Đối thủ của Jack Ma rời ghế CEO
Richard Liu, đồng sáng lập trang thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc sẽ rút khỏi công tác điều hành, tập trung đào tạo trẻ.
Ngày 6/9, JD.com cho biết sẽ bổ nhiệm Xu Lei làm Chủ tịch đầu tiên của tập đoàn. Đây là động thái mở đường cho nhà sáng lập kiêm CEO Richard Liu lùi về phía sau để tập trung cho chiến lược dài hạn và đào tạo quản lý trẻ tuổi.
Theo WSJ , quyết định bổ nhiệm chủ tịch JD.com của Liu có thể là bước đầu trong kế hoạch tìm kiếm người kế nhiệm, động thái diễn ra sau khi lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đối mặt khó khăn từ chính phủ nước này.
Richard Liu, nhà sáng lập kiêm CEO JD.com sẽ rút khỏi công việc điều hành hàng ngày để tập trung vào chiến lược dài hạn.
Mở đường cho kế hoạch tìm người kế vị
JD.com được Liu thành lập năm 2004 dưới dạng website bán đồ điện tử. Kể từ đó, JD.com đã phát triển thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, phân phối hàng tạp hóa, quần áo cho hàng triệu người mỗi tháng. Tập đoàn này thành lập công ty con chuyên về lĩnh vực y tế vào tháng 12/2020 và đơn vị hậu cần vào tháng 5 năm nay.
Trước khi trở thành chủ tịch JD.com, Xu Lei đã đảm nhiệm cương vị CEO JD Retail, chi nhánh bán lẻ của tập đoàn thương mại điện tử. Ông sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động hàng ngày, sự phát triển của các bộ phận kinh doanh của tập đoàn.
Các nhà phân tích của Citigroup cho rằng động thái này có thể mở đường cho Xu Lei trở thành người kế nhiệm hoàn toàn của Liu. Phát ngôn viên JD.com từ chối bình luận về kế hoạch tìm người kế vị tập đoàn.
Video đang HOT
Ngoài Xu Lei, JD.com cũng bổ nhiệm một số vị trí mới. Xin Lijun, lãnh đạo JD Health sẽ đảm nhận vị trí cũ của Xu Lei (CEO JD Retail), Jin Enlin từ lãnh đạo bộ phận y tế lên làm CEO JD Health. Xu Lei sẽ báo cáo công việc cho Liu, người vẫn giữ chức CEO JD.com.
Xu Lei được bổ nhiệm làm chủ tịch JD.com, phụ trách việc điều hành hàng ngày cho tập đoàn
Nạn nhân của “bão quy định” Trung Quốc?
Thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát các công ty Internet, nhắm vào các vụ sáp nhập, phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), cạnh tranh không lành mạnh và điều kiện làm việc không tốt. Các hãng công nghệ lớn như Alibaba, Tencent và Didi đã rơi vào tầm ngắm.
Trước đó, Colin Huang, nhà sáng lập nền tảng công nghệ nông nghiệp Pinduoduo và Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance đã từ bỏ vị trí lãnh đạo để tập trung vào chiến lược kinh doanh dài hạn hoặc theo đuổi lợi ích cá nhân. Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đối thủ của JD.com sống ẩn dật sau khi tập đoàn tài chính Ant Group của ông rơi vào tầm ngắm.
JD.com là một trong 13 công ty được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ quy định về dữ liệu và hoạt động kinh doanh cho vay. Tháng 12/2020, JD.com đã bị cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc phạt do định giá sai sản phẩm, báo cáo không đầy đủ về các thương vụ sáp nhập, hành vi không công bằng trong mô hình mua theo nhóm.
Tập đoàn này cũng nằm trong các công ty cam kết không tham gia vào hành vi chống cạnh tranh, cùng xây dựng thị trường công bằng. Khi tập đoàn này công bố báo cáo tài chính vào tháng trước, Xu Lei cho biết JD.com phải chịu hành vi phản cạnh tranh từ đối thủ.
Cổ phiếu JD.com đã giảm khoảng 9% trong năm nay, ít hơn so với mức giảm của nhiều công ty Internet khác. Cổ phiếu JD Health, công ty con về y tế đã mất gần 50% giá trị do lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể chuyển hướng sang lĩnh vực này.
Trong bài phát biểu tại một diễn đàn thương mại điện tử, Xu Lei cho biết JD.com sẽ giúp các thương gia tại vùng nông thôn bán sản phẩm trên Internet. Đây cũng là tinh thần của chính phủ Trung Quốc thời gian qua.
Việc bổ nhiệm chủ tịch JD.com diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty Internet của Trung Quốc hứng chịu quy định chặt chẽ từ chính phủ nước này.
Trong khi đó, nhà sáng lập Richard Liu gần như không được truyền thông chú ý từ tháng 8/2018, sau khi ông bị bắt với cáo buộc cưỡng hiếp một nữ sinh tại Đại học Minnesota (Mỹ). Các công tố viên khẳng định không đủ bằng chứng buộc tội Liu, song vụ kiện dân sự của sinh viên vẫn tiếp tục.
