Đổi mới chương trình, SGK: Giáo viên không thể “một giáo án”
Điều quyết định tính sống còn của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa hiện nay là người thầy phải thay đổi phương pháp và kỹ năng dạy học
Trong định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mục tiêu giáo dục chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân người học, tăng cường phân hóa và tiếp cận cá nhân. Dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực đòi hỏi giáo viên (GV) phải có những phẩm chất, năng lực ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Sao có thể rèn tất cả học trò theo ý thầy (?!)
Như vậy, người GV trong một quốc gia đang phát triển, để thích ứng với nền giáo dục theo định hướng phát triển năng lực có thêm “sứ mệnh” đánh thức, khơi gợi tiềm năng sẵn có ở người học, phát triển năng lực người học dựa trên những giá trị, phẩm chất riêng biệt vốn có, trong đó có sự tôn trọng sự khác biệt của cá nhân người học. Thực tế giảng dạy trong trường phổ thông hiện nay, phần lớn GV đều áp dụng các phương pháp giáo dục tiến bộ trong giờ dạy của mình. Tuy nhiên, GV lại rất ít quan tâm đến học sinh (HS) ở năng lực bẩm sinh, tính khí, sở thích, sở trường cá nhân… – những yếu tố phát triển năng lực ở mỗi cá nhân.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) hào hứng trong tiết học kỹ năng ở sân trường Ảnh: TUẤN SƠN
Thực tế, quan niệm giáo dục phổ biến trong nhà trường phổ thông hiện nay là GV hình dung trong đầu một bản sao về hình mẫu HS mà mình hướng tới rồi áp dụng những biện pháp dạy học đã được học trong trường sư phạm để rèn HS theo “mô hình” sẵn có của thầy. Trong khi đó, đứa trẻ là một thực thể sống động, không thể một sớm một chiều có thể rèn giũa chúng theo chủ quan của thầy, thậm chí cả những người sinh ra đứa trẻ. Vì vậy, thầy cô không thể cứ muốn là nhanh chóng đưa vào đầu HS kiến thức, kỹ năng, thái độ sống… theo “ giáo án” định trước. Cách làm như vậy không chỉ không hấp dẫn đối với trẻ ở lứa tuổi thích trò chơi điện tử, thích đi tắm biển, du lịch cùng cha mẹ… mà còn biến việc học tập của trẻ thành nỗi ám ảnh, trường lớp thành nơi chất chứa những hình phạt làm cho trẻ sợ hãi nếu thầy cô cứng nhắc áp dụng những biện pháp giáo dục cực đoan.
Hiểu thực tế việc nuôi dạy trẻ hiện nay trong gia đình để thấy rõ thêm tình hình thầy cô dạy HS ở trong nhà trường. GV không thể áp dụng “một giáo án” cho tất cả HS. Nghĩa là GV lên lớp không nên có sẵn định kiến và xếp vào danh sách HS cá biệt chỉ vì chúng khác biệt với số đông HS khác.
GV có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển tự nhiên của HS có khuynh hướng bộc lộ khả năng bẩm sinh một cách mạnh mẽ, rõ nét, nếu nhìn từ bề ngoài, cá nhân HS có vẻ “dị biệt”, không chấp nhận các biện pháp giáo dục có tính khuôn mẫu, áp đặt. Không thể lấy một thước đo chung về học lực và hạnh kiểm để bắt buộc một HS thực hiện theo quy chuẩn đó một cách cứng nhắc, máy móc, bất chấp sự mâu thuẫn giữa khả năng, tính cách và công việc mà HS phải thực hiện.
Không còn chỗ cho bài giảng buồn tẻ, chiếu lệ
Như vậy, hiệu quả giáo dục không nên chỉ đánh giá ở quy chuẩn HS đã hoàn thành công việc hay chưa. Trong trường hợp này, mức độ hoàn thành cần được soi chiếu ở góc độ công việc mà HS được giao có phù hợp khả năng, kinh nghiệm và sự hứng thú hay chưa.
