Đổi mới ra đề thi tốt nghiệp: Rùa chậm hơn Thỏ nhanh
Trong xã hội hiện đại, đổi mới thường xuyên trong tất cả các lĩnh vực là điều được khuyến khích. Nhưng để mọi người làm quen, chấp nhận với những đổi mới thì lúc nào cũng cần có thời gian.
Ảnh minh họa
Thậm chí, với những vấn đề có ảnh hưởng trên diện rộng, tác động tới nhiều đối tượng xã hội khác nhau, lại càng cần phải có thời gian dài. Người ta vẫn thường gọi là cần “lộ trình đổi mới”.
Vì thế, khi đọc được tin Bộ GD&ĐT quyết định đổi mới cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, tôi giật mình thật sự.
Quan điểm của bạn về vấn đề này, cũng như tin, bài, ảnh, video cộng tác, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn
Tôi biết, thực trạng cho thấy, học sinh đang dần ít mặn mà với Ngữ văn. Văn chỉ là một môn thi bắt buộc, vì thế các em học theo kiểu đối phó, đủ điểm qua là một niềm vui lớn.
Chính vì thế, thay đổi cách ra đề thi cũng là cách “ngầm yêu cầu” học sinh hãy lưu tâm và để ý hơn với bộ môn xã hội đầy tính nhân văn này.
Trong những thay đổi lần này, tôi quan tâm nhất nội dung: với phần đọc hiểu (các đoạn trích văn bản, câu văn được đưa vào đề), đề thi sẽ hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa, ngữ điệu không lấy trong SGK nhưng phải vừa sức với học sinh, ít từ địa phương để học sinh cả nước đều hiểu được.
Từng là học sinh giỏi Văn thành phố, tôi thấy những tác phẩm mới ngoài chương trình, thường chỉ được đưa vào đề thi Văn dành cho học sinh giỏi, với mục đích đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ thực sự của học sinh. Giờ thì cách ra đề này được áp dụng với tất cả học sinh trong kì thi tốt nghiệp.
Có cái hay nhưng mà đáng lo ngại là phần nhiều.
Hay là ” triệt tiêu” lối học tủ học vẹt, học thụ động lâu nay của thí sinh. Nhưng e rằng, cách ra đề kiểu này cũng lắm rủi ro.
Thứ nhất, văn bản mới thì vô vàn. Cảm thụ văn học mang tính cá nhân, mỗi người hiểu một kiểu. Xử lí thế nào khi người viết hiểu một ý, người chấm hiểu một lẽ khác? Khi đó quy chuẩn nào để chấm bài?
Video đang HOT
Hơn nữa, những vấn đề mang tính cá nhân thường là quan điểm, mà quan điểm thì nào có ai đúng ai sai? Thế cớ sao, yêu cầu học sinh trình bày quan điểm mà lại để giáo viên phán quyết quan điểm đó thông qua điểm số?
Thứ hai, với thực trạng “lười học văn” như hiện nay, học sinh sẽ vô cùng lúng túng khi làm đề thi kiểu này. Tôi lo sợ rằng, chính cách ra đề này sẽ ” tạo điều kiện gián tiếp” để những “bài văn thảm họa” ra đời.
Tôi hình dung, nếu là thí sinh đi thi, gặp một văn bản mới toanh, tôi sẽ: một là cố “nặn ra ý tưởng”, cố viết, thậm chí phải “viết liều”. Hai là đã cố mà bất lực thì đành bỏ giấy trắng.
Nếu cứ theo quyết định này của Bộ, kết thúc kì thi tốt nghiệp năm nay, tôi “chờ đợi” những câu văn ngô nghê, những cảm nhận sống sượng, những thảm họa văn học của ngành giáo dục mới sẽ lộ diện ra sao?
Thứ ba, việc lựa chọn tác phẩm mới đưa vào đề thi đặt gánh nặng rất lớn cho hội đồng ra đề thi. Giáo viên, giảng viên, chuyên gia Văn học có thể hiểu được, cảm được tác phẩm, nhưng chưa chắc học sinh hiểu được, cảm được.
Tất nhiên, hội đồng ra đề sẽ phải thẩm định, đánh giá văn bản đó có phù hợp khả năng học sinh hay không. Nhưng lại phải nhớ nữa, đánh giá một vấn đề thuộc về ” khả năng” là khó vô vàn. Đó là lí do mà cũng một nội dung, người này bảo dễ, kẻ kia nhăn mặt khó.
Lần này , tôi thấy Bộ GD&ĐT có vẻ hạ quyết tâm lắm “cần phải quyết ngay ở khâu thi cử để tạo sự đột phá.”
“Giữa đáp ứng mục tiêu với đảm bảo an toàn thi đỗ 100% thì theo tôi cần ưu tiên việc đáp ứng mục tiêu dạy học” (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển).