Từ khi vướng cáo buộc cưỡng hiếp sinh viên, Liu đã giao một số nhiệm vụ cho cấp dưới. Trước khi bổ nhiệm Xu Lei làm chủ tịch, ông đã giao nhiều nhiệm vụ quản lý hơn cho Wang Zhenhui, cựu CEO JD Logistics và Chen Shenqiang, cựu CEO JD Digits (hiện nay là JD Technology).
Dù vướng vào cáo buộc không tốt, JD.com vẫn phát triển nhanh chóng. Người dùng hoạt động hàng năm của nền tảng này đã tăng 27% trong quý II, doanh thu trong quý tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 29,32 tỷ USD.
Sau các gã khổng lồ thương mại điện tử, Trung Quốc "sờ gáy" một loạt ứng dụng gọi xe, Didi, Meituan đứng đầu bảng
Nhà chức trách Trung Quốc đã triệu tập đại diện của 11 công ty gọi xe trên thị trường nước này và yêu cầu họ chấn chỉnh các hành vi "không tuân thủ quy định".
Bộ Giao thông Vận tải và một số cơ quan quản lý khác, bao gồm Cục Quản lý Không gian mạng và Cục Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc, đã cùng làm việc với lãnh đạo các công ty này, bao gồm cả Didi, T3 và Meituan, những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực gọi xe ở đất nước 1,4 tỷ dân.
Các nhà quản lý cáo buộc những dịch vụ này đang tuyển dụng tài xế và phương tiện chưa được phê duyệt. "Các nền tảng phải tự kiểm tra lại các vấn đề của mình, chấn chỉnh hành vi bất hợp pháp, bảo vệ trật tự thị trường theo hướng cạnh tranh công bằng và tạo ra một môi trường lành mạnh để phát triển ngành dịch vụ gọi xe", Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết.
Cũng theo thông tin từ Bộ này, các công ty gọi xe được yêu cầu làm việc với cơ quan quản lý đều cam kết sẽ khắc phục mọi vấn đề và ngừng đăng ký cho các tài xế không đủ tiêu chuẩn.
Hiện tại, Didi và Meituan chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào.
Thời gian gần đây, Didi là cái tên chịu nhiều áp lực nhất từ cơ quan quản lý Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau phiên IPO đình đám ở Mỹ, gã khổng lồ gọi xe, vốn chiếm khoảng 90% thị phần ở Trung Quốc, đã buộc phải ngừng cho người dùng mới đăng ký từ tháng 7. Trong khi đó, các đối thủ của Didi đã nhanh chóng giảm giá để thu hút người dùng mới. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp trong số này cũng đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập.
Cơ quan quản lý cho rằng tất cả các nền tảng gọi xe phải đảm bảo rằng họ tiến hành phê duyệt cần thiết đối với phương tiện và lái xe muốn tham gia. Ngoài ra, họ không được lôi kéo đối tác tài xế thông qua các khuyến mại giả mạo hoặc chuyển rủi ro sang cho người lái xe. Các lái xe cũng nên có đủ thời gian nghỉ ngơi và doanh nghiệp nên giảm hoa hồng mà họ nhận được từ mỗi chuyến đi.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng về "thịnh vượng chung", một nỗ lực để vừa chia sẻ sự giàu có, vừa đảm bảo các quyền của người lao động. Hiện tại, lĩnh vực công nghệ và giải trí đang được giám sát chặt chẽ và những lĩnh vực khác có thể cũng sớm bị giám sát.
Didi và gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com đã thành lập công đoàn cho công nhân. Đây là một động thái mang nhiều ý nghĩa bởi công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân là rất hiếm thấy ở Trung Quốc.
Trước ngành công nghiệp gọi xe, thương mại điện tử là đối tượng bị các nhà quản lý Trung Quốc đưa vào tầm ngắm đầu tiên. Rất nhiều công ty thương mại điện tử đã bị phạt, trong đó có Alibaba với khoản phạt lịch sử lên tới 2,8 tỷ USD vì cáo buộc độc quyền. Tencent cũng bị phạt nặng với cáo buộc tương tự.
Hiện tại, Trung Quốc đang rất tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Các cơ quan quản lý khác nhau của Trung Quốc nhấn mạnh các công ty trong lĩnh vực này cần có các biện pháp để bảo vệ dữ liệu người dùng. Trung Quốc cũng đã thông qua 2 luật lớn liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư mà các công ty công nghệ buộc phải tuân thủ.
Trung Quốc mạnh tay triệt hàng giả trên các sàn thương mại điện tử Các cơ quan quản lý của Trung Quốc mở rộng cuộc kiểm soát sang các doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử, hứa hẹn trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với việc bán hàng giả. Trung Quốc bổ sung hình phạt dành cho những người bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng luật thương mại điện tử của nước này Theo South...