Đội ngũ nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục
Xác định đội ngũ thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng.
Cùng với đó, sự chủ động, mạnh dạn đổi mới của giáo viên đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Đội ngũ thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục. Ảnh tư liệu: Phương Vy/TTXVN
Mạnh dạn đổi mới
Gắn bó với nghề giáo được 9 năm, cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đồng hành cùng các thế hệ học trò cho ra đời nhiều dự án mang ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.
Cô Quỳnh Phương chia sẻ, khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, trong 4-5 năm đầu tiên đi dạy, cô vẫn theo lối mòn của phương pháp dạy học truyền thống, truyền thụ kiến thức. Nhiều lần cô chứng kiến học sinh “than thở” rằng không hào hứng với việc học môn Hóa của mình, bởi toàn những kiến thức sách vở khô khan, không có ứng dụng trong cuộc sống.
Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, cô Quỳnh Phương mạnh dạn chủ động đổi mới phương pháp dạy học của mình để giúp học sinh hứng thú hơn với việc học. Cô chọn định hướng giáo dục STEM (trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) để triển khai bài giảng của mình, giúp học sinh ứng dụng kiến thức trên lớp vào thực tiễn. Theo đó, mỗi năm học, cô sẽ thiết kế, tổ chức 1-2 tiết học STEM cho mỗi lớp. Chủ đề cô Phương thường chọn là thực hiện các sản phẩm tái chế.
Mới đây nhất, cô Quỳnh Phương cùng học trò mình thực hiện Dự án sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía, đã đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm thiết thực, thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Đây là dự án xuất phát từ ý tưởng của em Lương Tâm Như, lớp 12A6 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân.
Cách đây 2 năm, khi thực hiện bài tập trong tiết học STEM về sản phẩm tái chế của cô Quỳnh Phương, quan sát thấy bã mía thường được xử lý đốt, gây ảnh hưởng không tốt cho môi trường, sức khỏe của người dân, từ kiến thức được học, em Lương Tâm Như nảy ra ý tưởng tận dụng bã mía để tái chế làm giấy và các sản phẩm handmade.
Ý tưởng đó được sự hỗ trợ của cô Quỳnh Phương đã ngày càng hoàn thiện với nhiều sản phẩm đưa ra thị trường như: tranh, sổ tay, lịch, quai xách ly… Hiện Dự án quy tụ được gần 10 học sinh ở các khối lớp của trường cùng tham gia thực hiện với rất nhiều khâu, từ sản xuất giấy từ nguyên liệu bã mía, trang trí, vẽ tranh đến truyền thông quảng bá sản phẩm, chăm sóc khách hàng… Các sản phẩm của nhóm hiện được giới thiệu, phân phối ra thị trường qua nhiều kênh khác như: hội chợ, triển lãm, mạng xã hội…
Em Lương Tâm Như chia sẻ, không chỉ là kiến thức lý thuyết, thông qua các tiết học của cô Quỳnh Phương, em còn có thể ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tế. Môn Hóa học không còn là kiến thức khô khan mà có thể ứng dụng vào đời sống, cho ra đời rất nhiều sản phẩm hữu ích. Thông qua việc thực hiện Dự án, các thành viên trong nhóm còn học được rất nhiều kỹ năng, từ vận dụng kiến thức vào thực tiễn, làm việc nhóm đến các kỹ năng kinh doanh như phân tích nhu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm…
“Lượng kiến thức ở mỗi khối lớp sẽ có thể ứng dụng trên thực tế ở những mức độ khác nhau. Ví dụ như ở lớp 10, các em chưa có đủ kiến thức để hoàn thiện một sản phẩm cụ thể, nhưng các em có những ý tưởng rất hay. Giáo viên có thể hướng dẫn, hỗ trợ để khi lên các khối lớp tiếp theo các em tiếp tục phát triển ý tưởng để cho ra đời những sản phẩm thiết thực.
Thực tế, năng lực, sự sáng tạo của học sinh rất lớn, chỉ cần cho các em cơ hội, các em có thể làm được những điều mà mình không nghĩ đến. Vì thế, bản thân giáo viên phải mạnh dạn thay đổi, từ đó sẽ nhận thấy sự thay đổi của học sinh”, cô Quỳnh Phương chia sẻ.
Chủ trương đổi mới giáo dục được tiếp tục đẩy mạnh ở các bậc học, đặc biệt, với bậc Tiểu học, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, việc đổi mới phương pháp dạy và học càng được chú trọng hơn.
