của thí sinh, PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết, hiện nhà trường đào tạo 9 nhóm ngành đại học, bên cạnh ngành Y đa khoa. Với mức điểm 27-28 điểm, khả năng đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội (cơ sở Hà Nội) là rất thấp.
“Năm 2020 có khoảng 852 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên. Qua nghiên cứu trong nhiều năm, thường nhóm thí sinh điểm cao ít điều chỉnh nguyện vọng, ít biến động.
Thí sinh có điểm cao ở khu vực phía nam thường ưu tiên đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TPHCM, còn khu vực phía bắc thường xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Video đang HOT
Trong khi chỉ tiêu năm 2020 của Trường ĐH Y Hà Nội còn lại là 360 (sau khi dành 37 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng).
Với ngưỡng điểm 27,25 -28 điểm mà các em đạt được, nếu đăng ký vào ngành Y đa khoa ở cơ sở chính, thì xác suất đỗ rất thấp.
Trong trường hợp này, thí sinh cần cân nhắc giữa việc chọn ngành hay chọn trường. Nếu vẫn yêu thích, muốn học Trường ĐH Y Hà Nội, thì còn nhiều cơ hội.
Ngành Y đa khoa và Răng-Hàm Mặt phân hiệu ở Hà Nội có thể khó, xác suất đỗ không cao, nhưng nếu đăng ký học ở phân hiệu Thanh Hóa thì sẽ có cơ hội cao để đỗ.
Vì các nguyện vọng bình đẳng khi xét tuyển, nên với nguyện vọng 1, thí sinh cứ mạnh dạn đăng ký vào ngành mà em mong muốn nhất, vào trường mong mốn nhất.
Nguyện vọng 2 có thể đăng ký vào Y Đa khoa phân hiệu ở Thanh Hóa, hay khoa Y -Dược ĐH Quốc gia”- PGS.TS Lê Đình Tùng đưa ra lời khuyên.
Cũng theo đại diện Trường ĐH Y Hà Nội, hiện phân hiệu của trường ở Thanh Hóa có ký túc xá, khu nội trú cho sinh viên. Thực tế nhiều năm trở lại đây, điểm trúng tuyển ở phân hiệu thường kém hơn ở cơ sở chính khoảng 2-2,4 điểm.
Về tiêu chí phụ trong xét tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội, trong trường hợp điểm chuẩn vào Y đa khoa của trường là 29, giữa những thí sinh cùng đạt được số điểm 29, trường sẽ xét tiêu chí phụ là ưu tiên thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Dự đoán điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm, y dược
Nhiều ngành tốp đầu ở khối sức khỏe, sư phạm được dự báo điểm chuẩn có thể tăng 2-3 điểm.
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, phổ điểm thi năm nay tăng đều ở các môn. Điểm trung bình theo tổ hợp môn truyền thống để xét tuyển ĐH, CĐ cũng tăng mạnh. Không chỉ tăng, điểm chuẩn khối ngành sức khỏe còn được dự báo tăng mạnh nhất năm nay, bởi đây là nhóm ngành thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký và phương thức xét tuyển chủ yếu từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ở khối ngành sức khỏe, tổ hợp truyền thống được nhiều trường sử dụng trong xét tuyển vẫn là B00 (toán, hóa, sinh).
Theo công bố phân tích từ Bộ GD&ĐT, điểm trung bình tổ hợp này năm nay tăng từ 16,85 lên 20,36. Số lượng thí sinh đạt trên 27 điểm ở tổ hợp này cũng lên 2.901 em. Số thí sinh đạt trên 29 điểm có đến 140 em.
Dưới 23 điểm không nên đăng ký ngành y
Từ phổ điểm Bộ GD&ĐT công bố, PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng điểm sàn nhóm ngành này chắc chắn sẽ tăng nhưng điều này không quan trọng. Bởi lẽ hầu hết các trường y dược hằng năm đều lấy điểm rất cao, cách xa điểm sàn.
Theo ông Xuân, về điểm chuẩn năm nay, theo phổ điểm, tổ hợp ba môn toán, hóa và sinh tăng hơn hẳn so với năm 2019. Do đó, dự báo điểm chuẩn của trường năm nay sẽ tăng hơn, có thể từ 26 điểm trở lên, nhất là ba ngành răng - hàm - mặt, y khoa và dược.
Được biết, năm 2019 răng - hàm - mặt là ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường với 25,15 điểm, kế đến là y khoa và dược.
