Đối tượng học sinh nào được nhà trường, thầy cô ưu ái, nâng điểm nhiều nhất?
Ở giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay có quá nhiều “ vật cản”, chỉ có con đường thi và thi, mới đảm bảo mức độ tương đối công bằng và khách quan.
LTS: Bệnh thành tích – một căn bệnh thâm căn cố đế đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội và đặc biệt là ngành giáo dục.
Chia sẻ về bệnh thành tích, cách thức nâng điểm, thêm phẩy cho các em học sinh của nhiều giáo viên, tác giả Kiên Trung có bài viết đưa ra quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Tháng 4, tháng 5 là những tháng nước rút, tháng cao điểm của hoạt động dạy – học gắn với các bài kiểm tra thường xuyên và bài kiểm tra định kỳ để có đủ các cột điểm cho học kỳ 2 và tổng kết năm học.
Học sinh thì vất vả, áp lực với nhiều bài kiểm tra, còn thầy cô giáo lại nhọc nhằn, cân nhắc trong đánh giá, chấm trả bài, thông báo điểm cho các em.
Giáo viên và các em học sinh vất vả với hoạt động dạy, học (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN).
Trong cuộc sống và môi trường giáo dục hôm nay, mỗi thầy cô giáo có biết bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc, đan xen: đồng nghiệp, bà con, phụ huynh, con em, học sinh của lớp, trường mình…
Nói thật, bây giờ, không còn nhiều nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo phổ thông có đủ bản lĩnh, dũng khí để vượt qua những mối quan hệ rích rắc, riêng – chung ấy mà thực hiện đúng quy định của ngành trong đánh giá, xếp loại học lực và hạnh kiểm học sinh.
5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương dùng kết quả điểm trung bình về học lực ở lớp 12 tham gia vào xét tốt nghiệp trung học phổ thông cùng với điểm các bài/môn thi theo tỉ lệ 50:50.
Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và hợp lý, coi trọng quá trình học tập, rèn luyện của các em, những học sinh nào cố gắng học tập tốt thì sẽ có nhiều lợi thế trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng nếu như các trường đại học, cao đẳng xem xét cả kết quả học tập lớp 12, 11 và lớp 10.
Thế nhưng vì bệnh thành tích, không muốn trường ta “thua chị, kém em” và tâm lý “thương” học trò và phụ huynh của mình nên hầu hết các thầy cô giáo, nhà trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập, cứ phóng các con điểm ở các môn học cho học sinh lớp 12 lên đến tận…mây xanh.
Để rồi cuối năm lớp 12 toàn từ 7,0 điểm trở lên, tạo ra một khoảng khá xa so với năng lực hiện có của nhiều học sinh.
Kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 của cả nước đạt trên 90%, trong đó nhiều tỉnh tỉ lệ đỗ cao ngất ngưởng, gần 100%.
Nếu như không có sự “trợ giúp” đắc lực của điểm học bạ lớp 12, mà chỉ căn cứ vào kết quả điểm thi các môn, bài thi thì mới có khoảng 50% thí sinh đạt điểm 5 trở lên.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông lâu nay lại bám sát chương trình, chuẩn kiến thức – kỹ năng, học sinh lực học trung bình đều có thể dễ dàng vượt qua.
Thêm cơ sở này, nó cho chúng ta thấy một thực trạng đáng buồn, điểm học được đánh giá một cách giả dối, không thực chất.
Nhiều người tâm huyết với ngành giáo dục, chán ghét bệnh thành tích từng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy sớm bãi bỏ chủ trương, điểm học bạ lớp 12 tham gia xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông để việc học và thi thực chất, đúng nghĩa.
Chắc chắn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa biết, nhiều địa phương, nhà trường, thầy cô giáo đang tìm cách làm dối trá, “phá hoại” chủ trương đúng đắn đó song Bộ Giáo dục lại vẫn im lặng, không có một động thái nào để chấn chỉnh “tệ nạn” nâng khống điểm vô tội vạ đang diễn ra phổ biến ở các trường trung học phổ thông trên phạm vi cả nước.
Đối tượng học sinh lớp 9 ở các địa phương sử dụng phương thức xét tuyển (kết quả học tập và hạnh kiểm 4 năm học trung học cơ sở) khi tuyển sinh vào lớp 10 cũng được hưởng lợi từ “tình thương” và sính thành tích của nhà trường, giáo viên.
