Đồng phục học sinh “miếng bánh ngon” cho hiệu trưởng
Đồng phục học sinh quả là một “ miếng bánh ngon” mà hiệu trưởng nào cũng thích và vì thích mà làm những chuyện không rõ ràng, gây bưc xúc trong nhà trường.
LTS: Thẳng thắn cho rằng, đồng phục học sinh đang trở thành “miếng bánh ngon” cho hiệu trưởng, tác giả Hoàng Sa Việt đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kể từ khi có “ phong trào đồng phục” học sinh, các trường luôn tìm những mẫu mã thật phù hợp được các cơ sở may chào giá.
Người mà các cơ sở may đồng phục tìm đến không phải là bác bảo vệ, cô lao công, thầy A, cô B nào đó mà là tìm thẳng ngay hiệu trưởng nhà trường.
Bởi, hiệu trưởng là người quyết định giá cả, mẫu mã (dẫu cũng có đem ra hỏi công đoàn, một vài tổ trưởng cho có lệ, có vẻ khách quan, trong sáng, dân chủ) và phần “bí mật” về khoản hoa hồng “ngon lành” nếu hiệu trưởng chịu duyệt.
Đồng phục học sinh trở thành miếng bánh ngon cho hiệu trưởng chia chác (Ảnh minh họa: baotnvn.vn).
Thử làm phép tính đơn giản: trường trung học phổ thông lớn có trên dưới khoảng 1.500 học sinh. Mỗi em đăng ký mua từ 2 đến 3 bộ (đa số mua 3 bộ) đồng phục đi học chính khóa, khoảng 4.500 bộ.
Mỗi bộ đồng phục phải trích cho “chủ quản hiệu trưởng” ít nhất khoảng 5.000 đồng là ngay đầu năm học thì vị hiệu trưởng “đáng kính” đã có thu nhập trên 22 triệu đồng từ “hoa hồng bí mật” nhưng vẫn tỏa mùi hương thơm ngát.
Đó là chưa nói đến “hoa hồng công khai” ít ỏi với trường: phần này dành cho nhân viên văn phòng đứng ra bán trực tiếp với các công đoạn bọc từng cỡ đồng phục, sắp sếp phòng thử đồ, thu tiền và giao lại cho thủ quỹ. Chia ra cho khoảng 5, 6 nhân viên thì mỗi em cũng chỉ được khoảng 6-7 trăm ngàn đồng.
Phần “hoa hồng công khai” này, hiệu trưởng có khi không nhận (cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng cà phê “cho vui”). Nhìn bên ngoài, mọi người đều thấy hiệu trưởng rất trong sạch, không màng gì đến quyền lợi cá nhân.
Lẽ ra phải có sự minh bạch, rõ ràng, công khai ngay từ ban đầu. Đó là họp thành phần cốt cán (thường gọi là “liên tịch” gồm ban giám hiệu, tổ trưởng, Chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên hoặc Tổng phụ trách Đội) lấy ý kiến trước về mẫu mã, logo, chất liệu vải, giá cả, cách thức sử dụng “hoa hồng” (vì đây là số tiền lớn).
Nếu làm được như vậy thì trong nhà trường luôn có một không khí sư phạm tốt đẹp, trong lành, luôn duy trì được sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau.Tiếp theo là lấy ý kiến rộng rãi của tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh. Sau đó tổng hợp, đưa ra những chuẩn thống nhất cao mới đặt hàng.
Video đang HOT
Tiếc thay, vì thiếu dân chủ, vì tư tưởng vụ lợi mà nhiều hiệu trưởng tự đặt quyền lợi riêng mình mình lên trên quyền lợi tập thể. Họ độc đoán, tự mình quyết mà không cho ai góp ý, phản biện.
Đó chỉ là một chuyện đồng phục thôi, còn rất nhiều chuyện khác mà người ngoài không biết như thuê căn tin. Hàng tháng thu về cả trăm triệu nhưng tự hiệu trưởng “hợp đồng” nên mỗi tháng, căn tin chỉ đóng cho quỹ đời sống của trường khoảng 10 triệu đồng.