Video đang HOT
GV không nên đóng vai một người đầy uy quyền để bắt buộc HS phải thực hiện và tuân thủ mọi yêu cầu của mình. GV cần nhập vai người hướng dẫn, người quan sát, người điều khiển lớp học, trong đó ưu tiên sự tự do sáng tạo và tự tin của người học. Trong lớp học, chủ nhân phải là HS với những hoạt động tích cực, nhiều chọn lựa phù hợp với cá nhân người học. Ở một lớp học được đo bằng giá trị nhân cách, niềm tin, sự hứng thú…, GV không thể có bài giảng buồn tẻ, chiếu lệ, máy móc; GV càng không thể chỉ dựa vào kiến thức chuyên môn và kỹ thuật giảng dạy.
Người thầy hiện đại chỉ đóng vai trò định hướng, gợi mở, kích thích người học chủ động tìm kiếm, tiếp nhận tri thức, kỹ năng, tạo môi trường học tập tích cực, chủ động cho người học. HS tự đi tìm câu hỏi và trả lời cho những vấn đề mà GV nêu ra, có động lực tìm hiểu, khám phá lượng tri thức không nằm trong giới hạn người thầy cung cấp.
GV với việc đa dạng hóa các phương pháp, hình thức, kỹ thuật dạy học tích cực như: hướng dẫn HS tự học, thuyết trình, thảo luận nhóm, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tình huống, làm dự án, hội thảo, diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa, trò chơi, câu lạc bộ, tham quan, dã ngoại, hoạt động xã hội… chính là tạo môi trường và không gian học tập có tính thực tiễn sinh động, phong phú, tạo điều kiện khách quan thuận lợi để HS phát triển đúng, phù hợp từng cá nhân về sức khỏe, trí lực, tâm lý, tư chất…
Xu thế đổi mới phương pháp dạy học trên thế giới đặt trọng tâm ở người học, cơ bản nhất ở các yếu tố: phát triển tư duy, năng lực vận dụng, giải quyết được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; đòi hỏi người học tích cực, độc lập, sáng tạo, làm chủ kiến thức, kỹ năng; có niềm vui, hứng thú học tập; tự giác và có ý chí tự học; vận dụng được những gì đã học vào thực tế cuộc sống.
Phát hiện thiên hướng nghề nghiệp
Chỉ khi HS được tạo cơ hội hoạt động, tự giác và say mê, hứng khởi chinh phục nội dung bài học thì mới bộc lộ khả năng, thiên hướng nghề nghiệp trong tương lai. Những phẩm chất, thái độ, phản ứng và cách thức giải quyết vấn đề của mỗi HS trong hoạt động học sẽ giúp GV nhận diện chuẩn xác và định hướng nghề nghiệp cho HS một cách hợp lý. GV cần có năng lực định hướng và tư vấn nghề nghiệp cho HS bởi với một HS phổ thông, nghề nghiệp được chọn đúng trong tương lai quyết định sự thành bại của cả đời người.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM)
Theo nguoilaodong
Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng
Những tiết thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mang lại hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu, thế nhưng cả thầy và trò thì rất vất vả, mệt mỏi.
Thao giảng là công việc bắt buộc mà giáo viên phải thực hiện hàng năm nhằm nâng cao tay nghề cho bản thân, đồng thời tổ chuyên môn cũng chia sẻ được nhiều kinh nghiệm dạy học.
Qua những tiết thao giảng, người quản lí chuyên môn cũng có thêm minh chứng để làm cơ sở phân công giáo viên giảng dạy theo từng khối lớp cho phù hợp và đánh giá thi đua, xếp loại thực chất.
Thế nhưng, đến hẹn lại lên, tháng 11 hàng năm thầy trò lại mệt nhoài bởi những tiết thao giảng trường, thao giảng cụm nhằm lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Khi được tổ trưởng chuyên môn phân công nhiệm vụ, giáo viên dạy thao giảng phải chọn bài lên giáo án, chọn lớp dạy thử sao cho trọn vẹn nhất.
