Đổi mới “tour” trải nghiệm bắt nhịp chương trình mới
Nhằm bắt kịp đổi mới Chương trình GDPT 2018, nhiều đơn vị, tổ chức kinh doanh ở lĩnh vực này đã điều chỉnh, thiết kế lại một số “tour” trải nghiệm để đáp ứng yêu cầu của nhà trường.
Học sinh tại TPHCM tham gia hoạt động trải nghiệm của dự án “chuyến đi trải nghiệm”. Ảnh. H.A
Song song đó, các trường cũng chủ động kế hoạch, sáng tạo để phục vụ việc học tập trải nghiệm của học sinh đạt hiệu quả.
Mô hình hay
Để tiệm cận với Chương trình GDPT mới, nhiều năm qua, các trường học tại TPHCM đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thông qua chuyên đề, kế hoạch hiệu quả. Tuy nhiên, theo đại diện các trường, với một số hoạt động cụ thể như tham gia trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường cũng cần có sự đồng hành của phụ huynh trong vấn đề xã hội hoá, bởi vì nhà trường khó “kham” nổi kinh phí. Ngoài ra, để trải nghiệm một hoạt động cần có sự đầu tư về mặt cơ sở vật chất, nguồn lực… nhưng hiện một số trường chưa thể đáp ứng được.
Nắm bắt thực tế này, mới đây khu sinh thái giáo dục Về quê phối hợp với nhóm tác giả gồm Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh thiết kế và cho ra đời dự án Chuyến xe trải nghiệm. Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường có nhiều hoạt động giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm cho trẻ, qua đó, góp phần bồi dưỡng những phẩm chất, phát triển năng lực theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018.
Dự án gồm 8 tour trải nghiệm để học sinh và nhà trường chọn lựa phù hợp với kế hoạch giáo dục của mình gồm: Tour trải nghiệm chân trời sáng tạo; tự nhiên xã hội địa phương TPHCM; trải nghiệm tự nhiên xã hội Nam Bộ; kỹ năng sống (đầu và cuối cấp tiểu học); trải nghiệm khoa học và lịch sử bậc THCS; trải nghiệm khoa học và hướng nghiệp bậc THPT.
Video đang HOT
Để thiết kế các tour trải nghiệm này, các soạn giả và đơn vị phối hợp đã tham khảo văn bản, quy định, tài liệu có liên quan trong đó trọng tâm nhất là Chương trình GD phổ thông tổng thể 2018, bộ SGK được sử dụng trong nhà trường từ năm học 2020 – 2021.
Song song đó, các soạn giả cũng tham khảo thêm ý kiến chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, sư phạm, chính trị học, văn hoá học, kỹ năng sống… để có những bổ sung sáng tạo và đặc thù riêng của dự án.
Học sinh Trường THCS Minh Đức, Quận 1 tham gia học tập trải nghiệm.
Sáng tạo để nâng cao hiệu quả
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng từ năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 có 3 tiết hoạt động trải nghiệm/tuần. Tùy vào thiết kế của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, có thể đó là tiết sinh hoạt chung dưới cờ, tiết sinh hoạt tập thể…
Theo cô Nguyễn Thanh Thảo, giáo viên tiểu học tại quận Thủ Đức, hoạt động trải nghiệm ở tiểu học, nhất là với học sinh lớp 1 rất đơn giản. Giáo viên đều linh hoạt để thực hiện để giúp các em hình thành các kỹ năng cơ bản qua việc lồng ghép vào từng chủ đề cụ thể. Cha mẹ học sinh cũng có thể phối hợp cùng, ví dụ như cùng con dọn dẹp nhà cửa, cùng đi siêu thị… và quay phim lại để hỗ trợ giáo viên trong tiết trải nghiệm.
Ở bậc trung học, theo cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Quận 1, tùy vào từng khối lớp, chuyên đề cụ thể, nhà trường sẽ lên kế hoạch để các em có hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường hiệu quả, đi vào chiều sâu. Trường có 4 hoạt động cố định dành cho 4 khối qua từng năm. Cụ thể khối 6 tham gia hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn tại Bảo tàng Lịch sử và tìm hiểu về múa rối nước. Khối 7 học tập trải nghiệm tại Thảo Cầm Viên; khối 8 học tập tại Dinh Thống Nhất, khối 9 tham gia hướng nghiệp tại một số cơ sở.
Ngoài hoạt động cố định, căn cứ vào đề xuất của tổ chuyên môn sẽ có thêm một số hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp khác. Ví dụ như đầu năm học này, học sinh khối 9 tham gia học tập liên môn tại huyện Cần Giờ. Khối 8 và 9 trải nghiệm khám phá xe buýt mui trần 2 tầng… hay như mang những trưng bày của Bảo tàng Lịch sử về sân trường cho các em học tập, tìm hiểu làm việc theo nhóm. Những hoạt động này đều được tính vào điểm thành phần.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm trong trường trung học năm học 2020 – 2021. Theo đó, việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai. Do đó, khi tổ chức học tập trải nghiệm – tiết học ngoài nhà trường, các cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án học tập tương đương cho các em học sinh không tham gia.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình chính khoá phải được bố trí 2 tiết/tháng; Cần đổi mới nội dung các chủ đề phù hợp với xã hội hiện nay như Nghề tương lai trong cách mạng 4.0; giao tiếp mạng xã hội;
Smartphone trong đời sống xã hội, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình; Tăng cường thay đổi hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong nhà trường. Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo.
Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) cho hay: Dựa vào hướng dẫn của Sở GD&ĐT, cũng như kế hoạch của từng tổ bộ môn, nhà trường sẽ duyệt kế hoạch trong các hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa liên môn… với hai hình thức: Hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường như đến học tập, tham quan một nhà máy, một cơ sở sản xuất… phục vụ cho kế hoạch học tập, học sinh, phụ huynh sẽ được thông tin cụ thể và đăng kí. Với những em này sẽ được thiết kế các hoạt động trải nghiệm thực tế, bố trí giáo viên hướng dẫn đi cùng, thực hiện các bài báo cáo và khi có những phát sinh về kinh phí sẽ được thông tin cụ thể với phụ huynh học sinh.
Còn với những em còn lại vẫn được học tập theo kế hoạch để bảo đảm nội dung, kiến thức phù hợp ngay tại trường với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Các em sau khi tìm hiểu sẽ có bài thu hoạch với những câu hỏi được các giáo viên chuẩn bị theo kế hoạch. Những kế hoạch này đều được tổ bộ môn, nhà trường phê duyệt nhằm bảo đảm kiến thức tương đương nhau giữa 2 hình thức nói trên.
TP HCM ra mắt "Chuyến xe trải nghiệm" cho học sinh
Dự án "Chuyến xe trải nghiệm" vừa chính thức ra mắt tại TP HCM nhằm phục vụ cho hoạt động trải nghiệm của học sinh (HS) trên địa bàn.
Dự án được triển khai bởi "Khu sinh thái giáo dục Về Quê" phối hợp với nhóm tác giả là TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP HCM), ThS Lê Thị Hồng Anh (Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) thực hiện.
Theo nhóm tác giả, để có cơ sở thiết kế các tour trải nghiệm này, nhóm tác giả và đơn vị phối hợp đã tham khảo các văn bản, quy định, tài liệu có liên quan trong đó 2 văn bản trọng tâm là chương trình giáo dục phổ thông mới, các bộ sách giáo khoa (SGK) đang được sử dụng trong nhà trường từ năm học 2020-2021. Đồng thời, tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, sư phạm, chính trị học, văn hóa học, kỹ năng sống...
Một tiết học trải nghiệm của học sinh TP HCM
Dự án ra đời hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường có nhiều hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống... cho HS. Thông qua đó, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, phát triển năng lực theo tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Dự án gồm 8 tour trải nghiệm để HS và nhà trường chọn lựa phù hợp với kế hoạch giáo dục của mình gồm: trải nghiệm chân trời sáng tạo, trải nghiệm tự nhiên xã hội địa phương TP HCM, trải nghiệm tự nhiên xã hội Nam Bộ, trải nghiệm kỹ năng sống (đầu cấp tiểu học), trải nghiệm kỹ năng sống (cuối cấp tiểu học), trải nghiệm khoa học và lịch sử bậc THCS, trải nghiệm khoa học và hướng nghiệp bậc THPT.
Trong đó có nhiều hoạt động như nhận diện trang phục, giọng nói theo vùng miền; tham quan nhà trưng bày về phong trào Đồng Khởi với đuốc lá dừa, áo bà ba khăn rằn, thử bó đuốc dừa, tập hát vọng cổ; thực hành thoát hiểm khi chìm xuồng trên sông; thực hiện ươm cây, làm giá đỗ...
Theo TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ở lứa tuổi HS, "Chuyến xe trải nghiệm" sẽ mang lại cho các em môi trường học tập thực tế, hiệu quả. Tham gia trải nghiệm, các em được thấy tận mắt, được sờ tận tay, được nghe tận tai, nên các em sẽ có được kiến thức rất thực tế và mang dấu ấn sâu đậm trong tâm trí. Những lần trải nghiệm còn giúp các em mở rộng một số hoạt động đã học trong trường nhưng bị bó hẹp bởi không gian hạn chế, giờ sẽ được triển khai rộng hơn. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, các em sẽ có 105 tiết học trải nghiệm bắt buộc để đánh giá mà không phải chấm điểm.
Theo ThS Lê Thị Hồng Anh, hoạt động trải nghiệm của HS sẽ khác với các hoạt động ngoại khóa khi các em chỉ có đi tham quan, đi chơi. Với trải nghiệm thực tế, HS sẽ được thực hành những điều căn bản nhất về tự nhiên - xã hội, kỹ năng sống....
Hà Nội: Tăng cường kỉ cương, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Tăng cường kỉ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là phương hướng, nhiệm vụ của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học 2020-2021. Học sinh Hà Nội nhanh chóng thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới Chuẩn bị tốt điều kiện triển khai chương trình GDPT mới Theo...