Đồng phục học sinh quả là một “miếng bánh ngon” mà hiệu trưởng nào cũng thích và vì thích mà làm những chuyện không rõ ràng, gây bưc xúc trong nhà trường… Không ai dám nói hay là chưa nói?
HOÀNG SA VIỆT
Theo giaoduc.net
Bớt xén tiền ăn của học sinh - nỗi xót xa về đạo đức người thầy!
Những Hiệu trưởng sai phạm thì có thể bị xử lý nhưng uy tín, niềm tin của ngành giáo dục liệu có còn trọn vẹn trong mắt phụ huynh và xã hội hay không?
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều Hiệu trưởng bớt xén tiền ăn của học sinh, nhiều Hiệu trưởng bị kỷ luật, bị cách chức và để lại nỗi xót xa về đạo đức của người thầy.
Mỗi suất tiền ăn chỉ cần bớt lại một chút tiền, nhiều suất ăn sẽ bớt lại được nhiều tiền cho lãnh đạo nhà trường.
Nhưng, bớt một chút khẩu phần ăn của học trò cũng đồng nghĩa là học trò sẽ đói, học trò ăn không đủ chất, tiền nhà nước chi, tiền phụ huynh đóng góp sẽ bị hao hụt và khi sự việc bị phát hiện thì uy tín của nhà trường, của địa phương bị giảm sút.
Những Hiệu trưởng sai phạm thì có thể bị xử lý nhưng uy tín, niềm tin của ngành giáo dục liệu có còn trọn vẹn trong mắt phụ huynh và xã hội hay không?
Trường Mầm non Quảng Thắng- nơi bà Ngô Thị Hồng Lê vừa bị cách chức (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Hiệu trưởng bị kỷ luật vì cắt xén khẩu phần ăn của học trò
Ngày 1/7/2019, bà Ngô Thị Hồng Lê- Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) đã bị cách chức và sẽ bị chuyển đến trường khác làm giáo viên- thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều lãnh đạo nhà trường.
Việc bà Ngô Thị Hồng Lê bị cách chức vì liên quan đến nhiều sai phạm, trong đó có chuyện như: thu tiền của phụ huynh để mua đồ dùng học tập nhưng không qua sổ sách, chi sai mục đích; nhận tiền của giáo viên để chạy ký hợp đồng dài hạn.
Nhưng, nghiêm trọng hơn cả là từ tháng 9 đến tháng 12/2018, bà Lê đã bắt các giáo viên cắt bớt tổng 1.746 suất ăn của học sinh trong trường.
Cụ thể, bà Hiệu trưởng đã chỉ đạo giáo viên mỗi bữa ăn phải cắt bớt từ 20-25 suất ăn so với thực tế, tổng số tiền bớt xén này có giá trị gần 42 triệu đồng.
Không chỉ kỷ luật cách chức Hiệu trưởng đối với bà Ngô Thị Hồng Lê mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Thanh Hóa còn ký quyết định kỷ luật một số cán bộ, giáo viên trường Mầm non Quảng Thắng.
Mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách gồm có: bà Nguyễn Thị Tấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường, bà Phạm Thị Oanh - kế toán nhà trường, bà Lê Thị Hải - giáo viên kiêm trưởng ban Thanh tra nhân dân nhà trường.
Một số giáo viên chủ nhiệm lớp của trường Mầm non Quảng Thắng cũng bị phê bình, rút kinh nghiệm.
Ngày 21/6/2019 vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra huyện ủy Phù Yên đã họp và biểu quyết quyết định với số phiếu 7/7 phiếu nhất trí thi hành kỷ luật đối với ông Lò Xuân Dừa bằng hình thức cảnh cáo.Một Hiệu trưởng cũng bị giáo viên trong trường tố cáo bớt xén khẩu phần ăn của học sinh và bị kỷ luật đó là trường hợp ông Lò Xuân Dừa - Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên (Sơn La).
Ngoài hình thức kỷ luật mức cảnh cáo về mặt Đảng, ông Lò Văn Dừa còn bị Uỷ ban Kiểm tra huyện Phù Yên đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy có ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La xem xét kỷ luật về mặt chính quyền và bố trí lại vị trí công tác đối với ông Dừa.