Theo thầy Cao Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3), hiện nay, giáo viên luôn được tạo điều kiện trong tổ chức dạy học nhưng vẫn còn có giáo viên chưa mạnh dạn trong đổi mới phương pháp dạy học. Vì thế, Ban Giám hiệu Nhà trường phải luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ để giáo viên tự tin hơn, đổi mới chương trình bắt đầu từ việc giáo viên chủ động.
Video đang HOT
Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) cho rằng, nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học bằng các phương pháp tích cực.
Nhất là trong bối cảnh chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 vào năm học tới và những khối lớp khác vào những năm tiếp theo, sự chủ động đổi mới của giáo viên càng cần được khuyến khích. Cùng với việc tham gia tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, trường tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để cùng chia sẻ phương pháp dạy học hiệu quả.
Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành giáo dục Thành phố, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế.
Một trong những đề án quan trọng vừa được Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI thông qua là Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030″. Giáo dục thông minh mang đến những cơ hội đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với mỗi cán bộ, giáo viên là phải tận dụng tốt cơ hội mà giáo dục thông minh đem lại để nâng cao chất lượng dạy và học.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian tới, ngành Giáo dục Thành phố sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, đến năm 2025 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho hơn 90.000 cán bộ, giáo viên của Thành phố. Bên cạnh đó, với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đội ngũ nhà giáo Thành phố luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng. Đó là cơ sở quan trọng giúp giáo dục Thành phố hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Cùng với bồi dưỡng cho đội ngũ đang công tác, Thành phố triển khai chế độ, chính sách đặc thù nhằm thu hút đội ngũ giỏi cho ngành Giáo dục.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, trong giai đoạn tới, thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố đối mặt còn rất lớn. Không chỉ là áp lực về cơ sở vật chất, thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ vai trò là động lực then chốt của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển của Thành phố và cả nước, từ yêu cầu phải tiếp tục đột phá trong đổi mới… đòi hỏi ngành Giáo dục – Đào tạo Thành phố phải nỗ lực vượt qua khó khăn.
Trong đó, ngành Giáo dục – Đào tạo Thành phố đặc biệt chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, giúp thầy cô giáo yên tâm công tác.
Đội ngũ nhà giáo cần được nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức sát thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại, hướng đến việc giáo dục học sinh năng lực tự học, hội nhập và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Đây là yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Thành phố đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn.
Vinh quang của học trò là hạnh phúc của thầy cô
Năm học 2019 - 2020 là một năm học thành công của cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, khi lần đầu tiên cùng học trò giành Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympia Hóa học quốc tế năm 2020.
Niềm vui được nhân lên khi nhiều học sinh đạt giải tại cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia và nhiều học sinh trong lớp do chị chủ nhiệm được tôn vinh tại Lễ tuyên dương của tỉnh diễn ra tối nay.
Trước lễ tuyên dương năm 2020, cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh đã chia sẻ về công việc của mình và những câu chuyện đi đến thành công của các học trò.
"Học trò là động lực để gắn bó với nghề"
P.V: Là một trong những giáo viên còn rất trẻ nhưng chị đã có một bề dày thành tích khá nổi bật, đặc biệt là trong gần 5 năm trở lại đây, chị đã 2 lần có học sinh đạt Huy chương Vàng và Bạc tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế. Có lẽ Quỳnh Anh sinh ra để dành cho ngành Sư phạm?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Tôi thuộc thế hệ đầu 8X và học THPT ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng; ngày ấy rất ít học sinh chọn ngành Sư phạm. Cá nhân tôi cũng vậy, khi mới trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi chưa thực sự gắn bó với công việc mình. Tuy nhiên, ngày ấy tôi được rất nhiều người động viên và khẳng định "Quỳnh Anh rất hợp với nghề sư phạm" và tôi theo nghề một cách cảm tính như vậy.
Thậm chí, đến khi tốt nghiệp, dù là Á khoa của khóa học nhưng tôi không có một thông tin nào về việc tuyển dụng và cứ vậy nạp hồ sơ lên Sở Giáo dục và Đào tạo. May mắn sau đó tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để về dạy tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Tôi còn nhớ, tôi nhận được quyết định này vào tối 4/9, một ngày trước lễ khai giảng.
Khi ấy, tôi đang ở Hà Nội và đang có ý định về làm việc tại một trường tư khá nổi tiếng thời bấy giờ. Vậy là tôi trở về, hành trang cho ngày đầu tiên đến trường hầu như không có gì. Thậm chí, ngay trong lễ khai giảng, tôi cũng chưa kịp chuẩn bị một chiếc áo dài cho tươm tất.
