Đóng cửa những cơ sở giáo dục kém chất lượng dễ hay khó?
Giáo dục Việt Nam đã làm được những gì và có thể làm những gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?
Ngày 6/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Đề cập đến mảng giáo dục đại học, Thủ tướng nêu yêu cầu:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng;
Kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh”.
Hiện có nhiều lý giải về chất lượng giáo dục đại học, chẳng hạn:
“Chất lượng giáo dục đại học có thể được xem xét trên cơ sở các tiêu chí: sự hoàn hảo, sự phù hợp cho mục đích, hiệu quả kinh tế (giá trị đồng tiền) và sự chuyển đổi (của chính quá trình giáo dục – NV).
(Quality can be viewed as exception, as perfection, as fitness for purpose, as value for money and as transformative). [1]
Trong khi đó Mạng lưới quốc tế về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (INQAHE – International Network of Quality Assurance in Higher Education) chỉ đưa ra 2 tiêu chí về chất lượng giáo dục đại học, đó là:
1. Tuân theo các chuẩn quy định;
2. Đạt được các mục tiêu đề ra.
Vậy giáo dục Việt Nam đã làm được những gì và có thể làm những gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?
Từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT và năm 2012 ban hành Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT quy định 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học.
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT “Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học”.
Thông tư đưa ra 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí đế đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Vậy vì sao hơn 10 năm kể từ khi ban hành Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT, giáo dục đại học Việt Nam vẫn tồn tại những cơ sở giáo dục như Đại học Đông Đô?
Đại học Đông Đô (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Video đang HOT
Nói đến Đại học Đông Đô, phải kể đến những lùm xùm trong chuyện mua bán chứng chỉ ngoại ngữ từ năm 2017. [2]
Phải mất 2 năm kể từ khi báo Congly.vn – cơ quan của Tòa án Nhân dân Tối cao đăng tải bài viết “Nhiều khuất tất tại trường Đại học Đông Đô: Lợi dụng chính sách, trục lợi bất chính”, cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng vi phạm trong đó có Hiệu trưởng trường này.
Ba năm trước, người viết cũng đã từng nói đến “Những vấn đề nổi cộm liên quan đến số trường yếu kém” trong bài “Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế!”. [3]
Vậy phải chăng chỉ có đại học ngoài công lập là yếu kém?
Câu trả lời là không.
Trong thời gian hơn 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2018) việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học được thực hiện theo bộ tiêu chí cũ (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí).
Trong số 117 trường đạt chuẩn, số đại học ngoài công lập chiếm 15,4%, số trường trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý chiếm 6,8%.Kết quả có 117 đại học, học viện đã được các Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục ban hành Nghị quyết công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Đặc biệt có 53,8% số trường qua kiểm định “chưa đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học”; “Chưa đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục nhằm giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên”. [4]
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả đánh gia đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.
Kết quả cho thấy tỷ lệ giảng viên không đủ chuẩn trình độ (thạc sĩ) tại Đại học Võ Trường Toản là 64%; Đại học Nguyễn Tất Thành là 45%; Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là 46%; Đại học Điều dưỡng Nam Định là gần 49%;…
Nhiều trường đại học không có “bóng dáng” của một giáo sư, phó giáo sư nào như Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Đại học Quảng Nam, Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, Đại học Bình Dương, Đại học Kinh tế Nghệ An;… [5]
Không phải chỉ giảng viên không đủ chuẩn mà lãnh đạo trường cũng không đủ chuẩn, tại Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Phó Hiệu trưởng chỉ có học vị thạc sĩ, trái với quy định trong “Điều lệ trường Đại học” ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Hiệu phó đại học phải có trình độ tiến sĩ).
Đại học này cũng không có bóng dáng một giáo sư, phó giáo sư nào theo số liệu ba công khai của trường.
Ảnh chụp màn hình số liệu ba công khai Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Cần phải khẳng định đội ngũ giảng viên yếu kém đương nhiên sẽ dẫn đến chất lượng giáo dục yếu kém, thày dốt không thể đào tạo ra trò giỏi đó là chưa nói chất lượng đào tạo thạc sĩ của nước ta không phải là không có vấn đề.
Năm 2018, có tới 30 cơ sở giáo dục đại học lấy điểm sàn 13 cho tổ hợp 3 môn, nghĩa là bình quân 4,33 điểm một môn, vậy đó có phải là cơ sở giáo dục đại học “kém chất lượng”?
Từ một số thống kê nêu trên, có thể thấy không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết những cơ sở giáo dục đại học nào chất lượng kém song vì sao không xử lý hay không dám xử lý chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo có câu trả lời chính xác.
Bên cạnh sự yếu kém về chuyên môn, hiện chưa có thống kê nào về đạo đức, lối sống đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên đại học dù hiện tượng cơ sở giáo dục đại học biến thành “Lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ” không hiếm, hiện tượng mua bán văn bằng, chứng chỉ xảy ra hàng ngày và danh tính các “nhà giáo” đạo văn – trong đó có cả giáo sư, phó giáo sư, hiệu phó đại học – xuất hiện không ít trên mặt báo.
Liệu trong khoảng thời gian đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực hiện được chỉ thị của Thủ tướng hay sẽ “nhường lãnh đạo nhiệm kỳ sau giải quyết”?Nhiệm kỳ của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (04/2016 – 2021) chỉ còn chưa đến 02 năm.
Trong khoảng ba năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 117 trong tống số 236 cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng, chiếm 51,9%. [6]
Với bộ tiêu chí mới (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) việc kiểm định chất lượng sẽ nhanh hơn hay chậm hơn không quan trọng bằng quyết tâm xác định những cơ sở giáo dục đại học nào là “kém chất lượng”.
