Đổi mới phương pháp dạy Văn, giáo viên không cần dạy hết các văn bản trong SGK
Khi đề kiểm tra đã sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa, giáo viên không phải dạy hết các văn bản trong sách giáo khoa nữa.
Hiện nay, trong sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ thông nói riêng, trung học nói chung, các tác giả có giới thiệu nhiều văn bản về một chủ đề, nhưng thời gian dạy không nhiều.
Trước thực tế đó, người viết xin giới thiệu cuộc trao đổi kinh nghiệm dạy học với cô Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có kinh nghiệm hơn 10 năm chuyên làm công tác học sinh giỏi (tỉnh, khu vực, quốc gia), nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ: “Có 2 thứ quan trọng khi dạy học mà giáo viên cần lưu tâm. Thứ nhất, yêu cầu cần đạt (về phẩm chất, năng lực). Thứ hai là xu hướng kiểm tra đánh giá. Nắm được hai điều này, thầy cô sẽ không cảm thấy nặng nề khi dạy học”.
Theo cô Dương, tâm lí lo ngại của giáo viên tập trung ở chỗ: có quá nhiều văn bản phải dạy trong khi thời lượng quá eo hẹp.
Ví dụ: Bài Vẻ đẹp của thơ ca, ở bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, đưa ra 5 văn bản: 3 bài thơ Haiku, Thu hứng (Thơ Đường Trung Quốc), Mùa xuân chín, rồi 1 văn bản bình giá về thơ của nhà phê bình Chu Văn Sơn…
Thầy cô sẽ lo lắng, làm sao giới thiệu được đặc trưng thơ Haiku, thơ Đường, thơ mới Việt Nam trong thời lượng hạn chế như vậy.
Nhưng thực ra yêu cầu chỉ là: phân tích và đánh giá được được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ.
Như vậy, 5 văn bản hay 10 văn bản, cuối cùng cũng chỉ để học sinh hiểu về đặc trưng của thơ, từ việc hiểu này, vận dụng để phân tích bất cứ một tác phẩm nào.
Cô Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: NVCC
Vấn đề của chương trình mới là “cách” chứ không phải “cái”, 5 văn bản hay 10 văn bản chỉ là “cái”, chúng ta chọn 5, hay 10 hay chỉ 1 cũng được, miễn dạy được “cách” cho học sinh.
Video đang HOT
Mặt khác, Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông ghi rõ: Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
Do đó, xu hướng kiểm tra, thi cử sẽ không dùng văn bản trong trong 3 bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh Diều) mà căn cứ vào thể loại và lựa chọn văn bản ngoài sách giáo khoa.
Khi kiểm tra, thi cử, Bộ, Sở sẽ không dùng văn bản trong trong 3 bộ sách (Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh Diều) mà kiểm tra căn cứ vào thể loại.
Ví dụ, ra đề vào thơ, sẽ lấy 1 văn bản thơ ngoài chương trình sách giáo khoa, đây là điểm khác biệt so với chương trình và lối kiểm tra cũ, tránh được việc đoán đề trúng tủ văn bản đã từng xảy ra trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua.
Kiểm tra trong chương trình cũ, thầy cô phải dạy học sinh hết các văn bản, mỗi văn bản lại phải dạy thật kĩ từng vấn đề.
Còn khi đề kiểm tra đã sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa, giáo viên không phải dạy hết các văn bản trong sách giáo khoa nữa.
Cô Dương nhấn mạnh: Thứ nhất, thầy cô nên xóa bỏ tư tưởng phải dạy hết các văn bản trong sách giáo khoa mà thay vào đó là chọn văn bản trong sách giáo khoa phù hợp với điều kiện từng lớp, tránh tình trạng bao đủ các văn bản nhưng không giúp học sinh nắm được đặc trưng thể loại đến nơi đến chốn.
Thầy cô chỉ cần tập trung xoáy sâu, làm kĩ 1 hoặc 2 văn bản, các văn bản khác cho tìm hiểu khái quát, học sinh tự trình bày cảm nhận riêng.
