Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn: Băn khoăn về quỹ thời gian và độ khó của đề thi
Bài thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn thời gian là 120 phút, đề thi sẽ có nội dung mở, nghiêng về đánh giá năng lực, thậm chí nhiều tác phẩm được ra đề sẽ nằm ngoài chương trình sách giáo khoa… Đây là những thay đổi lớn dự kiến sẽ diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, gây băn khoăn cho không ít dư luận.
Môn ngữ văn dự kiến có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khiến không ít dư luận băn khoăn. Ảnh: Hải Nguyễn
Hướng đến đánh giá năng lực
Tại hội thảo “Đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục môn ngữ văn” diễn ra sáng 10.4 tại Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GDĐT) – nêu ra những thay đổi đối với đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo ông Thống, đề xuất đổi mới đề thi môn ngữ văn theo hướng kiểm tra toàn diện, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực học sinh (HS).
Sự thay đổi này nhằm mục tiêu tiệm cận dần đến các yêu cầu khi thực hiện chương trình và SGK mới và tổ chức một kỳ thi quốc gia, làm một bài thi tổng hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH. Trước mắt, những thay đổi này sẽ áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp, sau đó sẽ tiến tới áp dụng với đề thi môn ngữ văn kỳ thi ĐH đối với học sinh thi các khối C, D.
Dự kiến, tổng điểm của bài thi ngữ văn được tính là 20 điểm, gồm năng lực đọc hiểu (6/20) và năng lực viết (14/20). Phần kiểm tra năng lực đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: Phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic… cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu HS phát hiện những lỗi đó (2 điểm); yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là văn học, sử, địa, khoa học tự nhiên… (2 điểm); chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).
Phần kiểm tra năng lực viết gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý, đạo đức…
Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận. Ông Đỗ Ngọc Thống cho biết, đây cũng là phần thi yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh ĐH, yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong SGK.
“Phải tin người lái đò!”
Video đang HOT
Tại hội thảo, đa phần ý kiến băn khoăn về sự việc giảm đột ngột thời gian thi từ 150 phút xuống còn 120 phút, bởi từ nay đến lúc thi, HS chưa đủ thời gian để được trang bị kỹ năng trả lời đủ ý của câu hỏi với quỹ thời gian ít đi. Đồng thời, với nhiều yêu cầu trong một bài thi, nhiều giáo viên lo ngại về độ khó của bài thi, với mặt bằng học lực chung của kỳ thi tốt nghiệp hiện nay.
Ông Bùi Mạnh Nhị (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GDĐT) cho biết: “Với tư cách là phụ huynh có con đang học phổ thông, tôi cho rằng, đề thi theo hướng mở sẽ là quá sức với HS. Ví dụ, để trả lời được câu hỏi bình về một nhân vật văn học mà em yêu thích, tôi nghĩ kể cả 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa làm đủ!”.
Ông Nhị cũng cho rằng, cách chấm thi của một bài thi mở sẽ gây không ít khó khăn cho người chấm thi, vì thế vẫn bắt buộc có những yêu cầu chung về kỹ năng, phương pháp để làm định hướng cho người chấm thi. Và nếu yêu cầu của bài thi là “mở”, thì cách ra đề cũng cần hướng đến kỹ năng hơn là những kiến thức cụ thể.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, sự thay đổi này nằm trong chủ trương chung của bộ về đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng: “Bộ môn ngữ văn vẫn nặng về kiểm tra kiến thức của HS, phụ thuộc quá nhiều vào bài văn mẫu. Trong chương trình dạy tác phẩm nào thì sẽ kiểm tra tác phẩm đó, hay nói cách khác là HS đang học “vẹt”.
Đây là những điều cần thay đổi”. Trước lo ngại về sự thay đổi quá cập rập, thậm chí là thay đổi thi trước thay đổi dạy và học, ông Hiển cho hay, cải cách dạy, học và thi là mục tiêu mà ngành giáo dục quán triệt trong nhiều năm nay, chứ thực chất không có gì mới. Cấu trúc đề thi không thay đổi, chỉ thay đổi “ma trận” đề thi và yêu cầu vận dụng kỹ năng nhiều hơn, việc giảm thời gian thi cũng sẽ tính đến việc giảm dung lượng bài thi để đảm bảo đúng yêu cầu bài thi. “Đề thi mở thì người chấm thi sẽ vất vả hơn, khó khăn hơn?
