Đón đầu công nghệ, lan tỏa thông tin: Trực tuyến – kênh tuyển sinh hiệu quả nhất
Với mức độ lan tỏa thông tin qua nhiều kênh của Báo Thanh Niên, chương trình trực tuyến được đánh giá là kênh tuyển sinh hiệu quả nhất từ chính các trường đại học, cao đẳng sau nhiều năm gắn bó.
Song song với chương trình tư vấn cộng đồng, Báo Thanh Niên còn đồng hành với thí sinh qua hoạt động tư vấn truyền hình trực tuyến tại nhiều kênh của báo: thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Từ gián tiếp đến truyền hình trực tuyến
Xuất phát từ một hộp thư tư vấn trả lời bạn đọc, sau 16 năm, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển.
Việc giải đáp nhiều nhất những câu hỏi bạn đọc gửi đến hộp thư tư vấn mùa thi là mục tiêu ban đầu của chương trình tư vấn trực tuyến được Báo Thanh Niên triển khai vào năm 2004 tại địa chỉ: thanhnien.com.vn . Từ các câu hỏi nhận được, những người làm công tác nội dung đã chuyển tải câu trả lời trên trang thông tin điện tử của báo như một hình thức khác của hộp thư này. Sau đó, chương trình có sự tham gia trực tiếp của chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường ĐH, CĐ để có những câu trả lời chất lượng hơn.
Sự xuất hiện sơ khai của chương trình là hình thức tư vấn gián tiếp ở dạng nhập câu hỏi của bạn đọc và câu trả lời của chuyên gia, do đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ thực hiện. Ở năm đầu tiên này, chương trình được đặt tên Tư vấn mùa thi trực tuyến trên mạng Thanhnien Online , tổ chức vào chiều thứ sáu hằng tuần trong thời gian từ 27.2 đến 10.4. Tên gọi này tiếp tục sử dụng vào những năm tiếp theo khi tổ chức chương trình, vào khung giờ cố định 16 giờ 30 thứ sáu hằng tuần, liên tục trong hơn 1 tháng trước thời điểm thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Chương trình tư vấn trực tuyến năm 2004 – ẢNH: TƯ LIỆU BÁO THANH NIÊN
Không chỉ là tờ báo đầu tiên khởi xướng chương trình tư vấn trực tuyến, đến năm 2014, Thanh Niên tiếp tục đi đầu trong chương trình tư vấn theo hình thức truyền hình trực tuyến. Không như hình thức tư vấn trực tuyến truyền thống, bên cạnh truyền tải thông tin qua ngôn từ thì các chương trình tư vấn truyền hình còn đến với bạn đọc một cách sống động qua âm thanh, hình ảnh được truyền tải trực tiếp từ phim trường của báo.
Bạn đọc có thể tiếp cận thông tin từ nhiều giác quan khác nhau thay vì chỉ đọc thuần túy như trước đây. Trong chương trình truyền hình được phát trực tiếp này, thí sinh và phụ huynh không chỉ lắng nghe mà còn đối thoại trực tiếp với các chuyên gia của chương trình thông qua việc đặt câu hỏi, gọi điện thoại qua đường dây nóng về chương trình.
Nếu trước đây, thí sinh chỉ có thể tương tác tại thanhnien.vn , thì nay còn được mở rộng trên các trang mạng xã hội Facebook và YouTube của báo. Trong đó, chỉ riêng với kênh YouTube được trao nút Play vàng vào năm 2019, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến sẽ lan tỏa tới hàng triệu thí sinh mỗi năm.
Video đang HOT
Từ chương trình này, thông tin của trường đến với học sinh rất lớn. Theo khảo sát sinh viên đầu vào của trường qua các năm, trong số sinh viên đang theo học đến từ 52 tỉnh thành, có 80 – 90% sinh viên biết đến trường thông qua chương trình tư vấn
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
Không chỉ phong phú về hình thức, nội dung của chương trình còn được thiết kế bài bản với các vấn đề cốt lõi gắn với thí sinh trong từng giai đoạn chọn ngành nghề, ôn thi và xét tuyển. Thay vì chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng như thời điểm đầu, hiện những năm gần đây chương trình được thiết kế khoảng 20 – 30 chủ đề khác nhau theo nhiều giai đoạn.
