Dông nướng Phan Thiết
Từ lâu Phan Thiết, Bình Thuận đã nổi tiếng không chỉ bởi những bãi biển đẹp, những khu resort nghỉ dưỡng cao cấp mà nói đến nơi đây, khách du lịch còn nhắc đến hàng loạt món ăn nổi tiếng như: mực nướng, cá đục nướng, sò huyết, ốc luộc…,
Trong số đó du khách không thể nào bỏ qua món dông nướng. Đây là đặc sản của vùng đồi cát.
Gần đây cùng với xu hướng thưởng thức các món ăn ngon, lạ thì ngành nuôi dế, nuôi bọ cạp, nuôi dông ngày càng phát triển.
Thuận lợi về địa hình, với những đồi cát chạy dọc ven biển tạo điều kiện cho việc nuôi dông cát. Bắt đầu phát triển ở Bình Thuận trong chục năm trở lại đây, ngành nuôi dông cát ngày nay phát triển với quy mô nuôi công nghiệp.
Dông thuộc họ bò sát, có kích thước lớn hơn thằn lằn, chiều dài từ 20-30cm. Từ một loài vật hoang dã được con người đem về nuôi, con dông đã sớm khẳng định được giá trị. Giá dông hiện nay trên thị trường là từ 120.000-150.000 đồng/kg mà vẫn không đủ hàng để cung ứng.
Để chế biến món dông nướng, đầu tiên chúng ta phải chọn những con mập, có kích thước của dông trưởng thành, vì nếu lựa những con nhỏ quá thì thịt dông sẽ rất bở, không ngon. Sau khi lột da dông, vệ sinh sạch sẽ rồi tẩm ướp gia vị.
Video đang HOT
Chúng ta ướp vào thịt dông hành băm nhuyễn, hạt nêm, tiêu và nước nắm. Nước nắm là thành phần không thể thiếu của món ăn, phải chọn loại nước mắm ngon của địa phương. Chờ khoảng 30 phút cho thịt thấm gia vị. Sau khi nhóm bếp, cho dông lên vỉ nướng. Theo kinh nghiệm thì nên nướng bằng bếp than vì như thế mới toát lên hết hương vị của món ăn.
Trong giai đoạn nướng chúng ta chú ý phải trở đều, không để thịt dông bị cháy khét. Sau khi dông chín vàng hai mặt, chúng ta bày ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt. Dông nướng có thể ăn với bánh tráng nướng hoặc ăn với rau sống, bún và bánh tráng cuốn.
Cho dông vào bánh tráng, cho thêm tí bún, rau sống cuốn lại rồi chấm nước mắm me thì không gì bằng.
Đối với những người con xa quê, dông nướng là món ăn không thể quên trong ký ức. Dù cho ngày nay người ta có thể tìm thấy dông nướng ở những quán ăn lớn, những quán nhậu khắp mọi nơi, nhưng vẫn không đâu bằng phố biển. Hương vị và cách thức chế biến đã làm nên sự khác biệt giữa món dông nướng Phan Thiết với những nơi khác.
Theo TTO
Về Phan Thiết nhớ thưởng thức bánh rế giòn tan
Bánh rế chiên dầu vàng, nhai giòn tan, vừa ngọt vừa béo cùng với hương thơm của mè, khoai lang, khoai mì... ăn chơi chơi rất thú vị.
Phan Thiết nổi tiếng với nhiều đặc sản ngon như bánh căn, bánh xèo, dông nướng, mực một nắng, hải sản tươi ngon và bánh rế, một món ăn không thể thiếu trên những chặng đường tham quan, khám phá.
Bánh rế có nguồn gốc từ Phan Rang, Ninh Thuận, nhưng nay phổ biến và trở thành đặc sản của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Nghề bánh rế chỉ tập trung nhiều ở những khu vực nội thành, là nghề truyền thống của mỗi gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh mùi vị có khác nhau đôi chút, nhưng vẫn hòa quyện tạo nên nét đặc trưng riêng, hương vị thơm ngon.
Bánh rế, món ăn dân dã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Phan Thiết
Bánh rế trông có vẻ đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải khéo léo. Khoai mì (sắn) hay khoai lang là một trong những nguyên liệu chính của loại bánh này. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn chế biến khác nhau mới có thể chế biến được những chiếc bánh rế đậm đà.
Khoai sau khi chọn xong, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa, sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều. Tiếp theo, trộn khoai đã bào với một xíu hương vani rồi mới mang đi chiên.
Tiếp đến, bắc chảo dầu lên lò than hồng và thêm một ít dầu dừa vào chảo. Chờ đến khi dầu sôi, bốc một nắm khoai bào sẵn bỏ vào muỗng cán dài, rồi nhúng vào chảo dầu. Dùng đũa đảo sợi khoai lên xuống liên tục cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày, gây mất thẩm mỹ.
Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính, đan xen vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình dạng trông như cái rế để lót xoong nồi niêu của người dân vùng quê, nhưng lại có kích thước nhỏ hơn, từ đó cái tên bánh rế ra đời. Khi thấy bánh rế đã kết dính với nhau và chín đều, ta nên dùng vá vớt bánh ra vỉ cho khô dầu.
Công đoạn tiếp theo là thắng đường trên một chảo khác. Khi đường tan chảy hết, gấp từng chiếc bánh rế nhúng sâu vào chảo đường rồi vớt ra, cứ tiếp tục cho đến hết, sau đó rưới thêm một ít mè trắng rang sẵn lên trên bề mặt bánh vừa nhúng đường để khi dùng tạo hương thơm và có vị đặc biệt hơn.
Bánh lúc này sẽ có màu vàng ươm, khi ăn sẽ giòn tan cùng với đó là hương vị ngọt, béo hòa quyện của mè, khoai, đường...
Những quầy kệ bánh rế tại các điểm dừng chân mua đặc sản ở Phan Thiết
Bạn có thể tìm mua những chiếc bánh rế ở hầu khắp các quán đặc sản tại thành phố, những gánh hàng rong ở các khu du lịch, ở các làng nghề truyền thống, chợ Phan Thiết, các trạm dừng chân... với giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/một bịch 10 cái.
Ngoài những chiếc bánh rế màu vàng ươm du khách thường thấy, tại một số trạm dừng chân dành cho khách tham quan mua đặc sản về làm quà còn trưng bày và bán loại bánh rế màu đen xẫm. Dù nguyên liệu và hương vị như nhau, nhưng bánh rế đen tạo cảm giác mới lạ cho du khách thập phương, thường loại này có giá khoảng 30.000 đồng/một bịch 10 cái.
Những ngày trời se lạnh, ngồi nhai chiếc bánh rế rôm rốp, giòn tan cùng với tách trà nóng, sẽ tạo cho bạn cảm giác ngon miệng và thoải mái hơn. Những du khách có dịp dừng chân Phan Thiết, đừng quên bỏ lỡ món đặc sản dân dã này và mua nhiều tích trữ cho chuyến đi dài để lót dạ khi cần.
Theo Ngôi Sao
Những món ăn nổi tiếng không nên bỏ qua khi đến Phan Thiết Phan Thiết được coi là vùng đất có ẩm thực phong phú, nó cũng là một trong những điểm để níu kéo và làm cho thực khách nhớ đất mảnh đất này. Dông 7 món Khi hỏi "nên ăn gì khi du lịch Mũi Né?", người ta thường nghĩ ngay đến các món hải sản mà ít ai biết rằng có một món...