Dư âm buồn của một kỳ thi bất cập
Càng theo dõi diễn biến phức tạp của kết quả kỳ thi THPT quốc gia, càng thấy buồn cho thực trạng giáo dục nước nhà.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia (Ảnh minh họa)
Kết quả công bố và kết quả chấm thẩm định, đã gây ra sóng gió khủng khiếp về lòng tin, chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tuyên bố “Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công”. Vụ việc ở Hà Giang đã bẽ bàng, mà vụ việc ở Sơn La càng phức tạp hơn. Chất lượng đào tạo và chất lượng con người sẽ trôi dạt về đâu, khi thái độ khuất tất và hành vi gian dối đã lan tràn vào môi trường dạy và học hôm nay?
330 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm, đã trở thành vụ án hình sự khởi tố ở Hà Giang. Liên tục hai cán bộ của Sở GD-ĐT Hà Giang là Phó phòng khảo thí & quản lý chất lượng giáo dục – Vũ Trọng Lương và Trưởng phòng khảo thí & quản lý chất lượng giáo dục Nguyễn Thanh Hoài nhận quyết định tạm giam 3 tháng để điều tra.
Người làm giáo dục mà có động cơ phi giáo dục, thì thật khó tưởng tượng. Phía sau kế hoạch táo tợn của Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, còn có liên quan đến những ai nữa không? Chưa biết được, nhưng chừng đó đã quá ê chề. Có thể là tình cờ, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn về trường hợp con gái và hai cháu ruột của Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang – Triệu Tài Vinh đều được nâng điểm một cách khó hiểu. Sự cố của điểm thi Hà Giang đã dấy lên nhiều nghi ngờ khác, và rất nhanh chóng lộ diện thêm những bất thường ở Sơn La.
Nếu như ở Hà Giang chỉ lợi dụng kẽ hở quy trình giám sát để nâng điểm bài thi, thì ở Sơn La đã trắng trợn chỉnh sửa trên chính bài thi trắc nghiêm của thí sinh để làm thay đổi kết quả chấm thi. Không thể chấm thẩm định đối với phần thi trắc nghiệm ở Sơn La vì file ảnh bài thi gốc đã bị xoá. Nghĩa là dữ liệu được cho là gốc còn lưu duy nhất ở Bộ GD-ĐT cũng chỉ là dữ liệu những bài thi đã chỉnh sửa.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Bài thi trắc nghiệm đã bị xoá và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT để chấm là giống nhau. Vì vậy, tính chất sự việc khá phức tạp… Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng và của chúng tôi khi triển khai xác minh, rà soát là không quan tâm thí sinh đó thuộc đối tượng nào: là cán bộ nghĩa vụ, chiến sĩ hay con lãnh đạo. Chúng tôi làm việc theo quan điểm ứng xử như nhau với mọi thí sinh. Nền tảng để chúng tôi xử lý là quy chế thi!”.
Không thể chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đành chấm thẩm định bài thi tự luận môn Văn. Kết quả cũng thật bi đát, có 17 bài đã nhập điểm khống, sai lệch giữa điểm ghi trên bài thi và điểm nhập vào máy. Trong đó, sau khi chấm thẩm định thì 12 bài thi bị hạ từ 1 điểm đến 4,5 điểm. Nếu bào chữa về một sự bất cẩn hoặc nhầm lẫn thì cũng khó tha thứ. Bởi lẽ, một kỳ thi “2 trong 1″ thì chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm cũng quyết định cơ hội đậu tú tài hoặc vào đại học của những thí sinh không được đối đãi công bằng như nhau.
Video đang HOT
Rõ ràng, ở Sơn La đã có sự gian lận được nối kết giữa nhiều người có quyền lực trong quá trình tổ chức kỳ thi, bất chấp ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Bước đầu đã xác định những cá nhân liên quan đến các sai phạm quy chế thi ở Sơn La, bao gồm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Xuân Yến, chuyên viên Phòng khảo thí & quản lý chất lượng giáo dục Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Phòng Chính trị tư tưởng Cầm Thị Bun Sọn, Trưởng Phòng khảo thí & quản lý chất lượng giáo dục Lò Văn Huynh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu – Đặng Hữu Thuỷ.