80 – 90% sinh viên biết đến trường từ chương trình
Đáng chú ý, điểm nhấn của chương trình còn được thể hiện ở người được mời tham gia bàn tư vấn. Tùy vào những chủ đề cụ thể, buổi trực tuyến còn có những chuyên gia đặc biệt: đơn vị tuyển dụng tư vấn về ngành học, Bộ GD-ĐT chia sẻ thông tin mới nhất về tuyển sinh, thủ khoa trực tiếp chia sẻ bí quyết ôn thi đạt điểm cao… Dấu ấn mạnh nhất phải kể đến đội ngũ từ các trường ĐH như: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo, trưởng phòng tuyển sinh, trưởng khoa chuyên ngành… Những thông tin “nóng hổi” về điểm chuẩn, phương án tuyển sinh, xét tuyển bổ sung… mà các trường cung cấp trong chương trình được thí sinh đón nhận mạnh mẽ. Ngược lại, chương trình tư vấn này cũng được chính các trường xem là kênh tuyển sinh hiệu quả nhất.
Chương trình hiện tại – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Nói về nét riêng trong chương trình trực tuyến trên Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng đó là sự thích nghi với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ trong lĩnh vực truyền thông, chương trình ngày càng đa dạng các kênh phát sóng, tăng cơ hội tương tác trực tiếp của thí sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, chủ đề đa dạng, thực tế, vừa giải quyết được những vấn đề mang tính thời sự vừa có chủ đề mang tính lâu dài như định hướng chọn nghề – vấn đề mà ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung luôn đặc biệt quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nói thêm: “Qua 16 năm, chương trình luôn là nhịp cầu thông tin đáng tin cậy cho thí sinh và phụ huynh – từ thời kỳ các kênh truyền thông còn chưa phổ biến đến nay, khi các nguồn thông tin ngày càng đa dạng thì vai trò của những kênh chính thống càng trở nên quan trọng hơn”.
Không chỉ cung cấp thông tin chính thống, theo ông Quốc Anh, chương trình còn là nhịp cầu kết nối giữa các trường với người học, có thể “gỡ rối” nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện nhiều thông tin. “Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguồn tin “tự xưng” không được kiểm chứng, không xác thực khiến thí sinh dễ hoang mang, lo lắng thì việc xây dựng, duy trì và phát triển những kênh thông tin, tư vấn hỗ trợ chính thống như Báo Thanh Niên đang triển khai là vô cùng cần thiết”, vị phó hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Tham gia chương trình từ những năm đầu tiên, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, sự phát triển từ chương trình tư vấn cộng đồng tới tư vấn truyền hình trực tuyến, Báo Thanh Niên đã góp phần đưa thông tin chọn nghề, thi và tuyển sinh đến mọi miền Tổ quốc. Qua hệ thống mạng internet, chương trình còn đến với cả những học sinh Việt Nam học phổ thông ở nước ngoài.
Chia sẻ về lý do dù ở tận Đà Nẵng nhưng đại diện trường vẫn di chuyển trong ngày vào tận TP.HCM tham gia chương trình trực tuyến, tiến sĩ Võ Thanh Hải lý giải: “Từ chương trình này, thông tin của trường đến với học sinh rất lớn. Theo khảo sát sinh viên đầu vào của trường qua các năm, trong số sinh viên đang theo học đến từ 52 tỉnh thành, có 80 – 90% sinh viên biết đến trường thông qua chương trình tư vấn. Số sinh viên có hộ khẩu khu vực 1 và 2 – nông thôn biết đến trường cũng ngày càng tăng lên, tiệm cận với tỷ lệ sinh viên các khu vực còn lại. Điều này chứng tỏ mức độ phủ sóng của chương trình với mọi thí sinh”.
Từ đó, theo ông Hải, chương trình không chỉ cung cấp thông tin bổ ích tới thí sinh mà còn giúp các trường trong việc chọn lựa các thí sinh phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu đào tạo. “Tôi cho rằng, chương trình đã mang lại lợi ích lớn cho người học, các trường ĐH và cả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo. Tôi rất vui vì đã nhiều lần gặp lại những sinh viên từng tham gia chương trình tư vấn này, có em nhận ra tôi trên sóng truyền hình tư vấn Thanh Niên …”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Từ cậu học trò 'nhà quê' thành nhà khoa học trẻ xuất sắc
Sinh ra ở một vùng quê khó khăn thuộc tỉnh Quảng Nam, tiến sĩ Hồ Thanh Tâm từng đi làm vườn thuê để lấy tiền ăn học. Giờ đây, anh đã trở thành một trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc.