Công đoạn này có khi phải mất cả tháng chuẩn bị nếu dạy học theo dự án, tích hợp liên môn, ...
Kinh phí dạy học cũng khiến giáo viên đau đầu nếu dạy học theo dự án hay tích hợp liên môn...
Khi nhà trường không có kinh phí hỗ trợ thì giáo viên cũng chỉ còn cách nhờ tổ chia sẻ hoặc kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm.
Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)
Có thể nói rằng, suốt thời gian này giáo viên thực hiện nhiệm vụ thường ăn không ngon, ngủ không yên bởi lúc nào cũng nơm nớp lo lắng cho tiết dạy sắp đến.
Không lo sao được khi tiết dạy của mình có hàng chục giáo viên đến dự. Điều đáng lo sợ hơn là lúc góp ý, chia sẻ kinh nghiệm thì "chín người mười ý", không biết đâu mà lần.
Nhiều giáo viên lớn tuổi, khó tính thường bắt bẻ đủ điều vì họ (có thể) chưa kịp thích ứng với phương pháp mới, thì người được góp ý có khi cũng chỉ biết im lặng vì tôn trọng, nể nang.
Một số giáo viên trẻ mới ra trường cũng có dịp đưa ra hết pháp này, đến phương pháp khác khiến người nghe rối bời.
Và thường đồng nghiệp có góp ý thế nào đi nữa, cuối cùng gần như giáo viên dạy thao giảng cũng được xếp loại khá, giỏi bởi tâm lí động viên, khích lệ.
Giờ thao giảng đã biến thầy và trò thành những diễn viên chuyên nghiệp, thế nhưng, đến hẹn lại lên, giáo viên cũng chỉ biết âm thầm thực hiện theo chỉ đạo.Hơn nữa, giờ dạy đã được thầy trò chuẩn bị chu đáo đến thế thì khó lòng không thành công tốt đẹp.
Sau tiết thao giảng, có thầy cô xem như mình đã xong nghĩa vụ và có khi việc dạy học trên lớp cũng không được đầu tư nghiêm túc.
Thực tế, người quản lí cũng chỉ giám sát được 1-2 tiết thao giảng mà thôi. Những tiết dạy khác như thế nào, chỉ có thầy trò mới rõ.
Và thế là, việc dạy thao giảng đôi lúc cũng chỉ dừng lại ở phong trào, còn chuyện nâng cao chất lượng chuyên môn thì tùy thuộc vào sự thay đổi chính bản thân của mỗi giáo viên mà thôi.
Ngoài ra, giáo viên đi dự giờ thao giảng cũng chẳng mấy hứng thú nhưng không thể thoái thác vì đó là nhiệm vụ chuyên môn.
Điều đáng sợ nhất là giáo viên được cử đi dự giờ thao giảng cụm. Trường bạn ở cách xa chỗ mình có khi đến vài chục cây số, cho nên việc di chuyển cũng không phải dễ dàng, nhất là giáo viên lớn tuổi, giáo viên nữ.
Thiết nghĩ, để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, người thầy phải tự học, học từ sách vở, học từ đồng nghiệp...
Thay vì phải ồ ạt thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo hãy giúp thầy cô biến tất cả những tiết dạy thành tiết "thao giảng" để nâng cao chất lượng, tạo hứng thú cho học sinh.
Người thầy giỏi là phải biết dạy cho nhiều đối tượng học sinh, để giúp các em từ học lực yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá giỏi.
Người thầy giỏi không chỉ được đánh giá qua những tiết thao giảng mà còn có sự đánh giá từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và dư luận xã hội.
Cao Nguyên
Theo giaoduc.net
Trường THPT đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng phần mềm quản lý giáo án online Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) vừa triển khai áp dụng phần mềm quản lý giáo án online cho gần 60 giáo viên. Đây cũng là trường THPT đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh ứng dụng phần mềm này vào thực tiễn. Cán bộ giáo viên trường THPT Nguyễn Đình Liễn tập huấn kiến thức ứng dụng phần mềm Phát huy...