Dồn dịch điểm lẻ, sáp nhập trường học: Trường chung không ai khóc
Việc quy hoạch và sáp nhập trường lớp được Nghệ An thực hiện nhiều năm nay với những đơn vị quy mô trường lớp giảm, nhiều điểm lẻ.
Cô trò Trường THCS Long Lộc (Nghĩa Đàn) từng phải học trong lán tạm để xe đạp do phòng học hư hỏng, nguy hiểm.
Bên cạnh những nơi đạt hiệu quả cũng có không ít trường sáp nhập mang tính “cơ học”. Đặc biệt, sáp nhập trường đồng cấp, lộ ra bất cập, không nhận được sự tập trung đầu tư nguồn lực như kỳ vọng vì “trường chung không ai khóc”.
Cha chung không ai khóc
Cách đây 8 năm, quy mô học sinh giảm, Trường THCS Nghĩa Lộc 2 sáp nhập với THCS Nghĩa Long thành Trường THCS Long Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Do chưa có cơ sở vật chất mới, địa bàn rộng, nên trường vẫn duy trì 2 cơ sở. Trong đó, phân hiệu 2 xã Nghĩa Lộc đã xây dựng hơn 20 năm, gồm 2 dãy phòng học và khu hiệu bộ đều có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Sau sáp nhập, mục đích tăng cường cơ sở vật chất không đạt như kỳ vọng. Vì xã Nghĩa Lộc có 2 trường THCS, chính quyền xã dành sự đầu tư cho trường đặt tại địa bàn mình trước, còn “trường chung” thì xếp sau.
Cuối tháng 9/2020, sau đợt mưa lớn kéo dài, 7 phòng học của Trường THCS Long Lộc bị hư hỏng, sập mái… Để bảo đảm an toàn, nhà trường buộc phải đình chỉ số phòng học trên. Thay vào đó, 3 phòng chức năng được chuyển đổi thành phòng học. Đồng thời trưng dụng và tu sửa nhà để xe đạp làm phòng học tạm cho 4 lớp còn lại. Sau đó, nhận thấy việc học tạm trong lán để xe đạp không đủ diện tích, cơ sở vật chất, ảnh hưởng chất lượng dạy học, nhà trường tổ chức học 2 ca sáng – chiều.
Cô Trương Thị Nhâm – Hiệu trưởng Trường THCS Long Lộc tính toán: Dự kiến năm học 2021 – 2022, phân hiệu Nghĩa Lộc tăng 2 lớp, đến năm học 2022 – 2023 sẽ tăng 4 lớp. Trong khi tại đây chỉ có 6 phòng học sử dụng được, không còn phòng chức năng. Cơ sở vật chất tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt, với điều kiện như vậy, việc triển khai Chương trình GD phổ thông 2018 từ năm học tới sẽ khó khả thi.
Tương tự, Trường THCS Đông Vĩnh (phường Đông Vĩnh, TP Vinh, Nghệ An) bị xóa bỏ vào năm 2010. Thay vào đó, học sinh của phường này sẽ sáp nhập, học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (đóng tại xã Hưng Đông). Vào thời điểm trên, quy mô học sinh của phường giảm, số lớp giảm. Việc sáp nhập với mục đích tập trung nguồn lực, sự đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhưng theo cô Trần Thị Trâm Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, nhiều năm qua, trường không nhận được nhiều đầu tư của phường Đông Vĩnh. Bởi “không có địa phương nào sang đầu tư cơ sở vật chất cho trường học đặt tại địa phương khác”, dù con em của xã đang theo học tại trường đó. Chưa kể công tác vận động xã hội hóa giáo dục cũng gặp khó khăn.
Video đang HOT
Tình trạng này khiến quy mô cơ sở vật chất của nhà trường nhiều năm không được bổ sung, hiện đại hóa. Gần đây, số lượng học sinh mỗi năm tăng lên, khiến trường thiếu phòng học. Hiện có 2 lớp của trường đang phải học tạm ở phòng kho và nhà chức năng, điều kiện diện tích, trang thiếu bị không đáp ứng yêu cầu.
Sau 8 năm sáp nhập, Trường THCS Long Lộc vẫn sử dụng cơ sở vật chất cũ, xuống cấp.
Hiệu quả mang tính “cơ học”
Trước tình cảnh “học nhờ”, nhiều trẻ phải học trái tuyến, chính quyền phường Đông Vĩnh nhiều lần có văn bản xin TP Vinh được “trả lại” trường cũ. Tuy nhiên, theo quy định không được thành lập mới trường công. Vì vậy, phường này đang xin thành lập cơ sở 2 của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ đóng tại địa bàn.
Ông Cao Văn Toàn – Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh cho biết: Chủ trương đã được thông qua nhưng thủ tục cấp đất vẫn chưa hoàn thành. “Nguyện vọng lớn nhất của nhân dân và chính quyền địa phương là sớm tạo điều kiện để phường Đông Vĩnh xây dựng cơ sở 2 cho học sinh. Vì theo điều tra dân số, học sinh tiểu học của phường có gần 1.000 em. Thời gian tới, khi số lượng này học lên cấp 2 sẽ gây áp lực cho Trường THCS Nguyễn Trường Tộ”, ông Toàn nói.