Sau một thời gian xét tuyển, phụ huynh và học sinh phản ánh gay gắt về tình trạng bất công, đánh giá sai lệch kết quả của học sinh giữa trường này với trường khác, giữa học sinh nọ với học sinh kia, buộc các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chuyển đổi sang phương thức thi tuyển đối với những nơi có số lượng, tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao hơn số lượng, chỉ tiêu được giao.
Có một số địa phương vẫn kiên trì dùng phương thức xét tuyển thì vấn nạn cho điểm khống, đánh giá không chính xác, khách quan chất lượng thực của học sinh lớp 9 ở nơi đó tiếp tục phơi bày đến nhức nhối.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chính thức cho phép những địa phương có số lượng học sinh đông (từ lớp 5 chuyển cấp lên lớp 6) so với chỉ tiêu và khả năng tiếp nhận của nhà trường được tổ chức thi tuyển, bãi bỏ quy định cấm tổ chức thi tuyển lên lớp 6 với bất cứ hình thức nào sau 3 năm triển khai thực hiện.
Video đang HOT
Vì 3 năm qua, nhiều nhà trường ở các thành phố lớn đều bất lực trước số lượng hồ sơ tham gia xét tuyển quá đông với kết quả toàn loại giỏi, toàn điểm 10 cả.
Rõ ràng, không thi, học sinh, phụ huynh và nhà nước lợi đủ đường, giảm thiểu được nhiều áp lực, tiêu cực nảy sinh.
Nhưng cuối cùng lại chẳng thể nào “đi tiếp” được nữa, đành quay về với con đường cũ, thi tuyển.
Cái căn nguyên sâu xa cũng tại nhà trường, thầy cô giáo bậc tiểu học phân loại, đánh giá học sinh không xong, cứ lấy thành tích làm trọng, bất chất quy định, cảnh báo của dư luận xã hội.
Đối tượng con em giáo viên, con em của một số phụ huynh có gửi gắm, nhờ cậy thầy cô giáo, nhà trường nâng điểm, thêm phẩy cao cao một tí để cho học bạ đẹp, để thêm cơ hội, lợi thế đỗ tốt nghiệp, xét tuyển vào ngành đặc thù như quân đội, công an… hơn chúng bạn khác, dường như ở trường, lớp nào cũng đều có, ít hay nhiều mà thôi.
Nếu như nhà trường, giáo viên nào kiên quyết, cứng rắn, nói không với tình trạng nâng điểm như thế này thì khó xử, nói ăn nói với một số đồng nghiệp, phụ huynh, bà con, cán bộ vốn là chỗ thân tình, từng giúp qua, giúp lại.
Từ đây, mọi người mới hiểu ra rằng, ở giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay có quá nhiều “vật cản”, chỉ có con đường thi và thi, mới đảm bảo mức độ tương đối công bằng và khách quan.
Còn con đường xét tuyển, đi được mấy bước là hỏng đến hỏng.
Tất cả nhà trường, đội ngũ giáo viên phổ thông trước khi trách ai đó thì hãy tự kiểm nghiệm, soi xét lại chính mình đã.
Theo giaoduc.net.vn
Chúng ta ước mơ "đằng sau cánh cổng trường là một thế giới kì diệu" kia mà?
Có rất nhiều thứ phải nói "không" và rất nhiều thứ cần nói "có", ngần ấy, tưởng đã đủ sâu sắc và thừa thấm thía để mỗi chúng ta suy ngẫm về nghề giáo...
LTS: Trước những câu chuyện phản ánh niềm tin vào giáo dục nhà trường đang giảm sút, thầy giáo Nguyễn Tri Văn chỉ ra những nguyên nhân và kiến nghị một số giải pháp cho thực trạng trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Cố nhiên rằng cuộc đời này, giữa muôn vạn trùng vây của sự xô bồ, ồn ã và bát nháo, đâu đó vẫn còn biết bao câu chuyện xúc động về tình nghĩa thầy trò, còn biết bao nhiêu nếp nghĩ, cách hành xử đúng mực nhân văn nhân bản, đượm thắm tinh thần tôn sư trọng đạo - thứ mà rồi vượt qua bao nhiêu băng hoại của thời gian vẫn luôn, cần được trân trọng, nâng niu và gìn giữ.
