Đối thủ của ông Trump phát biểu sốc về số người Mỹ chết vì Covid-19
Ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra cảnh báo gây sốc với dân chúng nước này, “200 triệu người sẽ chết” vì Covid-19.
Phát biểu tại Philadelphia ngày 20/9, Joe Biden kịch liệt chỉ trích cách thức Tổng thống Donald Trump xử lý đại dịch Covid-19, nhưng một trong những tuyên bố ông đưa ra đã khiến nhiều người đặc biệt chú ý.
Ông Joe Biden chuẩn bị phát biểu tại Trung tâm Hiến pháp quốc gia Mỹ ở Philadelphia, Pennsylvania, ngày 20/9. Ảnh: Reuters
“Ước tính 200 triệu người sẽ chết, có thể vào lúc tôi kết thúc bài phát biểu này”, Joe Biden nói và giơ tay vẫy để nhấn mạnh.
Theo hãng tin RT, ứng viên đảng Dân chủ có lẽ đang định nói về khoảng 200.000 người Mỹ được ghi nhận đã tử vong vì virus corona kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm nay.
Ông Biden từng có những phát biểu gây sốc tương tự trước kia. Đầu mùa hè vừa qua, ông nói hơn 120 triệu người Mỹ đã chết vì Covid-19. Còn hồi tháng 2, ông tuyên bố trong một buổi tranh luận rằng “150 triệu” người Mỹ đã bỏ mạng vì bạo lực súng đạn kể từ năm 2007 – tức gần một nửa dân số nước này.
Trong chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Trump cũng nhiều lần công kích đối thủ đảng Dân chủ về những phát biểu kiểu như trên.
Đến nay, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số người dương tính và tử vong vì Covid-19. Theo số liệu cập nhật sáng 21/9 của trang thống kê toàn cầu Worldometers, Mỹ hiện có trên 7 triệu ca nhiễm và hơn 204.000 người tử vong vì Covid-19. Số khỏi bệnh đạt gần 4,3 triệu trường hợp.
Biden nói Trump 'lạm quyền'
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden cho rằng việc Trump hối thúc chọn thẩm phán Tòa án Tối cao mới trước bầu cử tổng thống là "lạm quyền".
Các đảng viên Dân chủ đang phản ứng dữ dội trước khả năng bỏ phiếu sớm để phê chuẩn thẩm phán Tòa án Tối cao mới trong chưa đầy hai tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ. Hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng phản đối bất cứ cuộc bỏ phiếu sớm nào để lấp chỗ trống ở Tòa án Tối cao sau khi thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9 ở tuổi 87.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden ngày 20/9 cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump "vận dụng quyền lực chính trị thô thiển" khi cố gắng thúc đẩy tiến trình lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao, giữa lúc chiến dịch bầu cử đang diễn ra quyết liệt.
"Tôi tin rằng các cử tri sẽ hiểu rõ điều đó, họ sẽ không ủng hộ sự lạm quyền lẫn lạm dụng hiến pháp này", Biden phát biểu tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia, kêu gọi Thượng viện Mỹ không hành động trước ngày bầu cử 3/11.
"Nếu Donald Trump thắng cử, thượng viện nên tiếp tục lựa chọn của ông ấy và cân nhắc cân bằng về người đề cử. Nhưng nếu tôi thắng cử, đề cử của Tổng thống Trump nên được rút lại", Biden nói.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 20/9. Ảnh: AFP.
Trump ngày 19/9 nói sẽ "nhanh chóng hành động" và dự kiến công bố người ông đề cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ vào tuần này.
Biden kêu gọi một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa "hãy làm theo lương tâm của mình". Thời điểm bỏ phiếu chọn thẩm phán Tòa án Tối cao vẫn chưa được ấn định.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, bang Alaska, cũng cho rằng không nên bỏ phiếu chọn thẩm phán Tòa án Tối cao mới trước bầu cử tổng thống. Thượng nghị sĩ Susan Collins ở bang Maine khẳng định nên để người trúng cử tổng thống lựa chọn thẩm phán mới.
Tuy nhiên, với việc đảng Cộng hòa nắm 53 trong 100 ghế tại thượng viện Mỹ, đảng Dân chủ sẽ gặp thách thức lớn khi ngăn một ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao do Trump đề cử.
Tòa án Tối cáo Mỹ có 9 thẩm phán, là những người được bổ nhiệm trọn đời, nghĩa là họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Ứng viên do Trump đề cử sẽ được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ phỏng vấn, xem xét trong khoảng 60 ngày về năng lực và tư cách.
Thượng viện Mỹ sau đó sẽ bỏ phiếu phê chuẩn. Ứng viên sẽ trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số thượng nghị sĩ tại Thượng viện bầu chọn. Người được Trump đề cử nhiều khả năng sẽ được chọn, do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.
Quy trình bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Video: Next Media.
Sự ra đi của Ginsburg có thể làm thay đổi đáng kể cán cân tư tưởng của Tòa án Tối cao, vốn đang có đa số thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ với tỷ lệ 5-4. Trump có cơ hội mở rộng thế đa số này bằng việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ, khi đang có sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ vào thời điểm bầu cử tổng thống đang cận kề. Trump hồi tháng 8 nói ông sẽ lấp đầy chỗ trống tại Tòa án Tối cao nếu có cơ hội trước khi nhiệm kỳ đầu tiên hết hạn.
Trong khi đó, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden cho rằng người đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới sẽ chọn thẩm phán thay thế. Vài ngày trước khi qua đời, Ginsburg nói rằng bà không muốn người thay thế mình ở Tòa án Tối cao được bổ nhiệm trước khi nước Mỹ có tổng thống mới.
Kịch bản ra mắt vaccine Covid-19 đầu tháng 11 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vạch ra kịch bản phê duyệt vaccine Covid-19 vào tháng 11, với hai loại "Vaccine A" và "Vaccine B" giả định. CDC đã thông báo cho giới chức y tế ở 50 bang và 5 thành phố lớn là New York, Chicago, Philadelphia, Houston và San Antonio, chuẩn bị phân phối các...