Bộ có lí lẽ của Bộ. Nhưng lí lẽ mà không thuyết phục thì e rằng là phản tác dụng.
Tôi là sinh viên Luật chính quy. Tôi hiểu rằng, để ban hành một văn bản pháp luật mới, Quốc hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí người dân đều phải vào cuộc. Hội thảo, trao đổi, lấy ý kiến, tranh luận lên, hỏi đáp xuống, ngày này qua tháng khác… Tất nhiên cuối cùng để phục vụ cho mục đích đảm bảo tính khả thi và hợp lí của văn bản pháp luật đó với xã hội.
Quyết định của Bộ GD&ĐT cũng vậy. Tất nhiên, tôi không có ý so sánh mà cho rằng, quyết định của Bộ cũng phải có “quy trình ra đời ” chặt chẽ, phức tạp và mất công như thế.
Nhưng rõ ràng, ai cũng phải công nhận rằng, đổi mới thì cũng cần phải thận trọng. Đổi mới giáo dục là phải có lộ trình. Đổi mới cách kiểm tra chất lượng giáo dục phải có thí điểm trên diện hẹp, tổng kết, rút kinh nghiệm. Cớ sao lại quyết đổi chỉ trong ngày một ngày hai như thế.
Thực tế tôi thấy có trao đổi, có họp, hội thảo, nhưng kì lạ thay, nhân vật trung tâm của vấn đề này là các em học sinh thì chẳng thấy lấy ý kiến. Thay thì cứ thay, quyết định một cái “rụp” khiến học sinh “ngả ngửa”, giáo viên cũng lo âu.
Ai là người “chịu trận” cho quyết định này? Chẳng phải là các em học sinh cuối cấp, là những giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hay sao?
Còn một tháng nữa là thi tốt nghiệp, vậy thay đổi cách thức ra đề có lợi ích gì? Nâng cao chất lượng giáo dục là câu chuyện dài hơi của toàn ngành giáo dục. Liệu “Bộ ta” có đang kì vọng, quyết định này sẽ là một cuộc cách mạng trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay?
Cũng nên kì vọng như thế lắm chứ. Nhìn xa, phấn đấu mục tiêu tốt đẹp là tốt. Nhưng giờ mà thay đổi “giật mình và chóng vánh” thế này thì đáng lo ngại lắm.
Thiết nghĩ, là ” Rùa – chậm mà chắc” thì hay hơn là “phóng nhanh như Thỏ”!!!
* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.
Theo Tienphong
Tìm hiểu kỹ khi thi trường tuyển sinh riêng
62 trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng với các tiêu chí và cách tuyển khác nhau. Nếu không cẩn thận tìm hiểu kỹ, thí sinh sẽ mất cơ hội xét tuyển vào trường khác nếu chẳng may không trúng tuyển.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Minh Giảng
Theo đề án tuyển sinh riêng của các trường, có ba hình thức tuyển sinh chính: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét tuyển. Đa số các trường chỉ dành chỉ tiêu nhất định để tuyển sinh riêng, còn lại vẫn tham gia kỳ thi 3 chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên, có nhiều trường thi tuyển sinh riêng (mặc dù vẫn sử dụng đề của kỳ thi 3 chung) hoàn toàn và thí sinh không thể dùng kết quả này để xét tuyển vào trường khác nếu chẳng may không trúng tuyển.
Cơ hội ít hơn
Đơn cử như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Năm nay, lần đầu tiên trường tuyển sinh khối V1, H1 cho một số ngành, bỏ hẳn việc tuyển sinh bằng khối V và H. Đăng ký khối V1, thí sinh phải dự thi các môn toán, ngữ văn (theo đề khối D) và môn vẽ đầu tượng do trường ra đề. Khối H1, thí sinh phải thi các môn toán, ngữ văn (theo đề khối D) và môn vẽ trang trí màu do trường ra đề.
Như vậy thí sinh sẽ dự thi vào đợt 2. Thí sinh dự thi khối V ở các trường ĐH khác (thi đợt 1) có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Như vậy, mặc dù được phê duyệt đề án tuyển sinh riêng nhưng thực chất Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chỉ thay đổi tên gọi khối thi và môn thi bởi đề thi vẫn sử dụng đề thi của kỳ thi 3 chung như trước đây.
Tuy nhiên, thí sinh dự thi vào trường ĐH này cũng hết sức cân nhắc bởi hiện tại mới chỉ có một số trường có bổ sung khối V1, H1 vào khối tuyển sinh trong khi hầu hết các trường khác vẫn tuyển khối V và H. Như vậy, trong trường hợp không trúng tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cơ hội xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH khác sẽ ít hơn.
