Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: Riêng hay chung?
Thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới. Nhiều chuyên gia khẳng định phải tách rời hai hoạt động này, trong khi cũng không ít người có ý kiến ngược lại.
Một phòng thi tại điểm thi THPT Việt Yên (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp – Ảnh: VĨNH HÀ
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo đều đã dự liệu hướng đi riêng cho mình.
Để các trường tự chủ tuyển sinh
TS Lâm Thành Hiển – hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng – cho rằng đã đến lúc bỏ việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH vì mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Việc thực hiện kỳ thi “2 trong 1″ luôn gây ra nhiều khó khăn cho người ra đề và thí sinh, luôn có nhiều sự cố xảy ra do đề thi không đảm bảo tính phân loại thí sinh.
Năm nay Trường ĐH Lạc Hồng chỉ sử dụng 30 – 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. “Cần thay đổi cách tuyển sinh, tăng tự chủ cho các trường để các trường có thể chủ động xét tuyển toàn diện hơn để đảm bảo các trường tuyển chọn người học phù hợp với mục tiêu đào tạo và sứ mạng của trường, và học sinh chọn được đúng ngành nghề và ngôi trường mà mình yêu thích.
Theo đó, các trường ĐH có quyền sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét học bạ kết hợp phỏng vấn hay bài viết về niềm mong ước của học sinh; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường tự tổ chức hay của các trung tâm khảo thí quốc gia” – ông Hiển nói.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng nhìn lại 5 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích và 2 năm thi tốt nghiệp nhưng vẫn sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH cho thấy cách làm này cần thay đổi.
Vì không thể ra đề thi thỏa mãn được yêu cầu xét tốt nghiệp, đánh giá năng lực chung ở bậc phổ thông và xét tuyển ĐH. Nhưng nếu vẫn duy trì thì nhiều cơ sở đào tạo vẫn lệ thuộc vào kỳ thi này, không mạnh mẽ thực hiện tự chủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, năm 2021 nhiều cơ sở đào tạo lớn cũng chỉ còn dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. Xu thế tập hợp theo nhóm xét tuyển, sử dụng kết quả từ phương thức tuyển sinh chung cũng là hướng khả thi trong các năm tới.
“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng bài thi đánh giá tư duy vì xét thấy cần phải có sự sàng lọc cao hơn so với việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thu nhận rất tốt. Mục tiêu của chúng tôi là gọn nhẹ, không vất vả vì thời gian chỉ thi trong một ngày.
Ngoài ra, phải hạn chế dạy thêm, học thêm. Tuy nội dung câu hỏi trong đề nằm trong chương trình phổ thông nhưng sẽ tập trung kiểm tra năng lực chứ không kiểm tra kiến thức đơn thuần” – ông Điền nói.
Ông Điền cũng khẳng định Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng chủ trì tổ chức kỳ thi cho khoảng 20 trường khác tham gia.
“Không có gì quá khó để xử lý. Chúng tôi có ngân hàng câu hỏi thi, phương thức thi thì có thể làm trên máy hoặc trên giấy ở các điểm khác nhau, quy trình đảm bảo tính bảo mật, khách quan. Cách thức thi này cũng sẽ tác động ngược lại hoạt động dạy học ở phổ thông theo hướng phát triển năng lực, gắn với giải quyết các vấn đề cuộc sống”.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết ông hoàn toàn đồng ý phương án không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH.
“Hiện nay các phương thức khác đã nhiều, các trường đều đã chủ động trong việc tuyển sinh. Ngoài ra, các đánh giá độc lập như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và Hà Nội đang đáp ứng được kỳ vọng các trường.
Video đang HOT
Kết quả học tập của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM của các thí sinh trúng tuyển từ phương thức đánh giá năng lực nhỉnh hơn các thí sinh trúng tuyển phương thức xét điểm thi THPT đã minh chứng cho điều này” – ông Thắng nói.
Học sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Lo cho học sinh vùng khó khăn
Chia sẻ quan điểm khi phân tích kết quả tuyển sinh năm 2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng lúc này việc có một kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT sẽ rất tốt. Vì nếu tổ chức kỳ thi riêng, không phải địa phương nào cũng có thể tham gia trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Quan điểm này cũng là điều khiến một số nhà quản lý trường ĐH băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: “Đó là điều duy nhất tôi thấy băn khoăn. Vì nếu năm tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh với bài thi đánh giá tư duy thì chắc chắn nhiều thí sinh ở vùng khó khăn sẽ không thể tham dự được, điều đó có nghĩa các em này sẽ không có cơ hội vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cũng là một trong những người cho rằng cần giữ quan điểm kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH là phương án tiết kiệm và công bằng nhất vì đa số học sinh THPT ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi năng lực hoặc tham dự các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức.