Tập thể lớp 12 A4 và cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh đã có một năm học thành công. Ảnh: NVCC
Những ngày đầu, công việc cũng không dễ dàng. Ví như ở đây học sinh rất cá tính và tôi khá bất ngờ khi có những trường hợp học sinh yêu cầu đích danh giáo viên này hoặc giáo viên kia đứng lớp... Và phải mất 3 năm, đến khóa học sinh thứ 36 của trường, tôi mới thực sự gắn bó và yêu hơn công việc của mình.
Đó là khóa đầu tiên tôi được dạy lớp A1, chuyên Toán và tôi cảm nhận được tình cảm học trò dành cho mình. Điều này bắt đầu từ một tin nhắn của một học sinh giấu tên gửi cho tôi và chia sẻ rất yêu những tiết Hóa học... Lời gửi gắm đơn giản vậy nhưng đã là động lực để tôi vượt qua những khó khăn bước đầu và tôi nhận ra nghề sư phạm thật đáng quý!
P.V: Chị vừa kết thúc một năm học rất thành công và cũng vừa bắt đầu năm học mới với một khóa học sinh mới. Trong những ngày đầu tiên của năm học mới, điều chị thường gửi gắm tới học sinh là gì?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Vừa vào năm học, tôi đã làm một trình chiếu để học sinh khóa mới nói về mục tiêu đi học của mình. Qua đó, tôi mong các em đặt ra mục tiêu rõ ràng khi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Thứ hai, tôi cũng nói với các em về thành công, đặc biệt là thành công sau thất bại.
Bởi lẽ, với học sinh trường Phan các em chịu áp lực rất lớn vào Đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia và có nhiều học sinh, sau khi bị loại khỏi đội tuyển, mất mục tiêu phấn đấu và rơi vào trang thái buồn bã. Và vì vậy, qua những phân tích này, tôi chỉ muốn nói với các em rằng, thành công có thể đến sau hàng nghìn thất bại...
Qua bước khảo sát đầu tiên của khóa học mới này, tôi cũng rất tin tưởng bởi các em đã định hướng mục tiêu rất rõ ràng và có những em ghi rất tâm huyết và đầy đủ... Đáng mừng, là lượng học sinh khao khát đạt học sinh giỏi tăng lên và có kế hoạch cụ thể cho từng năm học.
"Đừng biến giới hạn của giáo viên thành giới hạn của học trò"
P.V: Như chị đã khảo sát và phân tích thì học sinh ngày nay chịu áp lực khá lớn về việc học. Chị có thương các em không khi phải đặt mục tiêu quá sớm và rất cao như vậy?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Nếu nói thương học trò thì có lẽ rõ nhất là khi ôn đội tuyển, bởi các em đúng thực là "vùi đầu vào học" - như em Phạm Trung Quốc Anh (Huy chương Vàng Olmpic Hóa học quốc tế năm 2020) đã từng chia sẻ. Tức là với những học sinh này, lượng kiến thức cần phải học rất lớn, bài tập ra với mức độ rất cao và để theo đuổi các kỳ thi thì các em chỉ biết cặm cụi vào học, phải thực sự "chịu khổ".
Tuy nhiên, bên cạnh những vất vả thì các em cũng đã được rất nhiều. Ví như là khả năng tự học, tự đọc tài liệu. Và với những học sinh này, các em lên đại học rất thuận lợi. Thầy cô có thể chỉ cung cấp tài liệu, không dạy nhưng học sinh vẫn có thể tự học được.
P.V: Đến thời điểm này, chị đã có 3 khóa bồi dưỡng Đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia. Để có được những thành công, chắc chắn chị đã trải qua rất nhiều khó khăn?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Khi mới được giao trách nhiệm bồi dưỡng Đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia, tôi đã từng rất tự tin và nghĩ rằng đây là cơ hội để mình được khẳng định. Nhưng sự thực, chỉ khóa đầu tiên thuận lợi; còn sau này thì càng ngày càng khó bởi kiến thức của môn Hóa học luôn luôn mới. Vì vậy, nếu mình không chịu khó tìm tòi, cập nhật những đề thi mới thì khó có thể giúp học sinh vượt qua các vòng thi.
Trong thực tế, quá trình bồi dưỡng và cập nhật kiến thức có rất nhiều nội dung chính giáo viên cũng không hiểu. Trong khi đó, học sinh đọc có thể các em sẽ hiểu. Vì thế, nếu ngày xưa, tôi cho rằng mình cần phải biết hết để dạy cho học sinh thì sau này đến khóa thứ 2 tôi biết mình không thể giỏi hơn học sinh.