Sự học "ai có qua cầu mới hay", giáo dục của chúng ta có biết bao nhiêu phong trào rầm rộ được phát động như để cứu vãn; có biết bao nhiêu khẩu hiệu được giăng khắp các nhà trường từ trong phòng ra đến ngoài sân như những ba-ri-e nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe:
"Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích", "Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo", "Kỉ cương - Tình thương - Trách nhiệm", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" vv và vv...
Điểm qua như vậy để thấy rằng còn rất nhiều những biển hiệu ghi những câu cách ngôn cổ ngữ, tục ngữ đang được treo trang trọng ở mỗi nhà trường.
Có rất nhiều thứ phải nói "không" và rất nhiều thứ cần nói "có", ngần ấy, tưởng đã đủ sâu sắc và thừa thấm thía để mỗi chúng ta suy ngẫm về nghề giáo, về giá trị, địa vị và sứ mệnh mà chúng ta đang gánh trên vai; suy ngẫm về những phương pháp giáo dục mà chúng ta đang dùng để tác động đến học sinh, những mầm xanh tương lai của đất nước.
Hình minh họa trên Internet
Nhưng tại sao ngày nay niềm tin vào giáo dục nhà trường lại đang dần sa sút, và vì sao giáo dục lúc nào cũng trở thành tâm điểm nóng trên các diễn đàn xã hội, chúng ta hãy tự dũng cảm và thành tâm tự nhìn thẳng vào nội tại hệ thống của chúng ta thế nào.
Nhìn thẳng vào những hoạt động của nhà trường hiện nay ra sao, hẳn phải có những khúc mắc ở đâu đó mới khiến cho niềm tin vào giáo dục nhà trường đang bị bào mòn.
Ai trong đời rồi cũng từng bước qua cánh cổng của nhà trường, rồi khi có con đi học cũng đều nuôi những khát vọng gửi gắm, đặt những kì vọng lớn vào giáo dục nhà trường.
Chúng ta có cả Nghị quyết coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, vậy vì đâu giáo dục đang có phần thất thoát niềm tin, thầy cô giáo và nhà trường bị dư luận nhìn nhận khác đi rất nhiều như vậy.
Những vụ việc gần đây nhất chỉ như những tiếng chuông gần mà chúng ta dễ dàng nghe thấy được như phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học trò bóp cổ cô giáo, anh trai của học trò đánh gãy sụn mũi thầy giáo...
Những sự việc đau lòng ấy được thấy bằng tai, bằng mắt gây ra bao phẫn nộ, và hẳn còn không ít sự việc khác nữa hiện đang lẩn khuất đâu đó quanh ta, khó mà đo đếm, chỉ khi nào có sự đổ vỡ manh động người ta mới đi tìm nguyên nhân và tự hỏi, niềm tin vào giáo dục nhà trường liệu có còn?
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ bác nội dung tăng lương cho giáo viên trong Luật Giáo dục sửa đổi, phải chăng cũng từ niềm tin sâu thẳm khó nói ra, từ những hoài nghi vào chất lượng giáo dục, vào sự hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực, liệu lương tăng có gì để đảm bảo rằng chất lượng sẽ tăng.
Còn Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ vừa thay mặt Thủ tướng truyền đạt yêu cầu Bộ Giáo dục phải khắc phục 6 vấn đề càng sớm càng tốt, phải chăng cũng là để trường ra trường lớp ra lớp, thầy cô ra thầy cô, chấn chỉnh không để có dư luận xấu về giáo dục.
Bao nhiêu câu hỏi về niềm tin giáo dục còn nhiều bỏ ngỏ?
Tôi nhớ, trong bài đầu tiên của sách Ngữ văn 7 có câu "...bước qua cánh cổng trường là thế giới kì diệu sẽ mở ra", từ góc nhìn cá nhân, chúng tôi xin nêu ra một vài nguyên nhân thực trạng đằng sau "cánh cổng trường", đằng sau cái gọi là "thế giới kì diệu" ấy là gì để nên nỗi niềm tin vào giáo dục nhà trường đang có phần sa sút:
Thứ nhất, chất lượng cán bộ quản lý nhà trường hiện nay thực sự "có vấn đề".
Nếu nói về tiêu chuẩn bằng cấp, quy trình bổ nhiệm hẳn là có thừa nhưng hàng loạt những tiêu cực gần đây đều liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu là hiệu trưởng.
