Đôi mắt học trò soi sáng lương tâm nghề giáo
Nghề giáo nhiều niềm vui và cũng lắm thăng trầm, có những băn khoăn, trăn trở bên trang giáo án nhưng ánh mắt học trò thân thương đã giúp giáo viên giữ trọn ngọn lửa nghề
Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên mầm non Trường Mầm non 1 (quận 5, TP HCM), là một trong những gương mặt tiêu biểu của TP HCM nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. Suốt 14 năm công tác, thầy Bình đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của trường, của ngành giáo dục TP, liên tục đổi mới phương thức dạy học cho trẻ.
Thầy Nguyễn Phương Bình trong giờ dạy trẻ tại Trường Mầm non 1 (quận 5, TP HCM)
Người “cha hiền” của trẻ mầm non
Thầy Bình chia sẻ khi quyết định theo học sư phạm mầm non, gia đình không chấp nhận, bạn bè bất ngờ, nhiều lần khuyên thầy nên đổi ngành. Với tâm niệm khi bước vào trường, việc chăm sóc trẻ là quan trọng nhất, thầy Bình đã “một mình cân cả thế giới”, bỏ qua định kiến rằng nghề mầm non chỉ có nữ là phù hợp. “Có nhiều lần chính mình cũng bị sốc với nghề mình chọn, cứ tưởng không vượt qua được nhưng mỗi lần tiếp xúc với trẻ, những câu nói, hành động yêu thương của trẻ làm mình như được sống lại, mạnh mẽ hơn và quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng” – thầy Bình giãi bày.
Suốt 14 năm gắn bó, người “cha hiền” của các em nhỏ luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy học mới để các em có thể tiếp thu nhanh, rèn luyện kỹ năng. Những bài dạy, hoạt động không đi theo lối tư duy cũ, thầy Bình dạy trẻ tư duy từ việc chọn đồ chơi, sử dụng các vật dụng làm minh họa trực quan sinh động trong những tiết học. Bằng chính sự tận tụy, lòng yêu trẻ và nhiệt huyết với nghề bao năm qua, thầy Bình đã nhận giải nhất giáo viên giỏi cấp TP; đạt danh hiệu “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” do Công đoàn ngành Giáo dục TP trao tặng và nhiều giải thưởng khác.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú, TP HCM), ân cần chăm sóc học trò
Vững tâm nhìn học trò tiến bộ
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú, TP HCM), là giáo viên trẻ nhất nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. Công tác trong ngành giáo dục 10 năm, với những sáng kiến, đóng góp của mình, cô đã nhận nhiều giải thưởng cấp TP, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đã có lúc muốn bỏ nghề vì áp lực nhưng mỗi khi đến lớp, nhìn ánh mắt thơ ngây, trong veo của học sinh lại thôi thúc cô phải gắn bó với nghề bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, phải mang đến kiến thức và hành trang bước vào tương lai cho học trò.
Cô Duyên nhớ lại, khi mới vào nghề, cô được nhận một lớp có học sinh bị tăng động và ở lại lớp, rất nghịch, hay đánh, bắt nạt bạn, chưa biết tôn trọng cô giáo. Cô đã rất ngỡ ngàng và loay hoay tìm cách để dạy bé, không bỏ cuộc trước khó khăn, cô đã dành thời gian gặp gia đình, gặp bác sĩ trực tiếp điều trị bé, gặp những giáo viên trước đã dạy bé, để hiểu rõ hơn về tình hình của em. Từ đó, cô nghiên cứu xây dựng phương pháp giáo dục riêng cho học trò đặc biệt của mình. Sau thời gian kiên trì, dùng nhiều phương thức phát triển tư duy, bé có thể tiếp thu và lên lớp đều đặn. Hiện bé đang học lớp 6 như các học sinh bình thường khác. Sự tiến bộ không ngờ của em đã khiến gia đình rất xúc động và biết ơn cô.
“Đôi khi, món quà tri ân người thầy không phải là chiếc phong bì dày, những bó hoa rực rỡ, những món quà đắt tiền, mà là những cử chỉ, lời nói yêu thương của học sinh, lời chúc mừng của học sinh cũ hay những lá thư viết tay dài vài trang giấy của phụ huynh gửi đến cô, đó mới thực sự là những món quà vô giá” – cô Duyên bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả viết sách lựa chọn dạy thử nghiệm sách Tiếng Việt thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông mới chuẩn bị áp dụng cho năm học tới; được mời vào nhóm giáo viên tham gia phản biện, góp ý sách giáo khoa môn Tiếng Việt; tham gia tư vấn cho các tác giả và nhà xuất bản hoàn chỉnh bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 của chương trình phổ thông mới. Dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, cô Duyên đã được chọn là giáo viên mạng lưới, là thành viên trong nhóm giáo viên cốt cán của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú với vai trò tổ trưởng…
Rèn luyện không ngừng
Sau 5 năm nỗ lực nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy bộ môn toán thông qua hoạt động nhóm, đạt Chiến sĩ thi đua cấp TP 5 năm liền, nhà giáo Nguyễn Trần Khánh Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thầy Bảo chia sẻ đứng trước những sự kiện xảy ra với ngành giáo dục, mỗi giáo viên hằng ngày phải cố gắng hơn nữa, rèn luyện không ngừng, giữ tâm sáng, chí bền. Trước những chuyển đổi của nền công nghệ 4.0, nền giáo dục phải phát triển tương xứng, vai trò của người thầy rất quan trọng, phải định hướng được học sinh nên đòi hỏi giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin trong từng bài giảng của mình, đó là yếu tố để giáo viên có niềm tin hội nhập.