Trong trường hợp không tổ chức thi, các trường ĐH sẽ tăng chỉ tiêu xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc tổ chức thi tuyển sinh riêng.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho rằng cần có kỳ thi chung cho thí sinh cả nước mới đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
“Do năm nay tuyển sinh trong điều kiện dịch COVID-19 nên trường chúng tôi mới dành đến 30% chỉ tiêu phương thức xét học bạ, chứ thật ra chúng tôi không tin tưởng điểm học bạ… Cần có trung tâm khảo thí quốc gia xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn mực để tổ chức kỳ thi chung để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh” – ông Hùng kiến nghị.
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp – phó chủ tịch hội đồng khoa học Trường ĐH Luật TP.HCM, với tuyển sinh ĐH, cách tốt nhất vẫn là tổ chức thi tuyển theo từng ban chuyên A, B, C cho từng lĩnh vực đào tạo phù hợp khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn tổ chức theo hướng cho học sinh được chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nhưng cả quá trình học các em phải học rất nhiều môn, rất nặng nề. “Vì vậy, tôi ủng hộ phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức kỳ thi ĐH theo các khối thi A, B, C, D…” – ông Hợp nói.
Chưa đổi mới vì nhiều lý do
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, sở dĩ lâu nay các trường ĐH chưa mạnh dạn đổi mới tuyển sinh mặc dù luật đã cho phép liên quan đến lý do: 1. Bài toán kinh tế, việc xét tuyển theo kết quả thi THPT ít tốn kém và hiệu quả. 2. Số thí sinh đông nên gần như không thể áp dụng các hình thức tuyển sinh khác như phỏng vấn, kiểm tra tư duy logic… 3. Nếu xét tuyển bằng thành tích năng khiếu văn nghệ, thể thao thì chỉ có một số ngành nghề phù hợp và dễ sinh ra tiêu cực.
“Theo tôi rất khó để áp dụng cách thức tuyển sinh ở các nước tiên tiến cho Việt Nam. Lý do liên quan đến cách dạy và học ở THPT chủ yếu là dạy kiến thức. Đối với các ngành kỹ thuật công nghệ, vào ĐH 2 năm đầu các môn cơ bản là sự tiếp nối kiến thức học ở phổ thông. Ngành y dược mà mất căn bản về hóa, sinh thì làm sao học nổi?” – ông Dũng nhấn mạnh.
Tìm hướng khác cho thí sinh vùng khó khăn
TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ về đổi mới giáo dục – đào tạo, cho rằng việc lo ngại thiệt thòi cho thí sinh ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là chính đáng. Tuy nhiên, không thể vì điều đó mà cứ mãi duy trì cách tổ chức thi, tuyển sinh bộc lộ nhiều điểm bất cập. “Tôi cho rằng với thí sinh vùng khó khăn hãy tính đến giải pháp khác, chẳng hạn cơ chế “đặt hàng” đào tạo theo địa chỉ riêng cho các địa phương đang cần nhân lực” – ông Lâm nói.
5 điều cần lưu ý khi dự thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội
Kết quả bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được nhập lên hệ thống dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT và được xét tuyển chung một đợt với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ảnh minh họa
Vừa qua, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã trả lời một số thắc mắc của thí sinh xoay quanh vấn đề tuyển sinh vào trường cũng như về kỳ thi đánh giá tư duy năm 2021.
Phỏng vấn thí sinh theo hình thức trực tuyến vào ngày 16/5
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, chủ trương của nhà trường trong những năm qua là đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Vì vậy năm nay, nhà trường đã sử dụng 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển tài năng (chiếm 10-20%); xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm 50-60%); xét tuyển theo điểm bài thi kiểm tra tư duy (chiếm 30-40%).
Các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2021.
Đến thời điểm hiện tại, phương thức xét tuyển tài năng theo hồ sơ năng lực, phỏng vấn, xét tuyển thẳng đã kết thúc giai đoạn nhận hồ sơ.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang trong giai đoạn đánh giá hồ sơ và chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn.
Trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định sẽ tổ chức phỏng vấn thí sinh theo hình thức trực tuyến vào ngày 16/5 tới đây.
Xét tuyển bằng bài kiểm tra tư duy cùng đợt với các khối truyền thống
Kỳ thi kiểm tra tư duy sẽ được tiến hành sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Nguyễn Phong Điền thông tin, kỳ thi này sẽ diễn ra nhanh gọn trong vòng 1 ngày với 180 phút, hình thức thi trên giấy để học sinh không bỡ ngỡ và cảm thấy áp lực.