Còn Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) – ông Nguyễn Văn Hùng cho hay: Phòng đã nắm thực trạng Trường THCS Long Lộc xuống cấp nghiêm trọng và kiến nghị, đề xuất UBND huyện cấp kinh phí ngân sách xây mới phòng học cho Trường THCS Long Lộc. Đề xuất này được chính quyền địa phương ghi nhận để đưa vào kế hoạch tài chính của năm 2021. Dự kiến, sẽ xây dựng mới dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học cho nhà trường.
Việc quy hoạch và sáp nhập trường lớp được Nghệ An thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị đạt hiệu quả cũng có nhiều cơ sở gặp vướng mắc, bất cập hậu sáp nhập. Năm học này, trường tiểu học của 2 xã Hưng Thắng và Hưng Tiến cũ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) được hợp nhất lấy tên gọi là Trường Tiểu học Hưng Nghĩa. Việc chuyển đổi thuận lợi, nhanh chóng khi huyện Hưng Nguyên sáp nhập đơn vị hành chính 2 xã trên thành xã Hưng Nghĩa.
Về phía phụ huynh cũng ủng hộ vì quy mô học sinh nhỏ. Nhưng đánh giá về hiệu quả, cô Nguyễn Thị Thảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Nghĩa cho rằng chưa rõ rệt. Việc sáp nhập đang mang tính cơ học, duy trì hai điểm trường “học sinh xã nào học ở xã ấy”. Số cán bộ quản lý giảm, nhưng đội ngũ thừa thiếu cục bộ. Giáo viên năng khiếu, Tiếng Anh, Tin học phải làm việc quá tải và di chuyển liên tục giữa 2 điểm trường. Trường còn thiếu 19 phòng chức năng. Phòng tin học chỉ có 6 máy tính còn sử dụng được.
“Chúng tôi mong muốn sau khi đầu tư, xã và huyện có giải pháp để 2 trường được sáp nhập về một đầu mối thì hoạt động của trường sẽ thuận lợi hơn”, cô Thảo bày tỏ.
Trong dịp làm việc trực tiếp với một số địa phương về quy mô mạng lưới trường lớp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Bùi Đình Long đã chỉ đạo việc sáp nhập trường, điểm lẻ cần tính toán và có tầm nhìn dài hạn. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là sắp xếp phải phù hợp với điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc sáp nhập cũng cần phải tính tới những đặc thù riêng ở từng vùng, cấp học và không thể triển khai đồng loạt nếu chưa có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Trong quá trình đầu tư xây dựng phải cân nhắc trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãnh phí.
Dồn dịch điểm lẻ, sáp nhập trường học: Nhập rồi lại tách ra
Những năm gần đây, các địa phương tăng tốc rà soát, sắp xếp trường học, trong đó có việc sáp nhập các điểm trường nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác này.
Học sinh huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đến trường bằng đò. Ảnh: Q. Ngữ
Tuy nhiên, không ít nơi chưa đạt mục tiêu vì những khó khăn đặc thù...
Xóa điểm lẻ, mất học sinh
Trường Tiểu học Hố Gùi, ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) từng tiến hành xóa điểm lẻ nhưng kết quả không như mong muốn. Sau khi xóa điểm lẻ, do điều kiện đi lại khó khăn nên xảy ra tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt.
Theo thầy Trần Chí Dũng, Hiệu trưởng, trường có 16 lớp với 267 học sinh, học tại 3 điểm (1 điểm chính và 2 điểm lẻ). Điểm chính Hố Gùi có 10 lớp. 2 điểm lẻ ở Đầm Chim, Trảng Tràm, mỗi điểm có 3 lớp. Cả 3 điểm trường đều nằm trên ấp Mai Hoa - thấp nghèo của xã Nguyễn Huân. Trường vẫn còn hình thức lớp học ghép 1 2 ; 2 3. Học sinh ở điểm trường hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ theo nghề đi biển hay bắt ốc, mò cua... Học sinh đi học chủ yếu bằng đò.
Thầy Dũng cho biết thêm: Điều kiện đi lại của học sinh gặp nhiều khó khăn khi phải lệ thuộc vào con nước lớn - ròng (theo thủy triều). "Trường học bị cô lập với giao thông bộ. Nếu không để các điểm lẻ này, nguy cơ bỏ học của học sinh rất lớn. Cách đây không lâu, khi xoá điểm lẻ gần như toàn bộ học sinh bỏ học vì không thể hàng ngày vượt 5 - 7 cây số bằng đường đồng ruộng đi học. Nếu đi bằng đò, chi phí mỗi ngày mấy chục nghìn đồng", thầy Dũng phân trần.
