Độc đáo “không gian văn hóa truyền thống” của một trường học mầm non
Từ các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày hay những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy cô giáo đã tạo nên không gian văn hóa vô cùng độc đáo ngay tại lớp học.
Đây là ý tưởng sáng tạo của các giáo viên Trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Trong năm học mới này, các lớp học đã được trang trí bằng những “không gian văn hóa” mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn, ý tưởng này xuất phát từ việc xây dựng không gian học tập trong năm học mới cho học sinh.
“Không gian văn hóa” được thầy cô Trường mầm non Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tái hiện đầy chân thực tại lớp học (Ảnh: Hồng Quân).
“Bắt đầu năm học mới các trường học sẽ tiến hành trang trí, thiết kế các không gian, góc học tập để các em học sinh có được môi trường học tập hiệu quả. Vì hầu hết các em học sinh ở đây là người dân tộc Thái, mà nét văn hóa vùng bản địa cũng rất đặc sắc, vì vậy tôi nghĩ đến việc đưa vào lớp học để tạo không gian mới mẻ cho các em”, thầy Quân chia sẻ.
Theo đó, để các em học sinh cảm thấy sự gần gũi, đồng thời được trau dồi những hiểu biết về nét đẹp văn hóa truyền thống, mỗi phòng học tại của nhà được thiết kế một góc mô hình “không gian văn hóa” với những chủ đề riêng.
Những đồ vật gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người dân vùng đồng bào dân tộc Thái được thầy cô thiết kế công phu (Ảnh: Hồng Quân).
Hay những chiếc cồng chiêng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số được các thầy cô tái hiện ngay trong lớp học (Ảnh: Hồng Quân).
Với chủ đề gia đình thì sẽ có những chiếc gùi mây, giỏ tre, làn, nhà sàn… hay như chủ đề thời trang sẽ là những chiếc khăn, gối dệt thổ cẩm, đến các trang phục truyền thống. Thậm chí, những nét đẹp văn hóa như điệu khua luống truyền thống của người Thái, cồng chiêng cũng được tái hiện hết sức chân thực.
Theo thầy Quân, để triển khai ý tưởng này thì 20 cán bộ, giáo viên của trường cùng phụ huynh học sinh đã tự tay thiết kế và trang trí gần một tháng trước ngày khai giảng năm học mới.
Video đang HOT
Khua luống cũng được tái hiện tại “không gian văn hóa” tại lớp học (Ảnh; Hồng Quân).
“Các đồ vật sẽ được mô phỏng lại một cách chân thực nhất, không chỉ để trưng bày mà còn để giáo viên giới thiệu trực tiếp cho học sinh trong các buổi học. Việc thiết kế các đồ vật không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng nhiệt tình hưởng ứng. Có những đồ vật như khăn, quần áo thì chúng tôi liên hệ với phụ huynh để xin rồi trưng bày. Thậm chí, những đồ vật như giỏ tre, mẹt, cồng chiêng… thì giáo viên phải học cách làm từ phụ huynh”, thầy Quân cho biết thêm.
Trường mầm non xã Thành Sơn là một trong những trường học vùng cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay toàn trường có 136 học sinh, trong đó số học sinh đồng bào dân tộc Thái chiếm 95%, còn lại là các em học sinh đồng bào dân tộc Mường. Ngoài điểm chính tại bản Báng, nhà trường còn có 4 điểm lẻ. Do ở vùng cao nên điều kiện cơ sở vật chất ở đây đang còn nhiều khó khăn.
Trong mỗi buổi học, các em học sinh tại đây sẽ được cô giáo giới thiệu và trau dồi kiến thức về văn hóa, lịch sử, giá trị của từng đồ vật (Ảnh: Hồng Quân).
Cũng theo thầy Quân, việc xây dựng mô hình không gian văn hóa này vừa thiết thực lại không mất nhiều chi phí. Sau khi hoàn thiện, mô hình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và yêu thích của phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh còn rất hào hứng khi được chung tay xây dựng không gian học tập cho con em mình.
Ông Lò Văn Quýnh, bản Nông Công, xã Thành Sơn, cho biết: “Chúng tôi ở đây còn nhiều khó khăn nên điều kiện để con em đi học thiếu thốn. Nghe thầy giáo nói làm mô hình cho các cháu tôi rất thích. Vì đó là những vật dụng rất sẵn có ở địa phương, từ tre, luồng, thổ cẩm. Thế mà khi làm xong trông cũng đẹp lắm, chúng tôi vui lắm”.
Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được tái hiện chân thực (Ảnh: Hồng Quân).
Những chiếc thoi, phưm dệt vải truyền thống được đưa vào trưng bày tại “không gian văn hóa” (Ảnh: Hồng Quân).
Các bộ trang phục truyền thống của người dân địa phương (Ảnh: Hồng Quân).
Thầy Hiệu trưởng 15 năm vượt qua xì xào "đàn ông dạy mầm non"
Ít ai biết về câu chuyện "dở khóc, dở cười" trên quá trình phấn đấu trở thành Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa của thầy Trịnh Hồng Quân.
Bị bảo vệ đuổi khi đi thi mầm non
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có chuyến ngược núi để đến với vùng cao xã Thành Sơn, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), nơi một năm chỉ có vài tháng có ánh nắng còn lại sương mù bao phủ, để gặp người thầy đặc biệt của học sinh mầm non.