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm làm việc tại phòng thí nghiệm - ẢNH: NVCC
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm (31 tuổi) là một trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc vừa được nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020 do T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì tổ chức để tôn vinh các tài năng trẻ trong khoa học.
Trước đó, anh đã đạt được nhiều giải thưởng khoa học tại các hội nghị quốc tế ở Mỹ và Hàn Quốc. Anh cũng là nhà khoa học trẻ quyết định từ nước ngoài trở về VN làm việc, để cống hiến cho quê hương. Hiện anh đang công tác tại Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
Từng làm thuê để theo đuổi khoa học
Chia sẻ về con đường đến với khoa học, anh Tâm cho biết anh sinh ra ở xã Bình Sa, là một xã bãi ngang của H.Thăng Bình (Quảng Nam). Ba mẹ anh làm nông nghiệp, lại nuôi 5 anh em ăn học, nên kinh tế lúc bấy giờ rất khó khăn.
Chúng tôi lớn lên với một tuổi thơ lam lũ, có lúc phải ăn cơm độn ngô, độn sắn. Do đó, tôi luôn tâm niệm là phải phấn đấu học tập để vươn lên, đầu tiên là để giúp gia đình, quê hương thoát nghèo, và sau đó là thực hiện hoài bão của mình
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm
"Chúng tôi lớn lên với một tuổi thơ lam lũ, có lúc phải ăn cơm độn ngô, độn sắn. Do đó, tôi luôn tâm niệm là phải phấn đấu học tập để vươn lên, đầu tiên là để giúp gia đình, quê hương thoát nghèo, và sau đó là thực hiện hoài bão của mình", anh Tâm chia sẻ.
Anh thi đỗ ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Đà Lạt. Vì đam mê nghiên cứu, anh tiếp tục học cao học cũng tại trường này. Nhưng khi đó cha mẹ đã già yếu, không đủ sức nuôi anh ăn học, chỉ có thể động viên anh cố gắng học hành. Vì vậy, gia đình người anh trai đã cố gắng chu cấp để Tâm theo đuổi ước mơ của mình. Thương mọi người vất vả, anh đi trồng rau, trồng hoa thuê ở các nhà vườn của Đà Lạt để vừa có thu nhập trang trải cuộc sống, vừa có thêm kinh nghiệm thực tế.
"May mắn tôi được sự hướng dẫn và làm việc cùng GS-TS Dương Tấn Nhựt (Viện Nghiên cứu khoa học Tây nguyên), người đã khơi dậy niềm đam mê đến với khoa học và là người hướng dẫn, định hướng nghiên cứu khi bước đầu đến với khoa học. Cùng với sự hướng dẫn của GS-TS Nhựt, tôi đã tham gia vào các dự án nhân giống vô tính và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu vô cùng quý hiếm của VN. Sau đó, thầy cũng là người giới thiệu cho tôi học bổng toàn phần làm tiến sĩ tại Hàn Quốc", anh Tâm chia sẻ.
Trong thời gian học tập và làm việc tại Hàn Quốc, anh đã tham gia 9 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, một dự án của anh đã được triển khai để sản xuất ra mỹ phẩm như: xà phòng, sữa tắm, mặt nạ, cao sâm... và đang hoàn thiện để sản xuất ra thực phẩm chức năng và dược phẩm.
8 năm, 34 công bố khoa học quốc tế và trong nước
Anh Tâm cho biết khi đang học thạc sĩ, anh đã được xét duyệt làm tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của GS Park So-young, ĐH Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc. Từ đó, cơ hội nghiên cứu khoa học của anh được rộng mở và anh đã không ngừng cố gắng để có được những công trình khoa học mang tầm cỡ quốc tế. Hiện anh là thành viên phản biện 5 tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín.
Từ năm 2012 đến nay, anh đã có 17 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế; 10 bài báo công bố trong các tạp chí trong nước; 6 báo cáo khoa học được đăng toàn văn trong kỷ yếu các hội nghị khoa học quốc tế và quốc gia; đồng tác giả của 1 chương sách chuyên khảo của Nhà xuất bản SPi Technologies India Private Ltd 2020...