Không ít những trường hợp, cá nhân tôi không hiểu và phải cùng thảo luận, lắng nghe học sinh. Để liên tục theo đuổi kiến thức như vậy cũng rất vất vả và không tránh được những thời điểm chúng tôi phải "chững" lại. Nếu học sinh theo đội tuyển "vùi đầu vào học" thì giáo viên cũng phải lao vào với các em. Chúng tôi xác định, dù trong hoàn cảnh nào, mình đừng biến giới hạn của mình thành giới hạn của học sinh, như thế các em mới có thể phát huy được hết khả năng của mình.
P.V: Vậy, với những kết quả đã đạt được, chị đã hài lòng về công việc của mình?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Trước đó, có lẽ vì tôi đến với nghề ban đầu không phải vì đam mê nên cá nhân tôi vẫn thấy rằng, so với nhiều đồng nghiệp, mình còn phải học tập rất nhiều. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi, họ dường như sinh ra để dành cho nghề giáo, điều đó thể hiện rất rõ ở tác phong, năng khiếu sư phạm, qua tiếp xúc với học sinh, cách truyền thụ, chữ viết...
Tuy chưa hài lòng về bản thân nhưng tôi nghĩ rằng, mình sẽ nỗ lực hết sức để làm tốt công việc của mình. Tôi sẽ cố gắng là một người đầy tình yêu thương và dành tình yêu cho học trò của mình và công việc của mình.
P.V: Những thành công của cô Quỳnh Anh trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn gắn với người chồng và cũng là người đồng nghiệp của mình - thầy giáo Nguyễn Tường Lân. Trong thực tế, cả hai đã hỗ trợ nhau như thế nào để có thể có được nhiều mùa thi thành công?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Cá nhân hai chúng tôi là hai bộ phận độc lập - một người dạy về Hóa học vô cơ và một người dạy về Hóa học hữu cơ. Tuy nhiên, chúng tôi có thể hỗ trợ nhau trong quá trình giảng dạy như tìm kiếm tài liệu, dịch đề thi nước ngoài. Cá nhân tôi lại chủ yếu chấm bài, theo dõi sự tiến bộ của học sinh... Chúng tôi cũng cố gắng tôn trọng công việc riêng của từng người, tránh tranh cãi để đem đến kết quả tốt nhất.
P.V: Năm học này, chị đã có một mùa "vàng" khi vừa có học sinh đạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympia Hóa học quốc tế, vừa có 5 học sinh đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Lớp của chị cũng có 2 học sinh đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và được UBND tỉnh tặng Bằng khen tại lễ tuyên dương. Những thành tích này, nó có ý nghĩa như thế nào với riêng chị và các học trò?
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh: Mặc dù đây là một buổi lễ dành riêng cho học trò nhưng mỗi một mùa tuyên dương chúng tôi đều thấy vui, tự hào bởi sau nhiều nỗ lực của học sinh đã được đền đáp xứng đáng. Tôi phải khẳng định, đây là nỗ lực của học sinh và là thành tích của học sinh, ngay như với Quốc Anh cũng vậy. Bởi lẽ, chúng tôi chỉ là người hướng dẫn, là người dạy những bước ban đầu, còn sau này các em đều tự học, tự phấn đấu.
Với học trò, lễ tuyên dương còn là mục tiêu mà các em hướng tới trên chặng đường học tập, rèn luyện. Việc các em được đứng trên bục tuyên dương là cơ hội để các em đền đáp công ơn của bố mẹ, làm cho thầy cô được tự hào... Đây là cơ hội để ghi nhận thành quả 12 năm học và điều đó là rất cần thiết, là sự khích lệ để học sinh nỗ lực cố gắng.
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh và các thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi. Ảnh: NVCC
Thành công của các em còn là thành công của tập thể giáo viên, của nhà trường và có cả những thầy giáo "thầm lặng" phía sau. Và chúng tôi luôn hạnh phúc khi sau mỗi mùa thi lại có thêm nhiều học sinh được có tên trong bảng vàng thành tích của tỉnh và được vinh danh.
P.V: Xin cảm ơn chị và chúc chị có một năm học mới với nhiều thành công!
Tại lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc tế, quốc gia và học sinh đạt điểm cao năm 2020 vào tối 19/9, cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh và thầy giáo Nguyễn Tường Lân đều được UBND tỉnh tặng Bằng khen và khen thưởng nhờ có thành tích trong việc bồi dưỡng cho em Phạm Trung Quốc Anh đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2020.
Niềm vui khôn xiết của phụ huynh có con trúng tuyển lớp 10 Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 năm học 2020-2021 vào chiều 10.8, nhiều phụ huynh vui mừng khi biết được con mình đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sau bao ngày lo lắng, chờ đợi... Phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021 - LÊ THANH Nhớ mãi ngày...