Trường mầm non Thành Sơn nơi có 3 giáo viên nam công tác.
Thầy Trịnh Hồng Quân (SN 1985) trong gia đình không ai theo nghề giáo tại huyện vùng cao Bá Thước. Ngay từ khi còn nhỏ thầy đã có ước mơ là trở thành một giáo viên sư phạm, nhưng cơ duyên đến với thầy sau này lại là giáo viên mầm non.
"Ban đầu khi tôi chọn để thi vào ngành sư phạm mầm non thì người thân, bạn bè có người động viên, có người ngăn cản vì nhiều người nghĩ đàn ông thế này, thế nọ mới chọn ngành mầm non. Nhưng về sau rồi mọi người cũng chấp nhận và có suy nghĩ khác về tôi", thầy Quân tâm sự.
Thầy Trịnh Hồng Quân chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn nghề giáo viên mầm non.
Nói về quá trình chọn nghề sư phạm mầm non thầy Quân vẫn nhớ như in trong đầu ngày đi thi vào đại học. "Lúc đó tôi thi vào ngành sư phạm mầm non của Trường Đại học Hồng Đức, khi bước vào trường để dự thi thì bị bảo vệ ngăn lại và đuổi ra ngoài, còn bảo "đây là khu vực thi dành cho mầm non anh vào đây làm gì?". Sau khi tôi giải thích và đưa giấy dự thi cho bảo vệ kiểm tra thì họ mới cho tôi vào", thầy Quân kể lại.
Học sư phạm mầm non đối với những nữ sinh là chuyện bình thường nhưng đối với nam sinh là cả một vấn đề khi phải học múa, hát, tạo hình... Thầy Quân chia sẻ ban đầu thầy cũng có chút e ngại vì cả lớp có mỗi mình là con trai, nhưng rồi theo thời gian mọi việc cũng quen dần.
Đặc biệt trong quá trình theo học, vì là nam sinh hiếm hoi nên thầy Quân cũng được giáo viên trong trường quan tâm, tạo điều kiện trong việc học tập và sinh hoạt.
Hàng tuần thầy Quân vẫn lên lớp giảng dạy cho các em học sinh.
Không hối hận về lựa chọn của mình
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, Trường Đại học Hồng Đức, năm học 2006, thầy Quân về công tác tại Trường mầm non xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước.
Tại đây, thầy công tác 11 năm trước khi được luân chuyển lên làm Phó hiệu trưởng (2 năm) tại Trường mầm non xã Thiết Ống và rồi lên làm Hiệu trưởng tại Trường mầm non Thành Sơn.
"Ngày đầu đến trường nhận lớp cách đây 15 năm, tôi cũng cảm thấy bình thường vì đã được học tất cả kiến thức và cũng đã đi kiến tập, thực tập, làm quen với công việc, học sinh rồi nên không có gì cảm thấy bỡ ngỡ cả", thầy Quân cho biết.
Lên Thành Sơn vừa xa xôi, vừa khó khăn nhưng không làm cho thầy Quân nhụt chí, thầy từng ngày vẫn cùng các thầy, cô giáo trong trường cố gắng tất cả vì học trò thân yêu. Chính từ tình yêu trẻ như chính con của mình nên thầy Quân chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn nghề mầm non.
"Nhiều khi chứng kiến các em đi học ăn mặc phong phanh, không đủ ấm khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Cũng từ đó tôi kêu gọi giáo viên và liên hệ với các tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ quần áo cho các em học sinh", thầy Quân chia sẻ.
Trường mầm non Thành Sơn không chỉ có thầy Quân là giáo viên nam mà còn có 2 giáo viên nam khác là thầy Bùi Văn Bông và thầy Ngân Văn Tùng cũng đang tham gia giảng dạy tại đây.
Thầy Ngân Văn Tùng (SN 1986) cho biết: "Sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất Thành Sơn, ngay từ nhỏ tôi đã có ước mơ trở thành giáo viên để chăm sóc, giảng dạy cho chính những người con của quê hương mình với mong muốn sau này giúp quê hương đỡ khó khăn, vất vả hơn.
Khi học sư phạm mầm non ban đầu tôi cũng thấy ngượng ngùng, nhưng được mọi người giúp đỡ rồi tôi cũng dần quen và cảm thấy việc nam giới dạy học mầm non là chuyện bình thường".
Thầy Ngân Văn Tùng đưa cơm đến điểm lẻ.
Nhìn vào những tấm gương thầy giáo mầm non tận tụy với nghề ở Trường mầm non xã Thành Sơn mới thấy công tác giáo dục không phân biệt sang hèn, nam hay nữ, miễn là mỗi người có trái tim nhiệt huyết, tinh thần học tập không ngừng nghỉ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Chúng tôi tin rằng những người thầy như thế cũng sẽ là động lực để các em học sinh vùng cao nơi đây kiên trì tới trường lớp, tiếp thu kiến thức để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Thầy hiệu trưởng "đặc biệt" nơi vùng sơn cước Bỏ lại những lời dị nghị, dèm pha, với tình yêu nghề, mến trẻ đặc biệt, thầy Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) đã và đang tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp nuôi dạy trẻ nơi vùng cao đặc biệt khó khăn. Thầy giáo Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng trường mầm non xã Thành Sơn,...