Đón năm học mới: Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Đối với những học sinh vừa chia tay trường mầm non để bước vào ngôi trường tiểu học, đây thực sự là một dấu mốc đặc biệt bởi các em sẽ bước vào môi trường học tập mới.
Với trẻ bước vào lớp 1, ngôi trường mới sẽ khiến các em ít nhiều cảm thấy bỡ ngỡ. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)
Chỉ còn ít ngày nữa, các cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trong cả nước sẽ tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2019-2020.
Đối với những học sinh vừa chia tay trường mầm non để bước vào ngôi trường tiểu học, đây thực sự là một dấu mốc đặc biệt bởi các em sẽ bước vào môi trường học tập đòi hỏi nhiều yêu cầu mới so với ở trường mầm non trước đây.
Nhiều điều mới lạ, từ khuôn khổ, nội quy trường, lớp, đến những kiến thức mới đang đón chờ các em và cả những âu lo, mong đợi của các bậc phụ huynh khi con em mình bước vào một chặng đường mới với rất nhiều bỡ ngỡ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác tổ chức các hoạt động chào đón học sinh lớp đầu cấp, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vui tươi, hấp dẫn, an toàn để chào đón học sinh các lớp đầu cấp, tạo cho các em tâm lý thoải mái, tự tin nhất khi bước vào năm học mới.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 ở trường tiểu học có thể nhanh chóng gắn bó với trường mới, thầy cô mới, ngay từ khi năm học cũ chưa kết thúc, một số trường mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các trường tiểu học cùng tuyến tổ chức cho học sinh lớp lá (trẻ từ 5-6 tuổi) của trường đi tham quan trường tiểu học mà các em sẽ vào học.
Video đang HOT
Theo một số chuyên gia giáo dục, hiện nay, xu hướng phát triển toàn diện đòi hỏi giáo viên, nhất là giáo viên ở bậc tiểu học có các kỹ năng phù hợp để học sinh thấy yêu trường, yêu lớp. Các em gắn bó, có cảm giác thoải mái, vừa chơi vừa học thì mới có hứng thú đến trường và tiếp thu kiến thức.
Với trẻ bước vào lớp 1, ngôi trường mới với những quy định mới, khuôn khổ mới, sẽ khiến các em ít nhiều cảm thấy bỡ ngỡ, thậm chí tỏ ra sợ sệt, rụt rè, khó thích nghi được ngay.
Thời điểm này, vai trò của các giáo viên là rất quan trọng. Chính các thầy, cô là những người hướng dẫn, tạo lập cho các em phương pháp hòa nhập, giúp học sinh dần quen với ngôi trường mới, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, không vì sốt ruột mong muốn con tiếp thu nhanh kiến thức mà dẫn đến gò ép, thúc giục con học tập, ôn luyện quá nhiều ngay khi vừa mới vào học lớp 1.
Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng ở trường, mỗi học sinh có mức độ tiếp thu khác nhau. Vì vậy đi học là phải tạo cho con trẻ niềm vui, sự hạnh phúc, tự tin tiếp nhận kiến thức, chứ không phải là áp lực cầu toàn của gia đình./.
Thanh Trà
Theo TTXVN/Vietnamplus
Làm gì nếu học sinh "bị đuối" khi bước vào đầu cấp?
Không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng, học sinh nản chuyện học tập khi mới "chân ướt chân ráo" vào lớp 1 hay lớp 6.
Giai đoạn này, học sinh buộc phải làm quen với môi trường học tập mới, lượng kiến thức cao hơn dẫn đến ban đầu trẻ nhập cuộc khá vất vả.
Bước vào lớp đầu cấp, học sinh sẽ phải mất khoảng thời gian ban đầu để làm quen với môi trường học mới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Hụt hơi khi vào đầu cấp
Con mới đi học được 2 tuần nay, song quãng thời gian này đối với chị Vũ Thị Vân (Ba Đình, Hà Nội) không ngày nào là không lo lắng cho chuyện học của con vừa vào lớp 1. Chị Vân cho biết, có tham khảo và được biết quy định của Bộ GD&ĐT là cấm dạy chữ trước khi vào lớp 1. Để học sinh như nhau khi vào lớp 1, cô sẽ uốn nắn từng trẻ được dễ hơn, tránh tình trạng bé biết đọc, viết rồi, cô sẽ khó dạy chung với các bé chưa biết... Tuy nhiên, chính sự chủ quan của chị khiến con mình như "tờ giấy trắng" khi bước vào lớp 1.
"Thấy con về nhà có vẻ không thích học, ngồi học không tập trung và kiếm cớ để không đi học, tôi hỏi con thì biết con sợ đi học vì học kém. Các nét cơ bản, thuộc mặt chữ con kém xa với các bạn trong lớp. Thậm chí, trong lớp có bạn đã mang truyện tranh đọc cho nhau nghe. Hôm rồi, cô giáo chủ nhiệm lớp 1 vừa than phiền là các bé khác đều biết đọc biết viết hết, mỗi con là không biết nên cô có vẻ không vui. Bản thân tôi cũng không muốn ép con học, nhưng giờ cũng hoang mang vì chưa biết phải làm sao. Con bị chậm so với bạn bè, lo con thấy sợ hãi việc học, cũng tính chuyện cho con đi học thêm, nhưng cho con đi học vào lúc này cũng lo vì con đã học chính rồi, còn đi học thêm nữa", chị Vân kể.