Để có 117 cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn chất lượng, bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định?
Nếu số cơ sở giáo dục đại học được kiểm định cũng chỉ là 117, nghĩa là không có cơ sở giáo dục đại học nào bị các Trung tâm kiểm định chất lượng đánh giá là “kém chất lượng thì có nên đặt câu hỏi về “chất lượng” của chính các Trung tâm kiểm định chất lượng?
Có nên phân các cơ sở giáo dục đại học thành ba loại: “chất lượng cao, chất lượng trung bình và chất lượng kém” dựa vào 06 tiêu chuẩn sau:
“Cơ sở vật chất; Đội ngũ nhà giáo; Đội ngũ cán bộ quản lý; Tầm nhìn, sứ mạng mà nhà trường theo đuổi; Số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; Việc tuân thủ pháp luật”.
Cứ có từ 03 tiêu chí trở lên không đạt chuẩn là xếp vào loại “chất lượng kém”.
Mặt khác, nếu không sửa chữa, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về giải thể, chia tách, sáp nhập cơ sở giáo dục đại học thì việc đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học yếu kém sẽ khó có đột phá bởi lẽ điều 26 Luật Giáo dục đại học 2012″Giải thể cơ sở giáo dục đại học” vẫn được giữ nguyên trong Luật Giáo dục đại học 2018.
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/0260293930180102?src=recsys
[2] //congly.vn/ban-doc/nhieu-khuat-tat-tai-truong-dai-hoc-dong-do-loi-dung-chinh-sach-truc-loi-bat-chinh-232698.html
[3] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/con-thoi-thop-cua-dai-hoc-ngoai-cong-lap-loi-khong-chi-do-co-che-post173431.gd
[4] //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ngo-ngang-buc-tranh-ve-ket-qua-kiem-dinh-chat-luong-117-truong-dai-hoc-viet-nam-20180613111314776.htm
[5] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giang-vien-dai-hoc-khong-du-chuan-trinh-do-418872.html
[6] //www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/37640102-kiem-dinh-chat-luong-chuan-hoa-giao-duc-dai-hoc.html
Xuân Dương
Theo giaoduc.net
Trường ĐH Đông Đô cấp phát văn bằng không đúng quy định: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là gì?
Liên quan đến việc Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị bắt về tội "Giả mạo trong công tác", nguồn tin của Dân trí khẳng định, Trường Đại học Đông Đô không được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh nhưng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình. Vậy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc này là gì?
Thông tin với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GD-ĐT với chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.
Nguồn tin của Dân trí cho hay, theo quy định hiện hành thì các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, trường ĐH Đông Đô không tổ chức in phôi bằng mà mua phôi bằng từ Bộ GD-ĐT.
"Phôi bằng là giống nhau, trường đại học chịu trách nhiệm in thông tin trên văn bằng ", nguồn tin cho biết.
Trong khi đó, ông Mai Văn Trinh cũng cho biết thêm, hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo Bộ GD-ĐT tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.
Theo Quy định hiện hành thì Bộ GD-ĐT vẫn là đơn vị cấp phép đào tạo văn bằng 2 cho phần lớn cơ sở đào tạo giáo dục đại học. Tuy nhiên cho đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa công khai danh sách các trường được phép đào tạo văn bằng 2.
Tuy nhiên hiện nay, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục đại học vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong đó quy định rõ: Việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính qui sau khi có ít nhất hai khoá chính qui của ngành đó tốt nghiệp.
Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT (qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với ĐH Quốc gia, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học). Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, qui mô hệ chính qui đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/1giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.
Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính qui hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).
Tại điều 7, Quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT cũng yêu cầu: Chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khoá học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT và Bộ chủ quản để theo dõi.
Như vậy, việc quản lý đào tạo và cấp phôi bằng đối với đối tượng học văn bằng hai là khá chặt chẽ nhưng không hiểu sao Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng trăm văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh sai quy định.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, trường ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Song điều đáng nói, thủ đoạn của các đối tượng là đăng thông tin tuyển sinh công khai trên mạng internet, khi người có nhu cầu đến tìm hiểu thông tin thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo "cấp tốc" thông qua cán bộ của Trường ĐH Đông Đô chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó hoặc tổ chức một lớp riêng cho số học viên này.
Để hợp thức hóa sai phạm, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3-6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Tiêu cực đã thả nổi thông qua "cò giáo dục" với mức dao động 40-50 triệu đồng/học viên.
Sai phạm này ở trường ĐH Đông Đô đã diễn ra một cách khá công khai và kéo dài.
Bên cạnh đó, tại Điều 36 Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT về việc Ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân có đưa ra quy định: "Định kỳ hoặc đột xuất Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra việc in, quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ đối với cơ sở giáo dục đại học tự in phôi văn bằng, chứng chỉ". Tuy nhiên ở trường hợp này, Bộ GD-ĐT là đơn vị in phôi bằng để bán cho trường ĐH Đông Đô thì không rõ hàng năm đơn vị nào sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra Bộ GD-ĐT?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và sớm thông tin đến bạn đọc.
Theo Dân trí
Tự chủ đại học: Nêu cao trách nhiệm với xã hội trong đào tạo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể hiện rõ chủ trương đổi mới GD-ĐT, trong đó xác định tự chủ và trách nhiệm xã hội là hai mặt thống nhất để bảo đảm hiệu quả của nhà trường cũng như hiệu lực...