Hệ thống đăng ký thi kiểm tra tư duy đã bắt đầu mở từ ngày 20/4. Tính đến ngày 9/5, đã có hơn 4.600 thí sinh đăng ký dự thi.
Để tạo điều kiện cho thí sinh và đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, ông Điền cho biết, kết quả của bài kiểm tra tư duy sẽ được nhập lên hệ thống dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT và được xét tuyển chung một đợt với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
"Do đó, thí sinh chỉ cần đăng ký 1 lần và quy trình điều chỉnh nguyện vọng, các nguyên tắc cộng điểm ưu tiên của đối tượng, khu vực vẫn thực hiện giống như trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT", PGS Điền nói.
Bên cạnh đó, ông Điền cũng lưu ý, các mã xét tuyển và tổ hợp xét tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được tích hợp vào hệ thống của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý trong trường hợp muốn sử dụng tổ hợp BK1, BK2, BK3 để xét tuyển, các em cần phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Trong trường hợp thí sinh chưa kịp đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nhưng đã đăng ký dự thi đánh giá tư duy thì các em có thể điều chỉnh trong đợt điều chỉnh nguyện vọng vào ngày 7 - 17/8.
Có nên thi cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kiểm tra tư duy?
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là câu hỏi thí sinh thường xuyên gửi về cho ban tuyển sinh của trường.
Ông Kiên cho hay, nếu như trước đây khi chưa có kỳ thi kiểm tra tư duy, lượng chỉ tiêu nhà trường dành cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 80 - 90%, thì khi có kỳ thi này, chỉ tiêu liên quan đến điểm thi tốt nghiệp THPT đã giảm đi, chỉ còn 40 - 45%. Do đó, nếu đăng ký tham dự cả 2 kỳ thi, thí sinh sẽ có đầy đủ cơ hội như những năm trước.
Về đề thi đánh giá năng lực của Bách khoa, ông Kiên cho biết, nội dung câu hỏi chủ yếu nằm trong kiến thức phổ thông, không mang tính chất cao siêu mà dựa trên bài toán thực tế, yêu cầu mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo. Vì thế, thí sinh không cần lo lắng việc đề thi sẽ hỏi những kiến thức bên ngoài.
Bên cạnh đó, đề thi cũng có một số câu hỏi cần đến sự suy luận, tư duy sâu mới có thể giải quyết được.
"Những yêu cầu này nhằm đảm bảo đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, tìm ra những nhân tố có thể đáp ứng được chương trình tương đối nặng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội".
Ông Kiên cũng nhấn mạnh, đề thi tránh việc đi sâu vào kỹ thuật, mẹo mực làm bài, gây ra việc học thêm tràn lan. Vì thế, thí sinh phải hiểu biết thực sự và có cách vận dụng sáng tạo mới đạt kết quả cao.
"Nhà trường không tổ chức luyện thi cho bài kiểm tra tư duy. Và với khối kiến thức, đề cương ôn tập như nhà trường đã công bố, chúng tôi đảm bảo không có trung tâm nào có thể ôn luyện trúng cho các em các dạng đề được", ông Kiên nhấn mạnh.
Đặt ngành yêu thích lên trên cùng
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng đưa ra lưu ý, thí sinh cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng một cách thông minh để tăng tỉ lệ trúng tuyển. Theo đó, những nguyện vọng mong muốn và yêu thích nhất nên được sắp xếp lên đầu thay vì ưu tiên ngành có khả năng đỗ cao.
"Hệ thống sẽ xét tuyển bằng phần mềm, khi trúng tuyển vào nguyện vọng nào thì sẽ không xét các nguyện vọng phía dưới nữa. Do đó, các thí sinh cần lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng.
Sau đó, khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào số điểm đạt được và các chỉ số nhà trường cung cấp, các em cần có sự điều chỉnh một lần nữa cho phù hợp", ông Điền gợi ý.
Sẽ lùi lịch kiểm tra tư duy ở địa phương bùng phát dịch
Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức thi ở 3 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng và Nghệ An. Kỳ thi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/7.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, nhà trường sẽ tạo mọi điểu kiện cho thí sinh có thể tham dự kỳ thi tại 3 địa điểm nói trên.
Tuy nhiên, trong trường hợp ngay sau khi tổ chức xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở một số địa phương, tùy theo tình hình thực tiễn, nhà trường sẽ cân nhắc lùi thời gian thi trong một hạn mức nhất định để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Cạnh tranh ngày càng gay gắt Các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) tại Đồng Nai đã bắt đầu cuộc "chạy đua" tuyển sinh năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh với các cơ sở ĐH,CĐ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận ngày càng gay gắt. Trường đại học Lạc Hồng tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên sau khi trúng tuyển làm...