Ông Xuân cũng lưu ý hiện nay điểm thi đã được công bố công khai, thí sinh rất thuận tiện để nắm bắt điểm số của bản thân và điểm xét tuyển trung bình. Thí sinh hoàn toàn có thể dự đoán được mức điểm đầu vào của các trường. Do đó, thí sinh nên cân nhắc kỹ để điều chỉnh nguyện vọng (NV) cho phù hợp, tránh tự tin vào điểm cao dẫn đến bị trượt các NV sẽ rất uổng. Nhất là những em dưới 23 điểm không nên đăng ký vào những trường đào tạo y dược tốp đầu.
Với Trường ĐH Y Dược TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng đào tạo, lại cho rằng năm nay số thí sinh điểm cao, nhất là điểm 10 nhiều nên chắc chắn điểm chuẩn nhóm ngành sức khỏe sẽ tăng. Tuy nhiên, điểm tăng mức bao nhiêu rất khó đoán vì thí sinh được chọn nhiều NV và các trường cũng có nhiều phương thức xét tuyển. Các em cũng còn cơ hội điều chỉnh đăng ký nên trường chưa đưa ra dự báo được.
Thí sinh vui mừng kết thúc kỳ thi THPT 2020. Ảnh: PHẠM ANH
Sư phạm: Tăng ít nhất 1 điểm
Ở khối ngành sư phạm, ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng năm nay điểm sàn và điểm chuẩn khối ngành này chắc chắn sẽ tăng, ít nhất là 1 điểm so với năm 2019. Trong đó, nhóm ngành "hot", có số thí sinh đăng ký NV lớn có thể tăng hơn 2 điểm. Tuy nhiên, những nhóm ngành xét tuyển có môn ngoại ngữ trong tổ hợp môn có thể sẽ tăng nhẹ hơn vì đây là môn có phổ điểm thấp hơn.
Như tại Trường ĐH Sài Gòn, ông Tân cho hay tổng thí sinh đăng ký vào trường năm nay hơn 35.000, cao gấp khoảng 10 lần so với chỉ tiêu. Trong đó, nhóm ngành có thể điểm chuẩn sẽ tăng cao là sư phạm tiếng Anh, sư phạm toán, sư phạm ngữ văn, giáo dục tiểu học...
Với khối ngành ngoài sư phạm, nhóm tăng cao chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh...
Để chuẩn bị cho đợt điều chỉnh NV sắp tới, ông Tân cũng lưu ý thí sinh nên xem lại tổng điểm của từng tổ hợp môn để lựa chọn, điều chỉnh NV cho phù hợp thế mạnh của mình.
Điều chỉnh lịch triển khai tuyển sinh ngành giáo dục mầm non
Chiều 28-8, Bộ GD&ĐT đã có thông báo quyết định điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh ĐH và trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2020.
Theo đó, thời gian thí sinh điều chỉnh NV sẽ lùi 10 ngày, tức từ ngày 19-9 đến 17 giờ ngày 25-9 (bằng trực tuyến), kéo dài đến 17 giờ ngày 27-9 (bằng phiếu).
Thời gian Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng chất lượng đầu vào với khối ngành sức khỏe và sư phạm sẽ trước ngày 17-9 (lịch cũ là ngày 7-9).
Các trường ĐH điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trước ngày 18-8 (lịch cũ là trước ngày 8-9).
Được biết, năm 2019 điểm sàn cho khối ngành đào tạo giáo viên là 14-18 điểm. Trong đó, điểm sàn bậc ĐH là 18 điểm, CĐ là 16 điểm và trung cấp là 14 điểm.
Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho nhóm ngành sức khỏe cấp chứng chỉ hành nghề. Khối ngành sức khỏe được chia thành ba nhóm.
Nhóm 1 gồm Y khoa, Răng - hàm - mặt: 21 điểm.
Nhóm 2 gồm Y học cổ truyền, Dược: 20 điểm.
Nhóm 3 gồm Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng: 18 điểm.
Câu chuyện giáo dục: Chọn ngành phù hợp hay sẵn sàng làm trái ngành? Khi vào các nhóm tư vấn tuyển sinh, chúng ta có thể thấy một số câu nói quen thuộc của những sinh viên trấn an thí sinh đang phân vân chọn ngành nghề: 'Có nhiều người ra đời đâu có làm đúng với ngành họ học đâu'. Bạn trẻ tham dự buổi tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - ĐÀO NGỌC...