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm từng đạt được nhiều giải thưởng quốc tế như: giải ba báo cáo xuất sắc tại hội nghị của Hiệp hội Sinh học trong ống nghiệm (Mỹ) tổ chức; giải nhì báo cáo xuất sắc tại hội nghị do Hiệp hội Khoa học cây trồng quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc và 2 giải thưởng báo cáo xuất sắc tại các hội nghị khoa học tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bóng đá.
Anh từng là Chi hội trưởng Hội Sinh viên VN tại ĐH Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc); Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Hiệp hội Bóng đá VN tại Hàn Quốc - VFAK; tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên VN tại Trường ĐH Quốc gia Chungbuk, Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc, và tại nhiều đơn vị khác. Anh được kết nạp Đảng tại Hàn Quốc và sinh hoạt tại Chi bộ Asan-Cheonan trước khi về nước làm việc.
"Đặc biệt, điểm nhấn trong các công trình nghiên cứu là đã thành công trong sản xuất sinh khối và tăng cường tổng hợp hợp chất thứ cấp từ rễ tơ và rễ bất định cây hà thủ ô đỏ, một loại dược liệu quý, ở quy mô từ phòng thí nghiệm đến quy mô công nghiệp trong các hệ thống bioreactor 500L; đồng thời thử nghiệm hoạt tính sinh học của chúng", anh Tâm chia sẻ. Liên quan đến nghiên cứu này, anh đã có 6 công bố đều trên tạp chí ISI Q1. Kết quả nghiên cứu từ 6 công trình này đã tạo ra được nguồn nguyên liệu có hoạt tính sinh học cao tương tự cây trồng ngoài tự nhiên, dùng để làm nguyên liệu cho sản xuất một số loại mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng.Về nước để cống hiến
Có nhiều cơ hội ở lại làm việc tại Hàn Quốc, nhưng anh đã trở về VN để công tác tại Trường ĐH Duy Tân. Chia sẻ về lý do này, anh cho biết khi ở Hàn Quốc, những công bố khoa học của anh không mang tên VN.
"Mỗi lần tham dự các hội nghị quốc tế, các bạn nước khác chỉ biết Hồ Thanh Tâm ở Hàn Quốc, chứ không biết là VN. Tôi nghĩ tại sao mình không về VN, làm việc cho nước nhà, ít nhất là những công trình công bố khoa học của mình sẽ mang tên VN, và vẫn có thể hợp tác nghiên cứu với các phòng thí nghiệm khác trên thế giới. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và 2 năm ở Hàn Quốc làm postdoc để tích lũy thêm kinh nghiệm, tôi quyết định trở về VN để làm việc và cống hiến", anh chia sẻ.
Chia sẻ về cảm xúc khi trở thành nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận được giải thưởng Quả cầu vàng, anh Tâm xúc động nói: "Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên tình yêu đối với cây trồng gắn liền trong tôi. Đến với khoa học, tôi mong muốn mang lại những sản phẩm tốt nhất để góp phần tạo nên một nền nông nghiệp công nghệ cao phục vụ quê hương, đất nước. Và cố gắng của tôi đã được ghi nhận nên tôi càng có "áp lực" để giữ được danh hiệu của giải thưởng".
Anh Tâm cũng cho biết đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, đồng thời xây dựng nhóm nghiên cứu ngay tại Trường ĐH Duy Tân, để cùng nhau chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu trong thời gian tới.
"Với mong muốn mang lại những sản phẩm tốt nhất góp phần tạo nên một nền nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cộng đồng, chúng tôi đã và đang thực hiện các đề tài nghiên cứu theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng nhằm tạo ra những nguồn cây giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất sinh khối và hợp chất thứ cấp từ nguồn cây dược liệu của VN nhằm tạo ra các sản phẩm về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... có giá trị cao, hữu ích cho cuộc sống", anh Tâm chia sẻ.
Bằng giả và "tư duy bằng cấp" Những người sử dụng bằng giả hầu hết là người làm trong cơ quan Nhà nước, bằng cấp được dùng làm công cụ để "thăng quan tiến chức", để được hưởng "lương cao bổng hậu". Trong vụ án xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng phát hiện có 193 trường hợp được cấp văn bằng 2 ngành Ngôn...