Viên chức giáo dục luôn chiếm một nửa số lượng viên chức cả nước, phạm vi và đối tượng tác động của giáo dục cũng rất rộng, do vậy giáo dục cũng luôn là mảnh đất màu mỡ để thu lợi.
Ở đâu đó, người ta đi lên bằng nhiều thứ ngoài tài năng chuyên môn, thì ở đó tất yếu có sự thu vén lợi ích để bù lấp chi phí đầu tư.
Tình trạng lạm thu các khoản đầu năm có xu hướng ngày càng trầm trọng và nhức nhối mà báo chí vẫn phản ánh, nếu không phải trách nhiệm trực tiếp của hiệu trưởng thì là ai?
Phải chăng mấu chốt của việc niềm tin bị sa sút là ở điểm này.
Khi nhà trường và thầy cô trở thành những người vừa dạy vừa thu tiền thì ắt sinh ra điều tiếng.
Ai đó đã từng ví, qua cánh cổng trường, học sinh trở thành con tin, vật thế chấp có thời hạn mà phụ huynh ít hoặc không có quyền đàm phán và đưa ra điều kiện nào.
Ở những nơi có điều kiện kinh tế, các khoản đóng góp tuy có cao nhưng vẫn nằm trong sức chịu đựng nhưng với nông thôn, nhà có vài ba con đi học thì các khoản đóng góp chi phí học tập thực sự là gánh nặng kinh hoàng với không ít gia đình.
Phong trào xã hội hóa giáo dục lâu nay được sử dụng triệt để đắc dụng, bị biến tướng dưới các tên gọi khác nhau để móc túi người học.
Dân kêu ca nhưng không dám nói ra vì con mình còn bên trong cổng trường kia mà, chỉ khi "quá sức chịu đựng" mới bùng lên, báo chí vào cuộc phanh phui, sự thật mới được phơi bày.
Một số nơi hiệu trưởng nhà trường có đủ quyền sinh quyền sát, giáo viên nào đòi công khai minh bạch, đòi quyền lợi cho học sinh lập tức sẽ bị để ý trù dập dưới nhiều hình thức, lâu dần nhà trường như một lãnh địa mà hiệu trưởng như lãnh chúa, giáo viên như người làm thuê, hết giờ về, trường học như một công ty kinh doanh đủ thứ từ sách vở đến đồng phục quần áo.
Phong trào dạy và học, bằng cách nào thì tùy, miễn là đem được thành tích về để hiệu trưởng có cái báo cáo với địa phương để lĩnh thưởng.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Cụ Nguyễn Du "Giãi thây trăm họ nên công một người".
Thứ hai, vấn nạn học thêm tràn lan đang hoành hành ở một số nơi nhưng xem ra vô phương cứu chữa.
Điều này báo chí và dư luận đã phân tích mổ xẻ, tốn quá nhiều giấy mực.
Việc chấn chỉnh và dẹp loạn học thêm chủ yếu chỉ bằng các biện pháp hành chính, xem ra không mấy khả thi do cơn khát thành tích của lãnh đạo vẫn còn rất lớn. và cơn khát thu nhập của giáo viên thì không hề giảm đã khiến cho học thêm được tổ chức công khai vượt khỏi quy định ngay trong nhà trường chứ chưa nói gì đến chuyện đem học sinh về nhà dạy.
Học thêm nhiều học sinh không còn thời gian để vui chơi giải trí, tự học tập bên ngoài thì nhà trường lại bày cách hợp tác với các công ty du lịch tổ chức cho các em đi trải nghiệm rèn kĩ năng sống bằng các chuyến đi tham quan ngắn, cưỡi ngựa xem hoa, rồi lại thu góp, lại thêm một gánh nặng, trong khi ngay cả những đền đài, cây cối, dòng sông quê mình học sinh còn chưa biết hết tên?
Cuối cùng, cuộc chiến về chất lượng, bệnh thành tích đang dồn áp lực khiến giáo viên không còn đủ thời gian và tâm sức để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.
Những sự phản ứng vô đạo của học sinh và phụ huynh gần đây dường như đều có căn nguyên từ cách hành xử không phù hợp, thậm chí thô bạo của giáo viên.
Hàng năm giáo viên vẫn được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và chính trị nhưng đa số là hình thức, ít có cuộc tập huấn nào đi vào thực chất cập nhật những kiến thức kĩ năng giáo dục học sinh trong thời buổi đầy biến động của xã hội và của khoa học công nghệ.
