Đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp học: Sẽ giải quyết ra sao khi áp dụng chương trình phổ thông mới?
Tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới vào chiều 27/12, nhiều ý kiến băn khoăn, liệu có chuẩn bị kịp sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới? Việc quá tải lớp học ở một số vùng lõi đô thị được giải quyết ra sao khi áp dụng chương trình?
Đã tính đến chuyện thừa/ thiếu giáo viên
Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT), từ năm 5 trước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Sở GD&ĐT và các trường Sư phạm để tổ chức những khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán theo hướng phát triển định hướng học sinh và xây dựng chủ đề liên môn.
“Những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến, khi đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua internet, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới”, ông Minh khẳng định.
Trước lo ngại vấn đề thừa thiếu giáo viên, ông Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị thực hiện rà soát giáo viên để có đề xuất với Bộ Nội Vụ để tuyển sinh, đồng thời tính toán lại định mức công việc của giáo viên để có thể đáp ứng được chương trình mới.
Theo ông Minh, khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới không thiếu vì số giáo viên cần để dạy chương trình mới và chương trình cũ không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Toàn Vũ)
“Bộ cũng đã tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên. Bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm. Đồng thời các tỉnh cũng đã rà soát số lượng, cơ cấu chất lượng để có phương án cùng với Bộ Nội vụ đề xuất, bổ sung kịp thời.
Đối với những môn tự chọn ở cấp THPT, Bộ cũng đã tính đến việc tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo phát huy tất cả hoạt động trao đổi, thảo luận, định hướng nhóm chọn cho học sinh. Bộ cố gắng làm sao kiểm soát được số lượng giáo viên và các địa phương cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giáo viên.
Những việc này, Bộ đã tính và đồng thời cũng giao cho các đơn vị nghiên cứu lại định mức làm việc của giáo viên để có cơ cấu hợp lý, giúp các địa phương không bị động”, ông Minh cho biết.
Đề xuất nâng tầng ở một số trường
Để triển khai chương trình phổ thông mới các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp ở THCS và THPT.
Video đang HOT
Tại buổi công bố chương trình mới, nhiều người đặt ra lo ngại, với tình trạng sĩ số quá tải ở Hà Nội và TPHCM, phải có cách giải quyết để đủ điều kiện áp dụng chương trình phổ thông mới.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Toàn Vũ)
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ sẽ điều chỉnh lại quy chuẩn về cơ sở vật chất. Cục Cơ sở vật chất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ quy định diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh; chẳng hạn sẽ không tính theo chuẩn là số học sinh/lớp mà sẽ là số diện tích dành cho học sinh/lớp.
Cũng theo Cục trưởng Hùng Anh, theo báo cáo của các địa phương thì tỷ lệ trung bình trên cả nước là 28,5 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học. Trong đó vùng Tây Bắc là 23 học sinh/lớp, Tây Nguyên là 26 học sinh/lớp và Tây Nam Bộ là 27.
Như vậy nếu xét mặt bằng chung thì tỷ lệ học sinh trên lớp là đáp ứng yêu cầu (theo quy định sĩ số là 35). Tuy nhiên một số thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì lại vượt quá.
Để khắc phục, Bộ đang chỉ đạo các địa phương tháo gỡ bằng việc rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp; cho phép ở các thành phố lớn được nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện, nhằm bố trí thêm lớp học.
Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các địa phương tháo gỡ bằng việc rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp; cho phép ở các thành phố lớn được nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện, nhằm bố trí thêm lớp học. (Ảnh minh họa)
Trước đó, trả lời về vấn đề này tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do UBND TP Hà Nội tổ chức đầu tháng 1/2018, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa phổ thông mới, cho rằng, ông rất chia sẻ với các băn khoăn về việc quá tải lớp học.
Tuy nhiên, việc đảm bảo cơ sở vật chất cần được khắc phục theo lộ trình: “Công nợ trả lần, cháo nóng húp quanh”, bây giờ đang khó khăn, nếu đòi hỏi tất cả các lớp đều có sĩ số ở cả 3 cấp học theo đúng quy định thì không thể thực hiện được.
“Với lộ trình cuốn chiếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, năm đầu tiên thực hiện sẽ chỉ ở lớp 1, sau đó đến các lớp tiếp theo. Như vậy các địa phương sẽ có điều kiện, thời gian đầu tư dần dần, từng lớp một chứ không phải đáp ứng ngay một lúc”, GS Thuyết cho biết.
Ông cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các thành phố có sĩ số lớp ở vùng lõi đông, cần quan tâm xây thêm nhiều trường lớp để đáp ứng được các yêu cầu.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Chương trình ETEP: Hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức
Phải thường xuyên tự "nâng cấp", tự đổi mới mình thì mới có thể đáp ứng những đòi hỏi gắt gao từ thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhận thức rõ điều này, không ít các thầy cô giáo đã có ý thức tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng hành cùng với họ là sự hỗ trợ từ ETEP với những kỳ vọng ở phương pháp tự bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả.
Một buổi tập huấn giáo viên của Chương trình ETEP
Bồi dưỡng đến tận tay người học
TS Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Chương trình ETEP cho biết: Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lí (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016 nhằm phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục (QLGD) để nâng cao năng lực đội ngũ GV và CBQL cơ sở GDPT, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tính đột phá của ETEP là mang chương trình bồi dưỡng đến tận tay người học với hình thức bồi dưỡng qua mạng. Chương trình ETEP có mục tiêu cốt lõi là bồi dưỡng thường xuyên, phát triển năng lực cho đội ngũ GV và CBQL cơ sở GDPT bằng một mạng lưới hỗ trợ tự bồi dưỡng.