Câu chuyện ở Hà Giang đã chán chường, mà câu chuyện ở Sơn La càng chán chường hơn. Vì sao vấn đề dạy và học lại dẫn đến thảm cảnh tệ hại như vậy? Vì căn bệnh ưa chuộng thành tích hoành tráng đã ăn sâu vào tiềm thức những người làm công tác giáo dục ư? Vì xã hội không chú trọng giá trị thực học ư? Vì thói tham lam và xảo trá đã len lỏi vào môi trường học đường ư? Rất nhiều câu hỏi không dễ trả lời, mà câu hỏi nào cũng khiến lương tri cộng đồng quặn thắt và nhức nhối.
Với tư cách tư lệnh ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ vẫn giữ sự lạc quan cần thiết khi cho rằng: “Qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích. Việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn tổ chức kỳ thi những năm qua. Chúng ta nhớ lại những năm trước đây, nhiều gia đình phải vất vả đưa con về thành phố lớn dự thi đại học, có khi phải bán cả gia sản mới đủ tiền đưa con đi thi thì nay đã hoàn toàn khác. Đây cũng là lí do để việc đổi mới thi trong những năm qua nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội!”.
Thế nhưng, điều ông Phùng Xuân Nhạ không nói ra hoặc chưa thể nói ra, là làm sao kiến thiết một đội ngũ những con người giáo dục chân chính để thúc đẩy hoàn thiện quy chế và quy trình thi cử hiện nay.
TÂM HUYỀN (Kiến thức gia đình số 31)
Theo nongnghiep.vn
Giao lưu trực tuyến: Giải pháp nào ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng trong kỳ thi THPT quốc gia?
Từ những bê bối sai phạm tại Hội đồng thi ở Sở GD-ĐT Hà Giang, Sơn La và một số địa phương khác cho thấy, mặc dù quy trình tổ chức thi chặt chẽ nhưng việc triển khai thực hiện kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương lại để nhiều sơ hở. Vậy, giải pháp nào để ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng khách quan trong kỳ thi THPT quốc gia?
Giải pháp nào ngăn tiêu cực và đảm bảo công bằng trong kỳ thi THPT quốc gia?
Hiện nay, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tại các địa phương do Sở GD-ĐT chỉ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức với phần lớn các môn thi/bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ là giải pháp tốt để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan của kết quả thi.
Tuy nhiên, tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi sau vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang, Sơn La cho thấy, trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi chưa nghiêm túc, sơ hở... sai phạm xảy ra đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc chống tiêu cực trong coi thi là công việc khó khăn và phức tạp nhất do nó liên quan đến hoạt động của hàng triệu thí sinh và hàng trăm nghìn cán bộ làm nhiệm vụ khi kỳ thi đang diễn ra. Việc khó khăn này Bộ GD-ĐT đã làm được và thành công.
Còn tiêu cực chấm thi, nếu có xảy ra chỉ liên quan đến hoạt động của một số người rất hạn chế. Đặc biệt chấm thi trắc nghiệm thì chỉ có một số rất ít người chịu trách nhiệm trực tiếp liên quan. Vì thế việc chống tiêu cực ở chấm thi trắc nghiệm không khó thực hiện so với việc chống tiêu cực trong quá trình coi thi. Nhưng thực tế, tiêu cực trong thi cử vẫn xảy ra nghiêm trọng như vừa qua ở khâu này.
Vậy, nếu tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì giải pháp nào ngăn ngừa tiêu cực trong khâu chấm thi?
Các trường ĐH nên có phương thức tuyển sinh như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?
Báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề này để bạn đọc đặt câu hỏi với các khách mời:
1. GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại
2. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
3. Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - người đầu tiên phát hiện điểm thi cao bất thường của các tỉnh Hà Giang, Sơn La và một số tỉnh khác.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc
Mời bạn đọc đặt câu hỏi với 3 vị khách mời trên.
Ban Giáo dục
Theo Dân trí
ĐH Luật TPHCM sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho nữ sinh bị cưa chân vừa trúng tuyển Chiều 25.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Đồng, đại diện trường Đại học Luật TPHCM cho biết, thời gian tới, em Lê Thị Hà Vi (cô bé bị cưa mất một chân) sẽ theo học tại trường. Nhà trường sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ em vượt qua những khó khăn... Niềm vui của Hà Vi...