Đúng là như thế, thậm chí kết quả thi sẽ phụ thuộc vào chủ quan của người chấm thi. Nhưng đây là khó khăn mà người thầy phải vượt qua. Dù rằng kết quả ban đầu không chính xác nhưng vẫn hướng đến mục tiêu, còn hơn là không đạt được mục tiêu nào. Qua đò thì phải tin người lái đò!” – ông Nguyễn Vinh Hiển nói.
Theo VNE
Đồng tình giảm thời gian làm bài thi môn Toán, Ngữ văn
Việc giảm thời gian làm bài ở 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Theo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, thời gian làm bài các môn toán và văn trong kỳ thi này sẽ giảm.
Mỗi thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm bài thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, 2 môn do các em tự chọn trong số các môn còn gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ.
Thời gian thi các môn Sử, Địa vẫn giữ như cũ là 90 phút/ môn; các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ vẫn 60 phút/ môn. Riêng 2 môn Văn và Toán, thay vì 150 phút/môn như trước thì từ năm nay, thời gian thi sẽ còn 120 phút/ môn.
Việc ra Quy chế này của Bộ nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo nhận xét của một nhà giáo dục thì rất hoan nghênh chủ trương giảm thời gian làm bài ở 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn.
Vì thực tế để đánh giá trình độ học sinh thì 120 phút cũng là đủ, không cần nhiều hơn. Không cần kéo dài thời gian thi của học sinh đến 150 phút.
Với lứa tuổi của các em, 120 phút là vừa phải, nhẹ nhàng, không nên bắt các em phải chịu căng thẳng trong suốt 2 tiếng rưỡi. Việc này giảm được áp lực cho các em. Việc ra đề phù hợp với thời gian thi 120 phút hoàn toàn chủ động được.
Việc giảm thời gian làm bài thi môn Toán, Văn trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay cũng nhận được sự ủng hộ của học sinh.
Em Lê Thị Bích Huệ - Học sinh lớp 12C3 Trường THPT Thới Bình (Cà Mau) - cho biết: "Thời gian làm bài thi giảm sẽ giảm đi được áp lực cho chúng em, đề thi sẽ nhàng nhàng hơn.
Điều đó có nghĩa, học sinh lớp 12 sẽ có thời gian đầu tư củng cố, nâng cao kiến thức cho kỳ thi đại học, cao đẳng mà mình đã chọn."
Như vậy, khi giảm thời gian làm bài thi của hai môn Toán và Ngữ văn thì đề thi của của hai môn này sẽ tương ứng với thời gian làm bài thi nhưng vẫn đảm bảo kiểm tra kiến thức tổng thể của thí sinh trong chương trình giáo dục THPT.
Tuy nhiên, một số nhà giáo dạy Văn lại cho rằng, với các đề văn mở, nhiều học sinh có thể viết dài, để trình bày sâu sắc suy nghĩ của mình.
Nên với thời gian 120 phút, có thể các em chưa đủ thời gian thể hiện hết ý tứ của bài viết. Trong khi đó, theo cấu trúc đề thi của môn Ngữ văn, như những năm trước, học sinh phải làm 3 câu.
Câu hỏi lý thuyết 2 điểm, yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức hay trình bày những hiểu biết của mình về một phương diện của tác phẩm văn học.
Câu 2 chiếm điểm số 3 là câu nghị luận xã hội, yêu cầu học sinh vận dụng hiểu biết, lập luận của mình để trình bày, làm sáng tỏ về một vấn đề xã hôi.
Còn câu 3, có điểm số 5, học sinh sẽ cảm nhận, đánh giá về một phương diện của tác phẩm văn học. Như vây, nếu giảm thời gian thi của môn Ngữ văn xuống còn 120 phút mà đề thi vẫn giữ nguyên 3 câu thì rất khó cho học sinh.
Các em khó có thể trình bày suy nghĩ của mình một cách sâu sắc được, một giáo viên tâm sự.
Công văn số 1555/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức
Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại Công văn 5466/BGDĐT-GDTrH, nhất là: đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong việc tổ chức ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Như vậy, có thể cấu trúc của đề thi hai môn Toán và Ngữ văn năm nay vẫn giữ nguyên như cũ nhưng phần nội dung đề thi sẽ giảm tương ứng với thời lượng 120.
Do đó, khi ôn tập, giáo viên cần chú trọng bao quát chương trình, rèn luyện kỹ năng cho học sinh...
Theo GDTĐ
Bài thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý tránh phạm quy Có rất nhiều lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm mà học sinh thi tốt nghiệp THPT phải nắm rõ để không phạm quy. Một trong những chi tiết thí sinh cần đặc biệt lưu ý là bài thi tốt nghiệp THPT không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì; phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo. Điều này được...