Tương tự, tuy cũng tuyển khối V1 nhưng ngành thiết kế thời trang tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại chỉ thi tuyển môn toán theo đề khối A, môn vẽ trang trí màu theo đề thi riêng của trường và môn văn chỉ xét kết quả học bạ THPT. Như vậy, thí sinh dự thi vào ngành này sẽ ít có cơ hội xét tuyển vào trường ĐH khác, thậm chí là không có cơ hội xét tuyển nếu trường ĐH đó không chấp nhận kết quả từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
TS Nguyễn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết ngành này kết hợp giữa thi và xét tuyển, thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng khi dự tuyển. Trong khi đó, mặc dù có đề án tuyển sinh riêng và thí sinh phải sơ tuyển trước khi thi, nhưng thí sinh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào trường khác nếu không trúng tuyển bởi các môn văn hóa vẫn thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT.
Cũng xét tuyển sinh riêng hoàn toàn nhưng ngành kiến trúc tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có cách tuyển tương tự như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Theo đó, thí sinh sẽ dự thi môn toán theo đề khối A, môn vẽ mỹ thuật theo đề của ĐH Đà Nẵng và xét tuyển học bạ THPT môn ngữ văn. Nhiều thí sinh băn khoăn liệu thí sinh không trúng tuyển có thể dùng kết quả này để xét tuyển vào trường ĐH khác hay không.
Với nhiều ngành chỉ xét tuyển học bạ THPT tại các trường ĐH như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Vinh... thí sinh sẽ có thêm cơ hội để xét tuyển bên cạnh kết quả khi tham gia kỳ thi 3 chung. Tuy nhiên, với những ngành vừa thi vừa xét như trên, thí sinh cần hết sức lưu ý. Theo quy định, trường tuyển sinh riêng có thể xét tuyển thí sinh tham dự kỳ thi 3 chung nhưng ngành tuyển sinh 3 chung lại không được xét tuyển thí sinh dự thi riêng. Năm 2013, thí sinh dự thi vào các trường khối nghệ thuật (chỉ xét kết quả học bạ môn ngữ văn), khi không trúng tuyển đã không được xét tuyển vào các trường ĐH khác.
TS Giang Thị Kim Liên - phó trưởng Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - chia sẻ: theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ những thí sinh dự thi theo phương thức ba chung của Bộ GD-ĐT mới được dùng kết quả dự thi trường này để xét tuyển ở các trường khác. Vì vậy, nếu thí sinh dự thi theo đề án tuyển sinh riêng và không trúng tuyển thì không được dùng kết quả xét tuyển cho trường khác. Ông Trịnh Hữu Chung - thành viên hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - cho biết trường chỉ tuyển sinh khối V, H nên những thí sinh thi khối V1, H1 không thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Rục rịch bổ sung khối thi
Hiện tại, một số trường ĐH đã bổ sung khối thi V1, H1 vào khối tuyển sinh của mình. Các trường ĐH Duy Tân, Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã bổ sung các khối thi này vào khối thi tuyển cũng như xét tuyển riêng của trường.
ThS Võ Văn Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang - cho biết năm 2014, Trường ĐH Văn Lang sẽ bổ sung khối V1, H1 đối với các ngành mỹ thuật công nghiệp và ngành kiến trúc. Tuy nhiên, trường này chỉ xét tuyển các khối V, H, V1 và H1 dựa trên kết quả thi ở các trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Nghệ thuật (Huế) và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).
Ông Nguyễn Quốc Anh - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết hiện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đang trình Bộ GD-ĐT phương án xét tuyển nguyện vọng bổ sung khối V1, H1 cho ngành kiến trúc, thiết kế thời trang và thiết kế nội thất. Trước mắt, việc thi tuyển nguyện vọng 1 vẫn chỉ tuyển sinh khối V và H.
Tuy nhiên, trong trường hợp thí sinh thi khối V1, H1 tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thì vẫn có thể đăng ký tham gia đề án tuyển sinh riêng của trường theo hình thức xét tuyển học bạ THPT. Đối với các môn văn hóa, trường sẽ xét tuyển theo điểm trung bình của 3 năm học lớp 10, 11, 12, còn môn năng khiếu có thể sử dụng điểm thi môn vẽ tại Trường ĐH Kiến trúc (nếu đạt từ 5 điểm trở lên) khi tham gia xét tuyển. Trường ĐH Hoa Sen dự kiến sẽ xét tuyển bổ sung khối V1 và H1 bên cạnh khối V và H.
Theo Tuoitre
TP.Hồ Chí Minh: Tuyển sinh lớp 1 không cần giấy chứng nhận mầm non Theo Sở GDĐT, năm học mới, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 là 119.614 chỉ tiêu, huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 theo tuyến do Ban tuyển sinh quận, huyện quy định. Ảnh minh hoạ. UBND TP nhấn mạnh, không nhận trẻ sớm tuổi và trẻ trái tuyến ngoài quận, huyện, bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh từ 1.7,...