Cũng tại huyện Dầm Dơi (Cà Mau), xã Tân Thuận đã sáp nhập 2 trường tiểu học lại thành Trường Tiểu học Tân Thuận với 3 điểm lẻ (Hiệp Hải, Thuận Phước, Xóm Tắc), nhưng việc xoá các điểm lẻ đang vướng phải khó khăn, đặc biệt là điểm Thuận Phước. Theo thầy cô giáo của trường, đặc thù tại địa phương chịu sự chi phối của quy luật nước lớn - ròng. Thầy cô, học sinh, phụ huynh đều phải nỗ lực vượt qua. Tuy nhiên, điểm trường này là nơi gần nhất để các em khu vực lân cận đến đây học. Do vậy, mặc dù cơ sở trường lớp nơi đây xuống cấp nghiêm trọng nhưng xoá điểm này, HS không biết học chỗ nào.
Chia sẻ thực tế về vấn đề xóa điểm lẻ trên địa bàn, ông Võ Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cho biết: Sắp xếp trường lớp, nhất là xóa điểm lẻ ở huyện vẫn còn nhiều vướng mắc. Bởi khi xoá điểm lẻ, để học sinh sáp nhập vào điểm chính, quãng đường đi học của các em sẽ xa, trắc trở hơn. Đặc biệt là các xã địa bàn rộng như Tân Thuận, Trần Phán, Tân Tiến, Nguyễn Huân..., phụ huynh hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa đồng thuận trong việc xoá điểm lẻ vì họ phải đưa con đi học với chi phí đi lại khá cao.
Phòng học ở điểm lẻ Đội 9, Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, huyện U Minh (Cà Mau) diện tích nhỏ nên bàn ghế được xếp sát bục giảng. Ảnh: V. Hữu
Quá tải do sáp nhập
Một vấn đề đặt ra với việc sáp nhập trường lớp là sĩ số học sinh ở các trường tăng lên. Nhiều nơi thiếu phòng học 2 buổi/ngày sau khi sáp nhập trường lớp. Trong quá trình triển khai sắp xếp, rà soát lại trường lớp, không ít địa phương gặp khó khăn, trở ngại về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, dẫn đến việc bố trí hết sức khó khăn...
Cũng từ những khó khăn này, huyện U Minh (Cà Mau) phải mượn lại điểm lẻ đã xóa để bảo đảm triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1. Cụ thể, đầu năm học 2020 - 2021, khi lớp 1 học chương trình mới: Điểm lẻ Đội 9, Ấp 15 Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông thiếu 2 phòng học. Điểm lẻ Kênh 21, Ấp 20 Trường Tiểu học Đào Duy Từ thiếu 1 phòng học. Để "chữa cháy" cho việc dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1, Phòng GD&ĐT huyện U Minh chỉ đạo Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông chuyển 1 lớp (khoảng 24 học sinh) về điểm trường lẻ đã xóa năm 2019 (điểm lẻ Kênh 11, Ấp 13).
Theo thầy Lê Minh Ra, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, trường thiếu phòng học nên chỉ sắp xếp dạy 7 buổi/tuần (quy định 9 buổi/tuần) với học sinh lớp 1. Trường chuyển lớp 4 về điểm trường lẻ đã xóa để ưu tiên phòng học cho học sinh lớp 1. Mặt khác, phòng học cũ, diện tích nhỏ (38 học sinh/40m2) nên gặp khó trong tổ chức hoạt động theo chương trình mới...
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, công tác rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD-ĐT gặp phải một số khó khăn do địa hình, hệ thống trường học còn phân tán, dàn trải, manh mún thiếu tập trung. Tình trạng thiếu phòng học ở cấp mầm non vẫn còn. Bình quân học sinh/lớp toàn tỉnh chưa đồng đều. Các trường trên địa bàn TP Cà Mau và trung tâm các huyện, số học sinh/lớp còn cao so với quy định, nhất là cấp tiểu học. Công tác xây dựng Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học chậm thông qua, thống kê số liệu còn chậm, thiếu chuẩn xác. Một số huyện chưa chú trọng đến quy hoạch phát triển các nguồn lực, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục...
Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Sắp xếp lại giáo viên, xóa điểm lẻ, sáp nhập trường căn cứ vào lợi ích thiết thực, nhu cầu thực tế, số lượng học sinh/lớp, khoảng cách giữa các trường, giúp cho công tác quản lý được chặt chẽ hơn, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, công tác quy hoạch trường lớp ở Cà Mau gặp khó khăn do địa hình, hệ thống trường học còn phân tán, dàn trải, manh mún thiếu tập trung. Việc đến trường của trẻ mầm non và học sinh tiểu học một số nơi còn gặp khó khăn do xóa điểm trường lẻ nên có hiện tượng học sinh bỏ học...
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, tỉnh đã xoá được 199 điểm trường lẻ. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 375 điểm trường lẻ cần phải xoá theo lộ trình. Quan điểm của tỉnh, xoá điểm lẻ trường học không thể bất chấp. Cái nào xoá thì kiên quyết làm, nhưng cái cần vẫn phải giữ để bảo đảm điều kiện học tập của học sinh vùng khó khăn...
Nghệ An: Thí sinh thi vào lớp 10 được đăng ký 3 nguyện vọng Đây là một trong những nội dung mới nhất về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2021 - 2022. Ngày hôm qua (14/4), Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Văn bản số 699/SGD&ĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022. Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển...