Đổi mới đánh giá học sinh: Giảm áp lực, tăng động viên
Năm học 2021-2022, lần đầu tiên các trường học trên cả nước thực hiện đánh giá học sinh lớp 6 theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên sẽ không xếp loại học sinh trong lớp theo 5 mức giỏi, khá, trung bình, yếu, kém; một số môn học sẽ không đánh giá bằng điểm số mà chỉ nhận xét. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giảm áp lực điểm số, tăng động viên học sinh trong quá trình học tập.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) học trực tuyến. Ảnh: Thanh Hải
Đánh giá không chỉ bằng điểm số
Video đang HOT
Ngày 20-7-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2021 và áp dụng theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cụ thể, năm học 2021-2022, áp dụng đối với học sinh lớp 6. Từ năm học 2022-2023, áp dụng đối với học sinh lớp 7, lớp 10; năm học 2023-2024, áp dụng đối với học sinh lớp 8, lớp 11 và năm học 2024-2025, áp dụng đối với học sinh lớp 9, lớp 12.
Theo thông tư, năm học 2021-2022, các nhà trường sẽ áp dụng hai hình thức đánh giá đối với học sinh lớp 6, gồm đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, nếu như quy định hiện hành tính điểm trung bình các môn học để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm học, thì theo quy định mới được ban hành, điểm trung bình học kỳ và cả năm học của học sinh được tính riêng cho từng môn học. Điểm mới nữa là, thay vì đánh giá kết quả học tập theo 5 mức (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém), học sinh được đánh giá theo 4 mức (tốt, khá, đạt, chưa đạt) đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức (đạt, chưa đạt) đối với các môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng thông tin thêm, cùng với sự điều chỉnh cách đánh giá kết quả học tập, cách đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh cũng thay đổi. Theo đó, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học sinh được đánh giá theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt, thay vì tốt, khá, trung bình, yếu như quy định hiện hành.
Em Trần Gia Khánh, lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) bày tỏ: “Sau khi được thông tin về quy định mới, em rất mừng vì áp lực về điểm số ở nhiều môn học sẽ giảm. Mong rằng các thầy, cô giáo sẽ nhận xét kỹ những ưu, nhược điểm, nhất là những mặt còn chưa đạt, tạo cơ hội để chúng em tiến bộ”.
Phát huy thế mạnh
Cùng với các trường học trên cả nước, gần 650 trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập huấn cho giáo viên về quy định đánh giá học sinh lớp 6 theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, với định hướng khích lệ sự cố gắng, giúp học sinh phát huy thế mạnh trong học tập, rèn luyện.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) Chu Thị Xuân Hường, nhà trường đã yêu cầu đội ngũ giáo viên tiếp tục nghiên cứu các nội dung của thông tư để thực hiện đúng. Ban Giám hiệu nhà trường cũng lưu ý giáo viên đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức; coi trọng việc động viên, khuyến khích học sinh phát huy thế mạnh, tạo cơ hội để các em khắc phục những mặt còn chưa đạt.
Còn theo cô giáo Phạm Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (huyện Mê Linh), đội ngũ giáo viên đang xây dựng các tiêu chí phù hợp cho từng hình thức đánh giá học sinh, như hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành… Trong khi đó, bà Mai Thị Tình, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) chia sẻ: “Tôi mong các thầy, cô giáo hướng dẫn, tăng cường cho học sinh làm bài thực hành, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời quan tâm, động viên, khích lệ các con nhiều hơn, nhất là trong điều kiện học trực tuyến như hiện nay”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới theo hướng tiến bộ, mang ý nghĩa nhân văn hơn trong việc đánh giá học sinh và bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực, ghi nhận sự vượt trội của học sinh ở từng môn học. “Giáo viên cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn, thông tin đầy đủ để phụ huynh học sinh nắm được cách đánh giá theo tinh thần mới, đặc biệt là định hướng giảm áp lực điểm số, không so sánh giữa các học sinh với nhau; đồng thời, coi trọng đánh giá thường xuyên trong cả quá trình để tạo cơ hội cho học sinh cải thiện kết quả học tập, rèn luyện”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" ở các huyện miền núi
Cùng với các huyện đồng bằng, ven biển, nhiều năm qua, ngành giáo dục 11 huyện miền núi đã không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là thi đua "Dạy tốt, học tốt".
Từ phong trào này, việc "dạy thực chất, học thực chất" đã được triển khai sâu rộng đến các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khu vực miền núi nói riêng và ngành giáo dục tỉnh nhà nói chung.
Thầy, trò điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) trong giờ học.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", những năm qua, cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã đoàn kết, không ngừng học tập, sáng tạo, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu. Từ phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" giáo viên trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà. Kết thúc năm học 2020-2021, tất cả các chỉ tiêu đánh giá học sinh ở bậc tiểu học được các nhà trường thực hiện đạt và vượt so với năm học trước. Ở bậc THCS tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm trên 57,6%; 99,3% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt. Cùng với đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao, các sân chơi trí tuệ, các giải thi thể dục, thể thao cũng thu hút học sinh tham gia tích cực. Tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh học sinh toàn huyện đạt 31 giải, xếp thứ nhì khu vực miền núi và xếp thứ 15/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa THPT, học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 1 đạt 2 giải (1 giải nhì môn Địa lý, 1 giải khuyến khích môn Lịch sử). Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế HKIMO cấp quốc gia khối tiểu học toàn huyện có 13 em đạt giải... Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cẩm Thủy cho biết: Để phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" mang lại hiệu quả thiết thực, hằng năm, phòng giáo dục huyện đã phát động nhiều đợt thi đua với các nội dung như, nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin, lấy học sinh làm trung tâm giảng dạy. Đồng thời chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, tập trung dạy cho học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và phương pháp học tập ở từng bộ môn, từ đó nâng cao và mở rộng dạy học theo từng chuyên đề.
Tại huyện Thường Xuân phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" cũng được phòng GD&ĐT huyện tích cực triển khai và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị trường cũng như mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh. Đặc biệt, với phương châm "muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi", những năm qua Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân luôn chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và tận tâm với nghề. Từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn đều có ý thức, trách nhiệm giúp đỡ học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, khơi dậy trong các em ý chí vươn lên học tập vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Theo đó, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước; kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có nhiều chuyển biến qua từng năm. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn huyện có 228/745 học sinh dự thi đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học từ 24 điểm trở lên, trong đó 18 em đạt từ 27 điểm trở lên; có 39 điểm 10 ở các môn thi... Tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhiều học sinh đạt giải cao. Đơn cử như tại kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp huyện năm học 2020-2021, toàn huyện có 635 học sinh đạt giải; tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh có 20 học sinh THCS, 23 học sinh THPT đạt giải. Cũng trong năm học 2020-2021 toàn huyện có 1 dự án khoa học kỹ thuật của học sinh THCS và 3 dự án của học sinh THPT đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học...
Xác định được tầm quan trọng của phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", ngành giáo dục các huyện miền núi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, phong trào đã diễn ra sôi nổi và đạt nhiều kết quả ở cả những đơn vị trường, những địa phương có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh... qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giảm khoảng cách đối với các huyện đồng bằng, ven biển. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, kết thúc năm học 2020-2021, đối với bậc học mầm non, các địa phương khu vực miền núi tiếp tục giữ vững và nâng cao phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 5%; 96,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 phát âm rõ ràng, nhận biết được 29 chữ cái và 10 chữ số đầu tiên. Đối với giáo dục phổ thông, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của tiểu học đạt 99,47%; 100% học sinh sau lớp 1 biết đọc, viết tiếng Việt và thông thạo 2 phép tính; tỷ lệ học sinh THCS lên lớp đạt 99,3%, bậc THPT tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,22%. Đặc biệt trong năm học có 2 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia và 1 học sinh thủ khoa khối C của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nhiều năm gần đây, 100% các trường dân tộc nội trú đều tổ chức học 2 buổi/ngày, học sinh được bố trí nơi ăn, ở tại trường, có nhà ăn khang trang, đúng quy định, góp phần hạn chế tối đa số học sinh bỏ học giữa chừng...
Theo ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sau nhiều năm phát động, phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" đối với giáo dục khu vực miền núi nói riêng, giáo dục cả tỉnh nói chung đã lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường và từng bước đi vào chiều sâu. Từ phong trào này sự nghiệp GD&ĐT của khu vực miền núi có bước phát triển vững chắc, quy mô mạng lưới trường, lớp học từng bước được quy hoạch khang trang đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của Nhân dân; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên qua từng năm học, góp phần cùng giáo dục miền xuôi thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tỉnh nhà.
Phát giấy khen tiên tiến cho nhiều em không xứng đáng, giáo viên cũng ngượng Mình đỡ mắc cỡ khi phải trao giấy khen cho những học sinh chưa xứng đáng; Hay, cũng may không còn phải khen học sinh tiên tiến nữa để đỡ thấy tờ giấy khen rẻ rúng Trước thông tin Thông tư 22/2021 đã bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, một số đồng nghiệp của tôi đã nói thế này: May quá! Mình...