Những kiểu lấp liếm khi bị phát hiện
Trường hợp bà Ngô Thị Hồng Lê- Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) đã ngụy biện việc cắt xén khẩu phần ăn của học trò để đã chi tổ chức bữa ăn sáng tạo (tiệc buffet) tại lớp vào các ngày tổ chức lễ hội cho các cháu.
Còn ông Lò Xuân Dừa - Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên (Sơn La) bớt xén để sử dụng vào việc thành lập quỹ ăn sáng; sử dụng vào các hoạt động của nhà trường.
Điều đáng trách nhất là trường Phổ thông dân tộc Nội trú Phù Yên (Sơn La) thuộc trường chuyên biệt dành cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Vậy nhưng, Hiệu trưởng nhà trường lại có những chỉ đạo bớt xén phần ăn của học trò- một hành động rất khó được chấp nhận.
Đừng bán danh vì những đồng tiền bớt xén của học trò
Thực tế, trường hợp bớt xén tiền ăn của học trò như Hiệu trưởng Ngô Thị Hồng Lê hay ông Lò Xuân Dừa không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà đã có rất nhiều những sự việc tương tự.
Bà Vũ Thị Sơn, Hiệu trưởng trường tiểu học Yang Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) bị cách chức ngày 29/4/2019; bà Ngô Thị Hòa - Hiêu trương Trương mâm non Tuôi Ngoc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị đem ra xét xử và phải chịu 18 tháng tù ...Đó là trường hợp bà Đỗ Thị Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang) bị cách chức vào ngày 28/8/2-18;
Nếu chúng ta lục tìm lại những trang báo cũ sẽ thấy còn rất nhiều Hiệu trưởng đã bị cách chức, bị kỷ luật bằng những hình thức nhẹ hơn vì liên quan đến chuyện cắt xén khẩu phần ăn của học trò...
Thế nhưng, đó vẫn chưa khiến cho một số Hiệu trưởng xem là bài học cho mình nên những sự việc tương tự vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Nói thật, cách chức vì những sai phạm khác có thể dư luận còn cảm thông nhưng việc những Hiệu trưởng bị cách chức vì những đồng tiền bớt xén khẩu phần ăn uống của học trò là đáng lên án vô cùng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt ra rằng đến những đồng tiền ăn ít ỏi của học trò được nhà nước hỗ trợ hoặc cha mẹ các em đóng mà những Hiệu trưởng này còn có thể bớt xén được thì những khoản tiền khác lớn hơn dễ gì mà họ...bỏ qua.
Song, có cần phải "bán danh" như vậy hay không khi mà những người đã ngồi được đến ghế Hiệu trưởng là những người cũng đã có hàng chục năm, thậm chí vài chục năm công tác, cống hiến trong ngành giáo dục, họ đã đào tạo, dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò...
Lương tâm, trách nhiệm, danh dự hiện tại của các Hiệu trưởng này sẽ không còn mà nó còn ảnh hưởng đến những năm công tác còn lại. Thậm chí con cháu họ sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Vì thế, mỗi Hiệu trưởng cũng cần đắn đo trước những đồng tiền ăn của học trò khi đưa ra quyết định bớt xén bởi nó vừa trái với đạo đức, lương tâm của người thầy mà tội nghiệp cho học trò lắm!
Tài liệu tham khảo:
//tuoitre.vn/cach-chuc-hieu-truong-bot-tien-an-cua-cac-chau-de-lam-tiec-buffet-20190701190349597.htm
//kienthuc.net.vn/xa-hoi/son-la-canh-cao-dang-doi-voi-hieu-truong-bot-xen-khau-phan-an-hoc-sinh-1241744.html
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Gặp hiệu trưởng biết luật vẫn làm bừa Tại sao em vẫn phân công trực hè cho giáo viên ư? Cả tỉnh đều làm thế, một mình em không làm, cũng không được. LTS: Đưa ra những góc nhìn của mình về vấn đề giáo viên trực trường ở một số trường hiện nay, thầy Sơn Quang Huyến tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết....