Đôi vợ chồng già nuôi con tâm thần, cháu nhỏ
“Người ta bảo khổ trước sướng sau, còn tôi thì khổ cả đời. Con cháu nó có tội tình gì đâu mà sao ông trời nỡ đọa đày đến vậy…”, tâm sự của ông Nguyễn Thế San, xóm 6 Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An khi nói về hoàn cảnh của mình.
Ông San cùng các con và cháu ở trong một ngôi nhà tồi tàn. Một mình ông cáng đáng công việc để nuôi các cháu và con tâm thần…
Về Xóm 6, Xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hỏi thăm gia đình ông Nguyển Thế San (63 tuổi) và bà Trần Thị Liên (57 tuổi) thì ai cũng biết. Đơn giản chỉ vì đôi vợ chồng nghèo này có đứa con mắc bệnh tâm thần và cháu nhỏ đáng thương. Thấy chúng tôi tìm đến thăm bà, một cụ cao niên trong làng nhiệt tình chỉ đường: “Nhà bà ấy nằm ở cuối ngõ này đấy, thương cho ông bà đã già rồi mà không lúc nào được thảnh thơi. Hết lo cho chạy chữa bệnh cho con lại phải ngược xuôi chăm lo cho cháu”, một cụ bà hàng xóm tâm sự với chúng tôi.
Trong căn nhà nhỏ, đôi vợ chồng già vẫn ngày ngày kiếm từng mớ rau, bó củi mang ra chợ bán lấy tiền nuôi đứa con tâm thần và cháu nhỏ tội nghiệp…
“Nó đấy, chục năm nay rồi lúc nào lên cơn cũng la hét rồi khóc lóc, có thứ gì trong nhà là nó mang ra đập phá, đốt hết…” – bà Liên buồn khóc nói về đứa con gái mình. Đó là chị Hồng (37 tuổi) con gái lớn của ông bà, đang nằm co ro nơi góc giường, mái tóc xõa xuống bao trùm khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Thỉnh thoảng lại hét lên những tiếng thảm thiết, làm chúng tôi không khỏi đau xót.
Ông bà sinh được 5 người con, điều kiện gia đình khó khăn nên không ai được học hành đến nơi đến chốn. Đứa lớn thì bị người ta cướp đi đời con gái, hậu quả là cháu nhỏ chào đời mà không biết tới mặt cha. Con gái thứ 3 thì chồng ruồng bỏ, giờ mẹ con về ở cùng ông bà, còn mấy đứa sau cũng đã lập gia đình nhưng cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Liên bảo, chị Hồng đã được gia đình phát hiện bệnh khoảng 10 năm nay. Kể từ ngày phát hiện cho tới nay ông bà chạy vạy khắp nơi để đưa con đi bệnh viện từ Bắc chí Nam, từ bệnh viện tuyến dưới tới bệnh viện TƯ, hễ ai chỉ ở đâu là ông bà lại đưa con đi nhưng không có kết quả gì. Cuối cùng là tiền mất nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
Cũng từ lúc con bị bệnh và phải chăm nuôi cháu nhỏ, những đồ đạc trong nhà cứ thế “đội nón ra đi”. Giờ số tiền nợ hàng chục triệu đồng không biết lấy đâu ra mà trả, ông bà đành thế chấp căn nhà của mình.
Video đang HOT
Bao nhiêu nỗi cay đắng đều dồn nén lên đôi vai gầy của vợ chồng già. Ông bà chỉ biết ôm con thương cháu mà khóc và thầm trách số phận sao nghiệt ngã với mình đến vậy. Cháu bé sinh ra đã không có cha, giờ lại không có sự chăm sóc của mẹ, nuôi mãi vẫn cứ còi cọc, ốm yếu.
Ngoài việc chăm sóc cháu, giờ lại phải ngược xuôi để lo thuốc thang cho con. Nhà chỉ có mấy sào ruộng mà không ai làm, tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào 300 ngàn đồng tiền công bảo vệ trường tiểu học của ông.
Bác Nguyễn Văn Thành – trưởng xóm 6 cho biết: “Gia đình bà Liên có lẽ là đặc biệt nhất cái xóm này. Con thì bệnh quanh năm, lại nuôi cả cháu nhỏ. Thấy hoàn cảnh khó khăn nên tôi cũng vận động bà con mỗi người giúp đỡ một ít”.
Chia tay ngôi nhà lạnh lẽo đến cô quạnh, chúng tôi thầm nghĩ ánh sáng đang tắt dần trong ngôi nhà ông bà và không biết khi sức khỏe ông bà ngày một yếu đi thì con gái và đứa cháu nhỏ đáng thương ấy lấy ai chăm sóc.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Ông Nguyễn Thế San: xóm 6, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Theo Dân Trí
Những cảnh đời 'vật vờ' ngày cuối năm
Hà Thành - những ngày cuối năm lạnh cắt da cắt thịt, từng cơn gió mùa đông buốt đến tê dại. Thế nhưng trong những màn đêm lạnh buốt ấy có những cảnh đời vật vờ lấy góc phố, hè đường gối trọn giấc ngủ.
1h sáng ngày cuối năm, dường như lúc này cái lạnh đang lên tới đỉnh điểm, trong khi mọi người đang yên giấc trong những ngôi nhà ấm áp thì bên lề đường, trong góc của các cửa hàng... Có những thân phận không nhà không cửa đang chống chọi với cái rét mùa đông tê tái.
Tạt chiếc xe xích lô vào mái hiên của một cửa hàng, từ từ lôi chiếc chăn cũ kỹ nhàu nát ra khỏi bọc ni lông, chèo lên ghế ngồi của chiếc xe xích lô mà hàng ngày thường chở khách, người phu xe dáng người gầy guộc ấy là Nguyễn Đình Chí, quê Hà Tĩnh.
Trong đêm đông lạnh giá, nhiều người lấy hè đường hoặc chiếc ghế chập chờn ngủ
Ra Hà Nội làm nghề đạp xích lô đã được 6 năm, chỗ ngủ mỗi đêm của bác chính là cái "cần câu cơm" này. Bác Chí khẽ kéo chiếc chăn trùm lên đầu chầm chầm tâm sự: "rất lâu rồi chưa có một giấc ngủ ngon, mùa hè thì nóng bức, muỗi chi chít, đêm nào cũng mất ngủ vì muỗi đốt. Mùa đông phải năm lạnh vừa còn đỡ, chứ năm nay rét quá, tối co ro mãi có ngủ được đâu. Mà ngủ cũng phải cảnh rác sợ trộm lục túi lấy tiền".
Đạp xích lô mỗi ngày kiếm được có là bao, hôm nào xôm được vài "cuốc" khách nước ngoài còn đỡ, chứ lắm khi cả ngày chả ma nào trèo lên xe. Bởi vậy, bác Chí không dám thuê nhà trọ để ngủ, cố gắng tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy. Còn vài hôm nữa là tết cố dành dụm mang về cho vợ chi tiêu ngày tết, rồi cho con cái tiền đóng học cho kỳ học tới.
Mặc cho những cái rét như cứa ra khứa thịt, tiếng ồn ào của phố phường, cuộc sống mưu sinh đã khiến họ phải chấp nhận tất cả
Nằm thu lu trong một góc nhà đường Quán Thánh, 2 người đàn ông đang cố thu mình trong lớp bao tải. Hàng ngày họ làm nghề bơm xe, vá xăm, tối đến chui vào xó nhà để ngủ. Những ánh mắt lờ đờ, mệt mỏi vì thiếu ngủ thể hiện rõ trên khuôn mặt của Phạm Việt Hùng và Phạm văn Vinh quê ở Nghệ An.
Ở quê làm ăn khó khăn, hai người rủ nhau lên Thành phố làm cửu vạn, được ít bữa thấy chẳng ai thuê, Hùng và An đành sắm chiếc bơm tay và bộ đồ vá sơ sài để kiếm ăn. Khi màn đêm buông xuống sẵn có chiếc phông sân khấu người ta vứt đi, hai người đem về làm chăn đắp.
Có khi, trong đêm đông lạnh đến tê dại, hình ảnh vật vờ của người mưu sinh khiến chúng ta xót xa
Đã 2 năm, họ phải ngủ ở lề đường, nhiều đêm thèm được về quê nhà, ngủ một giấc ngủ thật ngon, nhưng cứ nghĩ đến cảnh nghèo túng ở quê, trở về với hai bàn tay trắng. Hai người đành cắn răng chịu đựng. Hy vọng, một ngày nào đó đời sẽ khá khẩm hơn.
Hùng buồn rầu nói: "ngày bình thường không sao, phải hôm mưa gió, không biết chui vào đâu, nhiều đêm đang ngủ trời đổ mưa, hai người đành lấy áo mưa giấy mặc vào, rồi chùm bao tải lên người cố ngủ, chứ chẳng có chỗ nào mà trú ngụ cả".
Tết cận kề nhưng manh chiếu rách cũng không đủ ấm đối với những người xa quê về phố
Tết đã cận kề đến nơi rồi, hầu hết các gia đình đều đã tụ họp chuẩn bị cùng nhau đón năm mới. Tặng nhau những lời chúc, những phong bao lì xì, còn với những thân phận vật vờ bên lề đường quanh năm ăn không ngon, ngủ không yên kia có lẽ mùa xuân chưa ghé thăm đến họ.
Không biết, đến bao giờ họ mới có được một giấc ngủ bình thường như bao người, có giường, gối kê đầu, có chăn bông ủ ấm trong những ngày đông rét mướt.
Kinh Vân- Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chuyện bầy hầy ở chùa giả Ngoài những chiêu "xin" tiền thiên hạ, bà Vân còn nổi tiếng là một người hung dữ. Không chỉ những đứa trẻ mồ côi mới bị đánh đập, ngay cả bảo mẫu và giáo viên cũng từng nếm đòn của bà ta. Thậm chí cả phóng viên cũng bị bà Vân tấn công... Tiền vô... như nước Tiền tài trợ bị tiêu xài...