Bài và ảnh: NGUYỄN THUẬN
Theo NLĐ
Ý kiến giảng viên: "Tôi ủng hộ việc lắp camera trong tất cả các lớp học"
Là một người tham gia công tác giảng dạy, tôi ủng hộ việc lắp camera giám sát trong tất cả các lớp học, không chỉ ở bậc tiểu học mà cả ở các cấp học cao hơn như THCS, THPT.
Ảnh minh họa
Chiếc camera vô hồn trong lớp học sẽ như một cánh cửa chốt chặn vào phút cuối giúp các thầy cô kìm hãm những cơn nóng giận mất khôn khi gặp phải tình huống học trò gây ức chế. Dù gì đi chăng nữa, khi người giáo viên nhìn thấy chiếc camera trên góc tường, cơn nóng giận sẽ buộc phải nguội đi vài phần vì sẽ kịp thời nghĩ đến hậu quả mà mình phải gánh chịu nếu có hành vi bạo lực đối với học sinh.
Các thầy cô đừng quá nặng nề chuyện mình sẽ có cảm giác bị theo dõi, hay việc có camera chứng tỏ niềm tin giữa phụ huynh với nhà trường, thầy cô giáo đã không còn. Hãy suy nghĩ theo chiều hướng tích cực là hiện tại xu hướng công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực là tất yếu, không thể cưỡng lại được.
Công việc nào cũng có những khó khăn, áp lực đặc thù, nghề giáo cũng vậy. Các thầy cô căng thẳng vì phải xoay xở với những lớp học quá tải về sĩ số, về diện tích phòng, nặng về nội dung giảng dạy và chỉ tiêu phấn đấu nhưng các ngành nghề khác thì sao? Bác sĩ có áp lực không? Công việc của họ có đặc thù không? Có chứ. Thậm chí hậu quả để lại do sai sót của người thầy thuốc còn nặng hơn, kinh khủng hơn rất nhiều lần so với sai sót của người giáo viên vì có khi sai một li là đi một mạng người.
Anh công an giao thông đứng ở ngã tư đường vào giờ cao điểm có căng thẳng không, có điên đầu không? Sao lại không? Chúng ta - những nhà giáo - phải thành thật thừa nhận với nhau rằng: Nghề nào cũng có những nỗi khổ riêng và cho dù nghề của chúng ta có cao quý đi chăng nữa thì cũng vẫn buộc phải có những thay đổi để thích nghi với thay đổi của xã hội. Vị thế của người thầy trong mắt phụ huynh, trong đánh giá của xã hội đã không còn như xưa, học trò cũng không giống chúng ta 20, 30 năm về trước. Mọi thứ đã khác xưa quá nhiều nên thầy cô cũng phải cố gắng đừng giống những hình mẫu là thầy cô của chính mình ngày xưa - người đã cho chúng ta những trận đòn đau mà nhờ nó ta đã thành nhân.
Nhưng nếu chỉ chăm chăm lắp camera trong tất cả các trường học để giám sát giáo viên là chưa đủ để ngăn ngừa bạo lực học đường, và hoàn toàn không đủ để xây dựng nhà trường hạnh phúc, học sinh hạnh phúc. Đi kèm với việc giám sát hoạt động của cả giáo viên và học sinh trong lớp học, Ban giám hiệu nhà trường cần phải là nơi tiếp nhận các phản hồi của phụ huynh chứ không phải là giáo viên.
Và khi tiếp nhận những lời phàn nàn, kêu ca hay trách móc, chửi bới của phụ huynh, Ban giám hiệu cần phải căn cứ vào nội dung trích xuất từ camera để giải thích rõ ràng với phụ huynh: giáo viên sai ở đâu, học sinh sai ở đâu để đôi bên cùng hợp tác giải quyết. Số các giáo viên vô cớ bạo hành học sinh là số ít, còn lại đa số nguyên nhân phải đến từ hai phía. Giả sử trò cứ nói chuyện, chọc phá bạn, không nghe cô giảng, không làm bài tập hay thậm chí thách thức thầy cô, có lời lẽ vô lễ với thầy cô, xé bài kiểm tra..., nếu người thầy nóng giận mất khôn cho trò một cái bạt tai - thầy có thể bị đuổi việc nhưng trò chỉ bị đình chỉ 1 tuần học thì liệu có công bằng không? Chính Ban giám hiệu phải đóng vai trò trọng tài công tâm để giúp cả phụ huynh và giáo viên, học sinh thấy được cái đúng, cái sai của mình để đưa ra cách giải quyết hợp tình và hợp lý thay vì chỉ giải quyết đơn giản, gọn lẹ nhất là đuổi việc thầy.
Đi kèm với đó là các trường phải thực hiện đúng quy định về sĩ số lớp học: bậc tiểu học 35 học sinh/lớp, THCS và THPT không quá 45 học sinh/lớp để tránh quá tải cho thầy cô. Không ép các thầy cô phải đạt mục tiêu 100% lên lớp, 100% Xuất sắc và Giỏi, Khá để không ảnh hưởng đến thành tích của trường, Phòng, Sở. Hãy để học trò được nhận kết quả học tập, rèn luyện thực của các em thay vì kết quả đẹp nhưng ảo khiến các em đánh mất động lực học hành và mất luôn sự tôn trọng với chính thầy cô giáo.
Để học sinh được đến trường trong những ngôi trường hạnh phúc, đừng chỉ chăm chăm lắp camera là xong.
Như Bình
Theo Dân trí
Đánh cắp tương lai Nghề giáo vốn là một nghề nhọc nhằn và vinh quang, trong mình sẵn niềm kiều hãnh: Đã là thầy thì suốt đời là thầy. Nếu chỉ vì một chút lòng tham hay một chút tư lợi cá nhân, hình ảnh người thầy sẽ mãi mãi mất đi trong lòng học trò. Ảnh minh họa Tương tự Sơn La, vụ án gian lận...