Thứ hai, trên tinh thần đó, thậm chí giáo viên không chọn dạy văn bản nào trong sách giáo khoa cũng được, miễn là ra được đặc trưng thể loại (nhưng để tiệm cận với các đề thi tập trung, khi các đơn vị sử dụng chung 3 bộ sách, nếu lựa chọn các văn bản ngoài sách giáo khoa, nên chọn tác phẩm của các tác giả được đề cập đến trong 3 bộ sách. Ví dụ: không dạy tác phẩm Mùa xuân chín thì dạy Đây thôn Vĩ Dạ… cùng của Hàn Mạc Tử…)
Đổi mới giáo dục đang chuyển trọng tâm vào “cách” chứ không phải “cái”. Thực tế, trong quá trình dạy học, làm thế nào để khơi gợi tư duy cho học sinh, làm thế nào để các em học một biết mười, phát triển và thể hiện năng lực suy nghĩ độc lập, hình thành được “cách”, vốn không dễ dàng, nhưng cố gắng chắt lọc vẫn làm được.
Đề thi môn Ngữ văn có thể lấy văn bản ngoài sách giáo khoa, cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ suy nghĩ của mình:
“Theo tôi, việc lấy văn bản ngoài sách giáo khoa vào đề thi tập trung cũng có khó khăn, đành rằng phân tích đặc trưng thể loại, nhưng muốn hiểu đúng các đặc trưng thể loại đó cũng cần phải có bối cảnh (hoàn cảnh ra đời, thông tin về chủ thể sáng tạo), phải đặt trong chỉnh thể của toàn bộ văn bản.
Trong khi đó, một đề thi cùng lắm chỉ 2 mặt giấy, vậy nếu ra vào tác phẩm văn xuôi thì sao? Sẽ buộc phải trích dẫn thôi, đây cũng là khó khăn trong việc định hình một đề thi theo hướng mới.
Ngay cả với văn bản thơ ngoài chương trình, cũng cần cung cấp thông tin bối cảnh thì sự phân tích mới ngọn ngành được.
Thành ra, nếu đề thi vẫn giữ phần viết luận gắn với văn bản văn học theo đặc trưng thể loại, rất cần minh họa từ Bộ”.
Một số giáo viên từng bày tỏ băn khoăn dạy học sinh giỏi phần nghị luận xã hội nên bắt đầu từ đâu và dạy như thế nào, hay ngỏ ý muốn xin bài viết nghị luận xã hội của học sinh giỏi và xu hướng kiểm tra trong tương lai.
Hiện, cô Đỗ Thị Thúy Dương đang xây dựng khóa học về nghị luận xã hội (bồi dưỡng học sinh giỏi 8,9,10,11,12; thi đánh giá năng lực) trên tinh thần cốt lõi: chia sẻ một cách dạy/học văn học nghị luận xã hội với mô hình lớp học tự nhiên qua Zoom.
Xét riêng mảng nghị luận xã hội, tài liệu tương đối nhiều nhưng ít có cuốn sách/khóa học nào tập trung phát triển hệ thống giáo dục cách cho học sinh giải quyết một vấn đề nghị luận xã hội, cô Dương mong tâm huyết của mình sẽ giúp học sinh làm bài thi tốt hơn.
Mong những ý kiến tâm huyết của cô Đỗ Thị Thúy Dương sẽ giúp quý thầy cô giáo, giúp học sinh có phương pháp dạy, học Ngữ văn tốt hơn.
Vấn đề đặt ra cho việc sử dụng sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông
Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách và năng lực của giáo viên.
Vai trò của giáo viên trong giáo dục phổ thông hết sức quan trọng trong sử dụng sách giáo khoa.
Nền tảng của việc dạy học
Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách giáo khoa cũng như phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc khai thác nguồn học liệu này. Thông thường, sách giáo khoa được xem là tài liệu triển khai chương trình giáo dục trên lớp học dành cho giáo viên và học sinh. Về việc này, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam và nhóm nghiên cứu chỉ ra:
Sách giáo khoa là nền tảng của việc giảng dạy, cụ thể hóa nội dung chương trình với lối trình bày rõ ràng, đơn giản, được sắp xếp theo trình tự và cấu trúc nhất định. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng, từ đặc điểm của các môn học, cấp học, bối cảnh lớp học và trường học có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng sách giáo khoa. Thêm vào đó, vai trò của sách giáo khoa cũng thay đổi một cách tự nhiên theo thời gian, thể hiện qua các khía cạnh nội dung và thiết kế.
Trong bối cảnh lớp học, sách giáo khoa được sử dụng cho nhiều mục đích và trong các ngữ cảnh khác nhau. Sách giáo khoa là công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh lập kế hoạch dạy học, giới thiệu nội dung, cung cấp hệ thống hoạt động, bài tập, hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên đạt được mục tiêu môn học. Trong đó 6 chức năng của sách giáo khoa bao gồm: Cấu trúc, trình bày, hướng dẫn giảng dạy, tạo động lực, sự khác biệt, thực hành và đánh giá. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra chức năng tích hợp của sách giáo khoa, " làm nền cho việc hiểu và tích hợp kiến thức mà học sinh nhận được từ các nguồn tài liệu khác".