Mạng lưới hình thành bởi chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt, đội ngũ cốt cán hỗ trợ cho GV và CBQL cơ sở GDPT của 63 tỉnh thành. Hình thức bồi dưỡng được đổi mới, đó là tăng cường ứng dụng CNTT, đào tạo trực tuyến để bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo một cách thường xuyên, liên tục, tại chỗ.
Để giúp đội ngũ nhà giáo tự bồi dưỡng hiệu quả, ETEP đang xây dựng Hệ thống Quản lý học tập (LMS), Hệ thống Thông tin quản lý bồi dưỡng GV (TEMIS) qua mạng. Toàn bộ các chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà ETEP phát triển cũng như nguồn học liệu mở sẽ được kết nối với hệ thống này. Đặc biệt, các GV và CBQL được hỗ trợ liên tục bởi mạng lưới hỗ trợ gồm đội ngũ chuyên gia sư phạm và đội ngũ cốt cán.
"Khi có thêm những công cụ học tập đắc lực trong tay, cùng sự hỗ trợ, đồng hành tin cậy từ ETEP, các thầy cô giáo chắc chắn sẽ có thêm sự tự tin và đạt hiệu quả cao hơn trong hành trình tự nâng cấp bản thân"
ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chương trình ETEP sẽ hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động tự bồi dưỡng của GV và CBQL. Mạng lưới này có sự tham gia của chuyên gia đến từ 7 trường đại học sư phạm, Học viện QLGD cùng đội ngũ nhà giáo cốt cán của 63 tỉnh thành. Đội ngũ chuyên gia và cốt cán sẽ hỗ trợ GV và CBQL tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, giúp nâng cao phẩm chất, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ.
Đánh giá cao vai trò của đội ngũ GV và CBQL GD cốt cán, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Phó Trưởng Khoa QLGD - Học viện QLGD cho rằng: Đội ngũ GV và CBQL cốt cán đóng vai trò quan trọng trong thực hiện công tác đổi mới chương trình GDPT sắp tới.
Để có thể chuyển tinh thần đổi mới, phương pháp dạy học mới cũng như quản lý mới theo kịp tiến độ cần dựa vào lực lượng cốt cán để bảo đảm quá trình tập huấn, bồi dưỡng tạo sự lan toả nhanh nhất và rộng nhất. Cán bộ quản lý cốt cán là những người công tác ở các nhà trường, các địa phương nên họ là nòng cốt để triển khai thực hiện, bồi dưỡng không chỉ một lần, mà đồng hành để khi nhà trường, địa phương có vướng mắc sẽ là người hỗ trợ GV, CBQL cơ sở để tháo gỡ.
Dự kiến sẽ có khoảng 28.000 GV phổ thông cốt cán, 4.000 CBQL cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng 54 module liên tục trong 3 năm. Đội ngũ cốt cán này cùng các chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 GV phổ thông và 70.000 CBQL cơ sở GDPT qua mạng Internet.
Giải đáp kịp thời những thắc mắc
Đối tượng được thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng qua mạng Internet từ Chương trình ETEP chính là đội ngũ GV và người làm công tác QLGD.
Cô Lê Thị Huyền - GV Trường Tiểu học Thụy Lâm A (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ: "Chúng tôi cảm thấy rất tự tin khi nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ trường sư phạm, các GV cốt cán trong quá trình tự bồi dưỡng qua mạng. Có khó khăn gì, vướng mắc ở đâu chúng tôi sẽ được giải đáp kịp thời. Đó là điều chúng tôi thấy rất thuận lợi, ưu việt ở phương thức bồi dưỡng này".
Còn bà Lê Thị Khuyên - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Na Rì (Bắc Kạn) - cho biết: "Tự bồi dưỡng qua mạng sẽ không bị gò bó về thời gian và tâm lý. Người học có thể tự bố trí thời gian phù hợp, có thể là tranh thủ bất cứ thời gian rảnh rỗi nào để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho mình".
Khẳng định tính ưu việt của hình thức bồi dưỡng mới mà ETEP mang đến cho GV và CBQL GD, ông Nguyễn Ngọc Dũng khái quát: Thay vì đến lớp mất thời gian, tốn kém chi phí, người học có thể học ở bất kì đâu, chủ động được cả không gian và thời gian học tập. Người học được hỗ trợ tại chỗ, qua mạng bởi các chuyên gia và đội ngũ cốt cán.
Chương trình ETEP kì vọng sẽ bồi dưỡng, phát triển một thế hệ nhà giáo mới, năng động, sáng tạo, biết chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp, liên tục phát triển chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thỏa mãn nhu cầu học tập của nhân dân, và trên tất cả là vì sự phát triển, quyền lợi và hạnh phúc của HS.
Tới đây, sau khi hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, hệ thống quản lý, bồi dưỡng qua mạng Internet, Chương trình ETEP sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ cho GV phổ thông cốt cán, CBQL cơ sở GDPT cốt cán, giảng viên sư phạm, giảng viên QLGD chủ chốt, sau đó sẽ triển khai đại trà.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Trường Tiểu học Nga Lĩnh - Thanh Hoá: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nga Lĩnh luôn tự hào là đơn vị đứng đầu huyện trong công tác giáo dục với những thành tích nổi bật về học tập và rèn luyện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường luôn cố gắng duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao, đổi mới việc dạy và học....