Không chỉ lớp 1, đối với nhiều phụ huynh, học sinh lớp 6 cũng đang "loay hoay" chuyện học của con. Bởi từ cấp tiểu học bước sang THCS, cụ thể là lớp 6 có sự khác biệt rõ rệt, không chỉ tăng số môn học mà khối lượng kiến thức nhiều hơn, khó học hơn. Nhiều môn có hàm lượng kiến thức khó như: Toán, Vật lý. Một số môn có tính chất học thuộc lòng nhiều như: Ngữ văn, Sử, Địa, Sinh học, Công nghệ...
Chị Thu Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 6 công lập chia sẻ: "Mới hôm đầu đi học con còn hứng thú vì cô chủ yếu dặn dò, giới thiệu về môn học... nhưng sang đến tuần tiếp theo, con thực sự cảm thấy sợ đi học vì quá nhiều sự khác biệt so với học tiểu học. Nội quy của THCS cũng khắt khe hơn, không được ăn quà bánh trong trường, đi muộn chút, hay quên không đeo khăn đỏ là bị sao đỏ ghi tên. Giờ vào lớp sớm hơn, giờ tan trường cũng rất muộn vì nhiều hôm học 5 tiết. Chương trình học nặng hơn, nhiều môn học thuộc nên con phải dành nhiều thời gian để học, ít thời gian chơi như trước".
Hãy đồng hành với con trong giai đoạn đầu
Nhiều năm kinh nghiệm trong dạy học lóp 1, cô Nguyễn Thanh Huyền - giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho biết, chuyện cho con đi học trước khi vào lớp 1 là khá phổ biến ở các thành phố lớn, tuy nhiên điều này đã bộc lộ 2 mặt: Trẻ đi học trước sẽ biết sớm và học trong thời gian đầu nhanh, cô giáo cũng nhàn vì theo chương trình làm quen cho học sinh mới vào các em đã thông thạo rồi. Tuy nhiên, lại bộc lộ một số bất cập của việc này, đó là trẻ mất đi hứng thú học đường, nảy sinh tư tưởng chủ quan và mất tập trung trong giờ học.
"Với trường hợp chưa đi học chữ, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng, trong thời gian mới bắt đầu đừng quá quan tâm đến điểm số, chuyện con viết sai, đọc sai... là bình thường, không nên quát mắng, so sánh con với các bạn, tránh cho con mất tự tin, sợ đi học. Phụ huynh cố gắng kèm con thêm, bám sát vào các nội dung học của con, có thể cho con viết thêm, đọc thêm ở nhà. Ngoài ra, cố gắng phối hợp với giáo viên, đề nghị giúp đỡ con trong học tập nhiều hơn. Sau một thời gian, các con quen dần và không còn sợ đi học nữa vì đã theo kịp chương trình", cô Huyền cho biết.
Còn đối với trẻ vào lớp 6, anh Trần Mạnh Tuấn có con học lớp 7 Trường THCS Việt Nam - Algeria (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách hiệu quả nhất là đồng hành cùng với con, có kế hoạch cho cả tuần và thường xuyên nhắc nhở con trong chuyện học, tuân thủ nội quy trường. Với môn học thuộc, hãy giải thích, kiểm tra kiến thức của con để nhắc bài. Còn đối với các môn tự nhiên như Toán, giúp con nắm chắc công thức, khái niệm... để làm bài tốt hơn.
"Phụ huynh cũng không nên đặt nặng điểm số khi con mới vào lớp 6. Có thể con ở tiểu học hay được điểm 9 - 10, nhưng lớp 6 điểm thấp hơn cũng không nên gây sức ép khi con chưa được điểm cao. Đặt thời gian biểu hợp lý để giúp con ngủ đúng giờ, dậy sớm để chuẩn bị đi học đúng giờ. Sau khoảng 2 tháng, con sẽ có ý thức và quen dần với học THCS, phụ huynh sẽ thấy con tự biết cách chăm sóc bản thân và học tập tốt hơn so với học tiểu học", anh Tuấn chia sẻ thêm.
"Hiện nay, xã hội phát triển nên phụ huynh quan tâm đến chuyện học tập của con em mình hơn đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy đó là khi gặp bế tắc trong việc quản lý con cái, hoặc nhận thấy con có dấu hiệu học kém, chưa bắt kịp chương trình là phụ huynh nghĩ ngay đến chuyện học thêm cho con. Điều này vô tình gây sức ép cho học sinh, trong khi phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân là gì, chưa dành thời gian quan tâm, động viên và kèm cặp con thêm. Học sinh phải gồng mình vì điểm số, vì đi học thêm gây hệ quả đó là ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, căng thẳng, chán học".
(TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội)
Theo giadinh.net
Vì sao học sinh lớp 6 dễ "tụt dốc" khi bước vào cấp 2 Những thay đổi về số lượng môn học; chương trình học cùng hình thức kiểm tra mới lạ; Sự chủ quan, chưa đồng hành đúng cách trong việc học cùng con của các bậc cha mẹ là những nguyên nhân khiến nhiều học sinh vào lớp 6 dễ rơi vào tình trạng hổng kiến thức, khi vừa bước vào môi trường học mới....