Sử dụng sách giáo khoa cần phải như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học.
Thống nhất chung cho thấy việc sử dụng sách giáo khoa như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học và làm cơ sở cho việc dạy và học. Ngoài ra, sách giáo khoa còn có chức năng hỗ trợ các giáo viên mới nhờ cung cấp cho họ một tài liệu giảng dạy chuẩn mực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng không có một quyển sách giáo khoa nào có thể phù hợp với tất cả các đối tượng. Nên chắc chắn sẽ không có cuốn sách giáo khoa nào được coi là mẫu mực, lý tưởng cho mọi giáo viên, học sinh và bối cảnh dạy học. Chính vì thế, khi sử dụng sách giáo khoa cần chú ý đến các yếu tố linh hoạt và thích ứng.
Áp dụng vào thực tế
Nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh cho biết: Thực tế cho thấy, cách tiếp cận của các giáo viên đối với việc sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng. Nhiều giáo viên bị ràng buộc hoặc bị lệ thuộc vào sách giáo khoa, họ tuân thủ các hướng dẫn trong sách giáo khoa, không thực hiện hoặc chỉ thực hiện những thay đổi và bổ sung nhỏ cần thiết để tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa việc dạy. Mặt khác, một số giáo viên linh hoạt hơn, chủ động thay đổi lựa chọn nguồn học liệu hoặc hướng dẫn phù hợp. Việc điều chỉnh sách giáo khoa để phù hợp với nhu cầu người học, cần cân nhắc những ưu nhược điểm trong việc sử dụng sách giáo khoa để từ đó định hướng cách sử dụng phù hợp nhất.
Việc sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng.
Trong quá trình dạy học, việc thích ứng, sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng. Không nên quá phụ thuộc vào sách mà cần thích ứng cho phù hợp với bối cảnh, nhu cầu hứng thú và đối tượng học sinh. Nghiên cứu chỉ ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, giáo viên phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa và do đó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến phương pháp sư phạm trong khi các quốc gia phát triển như Phần Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore đã thúc đẩy sự chủ động và vai trò của giáo viên trong việc sử dụng sách giáo khoa.
Thực tế phần lớn các trường học ở Ả Rập đã theo phương pháp lấy sách làm trung tâm. Giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào sách giáo khoa mặc dù chương trình giảng dạy có thể hoặc nên liên quan đến nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc giảng dạy thực tế cho thấy giáo viên phần lớn dựa vào các hướng dẫn trong sách giáo khoa. Điều này có một số lý do như áp lực về việc đảm bảo chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục, giáo viên thiếu các kỹ năng cần thiết để sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau.
Liên quan đến kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa, nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh dẫn chứng và cho rằng, các giáo viên điều chỉnh và bổ sung các hoạt động phù hợp để tạo môi trường học tập thú vị giúp học sinh tương tác tích cực hơn. Ngoài ra, giáo viên có thể thêm các bài tập để thực hành cho các mạch nội dung quan trọng hoặc điều chỉnh thời gian học cho các đối tượng học sinh. Giáo viên có thể bỏ qua các phần khó hiểu hoặc không liên quan của một bài hoặc trình bày lại các phần của bài để phù hợp với đối tượng học sinh.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, quy trình xuất bản một cuốn sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là thái độ của giáo viên và cách giáo viên sử dụng sách giáo khoa trong lớp học. Hiện nay, giáo viên được yêu cầu tạo điều kiện và tự chủ hơn cũng như sử dụng nhiều chiến lược giảng dạy và đánh giá dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của học sinh. Đây cũng là xu hướng sử dụng sách giáo khoa được các quốc gia phát huy, như ở Nhật giáo viên có một mức độ tự chủ đáng kể trong việc sử dụng sách giáo khoa một cách sáng tạo.
Đánh giá năng lực học sinh sao cho đúng người, đúng thời điểm Năng lực đánh giá học sinh là một trong những hạn chế của nhiều giáo viên. Cô và trò Trường Tiểu học Thăng Long - Hà Nội tham gia trải nghiệm trong ngày hội sách. Ảnh: Thế Đại Theo ý kiến chuyên gia, cần nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu về mục đích, vai trò của kiểm tra đánh giá; từ đó giúp...