Cơ chế thị trường xâm lấn vào nhà trường, khiến không ít giáo viên chênh chao, tự đánh mất mình, tình cảm thầy trò không còn được như trước, thầy trò chỉ như bác tài xế với các vị hành khách đi qua một đoạn đường gồ ghề trong khi phải vận hành và quá tải quá khổ nhiều thứ gánh nặng cồng kềnh trên xe.
Hình ảnh người thầy không còn đủ sức thuyết phục và không còn là chỗ dựa tinh thần để học sinh có đủ niềm tin vững vàng chống lại những cám dỗ ngoài đời.
Cơn bão thông tin khiến nhiều thầy cô, do ít học hỏi cập nhật, mà tri thức của mình dần trở nên rất lạc hậu trước học sinh, giờ học nhàm chán, tẻ nhạt không đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn, cả thầy lẫn trò chỉ xoay quanh vào chiến lược điểm số, ít có thời giờ cho "giải lao, tâm sự" để thấu hiểu, để tháo gỡ gút mắc trong học tập và tâm lý.
Trên cơ sở những nguyên nhân và thực trạng, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị đề xuất như sau:
- Cần giám sát chặt chẽ cơ chế dân chủ và minh bạch trong trường học, phải quan niệm không có chức vụ nào là vĩnh viễn, những hiệu trưởng trì trệ, có dấu hiệu sai phạm trong lạm thu và dạy thêm cần quyết liệt làm rõ, nặng thì cho nghỉ.
Phân cấp việc đề bạt và bổ nhiệm hiệu trưởng cho ngành giáo dục, hiệu trưởng nhất định phải qua thi tuyển.
Hết nhiệm kì cần có sự luân chuyển để đảm bảo tính năng động, tránh được lợi ích nhóm.
- Đối với giáo viên, cần có chiến lược đào tạo bồi dưỡng sát thực hơn nhằm đáp ứng với các yêu cầu của thực tiễn.
Bỏ bớt những gánh nặng hồ sơ sổ sách và các tiêu chuẩn tiêu chí rờm rà, để giáo viên toàn tâm toàn ý, chuyên chú cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh.
Trả lương cho giáo viên bên cạnh việc phân biệt năm công tác cần chú trọng năng suất lao động, tránh cào bằng.
Hàng năm cần có phiếu thăm dò đánh giá phản hồi của phụ huynh và học sinh để kịp thời điều chỉnh phương pháp giáo dục và năng lực phục vụ.
- Giáo dục cần sớm phân hóa đối tượng, chương trình học cần tăng cường tính thiết thực ứng dụng, giảm những kiến thức hàn lâm; không chạy theo mục tiêu những điểm số đẹp trong các báo cáo.
Để "bài học đầu tiên có dáng hình núi sông" (lời một bài hát) luôn luôn vang lên trong mỗi giờ học, để "đằng sau cánh cổng trường là một thế giới kì diệu".
Tôi cứ ước ao chúng ta sẽ có một môi trường giáo dục trong lành, nói đi đôi với làm;
Mọi thứ phải đi vào thực chất, trường ra trường lớp ra lớp; mọi thứ phải trung thực từ viên gạch xây trường mà đi;
Nhà trường không bị vẩn đục bởi những toan tính vụ lợi, không còn kinh doanh bất cứ thứ gì trên người học sinh;
Hiệu trưởng phải có tâm có tầm vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai của học sinh, tương lai của đất nước;
Thầy cô tâm huyết với nghề, thường xuyên cập nhật tri thức, biết tư duy độc lập, có lòng khoan dung quan tâm đến học trò; học trò thì không còn gánh nặng điểm số và các khoản đóng góp học thêm trên vai, khi đó tôi tin giáo dục thực sự sẽ chiếm được niềm tin của toàn xã hội.
Là một người thầy cũng là một phụ huynh, tôi cứ luôn trăn trở và nuôi hi vọng được như thế!
Theo giaoduc.net.vn
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 vẫn đẹp? Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 so với 2016 tăng ở quy mô cả nước và ở nhiều địa phương, tỷ lệ này đã vượt mức 99%. ảnh minh họa Với chủ trương nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 có tỷ lệ tốt nghiệp thấp kỷ...